Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc của dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.
Việc tiếp thu những tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc từ thuở thiếu thời, đặc biệt là trong thời gian sinh sống, học tập tại Huế - một trung tâm văn hóa, giáo dục lớn của Việt Nam đương thời- không chỉ góp phần bồi đắp tinh thần dân tộc và nung nấu động cơ tìm đường cứu nước của nhà yêu nước trẻ tuổi Nguyễn Sinh Cung -sau đó là Nguyễn tất Thành- mà còn là hành trang tinh thần của nhà cách mạng Nguyễn ái Quốc trong quá trình tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật phương Tây những năm sau này.
Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, ngoài những hoạt động chính trị, để có những hiểu biết chính xác, toàn diện về lịch sử và truyền thống văn hóa của các dân tộc trên thế giới, Nguyễn ái Quốc còn dành không ít thời gian cho việc tham quan các di tích và bảo tàng các nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và những nơi Người đã có dịp đặt chân đến.
Trong thời gian sống và hoạt động tại Pháp, Người còn tham gia vào các tổ chức quần chúng như “Hội Nghệ thuật và Khoa học”, “Hội Những người bạn của nghệ thuật”, “Hội Du lịch”,...để có điều kiện đi thăm các di tích và bảo tàng ở những khu vực khác nhau trên đất Pháp và các nước như Thuỵ Sĩ, Đức, Italia và Toà Thánh Vaticăng,...
Vào những thập kỷ sau này,trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam,mặc dù còn bận trăm công ngàn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đi thăm các khu di tích và bảo tàng ở trong nước và nước ngoài.
Với tư cách là Chủ tịch nước, Người đã đến thăm hơn 40 di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu cùng nhiều bảo tàng của nước Việt Nam mới và cho những ý kiến chỉ đạo hết sức quý báu, những định hướng cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.
Từ sự khẳng định: “... Nước Việt Nam thành lập đã hơn hai nghìn năm. Việt Nam là một dân tộc có chung một lịch sử, một thứ tiếng, một nền kinh tế và văn hóa. Dân tộc Việt Nam đã cùng nhau đoàn kết nhất trí trong lao động xây dựng và trong chiến đấu chống ngoại xâm...”[1] với tư cách là kiến trúc sư của nền văn hóa “ dân tộc - khoa học - đại chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những quan điểm, những định hướng và nhiệm vụ hết sức cơ bản về bảo vệ và phát huy truyền thống dân tộc đó là: “... Phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ trên thế giới để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng...”[2]
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tự hào về truyền thống dân tộc. Người khẳng định: “... Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta... Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,v.v... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng...[3]Lịch sử dân tộc được Hồ Chủ tịch rất coi trọng, mở đầu bài diễn ca về “Lịch sử Việt Nam” sáng tác tại Cao Bằng năm 1941, Người viết:
...Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam...
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống dân tộc được coi là sức mạnh to lớn, được hình thành và phát triểntrong tiến trình lịch sử dài lâu, bao gồm những yếu tố thể hiện những phẩm chất của dân tộc ta qua quá trình bền bỉ dựng nước và giữ nước, trong mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, trong đạo đức, lối sống, phong tục tập quán... như cách hiểu toàn diện về văn hóa, theo nghĩa rộng của từ này.
Những tinh hoa, nhữngtruyền thống đó được Hồ Chủ Tịch coi là thứ của quý[4], do đó, Người căn dặn “...Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo làm cho các tinh hoa truyền thống ấy được thực hành vào công việc yêu nước...”[5].
Là người hết sức coi trọngtruyền thống của tiền nhân nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời là khuôn mẫu của sự kế thừa có chọn lọc những di sản của quá khứ. Trong tác phẩm Đời sống mới, người đã xác định những quan điểm rõ ràng về sự kế thừa: cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm.
Những quan điểm cơ bản trên cho thấy mối quan hệ hữu cơ giữa hai phạm trù trong một thể thống nhất về bảo tồn di sản: bảo vệ đi đôi với khai thác có chọn lọc và phát huy giá trị để bảo vệ các di sản. Đó là mục đích của hoạt động bảo tồn di sản văn hóa theo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật.
Quan điểm cơ bản này còn thể hiện tập trung trong lời căn dặn của Người tại khu di tích đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, vào tháng 9/1954: Các vua Hùng đã có công dụng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, di sản văn hóa được coi là một bộ phận quan yếu của truyền thống dân tộc và bản sắc dân tộc, vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp giáo dục và truyền thống, góp phần tạo dựng những tiền đề cơ bản cho sự phát triển.
Chính vì thế, ngay sau khi nước Việt Nam mới vừa được thành lập còn đang phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, với tư cách là Chủ tịch lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 65/SL ngày 23-11-1945 về vấn đề bảo tồn bảo tàng của nước Việt Nam mới.
Sắc lệnh nêu rõ: "Nghiêm cấm việc phá hoại đình chùa đền miếu hoặc những nơi thờ tự khác như: cung điện thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn ", "cấm phá huỷ những bia ký đồ vật, chiếusắc, văn bằng giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử, mà chưa được bảo tồn"
Sắc lệnh đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, những quan điểm, những định hướng hết sức đúng đắn đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Sắc lệnh số 65/SLngày 23/11/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên của nhà nước Việt Nam mới về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Sắc lệnh này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân, đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc.
Sắc lệnh khẳng định vai trò không thể phủ nhận của công tác bảo tồn di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với việc xác định “việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.
Theo chúng tôi, nội dung cơ bản của sắc lệnh nói trên là sự cụ thể hoá bản Tuyên ngôn Độc lập trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa của nướcViệt Nam mới, thể hiện tầm nhìn chiến lược và những định hướng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc mà cho đến nay những tinh thần đó vẫn còn nguyên giá trị.
Chính vì thế,việc Nhà nước ta quyết định chọn ngày 23 háng 11 là Ngày Di sản văn hóa hàng năm ở Việt Nam là xuất phát từ những ý nghĩa trọng đại của sự kiện này.
Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và những định hướng về bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, nhiều Nghị quyết, Chỉ thị và các văn bản pháp quyvề công tác bảo tồn di sản văn hóa đã được ban hành.
Những năm qua, theo những quan điểm cơ bản, đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về di sản văn hóa,việc nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa ở nước ta đã không ngừng phát triển và thu được những thành tựu rất đáng khích lệ.
Xác định rõ vai trò quan trọng của di sản văn hóa, Đảng và Nhà nước ta ngày càng quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Nhờ đó, nhận thức về giá trị văn hóa nói chung và bảo tồn di sản văn hóa nói riêng trong cộng đồng, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương ngày càng được nâng cao.
Cho đến nay, ở Việt Nam đã có 3258 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có 85 di tích quốc gia đặc biệt, và 7.535 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, gần150 bảo tàng các loại (công lập và ngoài công lập),đã được xây dựng ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong toàn quốc; hàng chục di sản văn hóa phí vật thể tiêu biểu là tín ngưỡng, lễ hội dân gian, là các ngành nghệ thuật trình diễn truyền thống đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể đặc sắcđược đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia, đã và đang được nghiên cứu bảo vệ và phát huy giá trị[6].
Từ năm 2001 việc thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020 đã và đang đạt được những hiệu quả không nhỏ. Về cơ bản, các di tích quan trọng cấp quốc gia đã thoát khỏi tình trạng xuống cấp, được bảo vệ và phát huy giá trị, đạt hiệu quả cao như Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Quần thể di tích cố đô Huế, Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích danh thắng Yên Tử, Vịnh Hạ Long, Dinh Độc Lập, các khu di tích Nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, Điện Biên phủ, Kim Liên, Pắc Bó, Tân Trào, ATK Định Hóa...
Không ít di tích lịch sử - văn hóa đã và đang trở thành các trung tâm sinh hoạt văn hóa xã hội của cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống; giáo dục về lịch sử và văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ; và tích cực quảng bá về văn hóa Việt Nam, vềđất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Nhiều khu di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu đã trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa, những tài nguyên du lịch hấp dẫn, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển du lịch- ngành kinh tế mũi nhọn ở các địa phương .
Từ sau khi CHXHCN Việt Nam gia nhập UNESCO đến nay, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên đã, đang và vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong những hoạt động phối hợp giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO.
Bên cạnh những nỗ lực tự thân ở trong nước, sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của cộng đồng quốc tế mà UNESCO là đại diện đã góp phần đưa các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa của Việt Nam lên những tầm cao mới.
Những năm qua, đã có không ít di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam được UNESCO vinh danh là: Huế, Hạ Long, Mỹ Sơn, Hội An, Phong Nha-Kẻ Bàng, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ và Tràng An cùng những Di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc là: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Hội Gióng, Tín ngưỡng thờ vua Hùng, Hát Xoan, Đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca Ví-Giặm Nghệ-Tĩnh, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và Nghệ thuật hát Bài Chòi.... Đây là những thành tựu có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi các di sản này không chỉ chứng minh những giá trị vô giá của truyền thống văn hiến Việt Nam, của những giá trị toàn cầu nổi bật hàm chứa trong cấc di sản văn hóa và thiên nhiên Việt Nam, mà còn góp phần quan trọng trong việc tôn vinh vị thế của quốc gia dân tộc trên phạm vi quốc tế.
Rõ ràng là những thành tựu của sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc trong những thập kỷ qua đã và đang thể hiện trong thực tế những nỗ lực to lớn của Nhà nước và nhân dân tatrong việcviệc vận dụng những tư tưởng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa nói chung và bảo tồn di sản nói riêng trong thời đại hiện nay.
Hệ thống di tích và bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một bộ phận quan yếu của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam
Trong kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, những di tích và di vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất - cũng đã, đang và mãi mãi là những bộ phận hết sức quan trọng.
Theo số liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, riêng ở trong nước đã thống kê được 685 di tích và địa điểm di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh phân bố trên 35 tỉnh, thành phố. Trong số này, có 39 di tích đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia,trong đó có 5 di tích được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt là: Khu di tích Kim Liên (Nghệ An); Khu di tích Pác Bó (Cao Bằng); Khu di tích An toàn khu (ATK) Định Hóa (TháiNguyên); Khu di tích Tân Trào (Tuyên Quang) và Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Hà Nội)[7].
Cho đến nay, có thể khẳng định rằng các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, giới thiệu về thân thế sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đối với nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bè bạn quốc tế.
Mặt khác, những di tích này còn đã và đang là những chứng cứ vật chất sinh động thể hiện tình cảm và sự tôn kính của nhân dân ta đối với Bác Hồ. Số lượng 29 đền thờ, phủ thờ Bác Hồ hình thành từ năm 1969 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là những dẫn chứng cụ thể và sinh động. Trong số này, đã có 9 khu đền thờ được công nhận là di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh.
Có thể nói, các di tích và bảo tàng về Chủ tịch Hồ Chí Minh là những thiết chế văn hóa đặc thù, đã và đang có những đóng góp thiết thực trong các hoạt động văn hóa, xã hội, tích cực góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng ta về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Chỉ thị 23-CT/TW ngày 27-3-2003 của Ban Bí thư về đẩy mạnh, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ chí Minh trong giai đoạn mới; Chỉ thị 06 - CT/TW, ngày 07-11-2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị 03 - CT/TW, Ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh; Chỉ thị số 1973/ CT-TTg Ngày 07-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh).
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa thể hiện sinh động những tư tưởng, đạo đức, nhân văn sâu sắc củaHồ Chí Minh, các di tích lưu niệm này đã trở thành những địa chỉ đỏ, các trường học thực tiễn, trực quan, sinh động để nghiên cứu, học tập, tuyên truyền và giáo dục về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, củng cố niềm tin vào con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Đồng thời, các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch quốc tế mà còn là điểm viếng thăm chính thức của các đoàn ngoại giao, đối ngoại, chính khách, các Nguyên thủ khắp nơi trên thế giới khi đến Việt Nam.
Trong những năm qua, do những giá trị to lớn về ý nghĩa văn hóa, lịch sử và tư tưởng,hệ thống các di tíchvà bảo tàng về Hồ Chí Minh đã và đang trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, là hạt nhân của các sinh hoạt văn hóa công cộng có sức thu hút mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển du lịch ở nước ta.
Ôn lại những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo tồn di sản văn hóa, từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, chúng ta khẳng định rằng, những quan điểm này là hết sức đúng đắn, là khách quan và khoa học, được đúc rút từ những tinh hoa văn hóa nhân loại mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Chính vì vậy, từ những thành tựu to lớn của sự nghiệp bảo tồn di sảnViệt Nam trong những năm qua, chúng ta hy vọng và tin tưởng chắc chắn rằng, kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục được bảo vệ và phát huy có hiệu quả, thiết thực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và tạo dựng./.
Những tài liệu tham khảo
Chú thích:
[1]Hồ Chí Minh. Bài nói tại Hội đồng Ấn Độ Nghiên cứu các vấn đề thế giới ngày 7-2-1958.Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 8, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1989, tr 52.
[2]Hồ Chí Minh. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ II ngày 11-2-1951, Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 6, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr 39.
[3]Hồ Chí Minh, sđd, tr 36.
[4]Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 5, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr 36.
[5]Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 5, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr 36.
[6]Theo thông kê của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
[7]Theo số liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tác giả bài viết: GS. TS Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia
Nguồn tin: Tham luận tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 77 năm Bác Hồ về nước: 28/01/1941 - /28/01/2018
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn