NGUYỄN ÁI QUỐC CHỦ TRƯƠNG THÀNH LẬP MẶT TRẬN VIỆT MINH VỚI SỰ VẬN DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ TẠI CAO BẰNG

Thứ ba - 21/07/2020 12:13

Để thực hiện thành công đường lối cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); chỉ đạo xây dựng, phát triển Mặt trận Việt Minh. Các sự kiện trọng đại đó diễn ra tại Cao Bằng – vùng đất phên dậu có vị trí chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam. Thực tế cách mạng đã chứng minh đây là chủ trương đúng đắn. Mặt trận Việt Minh được thành lập theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hiệu triệu, đánh thức tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, điều hoà mọi mâu thuẫn, xung đột giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội. Từ Cao Bằng, Mặt trận đã phát triển lớn mạnh góp phần đặc biệt quan trọng vào mục tiêu cao nhất của cách mạng, giành độc lập dân tộc.

Sớm nhận thức được vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đội quân chính trị hùng hậu của cách mạng, ngay từ những năm 1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp chặt chẽ phong trào yêu nước với phong trào công nhân ở Việt Nam, đặt nền móng về tư tưởng và tổ chức, chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, tạo cơ sở cho sự hình thành Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Năm 1939, Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thành lập đã xác định đúng mục tiêu, chiến lược, chiến thuật... nhưng vẫn chưa hoàn toàn thích hợp về hình thức tổ chức và cũng chưa có điều kiện hình thành trong thực tế.

Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, trong hành trình về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục nung nấu những dự định về việc xây dựng một tổ chức Mặt trận mới. Tháng 10/1940, trong thời gian ở Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc), có lần Người bàn với đồng chí Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí: "Trước tình hình mới, vấn đề đoàn kết toàn dân giải phóng dân tộc càng quan trọng. Ta phải nghĩ đến việc lập một hình thức mặt trận rộng rãi, có tên gọi cho thích hợp. Việt Minh giải phóng đồng minh? Việt Nam phản đế đồng minh? hay là Việt Nam độc lập đồng minh, có thể gọi tắt là Việt Minh cho nhân dân dễ nhớ” [1, tr.62]. Những ý kiến đó của Bác sau này đã được thảo luận tại Hội nghị Trung ương tám của Đảng tại Pác Bó, Người cũng nhận định: "Cái tên Việt Nam độc lập đồng minh rất rõ rệt, thiết thực và hợp với nguyện vọng của toàn dân".

Người xác định muốn tiến tới tổ chức mặt trận phải đào tạo cán bộ làm hạt nhân để gây dựng cơ sở chính trị, từng bước mở rộng phong trào quần chúng và không ngừng củng cố chỗ đứng chân cho cách mạng. Tại Tĩnh Tây (Trung Quốc), Người mở lớp huấn luyện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trước khi về nước. Người tập trung đào tạo các nội dung về tình hình, nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, phương pháp xây dựng và lãnh đạo các đoàn thể quần chúng, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình từng địa phương và tập quán từng dân tộc. Trong chương trình huấn luyện Người chú trọng vào cách tổ chức các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc,… Đây là tiền đề quan trọng để thành lập Mặt trận Việt Minh [2, tr.17]. Trở về Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay ngay vào việc xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Người khẳng định sự nghiệp cách mạng phải bắt đầu từ vận động, tổ chức lực lượng của nhân dân, có dân là có tất cả. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí vận động, tập hợp và tổ chức lực lượng quần chúng. Một trong những việc đầu tiên của Người là bắt tay vào xây dựng thí điểm các tổ chức của một mặt trận nhân dân thống nhất rộng rãi, sau này gọi tắt là Việt Minh. Đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Để phát triển phong trào cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú trọng tuyên truyền, cổ động và tổ chức lực lượng. Trong vận động tổ chức Việt Minh Người thường nhắc nhở: “Muốn làm cách mạng thành công, phải có lực lượng lớn mạnh. Muốn có lực lượng lớn mạnh phải đoàn kết. Tây, Nhật và bọn đế quốc âm mưu chia rẽ dân tộc, chống phá cách mạng. Mình phải biết đoàn kết thật rộng rãi, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Các chú phải tuyên truyền giác ngộ nhân dân làm cho từng người giác ngộ, phát động lòng yêu nước, căm thù giặc, xây dựng tổ chức Việt Minh vững mạnh” [1, tr.192].

Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện về tổ chức Mặt trận Việt Minh, Chương trình, Điều lệ Việt Minh cho các cán bộ người Cao Bằng. Đồng thời Người đã chỉ đạo, bắt tay vào thực hiện chương trình thí điểm Việt Minh và tổ chức các đoàn thể cứu quốc tại các châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Trong các lớp huấn luyện cán bộ, Người luôn liên hệ lý luận với thực tiễn, chú trọng khâu thực hành. Được sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phong trào Việt Minh nhanh chóng thâm nhập và phát triển mạnh trong các thôn xóm của tỉnh. Chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 02 đến tháng 4 năm 1941, các tổ chức cứu quốc trong ba châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình đã thu hút trên 2000 đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh,… tham gia. Có 6/7 tổng của Hòa An lập được các Hội cứu quốc, Hà Quảng có 10/20 xã có đoàn thể cứu quốc, Nguyên Bình có 2 xã lập được tổ chức cứu quốc.

Phong trào Việt Minh tại các vùng thí điểm ngày càng lan rộng và lớn mạnh. Để rút kinh nghiệm chỉ đạo, chuẩn bị cuộc phát động phong trào rộng rãi ra phạm vi cả nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao cho đồng chí Vũ Anh triệu tập Hội nghị cán bộ ở Cao Bằng. Hội nghị diễn ra trong ba ngày của tháng 4/1941,  tổ chức tại bãi đất khá bằng phẳng thuộc xóm Goọc Mu (Pác Bó, Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) gồm các đại biểu của ba châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình do đồng chí Hoàng Văn Thụ và Vũ Anh - những đồng chí được phân công theo dõi công tác thí điểm chủ trì. Ban tổ chức Hội nghị làm việc tại nhà ông Bế Hải (xóm Goọc Mu). Ban ngày gia đình ông Bế Hải lo cơm nước, chỗ nghỉ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đồng chí; đêm đến các đồng chí được gia đình bố trí vào trong hang núi (hang Co Tỳ) tránh sự truy lùng gắt gao của bọn mật thám, thực dân [3, tr.3].Vào lúc Hội nghị sắp kết thúc Người đã thăm và đóng góp ý kiến quan trọng. Hội nghị khẳng định thắng lợi của việc xây dựng thí điểm phong trào Việt Minh ở Cao Bằng đã cung cấp những kinh nghiệm quý báu cho công tác xây dựng phong trào quần chúng, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trên phạm vi toàn quốc, góp phần bổ sung hoàn chỉnh nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám. Kết quả công tác thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng là cơ sở thực tiễn, khẳng định quyết định và chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Cao Bằng là đúng đắn và kịp thời; góp phần làm cho công tác xây dựng Mặt trận ở nước ta thành công; chứng tỏ Người có một lý luận và phương pháp cách mạng khoa học. Công tác thí điểm tại địa phương cung cấp bài học về kinh nghiệm hoạt động cách mạng rất bổ ích. Đó là bất kỳ một chủ trương, chính sách công tác nào của Đảng ta, phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời những chủ trương, chính sách và công tác phải được kiểm nghiệm trong thực tiễn, phải rút kinh nghiệm trước khi đem ra thực hiện [4, tr.102]

Trên cơ sở các kinh nghiệm này, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Khuổi Nặm (Pác Bó). Hội nghị hoàn chỉnh sự chuyển hướng chiến lược cách mạng được nêu ra từ Hội nghị lần thứ sáu (tháng 11/1939); ra nghị quyết thành lập một mặt trận thống nhất rộng rãi, lấy tên là Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (viết tắt là Việt Minh), bao gồm các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc như: Hội công nhân cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc, Hội phụ lão cứu quốc, Hội học sinh cứu quốc,… Quan điểm, đường lối mà Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề ra là cơ sở cho tổ chức và hoạt động của Mặt trận Việt Minh, hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc. Ngay khi ra đời, Mặt trận Việt Minh đã công bố Chương trình Việt Minh với những chủ trương và chính sách cụ thể, đấu tranh vì nền độc lập dân tộc. Chủ trương liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị, giai cấp, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập. Khi cách mạng thành công “sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc”. Lá cờ đó tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết các giai cấp, lực lượng trong xã hội và ý chí quyết tâm hy sinh vì độc lập, thống nhất quốc gia dân tộc. Chương trình Việt Minh cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ nhân dân tương lai sẽ thực hiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao và đối với các tầng lớp nhân dân. Mặt trận ra đời là hồi trống giục giã nhân dân xông vào cuộc chiến đấu tranh giải phóng dân tộc, gieo nỗi kinh hoàng cho bọn thực dân và bè lũ tay sai. Thực tế lịch sử cho thấy, Mặt trận Việt Minh đã thực sự là con đường đúng đắn nhất của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh đánh đuổi Pháp, Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Nhằm phát triển mặt trận sâu rộng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương tám nhấn mạnh sự cần thiết phải lập Ủy ban tuyên truyền với các phương pháp tuyên truyền, viết sách, báo, truyền đơn, biểu ngữ để cổ động dân chúng. Người đặc biệt chú trọng vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, cổ động và tổ chức lực lượng. Ngày 01/8/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo Việt Nam độc lập gọi tắt là Việt Lập, cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh. Người trực tiếp chỉ đạo nội dung của 30 số đầu đến khi ra nước ngoài (tháng 8/1942). Các số tiếp theo do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách. Số đầu của báo Việt Lập (ngày 01/8/1941) đã nêu rõ mục tiêu: “Cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”. Với sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 25/01/1942, báo Cứu quốc, cơ quan của Tổng bộ Việt Minh đã ra số đầu. Đây là tờ báo có lịch sử lâu dài và vẻ vang, phát huy ảnh hưởng của thời kỳ cách mạng đã giành được độc lập, giành được chính quyền (nay là báo Đại đoàn kết, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Ngay sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều bài báo, thơ tuyên truyền, giải thích chính sách của Mặt trận Việt Minh, nêu rõ: “Chúng ta có Hội Việt Minh”, “Việt Minh hội có muôn vàn hội viên”. Đó là tổ chức đủ tài lãnh đạo dân mình đấu tranh. Xuân Nhâm Ngọ (năm 1942), bài thơ chúc tết đầu tiên của Người đăng trên báo Việt Nam độc lập số 114, ngày 01/01/1942 cũng nói về Mặt trận Việt Minh:

“…Chúc Việt Minh ta càng tấn tới

Chúc toàn quốc ta trong nǎm này

Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!...”

Từ việc thí điểm tổ chức Việt Minh thành công trước tháng 5/1941, phong trào Việt Minh ở Cao Bằng đã phát triển mạnh mẽ và trưởng thành một cách nhanh chóng. Đồng bào dân tộc từ vùng thấp đến vùng cao đều nô nức tham gia các Hội cứu quốc. Thanh niên nam nữ ở bất cứ đâu cũng là người giác ngộ cách mạng nhanh nhất và là lực lượng dẫn đầu phong trào trong việc tuyên truyền và tổ chức cơ sở mới, hăng hái tham gia các đội tự vệ và tích cực tập luyện. Chị em phụ nữ hoạt động tích cực, bền bỉ [5, tr.534]. Không chỉ có những người trưởng thành tham gia tổ chức cứu quốc, các em nhỏ với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” cũng tích cực tham gia làm công tác giao thông, liên lạc, canh gác bảo vệ các cuộc họp của tổ chức đảng. Ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tổ chức đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc (tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) đã được thành lập. Các em thiếu niên nhi đồng ở nhiều địa phương cũng vào Hội cứu quốc tham gia canh gác, liên lạc rất tích cực và có hiệu quả. Ở các xã có phong trào lên cao đều phát triển tổ chức cơ sở đảng để làm hạt nhân lãnh đạo.

Đến năm 1942, các tổ chức cứu quốc được hình thành và phát triển ở hầu hết các xã của ba châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, không chỉ ở vùng thấp mà còn cả ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Dao. Trên cơ sở sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Việt Minh, ngày 22 và 23/11/1942, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu Việt Minh toàn tỉnh lần thứ nhất tại thành Nhà Mạc (Lam Sơn, Hòa An) để quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám về phát triển phong trào Việt Minh, xây dựng và mở rộng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng. Đại hội quyết định đẩy mạnh phong trào việt minh phát triển trên khắp toàn tỉnh, bầu ra Ban Chấp hành tỉnh của từng đoàn thể cứu quốc và bầu ra Ban Việt Minh chính thức của tỉnh do đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã) làm Chủ nhiệm. Ban Việt Minh tỉnh chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất phong trào Việt Minh trong toàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Việt Minh toàn tỉnh, các châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình đã liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện đào tạo cán bộ Việt Minh cho các cơ sở vùng thấp cũng như vùng cao, tham dự các lớp huấn luyện còn có cán bộ của các châu khác trong toàn tỉnh tham gia. Nhờ đó, cuối năm 1942, đầu năm 1943, đã xuất hiện nhiều lũng, nhiều xã, nhiều tổng Việt Minh hoàn toàn. Phong trào Việt Minh không chỉ bó hẹp ở ba châu thí điểm mà đã lan rộng khắp cả tỉnh, các đội vũ trang, các tổng Việt Minh lần lượt được thành lập.

Trong những vùng du kích, khi lực lượng Việt Minh phát triển mạnh mẽ và hàng ngũ Hội cứu quốc mở rộng thường xảy ra những vụ thủ tiêu bọn phản động địa phương, những tên lý trưởng, Chánh tổng và những tên tay sai của chính quyền thực dân. Nguyễn Ái Quốc kịch liệt phê bình những hành động khủng bố cá nhân ấy [6, tr.39]. Những chính sách và định hướng phát triển đúng đắn của Người tạo niềm tin cho đông đảo nhân dân tham gia, củng cố thêm sức mạnh và uy tín của Mặt trận.

Tháng 02/1943, diễn ra Hội nghị liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng và đại biểu Cứu quốc quân. Hội nghị bàn việc mở rộng phong trào “Nam tiến” để tạo ra con đường liên lạc từ Cao Bằng sang các hướng: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang. Phong trào xung phong Nam tiến phát triển rầm rộ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Hàng trăm cán bộ, nam nữ thanh niên tình nguyện thoát ly gia đình, tự sắm sửa vũ khí tham gia các đội Nam tiến, các lớp học cấp tốc được mở ở nhiều nơi để đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu riêng của tuyến đường Nam tiến. Từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943 Cao Bằng có 19 đội xung phong Nam tiến, mỗi đội được phân công một địa phương hoạt động. Đây là thắng lợi lớn trong việc xây dựng căn cứ địa Cao Bằng dưới sự chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Cuốn sách Việt Minh ngũ tự kinh của Người viết được đồng chí Võ Nguyên Giáp dịch ra tiếng Mông, tiếng Dao giúp đồng bào các dân tộc dễ dàng đón nhận tư tưởng cách mạng và tham gia Mặt trận đông đảo. Ngày 24 và 25/9/1943, Đại hội đại biểu mở tại Lũng Dẻ, châu Nguyên Bình, đại biểu gồm các dân tộc Mông, Dao vùng cao thuộc các châu Hà Quảng, Hòa An, Bảo Lạc; thành lập khu Việt Minh Thiện Thuật và bầu ra Ban Việt Minh khu do đồng chí Dương Kim Đao (người Mông) làm Chủ nhiệm. Tháng 11/1943, châu Việt Minh Lê Lợi và châu Việt Minh kháng Pháp của người Dao tiền đã cử 150 đại biểu dự Đại hội, thành lập khu Quang Trung, đồng chí Lý Văn Thượng (người Dao) được bầu làm Chủ nhiệm. Khu Việt Minh các dân tộc Mông, Dao ra đời chứng tỏ khối đại đoàn kết của các dân tộc Cao Bằng ngày càng được củng cố, đập tan mưu đồ chia rẽ của Thực dân Pháp.

Năm 1944, Hội nghị đại biểu liên tỉnh ủy triệu tập tại thành Nhà Mạc (châu Hòa An) để rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả phong trào Việt Minh ở ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Hội nghị kết luận phong trào ở cả ba tỉnh phát triển nhanh chóng, vững chắc, căn cứ địa Cao – Bắc -  Lạng đang được hình thành. Hội nghị nhất trí bầu ra Ban liên lạc liên Tỉnh ủy Cao – Bắc -  Lạng do đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã) làm Bí thư.

Từ Cao Bằng, Mặt trận Việt Minh phát triển rộng khắp khu Việt Bắc và đoàn kết mọi lực lượng yêu nước tiến bộ trong các dân tộc, chuẩn bị mọi điều kiện tổng khởi nghĩa khi thời cuộc đến. Mặt trận ra đời phù hợp với nguyện vọng của quần chúng, và nhất là đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của nhân dân. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh được hình thành trên tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh. Chương trình, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh được nhân dân hưởng ứng nồng nhiệt và phong trào đã phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Lực lượng và sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh được xây dựng "rộng rãi đến một mức chưa từng thấy trong lịch sử cách mạng nước ta", tạo ra những điều kiện chín muồi và góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Phát huy uy tín của Mặt trận trong kháng chiến, ngày nay trong quá trình bảo vệ, phát triển đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn luôn thể hiện được vai trò của tổ chức nhằm tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở mọi giai đoạn, Cao Bằng luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng hòa chung vào dòng chảy lịch sử dân tộc.

Cao Bằng được chọn làm căn cứ địa cách mạng đầu tiên và thí điểm Mặt trận Việt Minh là một quyết định chiến lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Kết quả công tác thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng là cơ sở thực tiễn khẳng định quyết định và chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng là đúng đắn và kịp thời, tạo nên lực lượng cách mạng hùng hậu, kiên trung là nhân tố quyết định đưa Cách mạng Tháng Tám đi đến thắng lợi. Trong kháng chiến, nhân dân Cao Bằng đã vinh dự, tự hào đóng góp công lao to lớn vào việc xây dựng căn cứ địa cách mạng, thành lập Mặt trận Việt Minh… Ngày nay, trong quá trình bảo vệ, xây dựng đất nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng phát huy truyền thống tốt đẹp đó, đoàn kết, nỗ lực, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững biên cương góp phần vào công cuộc đổi mới và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bác Hồ Hồi ký, tập I, Hội Văn Nghệ Cao Bằng xuất bản năm 1990;

2. Từ hang Cốc Bó đến dinh Độc lập, NXB Quân đội nhân dân, năm 2010;

3. Lý lịch di tích Nền nhà ông Bế Hải, Khu di tích Pác Bó;

4. Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, Kỷ yếu Hội thảo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy – Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, năm 1995.

5. Lịch sử tỉnh Cao Bằng, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2009;

6. Đồng chí Hồ Chí Minh, NXB Thanh niên, năm 1985;

Tác giả bài viết: Dương Thị Loan - Khu di tích Pác Bó

Nguồn tin: Tham luận tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 77 năm Bác Hồ về nước: 28/01/1941 - 28/01/2018:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây