Cao Bằng là một tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc, có 333,403 km đường biên giới giáp với Trung Quốc, địa hình phức tạp núi non hiểm trở, được ví như phên dậu của đất nước. Cao Bằng được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, hang động phong phú; hồ nước, sông suối, thác nước tự nhiên trong xanh, hùng vĩ. Cao Bằng từng biết đến với những địa danh lịch sử cách mạng nổi tiếng như: Khu di tích lịch sử Trần Hưng Đạo; Khu di tích lịch sử Lam Sơn; khu di tích lịch sử Đông Khê... Đặc biệt, là khu di tích lịch sử Pác Bó - nơi đây sau 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941 Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc xây dựng căn cứ địa trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã chọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động thời kỳ 1941-1945, khởi đầu phong trào Cách mạng giành độc lập, giải phóng dân tộc.
Cao Bằng có 8/13 huyện, thị có di tích lưu niệm gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ cách mạng, thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc (1941 - 1945), thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp (1945 - 1954) và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1954 - 1961).
Với thời gian hoạt động cách mạng tại Cao Bằng, Người đã để lại tình cảm sâu nặng bao la in đậm trong ký ức của mỗi người dân Cao Bằng. Để tỏ lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng cùng với các Bộ, ban, ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương đã quan tâm đầu tư nhiều hạng mục công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng làm nơi tưởng niệm, dâng hương, dâng hoa, báo công, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thông yêu nước về tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại như Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trung tâm thành phố Cao Bằng, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Nguyên Bình), Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khuôn viên trụ sở Công an tỉnh Cao Bằng, cụm tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi quan sát chỉ huy chiến dịch biên giới năm 1950 tại núi Báo Đông (Thạch An), Phù điêu Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, công nhân ngành vận tải của quân đội tại Nà Roác xã Bạch Đằng (Hoà An).
Xin được nêu một số thông tin tư liệu về các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng
1. Công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trung tâm thành phố Cao Bằng
Được sự đồng ý của Ban bí thư trung ương Đảng, tỉnh Cao Bằng đã tiến hành xây dựng tượng đài và tổ chức hội thảo khoa học đề ra yêu cầu đối với tác phẩm, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng ở Cao Bằng là một công trình văn hoá nghệ thuật thuộc tầm cỡ Quốc gia, chất liệu bằng đá, tượng đơn, toàn thân cao 6m, đứng trên bệ cao 3m có tính khái quát cao nhưng phải thể hiện được những nét riêng, độc đáo ở Cao Bằng mà vẫn hoà nhập chung với sự thống nhất và tác động chung đối với cả nước, cả dân tộc. Tượng Bác Hồ mặc áo dân tộc Nùng thời kỳ (1941 - 1945) được nhà điêu khắc Nguyễn Minh Đỉnh sáng tác có nhiều ý nghĩa sâu sắc, giản dị và trang nghiêm gần gũi với đồng bào Cao Bằng.
Công trình xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được khởi công ngày 2/9/1998; với sự tham dự của các đại biểu Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, các đồng chí lão thành cách mạng, các đoàn đại biểu của các ban, ngành, đoàn thể ... tượng được làm bằng chất liệu đá khối. Kết cấu của tượng được chia làm 9 thớt gồm 22 viên khối lớn được liên kết với nhau bằng lõi bê tông và các móc sắt, giữa các mạch ghép với nhau bằng chất kết dính với bột đá để làm vữa xử lý các nối ghép đảm bảo tính liên tục của khối tượng. Đây là tượng đài đầu tiên có viên đá khối lớn nhất ở nước ta, một công trình nghệ thuật đặc biệt quan trọng vó ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn như một dấu ấn lịch sử chói lọi tự hào của dân tộc ta.
Ngày 28/1/2000, các hạng mục công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành, buổi lễ khánh thành tượng đài được tổ chức trọng thể đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và 59 năm ngày Bác Hồ vệ nước. Tượng Bác Hồ được tạc từ đá khối lớn cao 9m (kể cả bệ) nặng hơn 10 tấn, đây là một công trình tượng đài đẹp, bề thế, đạt chất lượng nghệ thuật và tính tư tưởng cao. Tượng đài được đặt ngay trung tâm Thành phố Cao Bằng, với khuôn viên là một thảm cây xanh đẹp có thếm lát đá. Thế đứng của tượng được bố cục về hướng Nam. Bác Hồ đứng đó uy nghi nhưng xiết bao gần gũi trong bộ quần áo dân tộc Nùng, gương mặt Bác sáng ngời với vầng trán mênh mông và đôi mắt tinh anh phóng tầm xa nhìn bao quát cả non sông đất nước; Thần của tượng toát lên ý trí sắt đá quyết tâm giành độc lập dân tộc. Bệ tượng được mô phỏng cách điệu hoá núi Các Mác, suối Lê Nin, có "Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng" và máy chữ người sử dụng ở Pác Bó.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại Trung tâm thị xã Cao Bằng là niềm vinh dự lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, trở thành Trung tâm văn hoá, chính trị như: Tổ chức mít tinh kỷ niệm những ngày lễ lớn, dâng hương, dâng hoa, rước đuốc, lễ báo công ... của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.
2. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó (Hà Quảng)
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó là một trong những công trình quan trọng trong dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Pác Bó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định sô 1146/QĐ-TTg ngày 29/8/2007. Đền được khởi công xây dựng ngày 19/5/2010, khánh thành ngày 19/5/2011. Toàn bộ công trình gồm Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khuôn viên cây xanh được xây dựng quy hoạch với tổng diện tích trên 5000 m2. Toạ lạc trên ngọn núi “ linh thiêng” theo tiếng địa phương có tên gọi là Tếnh Chấy thuộc khu vực trung tâm Khu di tích Pác Bó.
Đền quay hướng Nam, phía Bắc tựa lưng vào núi tạo thế vững trãi cho công trình. Dưới chân núi là dòng suối Lê Nin trong xanh bắt nguồn từ đầu nguồn Cốc Bó ôm lấy núi Tếnh Chấy, nhìn xa chúng ta có thể thấy Đền thờ như hình đầu rồng vươn cao, “đây là thế rồng cuốn, hổ ngồi”, là thế các nhà tiên tri về phong thủy ví như thế của bậc đế vương, linh thiêng và trường tồn mãi mãi.
Từ sân trung tâm lên tới Đền qua 169 bậc, 100 bậc đầu tiên là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1990); 69 bậc tiếp theo là năm 1969, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta đã đi xa, năm ghi dấu tình cảm tiếc thương của dân tộc ta với Bác.
Toàn bộ khuôn viên, cây xanh được thiết kế, bố trí trồng các loại cây gắn với kỷ niệm sâu sắc về cuộc đời, quê hương của Bác, về thành quả cách mạng to lớn của Trung ương Đảng, của Bác Hồ đã cống hiến cho dân tộc ta.
Kết cấu, ý tưởng thiết kế của công trình và những hình khối như: đồ thờ, gạch, đá, khoảng cách kết cấu, bậc thang, … đều gắn với con số 9. Số 9 theo quan niệm của người Phương Đông là trường tồn, vĩnh cửu. Bác mong muốn dân tộc Việt Nam mãi trường tồn và phát triển sánh vài với cường quốc năm châu. Đá lát sân và sàn nhà rộng 63 x 63cm, cột có đường kính 63 cm, khoảng cách các cột, rầm dài 72 và 36 cm, bậc thang cao 18 cm và mặt rộng 36 cm …
Đền thờ là hình ảnh cách điệu ngôi nhà sàn duyên dáng của người dân tộc Cao Bằng; giản dị, trang nghiêm, có tính biểu tượng cao và gây ấn tượng sâu sắc. Đây không chỉ là đền thờ Bác mà còn là nơi thể hiện công lao to lớn của Người; thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng của dân tộc ta với Người và cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước đối với mọi thế hệ con cháu Việt Nam.
Phía trên của Đền là biểu tượng lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh - Ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. Tại vị trí trang trọng nổi bật là bức hoành phi và đôi câu đối do Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu phụng thảo. Bức hoành phi “Hồng nhật cao minh” ví chủ tịch Hồ Chí Minh như ánh mặt trời đỏ chiếu sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Đôi câu đối:
“Lãnh tụ trở về, nhật nguyệt bừng lên trời Pác Bó
Anh hùng tụ lại, tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng.”
Hàm ý:
- Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc xây dựng căn cứ địa (về Pác Bó) từ đó núi rừng Pác Bó bừng lên rực sáng như ánh mặt trăng, mặt trời.
- Những nhà cách mạng xuất sắc tụ lại như những vị anh hùng làm tinh hoa đất trời Cao Bằng rực sáng.
Bức hoành phi và đôi câu đối được viết bằng chữ Việt Chân phương toát lên đức tính giản dị, khiêm nhường của Bác.
Bốn bức tường là bốn bức phù điêu lớn thể hiện các sự kiện lịch sử trọng đại và các địa danh gắn liền với cuộc đời hoạt động vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tượng Bác được đúc bằng hợp kim đồng có kích thước cao 1,8m, nặng 1,26 tấn được an toạ tại linh thờ trung tâm của Đền; Tượng Bác tựa lưng vào núi rừng Pác Bó, nơi có dòng suối Lê Nin trong xanh, hiền hòa, ngọn núi Các Mác hùng vĩ. Sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại, Người quyết định chọn Pác Bó, Cao Bằng trở về nước xây dựng căn cứ địa. Với tầm nhìn xuất chúng Người nhận định “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta…” Núi rừng Pác Bó, nhân dân Pác Bó bao bọc, chở che Người. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (10 – 19/5/1941) tại lán Khuổi Nặm mang đến những quyết định quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Căn cứ địa Pác Bó – Cao Bằng là tiền đề mở ra khu giải phóng rộng lớn gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Từ ngôi làng biên cương nhỏ bé này, ngọn lửa cách mạng âm ỉ cháy được thổi bùng lên từ hơi thở Già Thu và ngọn lửa đó cháy suốt từ Bắc chí Nam.
Bức phù điêu hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được thành lập ngày 22/12/1944. Đội ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Đội có 34 chiến sĩ trong đó có 26 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đội trưởng là đồng chí Hoàng Sâm. Đây chính là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh có 4 sáng lập lớn cho cách mạng Việt Nam: Sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam, Mặt trận Việt Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cao Bằng tự hào là nơi chứng kiến và diễn ra 2 sáng lập lớn: Mặt trận Việt Minh và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Bức phù điêu hình ảnh cây đa Tân Trào, lán Nà Lừa thuộc huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Đây là nơi Người quyết định rời từ Pác Bó, Cao Bằng tới Tân Trào. Ngày 4/5/1945, Người và đoàn cán bộ xuất phát từ Pác Bó vượt qua hơn 400km đường rừng, vừa đi bộ, vừa đi ngựa suốt 18 ngày đêm để đến căn cứ Tân Trào; lán Nà Lừa nơi làm việc của Bác, mái đình Tân Trào nơi triệu tập Quốc dân Đại hội quyết định Tổng khởi nghĩa tháng Tám, cây Đa Tân Trào nơi làm lễ xuất quân của đội Việt Nam giải phóng quân tiến về thủ đô.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đinh, Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là kết quả viên mãn của cách mạng Việt Nam, khẳng định với thế giới mọi dân tộc sinh ra đều có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật nước ta đã trở thành một nước tự do, độc lập. Dân tộc ta quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Cách mạng tháng Tám thành công cả đất nước rợp cờ và hoa.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều giá trị tâm linh, giá trị về giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của trung ương Đảng và Bác Hồ kính yêu; là nơi dâng hương về nguồn, báo công của các tổ chức đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước.
3. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Nguyên Bình)
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Mỏ thiếc Tĩnh Túc được xây dựng nhân kỷ niệm 52 năm, ngày 15/9/1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với công nhân, cán bộ mỏ thiếc Tĩnh Túc - Cao Bằng - Cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam tại Vùng biên cương Tây Bắc của Tổ quốc. Thể theo nguyện vọng của công nhân, cán bộ ngành khoán sản, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinacomin đã có quyết định công nhận và lấy ngày 15/9 hàng năm trở thành ngày truyền thống của thợ mỏ ngành khoáng sản Việt Nam.
Công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại mỏ thiếc Tĩnh Túc giầu truyền thống cách mạng thể hiện lòng thành kính và biết ơn sâu sắc của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng; của công nhân, cán bộ ngành khoáng sản nói riêng và của công nhân, cán bộ ngành Than - Khoáng sản Việt Nam nói chung đối với Bác Hồ kính yêu; Công trình được xây dựng trên cơ sở thống nhất chủ trương giữa lãnh đạo tỉnh Cao Bằng và lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, sự đồng ý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và công trình được xây dựng từ vốn do công nhân, cán bộ Tổng công ty Khoán sản Vinacomin và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đóng góp. Với ý nghĩa đặc biệt và tầm quan trọng của công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là địa chỉ văn hoá, lịch sử, tâm linh nhằm giáo dục truyền thống đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn" cho các thế hệ trẻ của ngành luyện kim Cao Bằng nói riêng và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nói chung.
Trong những năm qua, các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng đã phát huy có hiệu quả, đặc biệt là công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Pác Bó mỗi năm đón tiếp hàng 100 ngàn lượt khách đến dâng hương, đâng hoa, lễ báo công, kết nạp đảng, đoàn … của các ban, ngành đoàn thể và khách thập phương trong và ngoài nước, là địa chỉ đỏ có nhiều giá trị về tâm linh, du lịch về nguồn và du lịch sinh thái.
Nguồn tin: Đào Văn Mùi – Khu di tích Pác Bó (nay thuộc BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn