Lán Khuổi Nặm - căn nhà sàn đầu tiên
Ngày 28-1-1941 (mồng 2 Tết Tân Tỵ), tại cột mốc biên giới 108 Việt - Trung, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân lên đất Pắc Bó sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Người đã ở hang Pắc Bó (Cao Bằng) thời gian ngắn và sau đó chuyển sang ở lán Khuổi Nặm - một nhà sàn nhỏ gần đó - cho đến tận tháng 5-1945.
Đầu năm 2010, du học sinh Việt Nam xuất sắc tại Kiev (Ukraine) Lê Hoài Thu về Việt Nam và được mời tham gia chương trình về nguồn "Triệu tấm lòng, một niềm tin" do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Cao Bằng, nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi đó, Thu đã xúc động rơi nước mắt khi đến thăm các địa điểm Hồ Chủ tịch từng ở và làm việc là hang Pắc Bó, lán Khuổi Nặm.
Bây giờ về Việt Nam làm việc, Thu vẫn còn xúc động: "Đó là lần đầu tiên tôi được đến Cao Bằng, được tận mắt thấy chỗ ở, chỗ làm việc của Bác đơn sơ, giản dị, mộc mạc; được nghe kể chuyện về quá trình hoạt động bí mật, thiếu thốn, khó khăn của Bác. Khi đó tôi đã khóc.
Giờ về công tác tại Việt Nam, tôi vẫn muốn một lần được trở lại đây để giới thiệu cho các con tôi về những địa danh lịch sử này".
Đứng trước nền lán Khuổi Nặm, ông Đào Văn Mùi - giám đốc Ban quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Pắc Bó - giới thiệu: Khuổi Nặm theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là suối nước.
Lán Khuổi Nặm này nằm không xa cửa rừng, bên dòng suối nhỏ, dưới những gốc cây um tùm, làm theo kiểu nhà sàn của người Tày, không rộng, chỉ khoảng 12m2, mái lợp tranh, vách được che bằng lá cáp tao (một loại cây rừng, lá gần giống lá dừa).
Theo ông Mùi, sau 30 năm bôn ba hải ngoại, Bác Hồ về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bác sống và làm việc ở hang Pắc Bó đến tháng 3-1941. Sau đó, để đảm bảo bí mật, Người chuyển sang ở lán Khuổi Nặm.
Lán Khuổi Nặm - nhà sàn đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng ở Việt Bắc của Bác Hồ - Chụp lại ảnh tư liệu
"Đại hội Đảng" ở lán Khuổi Nặm
Theo ông Đào Văn Mùi, có 2 sự kiện lớn diễn ra tại lán Khuổi Nặm.
Chính tại căn lán kiểu nhà sàn nhỏ bé ấy, từ ngày 10 đến 19-5-1941 đã diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng. Hội nghị do Bác Hồ, lúc này còn mang tên Nguyễn Ái Quốc, với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản, triệu tập và chủ trì.
"Hội nghị như một Đại hội Đảng đầu tiên" và tại đây đã bàn và đề ra nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam giai đoạn này là giải phóng dân tộc, thành lập tổ chức "Việt Nam độc lập đồng minh" (gọi tắt là Việt Minh).
Cũng tại lán Khuổi Nặm, Bác Hồ đã sáng lập tờ báo Việt Nam Độc Lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 1-8-1941, lấy số hiệu 101 - cơ quan ngôn luận chính thức của Mặt trận Việt Minh.
Báo Việt Nam Độc Lập ra đời có tác dụng thiết thực trong việc tuyên truyền, giáo dục, động viên quần chúng tham gia cách mạng.
Lán Nà Nưa trên đồi Nà Nưa, nơi Bác Hồ ở và làm việc từ tháng 5 đến tháng 8-1945 - Ảnh: Đ.BÌNH
Quyết định lịch sử từ lán Nà Nưa
Từ căn nhà sàn nhỏ đơn sơ trên khu đồi Nà Nưa, với những nhận định đúng đắn, kịp thời, Bác Hồ đã chỉ đường cho toàn dân vươn tới một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại, dân tộc Việt Nam chấm dứt những ngày tháng nô lệ, tiến sang kỷ nguyên độc lập, tự do.
Ngày 4-5-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc hành trình Pắc Bó (Cao Bằng) và ngày 21-5-1945 thì về tới Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang).
Cụ Nông Thị Cờ (còn có tên là Mơ), 95 tuổi, ở xóm Tân Lập, xã Tân Trào, tuổi đã cao nhưng minh mẫn, kể bố cụ là ông Nông Văn Tính, là người được tổ chức tin tưởng. Vì thế, cụ Cờ vẫn được qua lại, được gặp Bác và ăn cơm với Bác.
Sau vài ngày ở nhà cơ sở, Bác bàn với các đồng chí cán bộ địa phương chọn địa điểm để dựng một căn lán với tiêu chí "gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái" - cụ Cờ kể.
Ông Viên Ngọc Tân - phó giám đốc Ban quản lý khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào - cho biết khi Bác chọn được địa điểm rồi, đội cảnh vệ triển khai luôn việc dựng lán. "Lán Nà Nưa là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, cách làng Tân Lập 500m, dưới các tán cây rậm rạp đảm bảo an toàn, bí mật" - ông Tân nói.
Lán cách một lối mòn để sang đèo De của Định Hóa (Thái Nguyên) chỉ chưa đầy 100m.
Lán là nhà sàn nhỏ dựng theo kiểu nhà của người Tày, có chiều ngang 4,2m, chiều sâu 2,7m, được chia làm 2 gian nhỏ, gian trong nhỏ hơn làm nơi Bác nghỉ, gian ngoài rộng hơn Bác dùng để làm việc. Sàn lán cách mặt đất 70cm, có bậc lên xuống.
Bà Lành Thị Kiên - trưởng phòng hướng dẫn, thuyết minh (Ban quản lý khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào) - cho biết mỗi khi đến điểm di tích lán Nà Nưa, mọi du khách đều xúc động, rất nhiều người đã rơi nước mắt, khóc cảm động và khâm phục sự giản dị trong cuộc sống của Bác.
Giới thiệu với đoàn khách cựu chiến binh TP Lạng Sơn (Lạng Sơn) về di tích lịch sử này, bà Kiên khiến gần 200 người im phăng phắc nghe như nuốt từng lời:
"Đây là di tích lán Nà Nưa, một căn nhà sàn đơn sơ, mái lá, vách nứa, sạp tre; tiện nghi sinh hoạt chẳng có gì ngoài chiếc máy đánh chữ, ít tài liệu, vài bộ quần áo, 2 chiếc ống bương để hằng ngày Bác xuống suối lấy nước về sinh hoạt.
Ðơn giản tưởng chừng không thể đơn giản hơn, vậy mà Bác đã có 92 ngày đêm sống trong điều kiện thế này để cho ra đời nhiều quyết sách mang ý nghĩa sống còn cho dân tộc".
Không thể để lỡ cơ hội
Theo lời của hướng dẫn viên Lành Thị Kiên, từ lán Nà Nưa, Bác Hồ đã chỉ thị tổ chức gấp Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân.
Người nói với Thường vụ Trung ương: "Nên họp ngay và không nên kéo dài hội nghị, chúng ta phải tranh thủ từng giây phút. Tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội".
Ngày 13-8-1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc trong không khí hết sức khẩn trương. Về dự có gần 30 đại biểu, đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam, các chiến khu.
Sau khi phân tích mọi mặt về điều kiện khách quan và chủ quan và đi đến kết luận: "những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, cơ hội tốt cho ta giành chính quyền, độc lập đã đến".
Hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước (Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập và ngay đêm 13-8-1945 đã ra bản quân lệnh số 1, hạ lệnh toàn dân đứng dậy giành chính quyền).
Lán Khuôn Tát, căn nhà sàn nhỏ Bác Hồ đã 3 lần đến ở vào những năm 1947, 1948 và đầu 1954 - Ảnh: CHÍ TUỆ
ATK Định Hóa - quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ
Khau Tý, Tỉn Keo, Khuôn Tát là 3 địa danh có 3 lán nhỏ Bác Hồ từng ở, làm việc khi ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên) trong những năm 1947-1953. Tại đây đánh dấu nhiều dấu ấn, sự kiện liên quan đến vận mạnh đất nước.
Ở Định Hóa, lán đầu tiên Bác ở là Khau Tý. Lán rất nhỏ, có 2 gian, vẫn một gian ở, một gian làm việc.
Theo ông Nguyễn Văn Nương, trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, tại lán Khau Tý, Bác đã viết "Sửa đổi lề lối làm việc". Đây cũng là nơi Bác viết bài thơ Cảnh khuya mà đến nay đã in sâu trong tâm trí nhiều thế hệ: "Tiếng suối trong như tiếng hát xa. Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa. Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ. Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà".
Cũng tại lán Khau Tý, ngày 17-7-1947 Bác đã viết thư gửi ban tổ chức đề nghị lấy ngày 27-7 "là Ngày thương binh toàn quốc" và "tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là 1.127 đồng" để giúp các chiến sĩ bị thương.
Đến giữa năm 1948, Bác chuyển chỗ ở và yêu cầu nơi ở mới phải đảm bảo "Trên có núi, dưới có sông. Có đất ta trồng, có bãi ta chơi. Tiện đường sang Bộ tổng. Thuận lối tới Trung ương. Nhà thoáng ráo, kín mái. Gần dân, không gần đường".
Theo ông Nương, với các tiêu chí trên, tổ chức đã "chấm" được địa điểm là mảnh đất đồi, có cái lán nhỏ lợp cọ của vợ chồng bà Ma Thị Tôm, đảng viên dân tộc Tày.
Lán Tỉn Keo rất nhỏ, dựng theo kiểu nhà sàn, được chia làm 2 gian. Tại Tỉn Keo, ngoài lán ở của Bác và lán bảo vệ, giúp việc, lán họp, còn có chòi gác dưới chân đồi, gần sát con suối Khuôn Tát, có gian bếp đào xuống đất, nấu không khói.
Ông Nương kể: "Tháng 9-1953, tại Tỉn Keo, Hồ Chủ tịch đã chủ tọa hội nghị Bộ Chính trị, sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình chiến cuộc, kế hoạch của Nava, Bác đã nhận định địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh, ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn.
Sau khi bàn luận, Bộ Chính trị đã xác định phương châm tác chiến của ta là tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, hướng chính của chiến cuộc đông xuân 1953-1954 là Tây Bắc".
Cũng theo ông Nương, khi quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, tại lán Tỉn Keo ngày 6-12-1953, Bác lại chủ tọa hội nghị Bộ Chính trị, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở lán Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương năm 1950 - Ảnh tư liệu
Ở ATK Định Hóa, cách Tỉn Keo khoảng 2km còn có lán Khuôn Tát, nơi Bác Hồ ở và làm việc nhiều lần trong các năm 1947, 1948 và đầu năm 1954. Lán Khuôn Tát nằm trên một quả đồi, dưới tán cây rừng rậm rạp. Để vào được lán, phải qua con suối Khuôn Tát và những thửa ruộng bậc thang.
Tại Khuôn Tát, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng một số ủy viên Trung ương Đảng họp bàn nhiều vấn đề quan trọng tại Hội nghị Trung ương Đảng (họp mở rộng) và Hội đồng Chính phủ, ký nhiều sắc lệnh, trong đó có các sắc lệnh phong quân hàm đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, và các hàm cấp tướng cho các ông Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm, Chu Văn Tấn, Trần Tử Bình, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa.
Đặc biệt, tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trước khi lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tác giả bài viết: ĐỨC BÌNH - CHÍ TUỆ
Nguồn tin: tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn