ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH TẠI KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT PÁC BÓ, XÃ TRƯỜNG HÀ, HUYỆN HÀ QUẢNG, TỈNH CAO BẰNG

Thứ ba - 21/07/2020 23:54

1. Một vài nét chung về khu di tích Pác Bó và du lịch Pác Bó

Pác Bó là một khu di tích lịch sử cách mạng quốc gia đặc biệt của tỉnh Cao Bằng. Di tích này nằm ở bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, cách thành phố Cao Bằng 55 km về phía Bắc. Pác Bó gắn liền với hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là những năm tháng lãnh đạo gian khổ của Đảng ta để đưa cuộc cách mạng dân tộc tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời, đây còn là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, với truyền thống văn hóa lâu đời, lễ hội đa dạng, độc đáo sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong những năm qua, doanh thu và số lượng khách du lịch đến khu di tích Pác Bó chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh hiện có.

Với đặc thù về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên nên phát triển du lịch tại khu di tích Pác Bó cần phải trở thành trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hà Quảng cũng như tỉnh Cao Bằng, đây là lợi thế và lựa chọn hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Phát triển du lịch cần phải có điểm đặc trưng, là điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu với những giá trị trải nghiệm về văn hóa, lịch sử cách mạng, với sinh thái cảnh quan thiên nhiên đặc thù, có vẻ đẹp hoang sơ… Vì vậy, trong tương lai, du lịch Pác Bó phải đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng “Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh thu hút trên 75.000 lượt khách quốc tế, 820.000 lượt khách nội địa, thu nhập xã hội từ du lịch đạt hơn 420 tỷ đồng, tỷ trọng GDP du lịch chiếm 3% tổng GDP toàn tỉnh” [1].

Trên thực tế, nước ta hiện đang đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, đàm phán và ký kết các Hiệp định Thương mại, mở cửa thị trường và các cam kết quốc tế về du lịch cũng được thực thi. Năm 2016, nước ta đón được khoảng trên 100 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm đến 35%. Theo báo cáo của BQL khu di tích Pác Bó cho biết: đến hết 31 tháng 12 năm 2016, khu di tích đã đón được 135.000 lượt khách; sau 9 tháng 2017 đã đón được gần 86.000 lượt khách. Vì vậy, trong thời gian tới chắc chắn lượng khách du lịch, trong đó khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng nhanh chóng. Đây là cơ hội phát triển cho ngành du lịch Việt Nam cũng như du lịch Cao Bằng, trong đó có du lịch tại khu di tích lịch sử Pác Bó.

2. Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tại khu di tích Pác Bó

2.1. Tiềm năng phát triển du lịch

Pác Bó gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời họat động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây còn có cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, văn hóa đặc sắc và lịch sử như các địa danh: “Hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là "đầu nguồn"); Nền nhà ông Lý Quốc Súng; Hang Lũng Lạn; Hang Ngườm Vài; Suối Lê Nin; Nền nhà ông La Thanh; Cột mốc 108; Khu ruộng Goọc Mu; Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và sân quảng trường; Khu ruộng Nà Chang; Mộ Kim Đồng; Hang Nộc Én; Pò Đoi - Thoong Mạ; Nhà ông Dương Văn Đình; Núi Các Mác, suối Lê Nin, hang Đầu Hổ; Lán Khuổi Nặm; Hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu” [4].

Mặt khác, Pác Bó gần cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng và 3 cửa khẩu chính: “Trà Lĩnh, Sóc Giang và cửa khẩu Lý Vạn, cùng nhiều cặp chợ biên giới giao thương với Quảng Tây, Trung Quốc là một thế mạnh để hợp tác phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội” [1].

Pác Bó còn là khu di tích nằm trong vườn di sản lịch sử và thắng cảnh với các địa điểm được kết nối và tạo thành tuyến du lịch hấp dẫn khách tham quan với các địa điểm nổi tiếng như: Pác Bó - Khu rừng Trần Hưng Đạo - Thác Bản Giốc - Cao nguyên đá… Đây sẽ là tiềm năng độc đáo để khai thác phát triển đa dạng các loại hình du lịch, trong đó có du lịch về nguồn, sinh thái, khám phá, nghỉ dưỡng…

Bên cạnh đó, Pác Bó và khu vực lân cận có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống tạo nên bản sắc văn hóa đặc sắc. Nơi đây có các dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa… Mỗi dân tộc có phong tục tập quán, văn hóa đặc trưng riêng hội tụ thành vườn hoa đa sắc màu văn hóa hấp dẫn khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm. Hoà quyện với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống của các dân tộc là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào của địa phương. Bên cạnh đó, các giá trị lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, với hàng trăm di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác như: đàn tính, hát Then và các sản vật địa phương, như: mía, thuốc lá, rượu ngô, cây dược liệu... đã được bảo tồn và phát huy giá trị. Nhìn chung, Pác Bó có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch và đem lại những lợi ích kinh tế phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hà Quảng và tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới.

2.2. Thực trạng

* Kết quả về hoạt động du lịch

Du khách đến với Pác Bó ngày một tăng trong những năm gần đây, nhưng lượng khách mang tính chất mùa vụ cao, tập trung vào các lễ hội. Năm 2016, du lịch Cao Bằng phát triển khá tốt, đón 741.547 lượt khách, tăng 13,5 so với năm 2015. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 146,7 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015. Khu di tích quốc gia đặc biệt Pắc Bó đã đón được 135.000 lượt khách đến tham quan và học tập, trong đó có khoảng 16.800 khách quốc tế, chủ yếu là khách Trung Quốc [3]. Nhưng thời gian lưu trú rất ngắn, dưới 1,5 ngày; Du lịch nghỉ dưỡng chiếm tỷ trọng rất nhỏ, nguồn thu từ du lịch chưa thực sự trở thành động lực giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế.

* Cơ sở hạ tầng giao thông, lưu trú

Pác Bó (Cao Bằng) chỉ có một loại hình kết nối giao thông duy nhất là đường bộ với địa hình miền núi hiểm trở, vì vậy để phát triển du lịch cần có sự kết nối các tuyến đường giao thông thuận tiện. Tuyến đường từ Hồ Chí Minh tại Pác Bó hiện đã được triển khai xây dựng và có những nét của con đường hiện đại. Những con đường bê tông liên xã, liên thôn, trải dài qua những bản làng, nhà cao tầng mọc lên ở các thôn, xóm là kết quả từ Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Hà Quảng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong năm 2016 - 2017, huyện Hà Quảng đã bố trí trên 30 tỷ đồng để thực hiện đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng tại các điểm khu di tích lịch sử phục vụ du lịch. Tuy nhiên, hệ thống giao thông ở huyện Hà Quảng vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, đường xá đi lại vẫn gặp những khó khăn.

Dịch vụ lưu trú trên khu di tích Pác Bó vẫn chưa có hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng. Trung tâm huyện Hà Quảng có nhà khách của Ủy ban nhân dân huyện, cùng với vài nhà nghỉ tư nhân nhưng đa số du khách tham quan trong ngày không lưu trú lại.

Dịch vụ xe ô tô điện đầu tư giai đoạn một với kinh phí hơn 5 tỷ đồng được đưa vào hoạt động gồm một bãi đỗ và 11 xe điện. Tuyến giao thông này nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tạo môi trường thân thiện, giảm thiểu ô nhiễm, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Pác Bó, đẩy mạnh thực hiện Chương trình Phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng.

* Sản phẩm du lịch

Du khách đến với khu di tích Pác Bó chủ yếu là du lịch tham quan và du lịch nghiên cứu học tập. Du khách đến đây chủ yếu là thăm quan các điểm du lịch quan trọng như: đền thờ Bác Hồ, nhà bảo tàng, Biểu tượng cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh, cột mốc biên giới Việt - Trung 108 (nay là 675), Hang Cốc Bó, Bàn Đá, Lán Khuối Năm… để tìm hiểu cội nguồn cách mạng, tìm hiểu đời sống của Bác Hồ trong thời kỳ hoạt động tại đây. Bên cạnh đó, du khách còn tham gia giao lưu hoạt động vui chơi, đi píc nic, giao tiếp xã hội…

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, mặc dù ngay bên dòng suối Lê-nin có khoảng chục hàng bán đồ lưu niệm phục vụ khách tham quan, mới nhìn qua cũng thấy đa dạng, phong phú nhưng khi lựa chọn mua một thứ để làm kỷ niệm thì phần lớn khách du lịch đều khó lựa chọn. Các sản phẩm ở đây chủ yếu là những chiếc nón lá của đồng bào, khẩu sli Nà Giàng, một số bộ quần áo có chất vải lanh, những chiếc túi thổ cẩm có thêu chữ Pác Bó - sản phẩm đồ lưu niệm mang dấu ấn bản địa; còn khăn, quần áo, túi xách, móc chìa khóa, đồ trang sức.... Các sản phẩm này mang tính phổ thông và có thể mua được ở nhiều nơi khác. Từ đó cho thấy, hoạt động du lịch Pác Bó chưa tạo được sức hấp dẫn cho điểm đến, chưa tạo ra được lợi nhuận kinh tế, khuyến khích quảng bá hình ảnh du lịch của khu di tích này.

* Chương trình quảng bá xúc tiến, xây dựng hình ảnh về khu di tích

 Theo thông tin của cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng cho biết, trong các dịp kỷ niệm, Ban quản lý khu di tích Pác Bó phối hợp tổ chức triển lãm trưng bày sách, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và triển lãm ảnh tư liệu “Bác Hồ với Cao Bằng”; phối hợp với Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Hà Quảng tổ chức đêm văn nghệ kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 2017, tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức Hội nghị đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch nhằm thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.

Vào tháng 5/2017, chiến dịch thay đổi hình ảnh Việt Nam qua Bộ tiêu chí du lịch được đưa ra chấm điểm tại Pác Bó. Điều đó cho thấy, định hướng công tác đầu tư, phát triển dịch vụ, quản lý... ngày càng được chuyên nghiệp. Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu của địa phương, áp dụng Bộ tiêu chí để tổ chức đánh giá, tôn vinh các khu, điểm du lịch trên địa bàn; nâng cao hình ảnh điểm đến Việt Nam đối với du khách trong và ngoài nước. Sau hoạt động này, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đề xuất và triển khai các kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị của các khu di tích và gắn bó chặt chẽ với các hình thức khai thác du lịch.

* Nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch

Hiện nay, nguồn nhân lực khai thác cho hoạt động du lịch tại khu di tích Pác Bó có khoảng trên 40 cán bộ, nhân viên, trong đó có 11 hướng dẫn viên được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về di sản văn hóa, du lịch, ngoại ngữ… Họ có thể sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mà hoạt động du lịch đặt ra, trong đó có nhu cầu thuyết minh từ các đoàn khách; tại khu đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà trưng bày bảo tàng đều có nhân viên trực và phục vụ khách tham quan theo các hình thức khác nhau. Ngoài ra, tại khu di tích còn có lực lượng lao động hợp đồng phối hợp để đón tiếp khách tham quan với các quy mô đoàn khách khác nhau.

3. Vấn đề bàn luận góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh tế du lịch tại khu di tích Pác Bó

Từ thực trạng nêu trên cho thấy, điểm du lịch Pác Bó được đánh giá khá cao về tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, sự tham gia của cộng đồng địa phương trong hoạt động du lịch, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục như: sản phẩm và dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, quầy thông tin không có, dịch vụ ăn uống ít, dịch vụ tổ chức sự kiện, hội nghị hội thảo không có, dịch vụ mua sắm còn thiếu; quản lý điểm đến, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải chưa tốt.

Một là, tăng cường hợp tác, kết nối du lịch di tích lịch sử Pác Bó với các điểm du lịch khác trong tỉnh và các địa phương lân cận như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Kạn

Khu di tích Pác Bó có thể phát triển các chương trình liên kết du lịch trong vùng thông qua việc hình thành các tour, tuyến du lịch mới, hấp dẫn như: Tour du lịch Hà Nội - Hồ Ba Bể - Thác Bản Giốc - Pác Bó - Rừng Trần Hưng Đạo - Cao nguyên đá; Tour du lịch Hà Nội - Cao Bằng - Rừng Trần Hưng Đạo - Cao nguyên đá - Pác Bó - Thác Bản Giốc - Tân Trào - ATK; Tour du lịch Hà Giang - Hồ Ba Bể - Pác Pó - Rừng Trần Hưng Đạo - Cao nguyên đá - Thác Bản Giốc.

Bên cạnh các tour du lịch liên kết trong vùng, tỉnh Cao Bằng cần tăng cường liên kết, để kết nối du lịch núi với du lịch biển; mở rộng liên kết với các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Triển khai hiệu quả Kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Cao Bằng giai đoạn 2015 - 2020. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch; hợp tác, khai thác tốt các thỏa thuận hợp tác giữa Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc); mở rộng tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước.

Hai là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống cơ sở lưu trú... theo hướng đáp ứng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của du khách

Cao Bằng độc đạo là đường bộ lại chưa có đường cao tốc, trong khi đường đi lại nhiều đèo dốc. Chính điều này là một trở ngại đối với khách di chuyển đến các tuyến, điểm du lịch quan trọng. Chính vì vậy, tỉnh cần bố trí nguồn lực thích hợp từ ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn vay, chương trình mục tiêu về hạ tầng du lịch và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch, trọng tâm là khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, thành phố Cao Bằng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đầu tư thêm hệ thống biển chỉ dẫn thông tin cho du khách, hệ thống bãi đỗ xe, các trạm dừng nghỉ, nhà vệ sinh đạt chuẩn trên các tuyến, điểm, khu du lịch. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thuận lợi sự liên kết hoạt động du lịch giữa các điểm du lịch, du lịch Cao Bằng với các tỉnh trong vùng.

Bên cạnh đó, khu di tích Pác Bó chưa có nhiều nhà hàng ăn uống, dịch vụ giải trí, không gian thư giãn… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Chính vì vậy, tỉnh cần đưa ra các chính sách tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn đầu tư phát triển du lịch hướng tập trung và khu di tích quốc gia Pác Bó. Từ đó, tỉnh sẽ có các nguồn vốn đầu tư, tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ để phục vụ kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng. Theo đó, tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển du lịch liên vùng, thay đổi tư duy từ phát triển “điểm du lịch” thành “vùng du lịch”.

Ba là, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch tại khu di tích Pác Bó

Để hoạt động du lịch trở thành hoạt động sinh kế cho người dân thì việc nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực, phát triển du lịch song song với việc nâng cao ý thức và năng lực cộng đồng là một trong những vấn đề cần giải quyết của khu di tích quốc gia Pác Bó.

Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, nên mở các lớp đào tạo ngắn hạn về thuyết minh viên tại điểm; xúc tiến quảng bá du lịch Cao Bằng cũng như khu di tích Pác Bó trên các mạng internet; tham gia hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để đưa hình ảnh du lịch Cao Bằng đến gần hơn nữa với khách du lịch trong và ngoài nước.

Đối với nguồn nhân lực du lịch có trình độ, tỉnh Cao Bằng cần xây dựng dự án chuẩn hóa nhân lực du lịch theo các tiêu chuẩn chất lượng như tiêu chuẩn VTOS. Theo đó, các doanh nghiệp lưu trú du lịch, khách sạn cần đào tạo nhân viên những kỹ năng then chốt theo tiêu chuẩn chất lượng; Các cơ sở đào tạo và dạy nghề sử dụng tiêu chuẩn chất lượng để thiết kế chương trình đào tạo về khách sạn và du lịch. Đề làm được điều này cần sự phối hợp từ chính quyền địa phương cùng nhân dân và các cơ sở đào tạo. Cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo cho doanh nghiệp, người dân từ nguồn ngân sách địa phương và các quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Bốn là, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân

Phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương là tập trung mọi nguồn lực đầu tư để đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn cho du lịch Cao Bằng nói chung, khu di tích quốc gia Pác Bó nói riêng.

Tại khu di tích Pác Bó điều kiện tự nhiên mát mẻ, quang cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, cùng với di tích cách mạng mang ý nghĩa lịch sử lớn lao có các dân tộc anh em cùng sinh sống tạo nên nét phong tục văn hóa vùng miền đặc sắc. Đây là những điều kiện thiên phú để Pác Bó phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương với tính bền vững và cạnh tranh cao nhất.

Phát triển các sản phẩm hàng lưu niệm phục vụ cho du lịch là việc làm rất cần thiết, với trọng tâm là phải khơi dậy nghề thủ công truyền thống. Thời gian qua đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến khảo sát, đánh giá về vấn đề phát triển sản phẩm đồ lưu niệm để phục vụ cho du lịch tại Cao Bằng. Trong Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh cũng có hướng phát triển các sản phẩm du lịch nói chung và đồ lưu niệm nói riêng, nhằm tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng từng vùng miền để thu hút khách du lịch, thúc đẩy kinh tế du lịch Cao Bằng phát triển một cách bền vững.

Khai thác, phát triển nhà ở thành nhà nghỉ cộng đồng để kết hợp du lịch tham quan, du lịch văn hóa tìm hiểu truyền thống. Trước nhu cầu du khách thích nghỉ tại bản làng nên nhiều hộ gia đình người dân đã tu sửa ngôi nhà trở thành nhà nghỉ cộng đồng phục vụ du khách.

Năm là, cần ban hành chính sách riêng cho khu di tích quốc gia Pác Bó

Đầu tư du lịch phù hợp với tình hình địa phương; hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu thị trường du lịch; đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh dành cho khách du lịch quốc tế đến Cao Bằng. Du lịch phát triển tạo thêm thu nhập cho người dân, giúp cho người dân càng nhận thức rõ về vai trò của di tích cách mạng, di sản văn hoá truyền thống với vấn đề sản xuất các sản phẩm du lịch, phát triển hoạt động du lịch. Đông thời, du lịch phát triển tạo thêm nguồn thu cho người dân có điều kiện để tái tạo, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Người dân (đặc biệt là lớp trẻ) càng tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông đi trước, gìn giữ và phát triển truyền thống đó cho thế hệ sau. Như vậy, hoạt động kinh tế vừa là phương tiện vừa là mục tiêu phát triển du lịch. Sự gắn bó hữu cơ giữa kinh tế và văn hóa (du lịch) là đặc điểm cơ bản của du lịch và là xu hướng phát triển ở các địa phương trong cả nước hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Tổng cục Du lịch, 2017, Cao Bằng cần đẩy mạnh phát triển du lịch, 2/12/2017,
  2. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/22896
  3. Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, 2/12/2017, http://dukhach.caobang.gov.vn/node/137
  4. Sở VH,TT&DL tỉnh Cao Bằng (2012), “Lý lịch khoa học di tích Quốc gia đặc biệt”, trong Hồ sơ khoa học quốc gia đặc biệt di tích Lịch sử Pác Bó (Xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bẳng), Cao Bằng.
  5. Thủ tướng chính phủ, 2011, Quyết định số 2473/QĐ - TTG, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  6. 4.https://baomoi.com/cao-bang-can-tap-trung-day-manh-phat-trien-du-lich/c/21637077.epi
  7. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/24987

Tác giả bài viết: TS. Phạm Thị Minh Nguyệt - Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên

Nguồn tin: Tham luận tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 77 năm Bác Hồ về nước: 28/01/1941 - 28/01/2018

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây