NGUYỄN ÁI QUỐC VỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ Ở CĂN CỨ ĐỊA CAO BẰNG  VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH CAO BẰNG  TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Thứ tư - 22/07/2020 00:00

Cách đây 77 năm, ngày 28/1/1941, Cao Bằng vinh dự được đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài trở về Tổ quốc. Pác Bó đã trở thành nơi ở và hoạt động cách mạng của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giai đoạn 1941 - 1945.

Với tầm nhìn xa, trông rộng của một nhà chiến lược cách mạng thiên tài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định Cao Bằng là nơi hội đủ các yếu tố "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng giàu truyền thống yêu nước, đoàn kết, ngoan cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và áp bức, bóc lột; đồng bào các dân tộc sớm được tiếp nhận ánh sáng cách mạng của Đảng, có nhiều cán bộ cốt cán và phong trào quần chúng phát triển; là nơi có núi non hiểm trở, đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, từ đây có thể mở rộng căn cứ địa cách mạng, phát triển ra cả nước và liên lạc với quốc tế. Với những thuận lợi đó, Nguyễn Ái Quốc quyết định xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Người nhận định: "Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được".

Xác định cán bộ là một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi công cuộc vận động giải phóng dân tộc, bởi Người cho rằng: "muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý", "Cán bộ là cái gốc của đoàn thể; cán bộ cũng là cái gốc của mọi phong trào”, "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng", cán bộ là tiền vốn của Đảng, nên: "Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn"... Xuất phát từ những tư tưởng và quan điểm đúng đắn đó, ngay từ khi còn ở Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm tới việc đào tạo, huấn luyện cán bộ. Tháng 10/1940, ngay sau khi nắm được tin 40 thanh niên dân tộc Cao Bằng vì bị bọn Pháp - Nhật khủng bố mạnh đã tạm lánh sang Tĩnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh và Vũ Anh đến Tĩnh Tây tiếp xúc với họ. Tháng 12/1940, khi tiếp xúc với 40 thanh niên Cao Bằng tại Tĩnh Tây (Trung Quốc), nhận thấy đây là những hạt giống tốt của phong trào cách mạng Cao Bằng, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo mở lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên cho phong trào Việt Minh ở Cao Bằng vào tháng 1/1941, gồm 40 thanh niên dân tộc Cao Bằng tại Nặm Quang, Ngàm Tảy (Tĩnh Tây, Trung Quốc); do Người trực tiếp tham gia giảng dạy, nội dung huấn luyện là những kiến thức cơ bản về công tác vận động quần chúng, về phương pháp xây dựng cơ sở cách mạng, về tổ chức đấu tranh cách mạng... Kết thúc lớp huấn luyện Người quyết định đưa toàn bộ số thanh niên này về nước để chuẩn bị lực lượng. Từ đây các đồng chí: Nguyễn Ái Quốc, Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc khẩn trương về hướng Pác Bó, xã Trường Hà, châu Hà Quảng, Cao Bằng.

Ngay sau khi về nước, dù bận nhiều công việc nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn dành thời gian, chú trọng việc đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ. Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng chỉ rõ: “Việc đào tạo cán bộ nay đã thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ phút. Tất cả các cấp bộ chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú trọng công tác này”. Vì vậy, trong thực hiện đào tạo, huấn luyện cán bộ, Người quan tâm đào tạo, huấn luyện cán bộ toàn diện về mặt tư tưởng, lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, cán bộ kiên trung,… Người đặc biệt nhấn mạnh tới đạo đức cách mạng, theo Người: “Muốn làm công tác tốt thì mỗi cán bộ phải xây dựng, tu dưỡng cho mình đạo đức cách mạng. Cán bộ tốt là người phải gương mẫu, hy sinh, gian khổ, không màng tiền của, sắc đẹp, phải "hiến thân cho cách mạng", nhưng không được hy sinh vô ích, phải biết kết hợp hài hòa lợi ích Quốc gia, dân tộc với lợi ích gia đình. Người còn nhấn mạnh nhiệm vụ của mỗi người cán bộ là phải bám sát quần chúng, tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phong trào cách mạng và phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc, như cá dựa vào nước” và phải “làm cho dân tin, dân yêu, dân phục…Người cán bộ khi đã làm cho dân tin, dân yêu, dân phục thì đi dân nhớ ở dân thương”. Có như vậy mới vận động được quần chúng và có vận động được quần chúng thì lực lượng ta mới mạnh, cách mạng mới thành công”. Về vấn đề chọn người trung kiên, Người cho rằng “ Phong trào cách mạng như nước thủy triều, khi lên khi xuống, trung kiên cũng như hàng cọc, cọc đóng có chắc thì mới giữ được phù sa, phòng khi nước xuống”, phải chọn trung kiên trong từng thời kỳ, mỗi lần bị khủng bố là một lần sàng lọc trung kiên và chỉ thị cho Đảng bộ Cao Bằng: “cứ một trăm người thì phải cố gắng chọn lấy 03 trung kiên không thì một cũng được nhưng phải chọn người thật tin cậy, thật trung thành” và quan trọng phải rèn luyện trung kiên trong thực tế đấu tranh.

Bên cạnh đó, Người chỉ đạo mở các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, trình độ của nhân dân, trong đó chú trọng tới lực lượng thanh niên và coi đây là lực lượng xung kích của phong trào. Nội dung các bài giảng của Người thiết thực, bổ ích, phù hợp và hiệu quả huấn luyện cao, học viên “nghe đến dâu hiểu đến đấy, giản dị mà sâu sắc, dễ nhớ, lại sáng tỏ như có đèn rọi vào tim óc”; thực hiện huấn luyện từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ những mục tiêu đấu tranh trước mắt đến lâu dài...

Vấn đề cốt yếu mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ cho Đảng bộ Cao Bằng trước hết là đào tạo cán bộ quân sự. Từ tháng 6/1941 đến tháng 10/1941, Người đã cùng Đảng bộ Cao Bằng lựa chọn 70 cán bộ cử đi học quân sự dài hạn ở Trung Quốc. Tháng 10/1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị cho Đảng bộ Cao Bằng thành lập đội du kích Pác Bó; nhiệm vụ của đội là bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, giao thông liên lạc đặc biệt, vũ trang tuyên truyền trong quần chúng và huấn luyện cho các đội tự vệ chiến đấu. Tại các nơi có phong trào đều đã tổ chức ra các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu. Vấn đề huấn luyện quân sự trở nên cấp thiết. Mặc dù bận nhiều việc nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn dày công biên soạn một số tài liệu về quân sự rồi cho in thành những cuốn sách nhỏ bỏ túi như quyển: Chiến thuật du kích, Kinh nghiệm du kích Nga, Cách đánh du kích… và Người vẫn dành thời gian trực tiếp đến giảng bài ở nhiều lớp huấn luyện quân sự.

Đảng bộ Cao Bằng đã dùng cuốn “Cách đánh du kích” làm nội dung chính trong các lớp huấn luyện cán bộ quân sự tập trung từ khóa I đến khóa IV và các lớp huấn luyện cán bộ tự vệ ngắn ngày tại các địa phương trong tỉnh. Để có đội ngũ cán bộ quân sự đáp ứng yêu cầu huấn luyện tự vệ, thực hiện chỉ thị của Người, Đảng bộ Cao Bằng tổ chức các lớp huấn luyện quân sự tập trung gọi là trường quân chính. Giáo viên hướng dẫn là các đồng chí đã được học tập quân sự ở nước ngoài như đồng chí Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm, Bằng Giang…Lớp quân chính thứ 01 được triệu tập tại Khuổi Nặm, Pác Bó, châu Hà Quảng vào tháng 2/1942 với 40 học viên nhằm đào tạo cán bộ huấn luyện tự vệ cho các địa phương; lớp thứ 02 tổ chức tại Mỏ Sắt, thuộc châu Hòa An vào đầu năm 1943 với 100 học viên tham dự; lớp thứ 03 tổ chức tại tổng Kim Mã, thuộc châu Nguyên Bình vào cuối năm 1943 với 30 học viên tham dự; lớp thứ tư tổ chức tại lũng Tôm Đeng thuộc châu Hà Quảng vào cuối năm 1944 với 30 học viên tham dự. Nhằm đáp ứng cấp nhu cầu cán bộ, chiến sỹ cho riêng tuyến đường Nam tiến, Đảng bộ còn mở thêm một số lớp ở Khuổi Cọ, Vạ Phá thuộc châu Nguyên Bình mỗi lớp khoảng 100 học viên tham dự. Sau huấn luyện một số cán bộ, chiến sỹ được điều động tham gia hoạt động tổ chức các tuyến đường Nam tiến, Đông tiến, Tây tiến; số còn lại được phân công về các địa phương thuộc căn cứ địa Cao Bắc Lạng tổ chức huấn luyện các đội tự vệ.

Giữa năm 1942, tại hang Bó Tháy ở Lũng Hoài, thuộc xã Phúc Tăng, khu Lam Sơn, châu Hòa An và hang Kéo Quảng, thuộc Tổng Ngần, xã Gia Bằng, châu Nguyên Bình; Nguyền Ái Quốc mở 02 lớp huấn luyện về Đảng cho khoảng 20 đồng chí cán bộ trong Tỉnh ủy và Huyện ủy tại Cao Bằng.

Từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1944, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tuy không trực tiếp chỉ đạo xây dựng căn cứ địa Cao Bằng, song thực hiện chỉ thị của Người, Tỉnh ủy Cao Bằng đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh huấn luyện quân sự, xây dựng các đội tự vệ. Từ đầu năm 1942, theo đà phát triển của phong trào Việt Minh, việc luyện tập tự vệ trở nên rầm rộ, sôi nổi và đã trở thành phong trào luyện tập tự vệ trong phạm vi toàn tỉnh, ở đâu cũng xuất hiện tự vệ thường và tự vệ chiến đấu. Để bổ sung thêm cán bộ huấn luyện tự vệ các địa phương, cuối năm 1942, Người chỉ thị phân tán đội du kích Pác Bó, đưa cán bộ và đội viên về các địa phương huấn luyện tự vệ.

Chiến lược huấn luyện, đào tạo cán bộ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở căn cứ địa cách mạng Cao Bằng vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa chuẩn bị cho lâu dài, cả cán bộ chính trị và quân sự... Từ tháng 6/1941 đến tháng 4/1942 đã đào tạo được trên 300 cán bộ Việt Minh. Số cán bộ này được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cán bộ Trung ương chỉ đạo trực tiếp, chính vì vậy, đội ngũ cán bộ được tôi luyện cả về thực tiễn và lý luận nhanh chóng trưởng thành về mọi mặt, đó là cơ sở để thu hút quần chúng tham gia, góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng, tiến đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám (năm 1945). Nhiều đồng chí cán bộ đã trưởng thành từ những lớp huấn luyện của Người, sau này trở thành những cán bộ trung kiên, những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và quân đội Việt Nam.

Thực tế lịch sử đã minh chứng, xây dựng được đội ngũ cán bộ trung kiên là thắng lợi quan trọng của Đảng bộ Cao Bằng, là thắng lợi của chủ trương, chính sách đúng đắn và sự chỉ đạo thực tiễn tài tình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đây là một trong những kinh nghiệm quý báu của cách mạng Việt Nam nói chung và Đảng Bộ Cao Bằng nói riêng, góp phần phát huy tác dụng trong cách mạng tháng Tám, trong kháng chiến chống Pháp và nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Công tác cán bộ nói chung và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng, theo quan điểm của Bác Hồ và của Đảng ta ở thời kỳ nào cũng có ý nghĩa chiến lược. Như vậy, không chỉ trong đấu tranh giành độc lập tự do mới cần công tác đào tạo cán bộ mà cả trong công cuộc xây dựng, đổi mới hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẫn là nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Tiếp tục quán triệt tư tưởng và quan điểm của Bác, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm công tác xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên, xác định rõ đây là khâu then chốt trong sự nghiệp phát triển đất nước. Qua mỗi kỳ Đại hội Đảng, quan điểm, tư tưởng đổi mới công tác tổ chức, cán bộ ngày càng được thể hiện rõ hơn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong mỗi giai đoạn.

Cũng như đối với các địa phương khác trong cả nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Cao Bằng hiện nay là “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khóa XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020) đã chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp nhằm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: “nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”, “thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức… xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, nhất là đội ngũ cán bộ công chức tham mưu cấp chiến lược”. Với sự cố gắng phấn đấu không ngừng của Đảng bộ Cao Bằng, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương. Đảng bộ Cao Bằng đã thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ. Tỉnh Cao Bằng đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ giai đoạn 2016 – 2020 (Chương trình số 12-CTr/TU, ngày 09/5/2016 của Tỉnh ủy); bên cạnh đó tích cực quán triệt, triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hằng năm có kế hoạch chọn cử cán bộ dự nguồn quy hoạch đi đào tạo, bồi dưỡng tại các trường trong nước và nước ngoài về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, tham gia bồi dưỡng các chuyên đề, tọa đàm, hội thảo trao đổi kinh nghiệm... đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, chức danh; đồng thời khuyến khích cán bộ tự học tập để nâng cao trình độ. Cấp ủy đảng các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội căn cứ vào tiêu chuẩn từng chức danh cán bộ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, năng lực thực tiễn. Tính từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã cử 540 đồng chí đi đào tạo về chuyên môn (122 Đại học, 414 Thạc sỹ, 04 Tiến sỹ); 1.198 học viên học Trung cấp lý luận chính trị; 929 cán bộ, công chức, viên chức đi học cao cấp Lý luận chính trị. Cử 11.218 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; kiến thức quốc phòng - an ninh; quản lý Nhà nước; học tập kinh nghiệm tại nước ngoài. Nhìn chung, qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh từng bước được nâng lên; nhiều cán bộ khi được đào tạo nâng cao trình độ đã có bản lĩnh chính trị, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có khả năng vận dụng tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị; đồng thời góp phần từng bước đưa Cao Bằng phát triển về mọi mặt, xứng đáng là quê hương cội nguồn cách mạng, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.

Tác giả bài viết:        Phạm Văn Đồng - Chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy Cao Bằng

Nguồn tin: Tham luận tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 77 năm Bác Hồ về nước: 28/01/1941 - 28/01/2018

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây