HÌNH ẢNH HỒ CHÍ MINH - NGƯỜI THẦY GIÁO NƠI NÚI RỪNG PÁC BÓ

Thứ ba - 21/07/2020 23:25

Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta thường nhớ đến vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất đã để lại cho đời những giá trị cao cả, lớn lao, người truyền cảm hứng cho bao thế hệ ngày hôm qua và mai hậu. Hồ Chí Minh là sự tổng hòa của một nhà quân sự lỗi lạc, nhà văn hóa tiến bộ, nhà chính trị - ngoại giao xuất sắc. Nhưng trước hết, trên và trong hành trình đi tìm hình của nước, Người là một nhà giáo. Tuy dấu ấn về người thầy và nghề dạy học chỉ được khắc họa một phần nhỏ trong sự nghiệp cống hiến lớn lao của Người, song nó đã để lại những bài học vô cùng quý báu đối với sự nghiệp giáo dục ở nước ta nói chung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng nói riêng.

Có thể nói, hình ảnh người thầy và nghề dạy học của người gắn liền với quá trình chuyển biến nhận thức và xây dựng, lãnh đạo cách mạng nước ta: quá trình phát triển từ thầy giáo - thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành giảng dạy tại trường Dục Thanh năm nào đến thầy giáo - chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc với công tác huấn luyện chính trị tại Trung Quốc và thầy giáo - lãnh tụ Hồ Chí Minh với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng tại Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết này xin được đề cập đến vai trò người thầy giáo Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở Pác Pó, Cao Bằng những năm 1941-1945.

Trong văn hóa truyền thống của người Việt, hình ảnh ông đồ áo the khăn xếp, ngồi truyền thụ kiến thức văn hóa, đạo đức, chữ viết cho học trò đã quá đỗi thân quen. Thầy giáo là người được đánh giá cao trong xã hội bởi là người sống mẫu mực, có thể hà khắc nhưng hơn hết là tấm lòng thương yêu học trò, nhất là học trò nghèo. Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh những bậc thầy “đức cao vọng trọng” - tấm gương sáng ngời về cốt cách thanh cao, không bị cám dỗ bởi tiền tài và danh vọng. Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng ấy tuy có thể không được ghi danh trong bảng vàng bia đá nhưng đã làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và được lưu truyền mãi mãi. Các thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thiếp, Lê Đình Diên, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sinh Sắc… đều là những tấm gương tiêu biểu về nhân cách ngời sáng của người thầy mẫu mực, tài giỏi, ngay thẳng, cương trực, không màng danh lợi. Họ được nhân dân kính trọng, tôn quý, vị nể và được ví như “cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”. Và chính họ đã tạo nên một truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo cho văn hóa Việt Nam.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề dạy học trên quê hương xứ Nghệ, Bác luôn đề cao xứ mệnh của người thầy giáo, đồng thời Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài; là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Người từng viết: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…, những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

Còn nhớ, trong những năm đầu của thuở thanh xuân, trước khi trở thành người cộng sản Nguyễn Ái Quốc thì chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành chính là thầy giáo yêu nước đã truyền dạy cho học trò trường Dục Thanh kiến thức văn hóa, gieo vào tâm trí họ ý thức về nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu nước, yêu đồng bào và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước qua mỗi bài giảng. Cứ thế, những học trò của thầy Thành tiếp thu đạo làm người, cách sống, cách cư xử với mọi người. Sau này, qua những tháng năm bôn ba trên đường đi tìm hình của nước, kinh nghiệm cuộc sống, nhận thức về tư tưởng chính trị dẫn đến sự thay đổi về nội dung truyền thụ cho học trò. Ngay khi tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, bằng nhãn quan chính trị sắc sảo, Người đã sớm nhận ra vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng.

Điều đặc biệt là Hồ Chí Minh chưa từng được học qua trường lớp đào tạo sư phạm nào. Nhưng quá trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cách mạng của Người ở mỗi giai đoạn, mỗi địa phương lại được Người sử dụng phương pháp riêng để đạt được hiệu quả cao nhất.

Mùa xuân năm 1941 mãi là dấu mốc lịch sử trong cuộc đời Hồ Chí Minh nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng. Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Người trở về quê hương với những bước chân đầu tiên đặt lên mảnh đất Cao Bằng. Cao Bằng đón Bác trở về trong niềm vui khôn xiết, háo hức, đợi chờ. Nhiều giai thoại ghi lại tại cột mốc 108 biên giới Việt - Trung, nơi Người đặt những bước chân đầu tiên khi về. Nhưng câu chuyện Bác đứng lặng ngắm nhìn núi rừng Cao Bằng, rồi cúi xuống cầm một nắm đất lên hôn mà đôi mắt rưng rưng để lại nhiều cảm xúc nhất. Đó không chỉ là hành động diễn tả nỗi nhớ quê hương, niềm khao khát ngày trở về, mà còn là bài học sâu sắc, thấm thía dạy mỗi người dân xa quê khôn nguôi niềm đau đáu về đất nước. Không cần một triết lý cao siêu, không cần một lời giảng giải, chỉ một hành động đơn giản ấy của Người đã chứa đựng bài học lớn lao về tình yêu quê hương đất nước.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ cách mạng, nhằm xây dựng và bồi dưỡng ý thức chính trị, đạo đức, tác phong của cán bộ, đảng viên để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả mà Đảng và nhân dân giao phó. Theo Người, người cán bộ có vị trí là “cầu nối” giữa Đảng, Chính phủ với quần chúng nhân dân. Nhiệm vụ của cán bộ là “đem” đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với đông đảo quần chúng nhân dân, giải thích, hướng dẫn cho quần chúng nắm vững, hiểu rõ và thực hiện đúng các nghị quyết, chủ trương, chính sách pháp luật. Để làm được như vậy, người cán bộ phải là những người có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất để phổ biến, truyền đạt cho quần chúng, được quần chúng tin cậy, gửi gắm. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân nên nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được. Không chỉ vậy, theo quan điểm của Người, người cán bộ còn phải nhận biết, nắm chắc được tình hình thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng để phản ánh, báo cáo với tổ chức, với Đảng để có cơ sở thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, chính sách. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, về đến Cao Bằng, Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo rất nhiều cán bộ, nhằm chuẩn bị lực lượng cho việc khởi nghĩa giành chính quyền. Đối tượng học trò của Người giờ đây cũng không chỉ là học sinh trường Dục thanh nữa, mà là cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân. Nội dung truyền tải đã chuyển thành văn hóa, kỹ năng sống, là phương pháp cách mạng, là đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng.

Ngày ấy, những đồng chí cán bộ cốt cán cũng như một số quần chúng kiên trung khác là người địa phương, phần lớn là người dân tộc thiểu số, chữ quốc ngữ không biết, nghe và nói tiếng phổ thông cũng chưa rành, trình độ nhận thức còn thấp trong khi nhiệm vụ cấp thiết lúc bấy giờ của Đảng là phải tiến hành mở các lớp huấn luyện về chương trình của Việt Minh, điều lệ của Hội Cứu quốc…Vấn đề huấn luyện cán bộ đặt ra là phải dạy chữ viết, dạy văn hóa và thông qua dạy văn hóa mà tuyên truyền đường lối cách mạng. Xác định: “Muốn nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, trước hết phải nâng cao trình độ văn hóa cho họ!”, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bắt đầu dạy họ từ bảng chữ cái quốc ngữ đầu tiên với giấy bút, hòn gạch, thậm chí nhắc nhở trước khi đi ngủ dùng ngón tay viết trên chăn cho nhớ. Bác kiên trì dạy ngày này qua ngày khác, từ chữ cái viết thường đến chữ cái viết hoa. Chữ viết hoa khó nên Bác phải giảng giải, chỉ dẫn cụ thể, chi tiết. Bác quyết tâm dạy, cán bộ quyết tâm học. Nhờ cách dạy, cách truyền đạt kiến thức nhẹ nhàng, ân cần và rất dễ hiểu mà chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ chưa biết chữ, nhiều đồng chí cán bộ đã đọc thông, viết thạo, biết tính toán một cách thuần thục. Sau này, chính họ trở thành những người thầy giáo, cô giáo của các lớp bình dân học vụ, góp phần không nhỏ xóa nạn mù chữ cho nhân dân Cao Bằng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Có thể nói, chính Hồ Chí Minh là người đặt nền móng đầu tiên cho giáo dục phổ thông ở Pác Pó nói riêng và Cao Bằng nói chung.

Ngay cả khi những cán bộ cách mạng trước đây được Người trực tiếp đứng lớp giảng dạy thì nay đảm nhận vai trò giảng dạy trở lại cho những cán bộ tại địa phương, cho quần chúng, đảng viên và nhân dân. Bác vẫn hướng dẫn, chỉ bảo họ cụ thể để đạt được hiệu quả cao nhất.

Về phương pháp, Người đã vận dụng cả ba hình thức: 1- hướng dẫn cán bộ có thể tự đào tạo, bồi dưỡng; 2- đào tạo, bồi dưỡng theo trường lớp; 3- vừa đào tạo, bồi dưỡng theo trường lớp, vừa kết hợp tự đào tạo, bồi dưỡng qua thực tiễn công tác. Với mỗi hình thức, Bác lại sử dụng một “giáo án” khác nhau. Với hình thức tự đào tạo, bồi dưỡng, Bác hướng dẫn cán bộ tự xây dựng kế hoạch học tập của mình, học mọi lúc, mọi nơi, học lúc thành công hay cả khi thất bại. Khi đã đào tạo, bồi dưỡng theo trường lớp, có thể do Bác trực tiếp phụ trách hoặc do các đồng chí khác thực hiện, Người đều yêu cầu xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể, phương pháp thuyết giảng dễ nghe, dễ hiểu, dễ áp dụng và làm theo. Nhưng có lẽ, Người sử dụng nhiều nhất là hình thức thứ 3 bởi chính những trải nghiệm của Người. Cần nhấn mạnh rằng Hồ Chí Minh chưa từng trải qua lớp bồi dưỡng, huấn luyện chính thức nào về lý luận chính trị. Những tri thức uyên thâm của Người có được đều do Người tự học tập, nghiên cứu tài liệu và chiêm nghiệm từ cuộc sống mà nên. Nhưng không phải vì thế mà Người xem nhẹ việc mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và nhân dân. Bằng chứng là đầu năm 1925, ngay khi thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, Người đã trực tiếp phụ trách các lớp huấn luyện chính trị, sau đó đưa các hội viên về nước phát triển lực lượng. Đây chính là đội ngũ cán bộ nòng cốt, góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở và thúc đẩy phong trào cách mạng ở nước ta phát triển lên một tầm cao mới.

Thêm vào đó, Bác đã sử dụng linh hoạt mọi hoàn cảnh để có thể mở lớp. Lớp học được tổ chức rất đơn giản: một cái lán nhỏ lợp bằng lá rừng, có sàn kê bằng các khúc gỗ: có khi đặt trong hang đá, bên bờ suối. Lương thực như gạo, ngô, thậm chí cả muối, rau. Không có giấy bút thì lấy đá suối mềm hoặc than củi, que cứng viết lên mặt đá nhẵn, viết xuống mặt đất; rét quá thì đốt lửa học cho ấm.

Trong cuốn Đường cách mệnh, xuất bản năm 1927, Bác đã viết: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả… Sách này chỉ ao ước sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh. Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!”

Do đời sống của nhân dân Cao Bằng ngày ấy rất khó khăn nên bên cạnh việc “học”, cán bộ còn phải lo việc tăng gia sản xuất. Chính từ khó khăn ấy, bằng sự vận dụng linh hoạt phương pháp huấn luyện, đào tạo, Bác đã hướng dẫn các đồng chí chịu trách nhiệm đứng lớp phương pháp giảng dạy để đạt được hiệu quả cao nhất. Bác đã tận tình hướng dẫn các đồng chí phụ trách: “1 - Huấn luyện cho ai? 2 - Huấn luyện những gì? 3 - Huấn luyện trong bao lâu? 4 - Huấn luyện ở chỗ nào? 5 - Lấy gì ăn để mà huấn luyện? Đấy, chú cứ suy nghĩ chung quanh năm điểm ấy mà làm!”. Theo Bác, muốn huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ thì trước hết phải xác định được đối tượng, từ đó xây dựng nội dung huấn luyện, xác định thời gian, địa điểm và cách thức duy trì lớp học.

Bởi đối tượng là cán bộ ở các địa phương khác tới, đường xá không thuận lợi trong khi vắng mặt ở địa phương nhiều sẽ khiến kẻ địch sinh nghi nên thời gian học không được phép kéo dài. Bởi vậy, chương trình học cần phải rút càng ngắn càng tốt. Tuy ngắn gọn nhưng lại phải đầy đủ nội dung, ý tứ. Vậy thì cách giảng Bác nói đơn giản giúp người học dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất. Không dùng câu chữ văn hoa hay lý luận cao siêu để thuyết giảng cho cán bộ, đồng bào, Bác tự biên soạn chương trình và sáng tác nhiều thơ ca, thường là theo thể thơ năm chữ hoặc lục bát dùng làm bài học hàng ngày, vừa dễ thuộc, vừa dễ hiểu. Bài thơ “Hòn đá” Bác viết năm 1942 cũng chính từ mục đích đó:

“Hòn đá to,
Hòn đá nặng,
Nhiều người nhấc,
Nhấc lên đặng.
Biết đồng sức,
Biết đồng lòng,
Việc gì khó,
Làm cũng xong”

Những câu thơ không mang nhiều tính nghệ thuật, nhưng lại dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu và vì thế đã phát huy hiệu quả tối đa trong việc tuyên truyền, cổ động tinh thần đoàn kết của nhân dân. Hồ Chí Minh thường hay phê bình việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách không thiết thực do không chú ý phù hợp đối tượng. Thậm chí, Người thường phê bình những giảng viên cứ thao thao bất tuyệt nào là chủ quan, khách quan, biện chứng… mà không chú ý rằng, những người dự lớp huấn luyện có khi là những học viên vừa được xóa mù chữ.

Từ nhỏ đã quen với câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Người là cha, là bác, là anh”. Bác không chỉ là người thầy của những cán bộ được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ khác và nhân dân, mà Bác còn là người thầy của chính đồng bào nhân dân Pác Pó, người thầy gần gũi đến độ gắn bó với nhân dân như máu thịt. Bác tận tình hướng dẫn đồng bào từ việc canh tác nông nghiệp đến kỹ năng sống hàng ngày một cách rất tự nhiên, giản dị như tính cách, con người của Bác.

Bên cạnh việc dạy văn hóa, dạy lý luận chính trị, Người còn dạy lẽ sống cho đồng bào. Giờ đây không phải là trên lớp học, cũng không cần giáo án và không phải là giáo viên đứng lớp, mà chính thái độ, cách ứng xử của Bác trong cuộc sống thường ngày giúp cho những người xung quanh tự rút ra bài học cho mình. Sự chân thành, cởi mở đến từ tình yêu thương bao la của Bác với đồng bào Pác Pó. Mỗi người chúng ta chắc hẳn còn nhớ câu chuyện “Bát cháo trứng” mà Bác đã từ chối sự ưu tiên dành cho mình để nhường cho cụ cố nhà đồng chí Dương Đại Lâm. Hành động ấy làm toát lên tính khiêm nhường của Bác, song cũng từ đây chúng ta rút ra bài học về sự lễ phép, kính trên nhường dưới. Hay đằng sau câu thơ “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng” trong bài “Tức cảnh Pác Pó” lại là một câu chuyện xúc động, một bài học về tính tiết kiệm và trân quý những thành quả do công sức lao động mà có.

Hồ Chí Minh là thế! Trong vai trò nào, Người cũng đặt tính hiệu quả lên trên hết, không màng danh lợi. Với vai trò người thầy giáo dạy văn hóa, dạy lý luận chính trị, dạy đạo đức lẽ sống, Người đã thực hiện một cách hoàn hảo. Cho đến tận bây giờ, Người chưa từng được tôn vinh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, trên ngực áo của Người cũng chưa từng được gắn tấm kỷ niệm chương hay huân chương nào của ngành giáo dục, nhưng chính Người đã đặt nền móng cho nền và tạo đà cho giáo dục Việt Nam phát triển. Người đã đào tạo cho nước nhà những học trò lớn như: Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Trần Đại Nghĩa… Họ là những người con đáng quý của dân tộc, những con người góp công sức cho sự nghiệp cách mạng nước nhà thành công.

Để thay cho lời kết, xin được nhắc lại lời nhận xét của nhà thơ Xô viết Ôxíp Manđenxtam nhận xét về người thanh niên Nguyễn Ái Quốc từ cuối năm 1923 như sau: "Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai". Văn hoá của tương lai ở Nguyễn Ái Quốc là văn hoá vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Phải chăng chính ánh sáng văn hóa ấy giúp cho Hồ Chí Minh không chỉ là người đồng bào, đồng chí, người thầy của cán bộ, nhân dân Pác Pó, mà còn là người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

*** *** ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. GS.TS Mạch Quang Thắng: Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị theo quan điểm của Hồ Chí Minh, Cổng thông tin tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. TS. Nguyễn Duy Hùng: Vấn đề cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, bài viết in trong sách “60 năm tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008.

3. Ban Tuyên giáo Trung ương: 117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

4. Kim Chung: Dạy học – Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, website Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tác giả bài viết: Nguyễn Phương Thảo - NXB Chính trị Quốc gia

Nguồn tin: Tham luận tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 77 năm Bác Hồ về nước: 28/01/1941 - 28/01/2018:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây