Vì sao Bác chọn Cao Bằng?
Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra nước ngoài, thực hiện cuộc hành trình tìm đường cứu nước suốt 30 năm (1911-1941). Đến với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã tìm thấy con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ năm 1939, Người đã luôn khát khao sớm trở về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Nhưng việc lựa chọn địa điểm, tức chỗ “đứng chân” trong nước lúc bấy giờ là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định toàn bộ sự phát triển về sau của cách mạng Việt Nam.
Ban đầu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có ý định từ Trung Quốc về nước theo hướng Lào Cai. Người đã cử Bùi Đức Minh, Hoàng Văn Lộc về biên giới Lào Cai nắm tình hình trong nước và đặt cơ sở liên lạc để về nước hoạt động. Nhưng qua nghiên cứu kỹ phong trào cách mạng và địa thế của Cao Bằng, Người quyết định chọn địa bàn chiến lược trọng yếu này để xây dựng thành căn cứ địa vững chắc của cả nước.
Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng không phải là sự lựa chọn tình cờ hay ngẫu nhiên mà là một sự tính toán kỹ lưỡng với tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài. Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ cả 3 yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.
Trước hết, Cao Bằng là tỉnh miền núi có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 333 km, vừa có đường bộ, đường thủy sang Trung Quốc nên rất thuận lợi cho giao thông liên lạc. Từ Cao Bằng còn có các tuyến đường bộ đi xuống Lạng Sơn, Thái Nguyên. Với địa thế hiểm trở, Cao Bằng là địa phương mà thực dân Pháp khó kiểm soát. Từ Cao Bằng khi lực lượng cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh mở rộng có thể nhanh chóng “Đông tiến” xuống Lạng Sơn, “Nam tiến” xuống Thái Nguyên, “Tây tiến” sang Hà Giang, Tuyên Quang...đến các tỉnh vùng Trung du, đồng bằng Bắc Bộ.Về mặt địa thế, địa hình, kinh tế, quân sự, Cao Bằng có đủ điều kiện trở thành một trong những bàn đạp chiến lược đầu tiên của thời kỳ khởi nghĩa vũ trang, giải phóng dân tộc.
Song yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định lựa chọn Cao Bằng để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước là “Cao Bằng có phong trào tốt từ trước”, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Lô Lô... Từ xưa đến nay, các dân tộc luôn đoàn kết, gắn bó với nhau. Từ ngày có Đảng, đồng bào các dân tộc Cao Bằng luôn một lòng theo Đảng, không ngừng đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, tiêu biểu như đồng chí Hoàng Đình Giong, người cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Ngay sau khi Đảng ra đời, ngày 1/4/1930, chi bộ cộng sản đầu tiên ở Cao Bằng và cũng là chi bộ đầu tiên ở vùng Việt Bắc. Đến năm 1935, tại Cao Bằng đã có 10 chi bộ hoạt động ở 5 huyện, trong đó có chi bộ Cốc Cóc (Quảng Uyên) giữ mối liên lạc từ Cao Bằng sang Long Châu (Trung Quốc)- nơi có chi bộ hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến năm 1935, nhiều tổ chức “Cộng sản đoàn”, “Công hội đỏ”, “Nông hội đỏ”, “Hội bản”, “Hội làng”... được thành lập nhiều nơi ở Cao Bằng.Vì vậy, Cao Bằng không những có điều kiện thuận lợi cho việc duy trì, phát triển phong trào cách mạng mà còn có “hàng rào quần chúng” bảo vệ vững chắc.
Trong những năm 1938-1939, Tỉnh ủy Cao Bằng đã chỉ đạo xây dựng căn cứ địa cách mạng ở vùng Lục Khu - Pác Bó (Hà Quảng) gồm các xã vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia “Hội đánh Tây”, “Hội phòng phỉ”..., được quần chúng nhân dân ủng hộ nên đã xây dựng được những cơ sở vững chắc. Căn cứ Lục Khu- Pác Bó tiếp giáp với biên giới vừa là địa bàn hoạt động trọng yếu của Châu ủy Hà Quảng, Tỉnh ủy Cao Bằng, vừa bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho việc “đứng chân” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Với nhận định đánh giá và sự lựa chọn đúng đắn đó, ngày 28/1/1941 (tức ngày mồng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (cũ) biên giới Việt Nam - Trung Quốc, sau đó Người đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đây, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng trở thành “đại bản doanh” của căn cứ Việt Bắc, trở thành “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”. Thực tế lịch sử đã chứng minh, Cao Bằng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là trung tâm đầu não của phong trào cách mạng của cả nước, “mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta”.
Từ Cao Bằng đã “thai nghén” nên căn cứ địa Việt Bắc
Từ ngày 8/2/1941, Nguyễn Ái Quốc với bí danh Già Thu đến ở hang Cốc Bó (tiếng Nùng nghĩa là hang đầu nguồn). Phía dưới, cách cửa hang chừng 50m có con suối nước rất trong được Người đặt tên là “Suối Lênin”. Một ngọn núi cao bên bờ suối được Người đặt tên là “Núi Các Mác”. Những cái tên đó thể hiện tư tưởng, mục tiêu, đường lối và niềm tin của Người vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam đi theo con đường Chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.
Tại lán Khuổi Nậm, sau một thời gian chuẩn bị, tháng 5/1941, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII - đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng. Điểm nổi bật của Nghị quyết hội nghị này là việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp. Hội nghị chủ trương: “Trong lúc này, khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp- Nhật... Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Cũng tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã liên tiếp mở các lớp huấn luyện về tổ chức, vận động quần chúng và thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Người đã chỉ đạo soạn thảo các văn kiện của Việt Minh như: Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ. Dưới sự trực tiếp chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ tháng 6 đến tháng 8/1941, Đảng bộ Cao Bằng đã cử 70 cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài. Đây là những hạt giống quân sự đầu tiên của căn cứ địa Cao Bằng, sau này là Cao - Bắc Lạng và Khu Giải phóng Việt Bắc. Bắt đầu từ căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai, chỉ sau một thời gian ngắn đã phát triển thành cả một vùng rộng lớn bao gồm 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Tuyên Quang - Hà Giang. Theo lời Bác dặn, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời đã tạo ra một cục diện mới, hình thái mới trên mặt trận đấu tranh vũ trang cách mạng.
Như vậy, có thể khẳng định từ khi chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng đến khi hình thành Khu giải phóng Việt Bắc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng ở Cao Bằng và cho cách mạng cả nước. Đây vừa là kết tinh truyền thống yêu nước, đoàn kết của các dân tộc vùng biên giới của Tổ quốc, vừa thể hiện tư tưởng đúng đắn và phương pháp cách mạng sáng tạo của Hồ Chí Minh được áp dụng vào thực tiễn vùng đồng bào các dân tộc.
Sự kiện Bác Hồ trở về Tổ quốc vào mùa Xuân năm 1941 đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước và sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Đối với quốc tế, quyết định về nước của Người là cơ sở quan trọng để cách mạng Việt Nam củng cố các mối quan hệ với các nước Đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nước ta giành thắng lợi bằng cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc. Để rồi sau đó 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 7/5/1954, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và kết thúc trọn vẹn 21 năm kháng chiến chống Mỹ và tay sai bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tất cả những dấu son huy hoàng đó đều được bắt đầu từ cái mốc của cách đây tròn 80 năm trước Người về nước. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng khẳng định: “Cuộc đời của Bác Hồ gắn bó mật thiết với đất nước Việt Nam, với đồng bào Việt Nam, đặc biệt với đồng bào Cao Bằng, nơi Bác Hồ đặt chân đầu tiên sau bao nhiêu năm xa Tổ quốc. Đó là vinh dự, là niềm tự hào của Cao Bằng”.
Ngày 2/9/1969, Người vĩnh biệt cõi nhân gian, để lại nỗi thương tiếc vô hạn cho toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Nhân dân Pác Bó để tang Bác theo đúng tục lệ địa phương. Hàng nghìn người mặc đồ đại tang đứng bên dòng suối Lênin tiễn đưa Người về cõi vĩnh hằng, rồi để tang Bác 3 năm. Hơn 50 năm Người về với thế giới người hiền, nhưng hình ảnh của Người, lối sống giản dị, tình yêu thương chan chứa mà Người đã dành cho nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn khắc sâu, in đậm trong lòng mỗi người dân nơi đây. Người Cao Bằng coi Bác như cha, như ông của mình, dành cho Người một tình cảm vô cùng đặc biệt, yêu quý, kính trọng, chở che, bao vệ Người, tin Người để theo cách mạng, mong ngóng hân hoan chào đón Người mỗi khi Người về thăm.
Nhân dân Cao Bằng vốn giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Từ ngày Bác về, truyền thống ấy được khơi dậy mạnh mẽ, đã đang và sẽ phấn đấu xây dựng “quê hương thứ hai” mà Bác đã chọn để xứng đáng với niềm tin mà Bác đã dành cho Cao Bằng: “...Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”.
Tác giả bài viết: Ths. Trần Trung Hiếu - GV Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An
Nguồn tin: Tienphong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn