1. Đôi nét khái quát về khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó
* Sự kiện gắn liền với khu di tích Pác Bó
Hiện nay, khu di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm từng gắn với hoạt động của Bác Hồ trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc nhằm lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1941 - 1945).
Theo các nguồn tư liệu lịch sử cho biết: “Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc cùng 05 đồng chí đã về nước và ở tại nhà ông Lý Quốc Súng, sau đó chuyển vào hang Cốc Bó, hang Lũng Lạn và lán Khuổi Nặm. Tại đây, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị đã nhận định rõ tình hình trong nước và thế giới. Trên cơ sở đó, hội nghị đã thống nhất các nội dung như: 1/Quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh; 2/Xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích; 3/Khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước” [3, tr.12]. Trong thời gian trên “tại lán Khuổi Nặm II, Bác Hồ cũng đã ban hành quyết định thành lập Báo Việt Nam độc lập. Đến ngày 22/12/1944, tại rừng Trần Hưng Đạo, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, gồm 34 chiến sĩ, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp (sau này là vị lãnh tụ của quân đội nhân dân Việt Nam)” [3, tr.13].
Theo lý lịch khoa học di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cho biết, trong giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biên soạn nhiều tài liệu như: Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, Cách đánh du kích, Điều lệ Đảng, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc và đặc biệt là biên soạn bức thư Kính cáo đồng bào (ngày 06/6/1941), kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp, phát xít Nhật và Việt gian, giành độc lập, tự do. Ngày 04/5/1945, Bác cùng đoàn cán bộ rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo, tập hợp quốc dân tham gia tổng khởi nghĩa để giành chính quyền trong cả nước, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 02/9/1945), nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
* Diện mạo của khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó
Theo “Quy hoạch tổng thể di tích” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, di tích Pác Bó bao gồm [3]:
1/Cụm di tích khu vực đầu nguồn
- Hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ một người đi vừa. Đây là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 08/02/1941 đến trung tuần tháng 3 năm 1941. Trong hang hiện còn một chiếc giường gép ván mà Bác đã từng nghỉ và làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch các tài liệu quan trọng.
- Nền nhà ông Lý Quốc Súng: là ngôi nhà Bác Hồ đã ở khi mới trở về Tổ quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28 tháng 01 đến ngày 07/02/1941). Ngôi nhà này được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn ở địa phương.
- Hang Lũng Lạn: là nơi Bác ở và làm việc trong khoảng cuối tháng 3 năm 1941. Hang rộng khoảng 50m2.
- Hang Ngườm Vài: tại đây, năm 1941, Bác trực tiếp dự và hướng dẫn và kết nạp Đảng cho đồng chí Nông Thị Trưng. Hang rộng khoảng 80m2.
- Suối Lê Nin: thời gian ở Pác Bó, Bác thường ngồi câu cá ở suối này. Đến nay, di tích vẫn giữ được cảnh quan tương đối nguyên vẹn.
- Nền nhà ông La Thanh: là cơ sở cách mạng quan trọng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây là nơi đón tiếp các đại biểu toàn quốc về dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hiện nay, di tích chỉ còn lại nền nhà cũ, diện tích rộng 131m2, đã được cắm bia giới thiệu di tích.
- Cột mốc 108: nay là cột mốc số 675, là một trong 314 cột mốc biên giới Việt - Trung xưa, được làm bằng đá tảng nguyên khối, hình bầu dục, cao khoảng 70cm, bên trên khắc nội dung bằng tiếng Trung và tiếng Pháp.
- Khu ruộng Goọc Mu: vốn là một xóm trong thôn Pác Bó; sau khi thực hiện chính sách quy hoạch lại khu cư trú để thành lập hợp tác xã nông nghiệp, xóm Goọc Mu được chuyển về trung tâm Pác Bó. Tại địa điểm Goọc Mu, năm 1940, nhân dân thôn Pác Bó đã từng vào đây cắt máu ăn thề, nguyện suốt đời đi theo cách mạng.
2/Các điểm lưu niệm tại khu trung tâm
- Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và sân quảng trường: được xây dựng theo mô hình nhà sàn dân tộc, nằm trên dãy Linh Sơn, thuộc khu di tích Pác Bó, khánh thành năm 2011.
- Khu ruộng Nà Chang: có diện tích khoảng 5000m2, là nơi mít tinh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với nhân dân Pác Bó ngày 20/2/1961.
- Các công trình: nhà trưng bày, nhà đón tiếp.
3/Cụm di tích Kim Đồng gồm: Mộ Kim Đồng, hang Nộc Én, Pò Đoi - Thoong Mạ.
4/Cụm di tích Bó Bẩm: Nhà ông Dương Văn Đình, núi Các Mác, suối Lê Nin, hang Đầu Hổ.
5/Cụm di tích Khuổi Nặm: Lán Khuổi Nặm, hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học nổi bật và đặc biệt, khu di tích Pác Bó được xếp hạng là Khu di tích Quốc gia quốc gia tại Quyết định số 97/QĐ-VH ngày 21/2/1975 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Đến năm 2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Pác Bó tại số Quyết định số 1146/QĐ-TTg ngày 29/8/2007. Đến ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐ - TTg về việc xếp hạng Di tích lịch sử Pác Bó là Di tích Quốc gia đặc biệt.
2. Thực trạng hoạt động phát huy giá trị tại khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó
* Hoạt động tổ chức tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn
Từ khi thành lập, BQL khu di tích Pác Bó đã đề ra nhiệm vụ đầu tiên là kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy nhân sự. Đây là nhiệm vụ then chốt góp phần thực hiện tốt hoạt động tổ chức và quản lý. Trước hết là vấn đề tuyển dụng nguồn nhân lực, trong những năm qua, BQL khu di tích Pác Bó đã chủ động trong việc đề nghị lãnh đạo cấp trên cho tuyển dụng nhân sự vào các vị trí chuyên môn nghiệp vụ. Theo ông Đào Văn Mùi, Giám đốc BQL khu di tích Pác Bó cho biết: “Đến nay, về cơ bản đội ngũ cán bộ nhân viên của khu di tích đều qua đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về di sản văn hóa, trong đó có một số cán bộ chủ chốt được đào tạo từ ngành Bảo tàng học của Khoa Di sản văn hóa, trường đại học Văn hóa Hà Nội và số lượng cán bộ học từ các chuyên ngành khác đều được đào tạo thông qua các lớp nghiệp vụ ngắn hạn”. Trên thực tế, hàng năm, đơn vị này đã cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ, các lớp ngắn hạn cấp chứng chỉ chuyên môn. Được sự quan tâm của Sở VH,TT&DL tỉnh Cao Bằng, lãnh đạo và cán bộ, nhân viên của BQL khu di tích Pác Bó còn được tham dự lớp học bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn “Di sản viên hạng III” vào cuối năm 2016. Việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ, nhân viên của BQL khu di tích này đã được nâng cao phần nào. Bên cạnh đó, lãnh đạo khu di tích cũng cử các cán bộ tham gia các đợt tập huấn chuyên đề do các nhà khoa học, quản lý di sản văn hóa với mục đích tuyên truyền, thực hiện quản lý Nhà nước về DT LSVH.
BQL khu di tích Pác Bó còn tổ chức nhiều đợt tham quan các mô hình quản lý tốt ở các đơn vị quản lý tương đương để học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý di tích…
* Hoạt động tu bổ, tôn tạo
Nhận thức được vấn đề di sản là tài sản vô giá đối với chính quyền và cộng đồng cư dân ở tỉnh Cao Bằng, nên công tác bảo vệ cũng như tu bổ, tôn tạo tại khu di tích Pác Bó được lãnh đạo UBND tỉnh xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý di tích và chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Cao Bằng. Do vậy, UBND tỉnh Cao Bằng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở VH,TT&DL tỉnh và BQL khu di tích Pác Bó cần phải thực thi các hoạt động quản lý chuyên môn, trong đó có hoạt động chống xuống cấp, tôn tạo tại các hạng mục trong khu di tích Pác Bó. Hàng năm, để đảm bảo công tác đầu tư chống xuống cấp, tôn tạo được thiết thực và đạt hiệu quả cao, Sở VH,TT&DL tỉnh đã chỉ đạo BQL khu di tích Pác Bó tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng và tình trạng kỹ thuật tại các hạng mục của khu di tích. Trên cơ sở đó, thống nhất lên phương án đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng, Bộ VH,TT&DL, Chính phủ phê duyệt và cho phép sử dụng kinh phí thu được trong hoạt động khai thác phát huy tại khu di tích hàng năm và xin hỗ trợ thêm kinh phí của nhà nước để tiến hành các hoạt động chống xuống cấp theo thứ tự các hạng mục được ưu tiên “căn cứ theo giá trị của các hạng mục, mức độ xuống cấp và quy mô tu bổ, tôn tạo để đề xuất” [4, tr.49]. BQL khu di tích Pác Bó đề nghị Sở VH,TT&DL tỉnh và UBND tỉnh Cao Bằng như: 1/Tổ chức lập dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo các hạng mục tại khu di tích; 2/Xây dựng tờ trình về việc sử dụng kinh phí tự có và ngân sách nhà nước hỗ trợ cho việc tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp hàng năm.
Trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của UBND tỉnh Cao Bằng, Sở VH,TT&DL tỉnh cùng với việc huy động kinh phí xã hội hóa của nhân dân mọi miền đát nước nên BQL khu di tích Pác Bó đã tổ chức tốt việc tu bổ và tôn tạo tại khu di tích như: đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường nội vùng thôn Pác Bó, bến đỗ xe khu di tích.
Trên thực tế, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản số 2809/BVHTTDL-DSVH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án bảo tồn, tôn tạo và phục dựng một số hạng mục tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Về sự cần thiết và chủ trương đầu tư: Việc bảo tồn, tôn tạo và phục dựng một số hạng mục tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó cơ bản phù hợp với nội dung Đề án xây dựng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích sử Pác Bó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1146/QĐ-TTg ngày 29 tháng 8 năm 2007. Do đó, Bộ VHTTDL đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án tại Công văn số 1331/BVHTTDL-DSVH ngày 20 tháng 4 năm 2016 gửi Văn phòng Chính phủ. Về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi: Bộ VH,TT&DL cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, gồm các hạng mục: Phục dựng nhà ông Lý Quốc Súng; bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích: Bàn đá, bếp nấu cơm, cây ổi, nơi Bác ngồi câu cá, tảng đá Bác ngồi làm thơ, khóm trúc; các lán Khuổi Nặm 1, 2, 3; các hang đá Lũng Lạn, Ngườm Vài, Slí Điếng, Diêm Tiêu; tôn tạo đường lên mốc 108, hệ thống chỉ đường, biển ghi tên, miêu tả di tích, khu quầy dịch vụ, bãi đỗ xe, cầu bê tông... Tuy nhiên, Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng nghiên cứu phân kỳ đầu tư, lựa chọn hạng mục ưu tiên và tính toán quy mô phù hợp với khả năng của ngân sách hiện nay.
Ngày 3/10/2017, công trình Nhà trưng bày và nhà làm việc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó có diện tích sử dụng khoảng 5.700m2, tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 12/2015 và hoàn thành vào tháng 8/2017. Công trình nằm trong kế hoạch từng bước thực hiện Đề án xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Pác Bó nhằm giới thiệu rõ hơn, đầy đủ hơn thời kỳ hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó. Đồng thời, giới thiệu rõ vai trò, vị trí của căn cứ địa Pác Bó trong bối cảnh lịch sử giai đoạn tiền khởi nghĩa; nêu bật những tình cảm sâu đậm của nhân dân các dân tộc Cao Bằng đối với Bác Hồ. Hệ thống trưng bày này nhằm giới thiệu, giữ gìn và phát huy những hiện vật, tài liệu, di tích liên quan đến cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng, từ đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và tuyên truyền cho các thế hệ hiểu rõ về lịch sử, truyền thống của con người và mảnh đất Cao Bằng. Bên cạnh đó, công trình nhà trưng bày còn giúp tỉnh Cao Bằng bảo tồn nguyên vẹn những giá trị nổi trội về địa mạo, địa chất, cảnh quan, sinh thái tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó; từ đó, khai thác tiềm năng du lịch một cách có hiệu quả, góp phần chuyển đổi kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao đời sống nhân dân địa phương.
* Hoạt động phát huy giá trị
Trong nhiều năm qua, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình, BQL khu di tích Pác Bó đã sử dụng nhiều hình thức khác nhau để phổ biến, phát huy giá trị khu di tích và thường xuyên tổ chức đón tiếp công chúng tham quan tại di tích. Ngoài ra, còn sử dụng nhiều hình thức khác như: in sách, tờ gấp, tờ rơi, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Việc kết hợp các hình thức quảng bá di tích như vậy bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tốt.
- Về việc tổ chức hướng dẫn tham quan tại khu di tích, qua khảo sát cho thấy, hiện BQL có 11 hướng dẫn viên có độ tuổi trên dưới 30 tuổi, họ được đào tạo từ các chuyên ngành có liên quan đến văn hóa như du lịch, ngoại ngữ… Trong những năm qua, do tính chất tiêu biểu và có giá trị nhiều mặt về lịch sử và văn hóa của khu di tích, khách du lịch trong nước và ngoài nước đã đến tham quan với số lượng rất đông, những lượng khách đến thăm quan tại khu di tích này chủ yếu là đăng ký theo đoàn, còn số lượng khách tham quan tự do chỉ ước tính đạt khoảng gần 1/3 tổng số lượng khách tham quan. Dưới đây là bảng tổng hợp số lượng khách du lịch đến với hai khu di sản này trong 5 năm, từ 2012 đến 2016:
Bảng thống kê số lượng khách đến tham quan ở khu di tích Pác Bó
(Năm 2015 - 9 tháng 2017)
Đơn vị tính: người
TT |
NĂM |
TỔNG SỐ |
GHI CHÚ |
1 |
2015 |
130.000 |
BC tháng 12/2015 |
2 |
2016 |
135.000 |
BC tháng 12/2016 |
3 |
6 tháng đầu năm 2017 |
64.500 |
BC tháng 6/2017 |
4 |
9 tháng đầu năm 2017 |
85.852 |
BC tháng 9/2017 |
[Nguồn: BQL khu di tích Pác Bó cung cấp, năm 2017]
Trong biểu tổng hợp này về lượng khách đến tham quan khu di tích cho thấy, số lượng khách tại đây tăng theo các năm. Từ đó cho thấy, đây là địa điểm tham quan khá lý tưởng và có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Vấn đề này cần được quan tâm nghiên cứu và có những giải pháp cụ thể để có thể phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của khu di tích đặc biệt quốc gia này ở hiện tại cũng như trong tương lai.
- Về việc đặt biển giới thiệu về khu di tích, biển ghi nội quy, tiêu lệnh, các bình phòng cháy, chữa cháy..., BQL khu di tích Pác Bó thường xuyên cử cán bộ trực, giám sát các hoạt động của cộng đồng vào ngày thường, các ngày lễ, tết nguyên đán, ngày rằm, mồng một… nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho toàn bộ khu di tích.
- Về hoạt động in ấn giới thiệu về khu di tích, trong những năm qua BQL khu di tích đã và đang đầu tư biên soạn, công bố những ấn phẩm dưới nhiều hình thức như in sách, tờ gấp… nhằm mục tiêu quảng bá, giới thiệu đến đông đảo công chúng các giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích này gắn liền với thời kỳ hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài việc xuất bản sách, ảnh nhằm quảng bá về khu di tích, trong đó đề cập đến các nội dung như: Giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa đó là nơi hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi từ Trung Quốc về nước; các công trình trong quần thể di tích này như: đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cột mốc số 0, cột mốc 108, hang Cốc Bó, nền nhà ông Lý Quốc Súng, hang Lũng Lạn, suối Lê Nin, nền nhà ông La Thanh, khu ruộng Goọc Mu…
- Về quảng bá truyền hình: BQL khu di tích Pác Bó phối hợp với đài truyền hình Trung ương và tỉnh Cao Bằng đã biên soạn và ghi hình về các di tích để phát sóng qua các kênh truyền hình như: Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Cao Bằng, Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình kỹ thuật VTC... Đặc biệt là vào các ngày kỷ niệm của đất nước, tại khu di tích đã được đưa tin qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài phát thanh, truyền hình, các tờ báo, tạp chí...
- Về việc phối hợp với ngành du lịch: BQL khu di tích Pác Bó đã phối hợp với ngành du lịch tỉnh Cao Bằng xây dựng tour tham quan di sản trong lịch trình thăm quan các di sản tiêu biểu của tỉnh: Pác Bó - Trần Hưng Đạo Cao nguyên đá - Thác Bản Giốc, tổ chức thi tìm hiểu về di sản, tổ chức tự đào tạo hướng dẫn viên du lịch về chính sách định hướng bảo tồn và phát triển lâu dài đối với khu di tích.
BQL khu di tích đã có kế hoạch thực hiện tuyên truyền quảng bá di sản Pác Bó trên các tạp chí chuyên ngành: Di sản văn hóa, Văn hóa nghệ thuật...; cập nhật nội dung và bổ sung thông tin trong mục di tích tiểu biểu trên trang website của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng.
- Về hoạt động dịch vụ đi lại cho khách tham quan: Năm 2017, Công ty Cổ phần điện tử viễn thông tin học (Tập đoàn EGroup) khai trương dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô điện phục vụ du khách tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Pắc Bó giai đoạn một với kinh phí hơn 5 tỷ đồng được đưa vào hoạt động gồm một bãi đỗ và 11 xe điện. Dịch vụ này sẽ là điểm nhấn cho hoạt động du lịch, mang lại một diện mạo mới cho Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó; tạo một môi trường xanh thân thiện, giảm thiểu ô nhiễm, xứng đáng với tầm vóc lịch sử của điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử đặc biệt, thiêng liêng của cả nước; góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa của tỉnh Cao Bằng nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình Phát triển du lịch của tỉnh.
* Hoạt động huy động nguồn kinh phí trong hoạt động bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị
Nguồn lực cho việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị tại khu di tích này thường tập trung vào 3 nguồn lực chủ yếu sau: 1/Kinh phí thuộc ngân sách nhà nước; 2/Kinh phí do nhân dân đóng góp; 3/Nguồn thu từ các hoạt động phát huy giá trị di tích [2, tr.65]. Ba nguồn lực này đã có những đóng góp rất lớn cho việc tu bổ, tôn tạo tại khu di tích Pác Bó, các nguồn kinh phí trên cụ thể như sau:
- Kinh phí từ ngân sách: Hàng năm Nhà nước, tỉnh Cao Bằng đã dành một khoản kinh phí khá lớn cho mục tiêu chống xuống cấp, tôn tạo để góp phần cho việc bảo tồn và phát huy giá trị tại khu di tích. Trên thực tế khảo sát cho thấy, khoản kinh phí này đã được phân bổ đầu tư theo các giai đoạn thực hiện dự án quy hoạch tổng thể của khu di tích này. Điển hình như giai đoạn 2015 đến năm 2017 đã sử dụng trên 42 tỷ VNĐ vào hoạt động tu bổ, tôn tạo.
- Kinh phí từ phong trào XHH hoạt động bảo tồn, tu bổ, tôn tạo cho khu di tích, trong đó có kinh phí huy động từ các tổ chức, cá nhân như: các công ty, tập đoàn kinh tế; khách thập phương... Hình thức ủng hộ cũng rất phong phú, ngoài việc công đức bằng tiền mặt còn có các hình thức quyên góp về vật liệu xây dựng, công đức các đồ thờ tự… Mặc dù nguồn kinh phí này không nhiều nhưng đây lại chính là nguồn lực tiềm năng, quan trọng cho công tác tu bổ, tôn tạo tại khu di tích này hiện nay và cần được khuyến khích thúc đẩy hơn nữa.
- Nguồn thu từ hoạt động phát huy giá trị tại khu di tích như tiền công đức, tiền bán vé tham quan. Đây cũng là một trong những nguồn kinh phí cho việc đầu tư trở lại để phát huy giá trị của khu di tích. Hiện nay, khu di tích Pác Bó có nguồn thu khá ổn định từ hoạt động này, hàng năm, BQL khu di tích đã thu được nguồn công đức, bán vé ước đạt vài trăm triệu đồng. Khu di tích này thường thu hút lượng du khách đến tham quan vào dịp ngày kỷ niệm lớn của quốc gia như: 30/4, 01/5, 19/5, 02/9… Nguồn kinh phí thu được sử dụng vào chi phí thường xuyên cho hoạt động tổ chức bộ máy, công tác quản lý, bảo vệ, bảo toàn cho di tích, hoạt động truyền thông, quảng bá thu hút khách tham quan…
3. Giải pháp phát huy giá trị khu di tích quốc gia đặc biệt Pắc Bó
Căn cứ vào giá trị tiêu biểu, độc đáo về mặt lịch sử, văn hóa và thực trạng công tác tổ chức và quản lý tại khu di tích Pác Bó hiện nay, nhóm tác giả bài viết nhận thấy rằng, cần có những giải pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng tổ chức, quản lý để phát huy tối ưu nhất các giá trị vốn có của khu di tích quốc gia đặc biệt này trong xã hội đương đại. Dưới đây là những giải pháp để các cơ quan quản lý, trước hết là BQL khu di tích Pác Bó tham khảo trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao:
Một là, chiến lược thu hút nhân tài, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên, trong đó đặc biệt chú ý tới đội ngũ nhân viên hướng dẫn tại BQL thông qua các lớp nghiệp vụ ngắn hạn, lớp tập huấn công tác quản lý di sản…
Hai là, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trong khu di tích, trong đó chú trọng đến hạ tầng công nghệ phục vụ các hoạt động quản lý và nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan.
Ba là, tạo cảnh quan không gian các tiểu công viên trong khu di tích như: vườn hoa, hồ nước nhân tạo, tạo tiểu khuôn viên hai bên suối Lê Nin…
Bốn là, đề cao vai trò và gắn trách nhiệm của cộng đồng cư dân sinh sống trong không gian khu di tích, đặc biệt vận động đồng các hộ gia đình tham gia vào việc cải tạo và chuyển đổi không gian diện tích đất trồng nông nghiệp trong khu di tích (Bên cạnh khu nhà làm việc) thành các vườn hoa, vườn sản vật địa phương để phục vụ nhu cầu của khách tham quan.
Năm là, đẩy mạnh chương trình quảng bá về khu di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo, đặc biệt là cần phải xây dựng website riêng về khu di tích Pác Bó, cần thiết lập các trang mạng xã hội facebook, zalo mang tên khu di tích Pác Bó với mục đích đăng tải thông tin, hình ảnh… về khu di tích góp phần hỗ trợ tối đa cho nhu cầu tra cứu, tìm hiểu của mọi tầng lớp khách tham quan.
Sáu là, tiến tới thực hiện chương trình số hóa về khu di tích góp phần phục vụ đắc lực cho hoạt động quản lý của khu di tích và chương trình này cần phải được kết nối thông qua mạng internet để thấy được mức độ tiện dụng, chuyên nghiệp khi sử dụng.
Bảy là, gắn khu di tích với các loại hình du lịch hiện nay, chú trọng phát triển du lịch lịch sử, văn hóa về nguồn có sự kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm. Việc khai thác triệt để ưu điểm của các hoạt động du lịch này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh di sản Pác Bó và con người nơi đây đến đông đảo khu khách trong nước và quốc tế.
Tám là, quy hoạch và đầu tư hạ tầng cho các công trình dịch vụ tiện ích, đặc biệt chú ý đến cải tạo hệ thống ky ốt bán hàng lưu niệm và sản vật địa phương.
Tài liệu tham khảo
Tác giả bài viết: Nhóm tác giả: Ths. Lưu Ngọc Thành - Ths. Phạm Thị Thanh Hà (Đại học Văn hóa Hà Nội)
Nguồn tin: Tham luận tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 77 năm Bác Hồ về nước: 28/01/1941 - 28/01/2018
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn