CHUYỆN VỀ NGƯỜI MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG LÂN THỊ HÒ

Thứ ba - 27/07/2021 18:57

“Uống nước nhớ nguồn” một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, tháng 7 hằng năm là dịp để cả nước tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công cách mạng và những người mẹ Việt Nam anh hùng. Thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình - độc lập - tự do, luôn khắc ghi mãi công lao, sự hi sinh anh dũng của các thế hệ đi trước đã đấu tranh giải phóng cho dân tộc, đất nước. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, có những chiến sĩ hi sinh khi tuổi chưa tròn đôi mươi, có những người chưa kịp một lần ước hẹn, chưa từng được trở về thăm gia đình từ ngày nhập ngũ, cũng có những người gọi nhau là đồng chí nhưng chưa kịp nhớ rõ mặt biết tên.... Còn đâu đó rất nhiều những hi sinh thầm lặng với những nỗi đau, sự mất mát lớn lao vô cùng, những vết thương lòng mãi mãi không thể lành, đó là nỗi đau của những người vợ mất chồng, mẹ mất con trong mưa bom bão đạn chiến tranh.

Sự mất mát trong chiến tranh là vô vàn, nhưng những mất mát này với người vợ, người mẹ là nỗi đau theo suốt cả cuộc đời người phụ nữ. Bởi tài sản lớn nhất của người phụ nữ là chồng, là con, nhưng sau cuộc chiến tất cả đều không còn, nỗi đau thương này không gì có thể bù đắp được. Không một sự vinh danh nào có thể sánh được với sự hi sinh thầm lặng, sự mất mát vô cùng lớn lao mà các mẹ hằng ngày chịu đựng trong suốt cuộc đời. Ngày 29/8/1994, Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ra pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, sự vinh danh này dẫu vẫn rất nhỏ nhoi so với những mất mát của các mẹ nhưng cũng là danh hiệu để đất nước nghiêng mình trước những hi sinh của những người mẹ Việt Nam anh hùng.

Xã Trường Hà, huyện Hà Quảng là một xã vùng ven biên giới Việt - Trung, nơi đây được coi là cái nôi của cách mạng Việt Nam, là nơi gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương  Đảng thời kỳ 1941 - 1945. Trải qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xã Trường Hà đã có rất nhiều người con tham gia hoạt động cách mạng, anh dũng hi sinh. Với tổng số 82 gia đình chính sách, bao gồm các gia đình có công với cách mạng, thân nhân các thương binh, liệt sĩ, trên địa bàn xã  có 06 mẹ được Nhà nước vinh danh “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Một ngày đầu tháng 7, tôi đến thăm làng Nà Mạ - nơi mẹ Việt Nam anh hùng Lân Thị Hò đã sinh thành anh hùng liệt sĩ Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) và liệt sĩ Nông Văn Dấu (tức Phục Quốc). Tại đây, tôi đã gặp và được nghe kể chuyện về mẹ Lân Thị Hò qua lời kể của anh Nông Linh Long, là cháu của liệt sĩ Kim Đồng. Làng Nà Mạ là một xóm nhỏ thuộc xã Trường Hà, là nơi quần cư sinh sống của đồng bào dân tộc Tày và Nùng. Trước năm 1945, Nà Mạ cũng như bao bản làng khác của tỉnh Cao Bằng, những nếp nhà ẩn nấp sau những rặng cây rừng như những cây nấm dại mọc giữa bụi cỏ hoang, đời sống người dân lầm than, cơ cực, bị bắt đi phu. Hồi ấy, Nà Mạ vẫn còn hoang vu lắm, trước bản có dòng Trừng chảy qua, hai bên bờ suối mọc đầy những cây vối, cây mạy rầy thân to, lá xum xuê, vươn cành dài đan nhau có đoạn kín cả mặt suối. Dưới suối có những đàn Pja Liềng, pja Tất, pja Táp bơi lội tung tăng, đây đó những nếp nhà ôm lấy chân núi đá. Cảnh sơn thủy hữu tình nhưng cuộc sống người dân nơi đây sao mà cơ cực đến vậy, cũng tại cái đói, cái giặc cướp nước còn thống trị ở đây.

Mẹ Lân Thị Hò, sinh năm 1890, sinh và và lớn lên ở bản Kép Ké, xã Nà Sác (nay là xã Trường Hà), huyện Hà Quảng. Là một cô gái vừa đẹp người, vừa đẹp nết, chăm chỉ làm nương. Khoảng chừng 20 tuổi, mẹ về làm dâu tại bản Nà Mạ, chồng tên là Nông Văn Yêng (sinh năm 1887). Thời kỳ đầu Thực dân Pháp dồn dân để dễ bề quản lý, cai trị, nhà của ông Yêng và các hộ khác trong làng bị dồn vào ở khu Pác Rằng dưới chân núi đầu làng. Khi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, nhân dân đứng lên đấu tranh và đã tách ra dựng nhà để tiện cho việc làm nương rẫy cũng như thuận tiện trong việc làm giấy Dó - một nghề truyền thống của bản Nà Mạ. Các công đoạn làm giấy phải gần nguồn nước vì vậy ông Yêng đã dựng nhà ở vị trí gần với mương nước chảy qua ngay cạnh lối vào Pò Đoi Thoong Mạ (Di tích nhà sàn anh Kim Đồng hiện đang trong quá trình phục dựng lại, Dự án do Tỉnh đoàn Thanh niên làm chủ đầu tư). Ông bà sinh được 5 người con, đó là: Nông Thị Nhằm, Nông Thị Lằng, Nông Văn Dấu (tức Phục Quốc), Nông Văn Dèn (Dền) (tức Kim Đồng) và Nông Thị Slấn.

Cũng như bao gia đình khác, cả nhà Dèn phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn, cơm không đủ ăn phải lên rừng đào củ mài, củ nâu ăn cho qua bữa; thóc lúa và ngay cả con gà trong nhà nuôi chưa kịp mọc lông đã bị cướp đi. Bố của Dèn bị bắt đi phu từ năm nào cũng không ai nhớ, chỉ biết rằng bố đi phu và có lẽ do sức khỏe yếu, lại thường xuyên bị đánh đập nên bố đã mãi mãi không bao giờ trở về được nữa. Gia cảnh như vậy nên bao nhiêu việc trong nhà đều dồn lên đôi vai gầy của mẹ Dèn, một người phụ nữ nông thôn nghèo chịu thương chịu khó, tần tảo kiếm từng bữa ăn qua ngày. Hai cô con gái lớn đến tuổi trưởng thành đều lấy chồng trong làng, con gái út khi lên 8 tuổi lên cành cây để qua suối bị ngã xuống nước chết đuối, mà mẹ lại bị bệnh khớp nên dường như khó khăn lại càng nhân lên. Hai anh em Dấu và Dèn thường lên rừng hái cây Thau mjẳc, cây Mạy Sla cho mẹ làm giấy Dó mang đi bán ở chợ phiên. Chính cuộc sống khó khăn vất vả và tận mắt chứng kiến sự tàn ác của quân cướp nước, hai con trai của mẹ đã tin và đi theo cách mạng.

Anh Nông Văn Dấu lên đường đi hoạt động cách mạng với tên gọi Phục Quốc; còn Dèn từ nhỏ đã sớm được cán bộ Việt Minh giáo dục, giác ngộ. Anh đã vận động các bạn cùng trang lứa trong bản làm nhiệm vụ liên lạc, đưa đón cán bộ, bảo vệ cán bộ, đưa thư. Khi biết các con hoạt động cách mạng, với bản năng của một người mẹ, mẹ Hò cũng cảm thấy lo lắng cho con, sợ những hiểm nguy trên đường con đi liên lạc, sợ khi địch phát hiện. Có những lần Kim Đồng đi làm liên lạc về khuya, mẹ lo cho Dèn đến muốn khóc. Mẹ nói với Dèn: “Mẹ biết tất cả những việc Dèn làm, biết Dèn làm việc cho đoàn thể mẹ không ngăn cản, nhưng làm việc gì cũng phải cẩn thận. Hai chị đã đi làm ăn rồi (đi lấy chồng). Anh Dấu, từ dạo tham gia chống bắt phu ở làng đã thoát li theo cách mạng, ở nhà chỉ có Dèn là con trai, nhỡ có việc gì thì mẹ làm sao sống nổi”.  Dầu vậy, tuy lo lắng khi biết con đang đi trên con đường đầy gian nan, vất vả, khó khăn, hiểm nguy rình rập nhưng mẹ không làm nhụt chí con, mẹ luôn biết cách giúp đỡ và động viên con hoàn thành nhiệm vụ đoàn thể giao. Mẹ dù chân vẫn thường xuyên đau nhức nhưng đã luôn cố gắng thu xếp việc việc nhà để các con yên tâm làm cách mạng. Đó là lòng nhân hậu, cố gắng bảo vệ, nuôi dạy con thành người có ích cho đất nước, là sự hi sinh thầm lặng và cao cả của mẹ.

Rạng sáng ngày 15/2/1943, khi biết quân địch vào lùng sục cán bộ, Nông Văn Dèn đã mưu trí, nhanh nhẹn đánh lạc hướng địch, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cuộc họp của Tổng bộ Việt Minh. Anh đã hi sinh anh dũng khi vừa mới 14 tuổi. Cũng trong quá trình hoạt động cách mạng, anh Phục Quốc là đội viên giải phóng quân, chiến đấu và đã hi sinh ở Chợ Đồn - Bắc Kạn (tháng 6/1945). Với người mẹ còn nỗi đau nào hơn khi phải sớm chịu cảnh mất chồng, giờ lại mất con, mặc dù mẹ không trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng nhưng những gì mẹ cống hiến, mẹ hi sinh cho đất nước thì vô cùng lớn lao.

Sau Cách mạng tháng Tám, do các con gái đã đi lấy chồng, hai con trai hi sinh, mẹ mang trong lòng những mất mát lớn lao, trong ngôi nhà chỉ còn lại mẹ với nỗi đau nên mẹ Hò đến ở tại nhà của ông Nông Văn Tài - em ruột ông Yêng (ông Tài là ông nội của anh Nông Linh Long) ở làng Nà Mạ. Khi về già do chân mẹ bị khớp nặng, lưng lại còng nên mẹ sinh hoạt, đi lại rất khó khăn; mẹ phải dùng tay chống xuống đất để lết đi rất khó khăn, khổ cực. Cũng thời điểm này kinh tế gia đình người em cũng còn rất khó khăn. Gia đình ông Tài đã phụng dưỡng mẹ, nhưng do tuổi cao, sức khỏe yếu mẹ đã qua đời vào năm 1972. Phần mộ của mẹ được chôn cất gần mộ của anh Dèn - con trai út của mẹ, nằm trong Quần thể Khu di tích lịch sử Kim Đồng.

Ngày 24/4/1995, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho mẹ Lân Thị Hò, xã Trường Hà - huyện Hà Quảng - tỉnh Cao Bằng, có hai con tham gia hoạt động cách mạng và cả hai con đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc tại Quyết định số 438 KT/CTN ngày 24/4/1995.

Ngày 01/12/2014, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho gia đình ông bà Nông Văn Yêng - Lân Thị Hò, xã Trường Hà - huyện Hà Quảng - tỉnh Cao Bằng, đã có nhiều liệt sĩ, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc  tại Quyết định số 3149/QĐ/CTN ngày 01/12/2014.

Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đến các gia đình chính sách, thương bệnh binh, thân nhân anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng sẽ không có sự đền đáp nào xứng đáng với sự hi sinh, mất mát của các mẹ dành cho Tổ quốc. Tổ quốc nghiêng mình trước các mẹ. Xin gửi lời cảm tạ ơn sinh thành, dưỡng dục của các mẹ đã sinh ra những người con ưu tú, anh dũng hi sinh vì Tổ quốc; xin gửi lời tri ân tha thiết nhất tới các mẹ. Tổ quốc Việt Nam, chúng con tự hào về mẹ - “Mẹ Việt Nam anh hùng”./.

Trường Hà, ngày 18/7/2021

Ảnh chụp: Danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Lân Thị Hò

Ảnh chụp: Huân chương Độc lập hạng Ba, gia đình ông, bà Nông Văn Yêng - Lân Thị Hò

Ảnh: Mộ phần mẹ Việt Nam anh hùng Lân Thị Hò tại Khu di tích lịch sử kim Đồng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng

Tác giả bài viết: Mộc Miên

Nguồn tin: Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây