Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng ta lãnh đạo, Cao Bằng được xem như Đầu nguồn của cách mạng. Đây không chỉ là nơi đầu tiên Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về sau hành trình dài tìm đường cứu nước mà còn là nơi ra đời nhiều quyết định lịch sử.
1. Quyết định chọn Pác Bó - Cao Bằng làm nơi đứng chân xây dựng cơ sở cách mạng, chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Chọn Cao Bằng là nơi đứng chân đầu tiên để xây dựng lực lượng về mọi mặt không phải là ngẫu nhiên mà là một giải pháp, một quyết định chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Việc chọn điểm về - chỗ đứng chân trong nước, là một việc quan trọng quyết định sự thành bại và sự phát triển của cách mạng về sau. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từng khẳng định: Đánh giặc phải có "căn cứ địa cách mạng" có xây dựng được căn cứ địa cách mạng mới tạo được chỗ đứng chân - điểm tựa ban đầu để từ đó tạo "thế" và phát triển "lực" cho phong trào cách mạng. Theo Người điểm tựa đó trước hết phải là nơi bảo tồn được lực lượng non trẻ của cách mạng, nơi "Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ - mình còn yếu địch mạnh nhưng nhất định không thể để địch tiêu diệt". Điểm tựa đó phải được xây dựng ở nông thôn miền núi. Người khẳng định: "phải lấy rừng núi làm căn cứ địa". Nơi đó phải có địa thế hiểm yếu che trở và quần chúng có cảm tình ủng hộ; phải thật bí mật và có đường rút lui, có thể phát triển mở rộng về xuôi nối với phong trào cách mạng trong cả nước. Nơi đó còn phải có điều kiện giao thông liên lạc với quốc tế thuận lợi... Cao Bằng hội đủ yếu tố “địa lợi, nhân hòa", nơi "Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ" đó là những nhân tố để Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng về nước xây dựng căn cứ địa, lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Khi quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ, Người đã nhận định: "Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra nhiều triển vọng lớn lao cho cách mạng nước ta, Cao Bằng có phong trào cách mạng tốt từ trước lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc với Quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được, có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ".
Việc chọn Pác Bó - Cao Bằng làm đất đứng chân để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước là quyết định đúng đắn, sáng tạo thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Người.
Ngày 28 tháng 01 năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp, Đào Thế An, Hoàng Văn Lộc vượt qua cột mốc biên giới 108 (Biên giới Việt – Trung) về Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ngay khi về Pác Bó - Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay ngay vào xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng của cả nước.
2. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (Chỉ đạo thành lập mặt trận Việt Minh; Xuất bản báo Việt Nam độc lập; Chỉ đạo thành lập đội du kích Pác Bó)
Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến có lợi cho cách mạng Việt Nam; tháng 5 năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách đại diện của Quốc tế cộng sản đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Hội nghị tiến hành từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, vấn đề giải phóng dân tộc được đưa lên hàng đầu nhằm tập hợp mọi giai tầng trong xã hội đứng trong một mặt trận thống nhất chống kẻ thù chung. Hội nghị nhận định: “trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa, trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được".
Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII đã ra quyết định thành lập mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); Xây dựng căn cứ địa cách mạng; phát triển chiến tranh du kích, tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong toàn quốc. Mặt trận Việt Minh ra đời có nhiệm vụ đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, tích cực chuẩn bị lực lượng về mọi mặt, đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Mục đích của Việt Nam độc lập đồng minh là “muốn đem lại cho đồng bào được tự do và hạnh phúc, muốn giải phóng cho các từng lớp dân tộc bị áp bức trên dải đất Đông Dương này”. Thực tế lịch sử cho thấy, mặt trận Việt Minh đã thực sự là con đường đúng đắn của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống Pháp đuổi Nhật giành độc lập cho dân tộc.
Hội nghị lần thứ VIII của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng được đề ra từ Hội nghị lần thứ VI (11/1939). Những tư tưởng và đường lối đó có ý nghĩa quyết định chiều hướng phát triển của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta, dẫn đến thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945.
* Xuất bản báo Việt Nam độc lập
Nhằm mục đích tuyên truyền, động viên mọi lực lượng trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc; Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo “Việt Nam độc lập” tại Pác Bó - Cao Bằng, số báo đầu tiên ra ngày 01/8/1941, gồm 4 mục chính: Như những câu tuyên truyền in trên đầu trang nhất; Xã Luận; Tin trong nước và thế giới; Vườn văn.
Tờ báo là cơ quan ngôn luận của mặt trận Việt Minh, tờ báo có tác dụng giáo dục, động viên quần chúng tham gia cách mạng. Mục đích của báo như Người đã nêu rõ:
“ Làm cho ta mở mắt mở tai
Cho ta biết kết đoàn tổ chức
Cho ta hay sức lực của ta
Cho ta biết chuyện gần xa
Cho ta biết nước non ta là gì”
Những bài viết của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thường là thơ và có tranh minh họa đều nhằm vào việc khơi dậy lòng yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc của mỗi người như bài “Việt Nam độc lập” Người viết:
“ Việt Nam độc lập” thổi kèn loa
Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già
Đoàn kết vững bền như khối sắt
Để cùng nhau cứu nước Nam ta.
Trong thời gian phụ trách tờ báo, Người luôn yêu cầu người viết phải viết ngắn gọn (không quá 100 chữ), từ dùng dễ hiểu, rõ ràng nhằm tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân từ người già đến người trẻ, từ vùng thấp đến vùng cao…đều hiểu được mục đích của tờ báo là làm sao cho Việt Nam độc lập.
Tờ báo Việt Nam độc lập do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập trở thành ngọn đuốc soi sáng dẫn dắt quần chúng cách mạng tiến bước trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Ảnh hưởng của Báo Việt Nam Độc lập không chỉ giới hạn trong phạm vi tỉnh Cao Bằng, mà có sức lan tỏa trên phạm vi khu vực và trong cả nước bởi mỗi câu thơ, mỗi đoạn văn vần của báo hết sức tự nhiên, ngắn gọn, dễ hiểu, xúc tích và rất dễ thuộc, dễ đi vào lòng người dân. Do đó đã đưa đến sự xuất hiện những xã, tổng và những châu “hoàn toàn Việt Minh”. Phương pháp tuyên truyền của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, một hình mẫu của báo chí cách mạng xuất bản bí mật trước khi nhân dân ta giành được chính quyền. Đến nay, hình mẫu Báo Việt Nam độc lập với những kinh nghiệm quý báu của nó vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta chiêm nghiệm và học tập.
* Chỉ đạo thành lập đội du kích Pác Bó- Đội du kích thoát ly đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.
Quan điểm của Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong thời kỳ mới được thể hiện rõ trong các văn kiện của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII họp tại lán Khuổi Nặm, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Hội nghị đã phân tích tình hình thế giới và tình hình cách mạng trong nước sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ, Binh biến Đô Lương và đi đến nhận định: Cách mạng Việt Nam đã bước sang thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh bằng bạo lực để giành chính quyền cách mạng. Hội nghị đề ra chủ trương:“chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay”. Hội nghị nhận định: “với lực lượng sẵn có ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần, trong từng địa phương, cũng có thể giành được sự thắng lợi mới mở đường cho một cuộc khởi nghĩa to lớn”. Hội nghị đề ra chủ trương thành lập lực lượng vũ trang toàn quốc bằng nhiều hình thức trong đó có việc “mở rộng và củng cố các tổ chức cứu quốc sẵn có làm cho các đoàn thể có một tinh thần hy sinh tranh đấu, sẵn sàng gây cuộc khởi nghĩa”; “phải có những tiểu tổ du kích, du kích chính thức và tổ chức binh lính đế quốc”. Hội nghị đã đề ra điều lệ của “Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc” quy định về tên gọi, tổ chức, biên chế và mục đích hoạt động của đơn vị.
Cao Bằng là tỉnh đi đầu thực hiện các chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ VIII. Sau Hội nghị phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ khắp các châu trong tỉnh. Các tổ chức tự vệ ra đời ngày một nhiều làm nhiệm vụ hỗ trợ các phong trào đấu tranh của quần chúng, là lực lượng để củng cố và phát triển các hội cứu quốc, bảo vệ căn cứ, đưa đón cán bộ cách mạng, làm giao liên và khi cần có thể chiến đấu với địch. Cuối năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho Tỉnh ủy Cao Bằng thành lập đội du kích tập trung. Đây là đội du kích thoát ly đầu tiên lấy tên là Đội du kích Pác Bó.
Tiêu chuẩn lựa chọn đội viên vào đội du kích là những người trung thành với cách mạng, dũng cảm, khỏe mạnh và đã được thử thách qua thực tế và những người đã được dự lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên tại Trung Quốc do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện. Tháng 11 năm 1941 tại Pài Co Nhản, Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, đội du kích thoát ly đầu tiên của cách mạng Việt Nam đã được ra đời.
Đội du kích Pác Bó gồm 12 thành viên Lê Quảng Ba (Đội trưởng); Lê Đinh - tức Lê Thiết Hùng (chính trị viên); Trần Sơn Hùng - tức Hoàng Sâm ( đội phó); các đội viên: Cường Tiến (tức Nguyễn Văn Cơ về sau đổi tên là Bằng Giang); Thế An; Hải Tâm (tức Bế Sơn Cương); Đức Thanh; Sĩ Cương; Nông Thị Trưng; Quang Hưng (tức Dương Mạc Hiếu); Tống Dề (tức La); Nông Văn Chủng (tức Phùng).
Đội du kích có nhiệm vụ: Bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ; làm giao thông liên lạc đặc biệt; Vũ trang tuyên truyền trong quần chúng; Huấn luyện cho các đội tự vệ chiến đấu ở địa phương. Đặc biệt Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bổ sung nhiệm vụ của Đội thêm nhiệm vụ thứ năm nữa là: Làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang sau này.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp giáo dục chính trị, hướng dẫn quân sự cho đội, viết tài liệu huấn luyện quân sự cho đội. Người đã tự tay soạn thảo các tài liệu: “một số nguyên tắc xây dựng và hoạt động của đội du kích” và “Mười điều kỷ luật của quân đội”. Người thường xuyên căn dặn “phải đoàn kết chấp hành kỷ luật tốt, khiêm tốn học hỏi, giúp nhau thực sự về chính trị, quân sự cũng như trong sinh hoạt, đối với dân phải như cá với nước”.
Sau một thời gian huấn luyện, đội đã triển khai công tác vũ trang tuyên truyền làm cho dân hiểu thêm và tin tưởng vào mặt trận Việt Minh. Đầu tháng 4 năm 1942 Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc Chỉ thị cho đội du kích phân tán hoạt động, điều các đội viên đi làm nòng cốt tổ chức các đội vũ trang địa phương. Các đồng chí Bằng Giang, Bế Sơn Cương và Sĩ Cương về Hòa An xây dựng đội vũ trang châu do đồng chí Bằng Giang làm đội trưởng. Đồng chí Dương Mạc Hiếu về Nguyên Bình xây dựng đội vũ trang châu. Đồng chí Đức Thanh về Nà Mạ (Hà Quảng) phụ trách quần chúng và tự vệ ở đây, về sau phát triển lập đội vũ trang Phù Dúng. Đồng chí Nông Thị Trưng thoát ly đơn vị làm công tác phụ nữ nhưng cũng tham gia hoạt động huấn luận quân sự cho các đồng chí trong Hội phụ nữ. Đồng chí Lê Quảng Ba mở lớp huấn luyện tại Pác Bó cho cán bộ các xã Kéo Đắc, Yên Dũng. Đồng chí Lê Thiết Hùng mở lớp ở Đào Ngạn, Phù Ngọc. Từ những cán bộ cốt cán của đội du kích Pác Bó nhiều đội vũ trang ở các địa phương được thành lập. Đội du kích Pác Bó hoạt động đến tháng 7 năm 1943 thì kết thúc.
Đội du kích Pác Bó chỉ tồn tại được 2 năm nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Được rèn luyện trong thực tiễn đội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, không những có khả năng huấn luyện chính trị, quân sự cho các địa phương mà đã tổ chức được các đội vũ trang trong các Tổng và các Châu. Những hoạt động chính trị, quân sự của đội đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân các dân tộc Cao Bằng về một đội quân kiểu mới chưa từng có trong lịch sử quân đội nước ta: một đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, một lòng một dạ trung thành với nhân dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự ra đời và hoạt động của đội du kích Pác Bó là những kinh nghiệm và bài học quý báu cho việc thành lập đội quân chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam - Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Bên cạnh việc phát triển lực lượng vũ trang ở Cao -Bắc-Lạng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị mở phong trào “Nam tiến”. Tháng 2 năm 1943, tại Lũng Hoài (xã Hồng Việt, Hòa An) diễn ra Hội nghị liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc- Lạng và đại biểu cứu quốc quân bàn việc mở rộng phong trào, chuẩn bị chủ động đón thời cơ mới. Theo chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị bàn việc mở rộng phong trào “Nam Tiến” để tạo ra con đường liên lạc từ Cao Bằng phát triển sang các hướng: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang. Sau Hội nghị, các tuyến xung phong “Nam tiến” được tổ chức và bắt đầu lên đường thực thi nhiệm vụ.
Tuyến thứ nhất: Từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Cạn) nối với Chợ Chu, Đại Từ (Thái Nguyên);
Tuyến thứ hai: Vượt qua Bảo Lạc sang Na Hang (Tuyên Quang), Bắc Mê (Hà Giang) và nối thông sang Vân Nam (Trung Quốc);
Tuyến thứ 3: Tiến qua Thạch An xuống Tràng Định, Bình Gia (Lạng Sơn) nối liền căn cứ Bắc Sơn, Võ Nhai và thông suốt đến Hiệp Hòa (Bắc Giang).
Phương thức hoạt động của các hướng là “các tổ chức xung phong phát triển đi trước, hoạt động theo lỗi vũ trang tuyên truyền, bắt mối, điều tra, tuyên truyền gây cơ sở. Các tổ xung phong củng cố đến tiếp sau, chọn cốt cán trong quần chúng, mở lớp huấn luyện ngắn ngày rồi đưa vào cán bộ địa phương mới được đào tạo mà phát triển phong trào”.
Con đường Nam tiến kéo dài qua nhiều miền núi cao, sông suối, đầy khó khăn hiểm trở, qua các bản làng của đồng bào Tày, Nùng, Dao, Mông... những nơi có đội Nam tiến đi qua, quần chúng được giác ngộ, hăng hái tham gia các tổ chức Cứu quốc. Phong trào xung phong Nam tiến phát triển rầm rộ trên địa bàn Cao Bằng. Hàng trăm cán bộ, nam nữ thanh niên tình nguyện thoát ly gia đình, tự sắm sửa vũ khí tham gia vào các đội Nam tiến. Các lớp học cấp tốc được mở tại nhiều nơi, đào tạo hàng trăm cán bộ đáp ứng yêu cầu cho riêng tuyến đường Nam tiến. Từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943, tại Cao Bằng lần lượt tổ chức 19 đội xung phong Nam tiến, mỗi đội Nam tiến được phân công một địa phương hoạt động. Đây là một thắng lợi rất lớn trong việc xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng theo sự chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Kết quả của phong trào Nam tiến đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng ở các tỉnh Việt Bắc, nối liền hai căn cứ cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai, từ đó thông xuống các tỉnh miềm xuôi.
4. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa của liên tỉnh Cao -Bắc - Lạng; chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Cuối năm 1943 đến giữa năm 1944 thực dân Pháp tiến hành mở các đợt khủng bố trắng tại Cao Bằng. Địch càng điên cuồng khủng bố phong trào cách mạng, quần chúng càng nóng lòng đứng lên khởi nghĩa. Trong bối cảnh đó, ngày 13 tháng 7 năm 1944 liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng triệu tập Hội nghị tại Lũng Sa, xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng bàn về vấn đề khởi nghĩa của liên tỉnh Cao-Bắc-Lạng. Dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Liên tỉnh ủy. Trong báo cáo tại Hội nghị khẳng định: “Các điều kiện đã chín muồi để phát động chiến tranh du kích trong liên tỉnh” Hội nghị đã ra quyết định khởi nghĩa. Hội nghị nhận định “tình hình trong nước và phong trào cách mạng địa phương, quần chúng Cao - Bắc - Lạng đang nóng lòng chờ đợi khởi nghĩa”. Tháng 9 năm 1944 kế hoạch khởi nghĩa đã thực hiện được phần lớn. Tiếng súng vũ trang đã nổ ra ở nhiều nơi. Nhân dân Cao -Bắc - Lạng sục sôi khí thế vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Liên tỉnh ủy Cao -Bắc -Lạng chuẩn bị họp lần cuối để quyết định kế hoạch và định ngày khởi nghĩa.
Cuối tháng 10 năm 1944 Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc trở về xã “đỏ” Nà Sác, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tại đây, Người đã nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Vũ Anh báo cáo về chủ trương khởi nghĩa của liên tỉnh ủy Cao -Bắc -Lạng. Người đã chỉ thị hoãn chủ trương khởi nghĩa của liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng. Người phân tích: “chủ trương phát động chiến tranh du kích ở Cao -Bắc -Lạng chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể trong nước, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục. Trong điều kiện bây giờ nếu phát động ngay nhân dân nhất tề nổi dậy đánh du kích theo quy mô và phương thức đã định trong nghị quyết thì sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể còn khó khăn hơn thời kỳ khủng bố vừa rồi… cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên ”.
Việc quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa ở Cao - Bắc - Lạng là quyết định đúng đắn, sáng suốt và tránh cho ta những tổn thất lớn. Đồng thời Người chỉ thị “bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sỹ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến phải gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ thành lập đội quân giải phóng…”. Người nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không thể đủ để đẩy phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự phải tìm ra hình thức thích hợp để đẩy phong trào tiến lên.”.
Quyết định kịp thời, sáng suốt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ tránh tổn thất cho phong trào cách mạng của ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng, mà còn vạch ra một hướng đi phù hợp, đúng đắn của một phương pháp đấu tranh trong thời điểm them chốt của lịch sử dân tộc.
Từ những phân tích và nhận định như vậy; Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương thành lập một đội quân giải phóng và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Giữa tháng 12/1944, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi một bức thư cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đó là bản Chỉ thị về việc thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, do đích thân Người viết. Nội dung Chỉ thị: “Tên đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của đoàn thể sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực.
Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực, trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang ở các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
Đối với các đội vũ trang địa phương: Đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, trong các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.
Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông, mai Tây, lai vô cảnh, khứ vô trung.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một chủ trương sáng suốt, là cương lĩnh quân sự sáng suốt của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chỉ thị tuy ngắn gọn những đã nêu lên được những tư tưởng lớn về quân sự của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Chứa đựng những vấn đề lớn về đường lối quân sự của Đảng ta về vấn đề kháng chiến toàn dân, vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng và hoạt động của các thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp chính trị với quân sự của lực lượng vũ trang, nguyên tắc chiến thuật, tác chiến, cách đánh của lực lượng vũ trang, bí mật, bất ngờ, chủ động, mưu trí, linh hoạt…Những điều Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết trong bản chỉ thị lịch sử ấy đều đã trở thành hiện thực chứng tỏ tầm nhìn chiến lược và dự đoán thiên tài của Người.
5. Quyết định chuyển đại bản doanh cách mạng từ Pác Bó - Cao Bằng về Tân Trào Tuyên Quang.
Bước sang năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến mau lẹ, chiến tranh thế giới thứ 2 bước vào giai đoạn kết thúc, trước nhiệm vụ mới của lịch sử tháng 5/1945 Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định di chuyển đại bản doanh lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ Pác Bó - Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang) để thuận tiện cho việc lãnh đạo phong trào chung của toàn quốc. Đây là chuyến công tác đặc biệt hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này. Tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) Người chỉ thị thành lập khu giải phóng ở Việt Bắc, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng. Từ Quốc dân Đại hội, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kêu gọi Tổng khởi nghĩa “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta...” . Theo lời kêu gọi của Người, toàn dân ta đã đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Như vậy căn cứ địa cách mạng Cao Bằng có một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Tháng tám, những Quyết định lịch sử của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được thực hiện từ Cao Bằng là những sự kiện, bước ngoặt lịch sử quan trọng dẫn đến thành công của cách mạng tháng Tám năm 1945./
Tác giả bài viết: Hoàng Thị Lệ - Bảo tàng tỉnh Cao Bằng
Nguồn tin: Tham luận tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 77 năm Bác Hồ về nước: 28/01/1941 - 28/01/2018
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn