Ðội Du kích Pác Bó - tiền thân của lực lượng vũ trang Cao Bằng

Thứ sáu - 09/12/2022 08:47
Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ (năm 1939), nhận thấy có cơ hội đánh đổ ách thống trị của đế quốc, phát xít và tay sai cũng như giải phóng dân tộc đang đến, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định về nước (ngày 28/1/1941), gấp rút chuẩn bị mọi mặt đón thời cơ khởi nghĩa. Người chủ trương củng cố xây dựng Ðảng vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi để đón thời cơ.
Lễ thành lập Đội du kích Pác Bó
Lễ thành lập Đội du kích Pác Bó

Ngay sau khi trở về, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương tổ chức thí điểm Việt Minh, lấy từ số cán bộ mới về nước làm nòng cốt. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị: Việt Minh phát triển đến đâu là tổ chức ngay tự vệ đến đó. Sau 3 tháng thí điểm Mặt trận Việt Minh (từ tháng 2 - 4/1941), ở 3 châu: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, phong trào Việt Minh phát triển rầm rộ và mạnh mẽ, số hội viên ngày càng đông.

Trước những chuyển biến của tình hình trong nước và quốc tế, từ ngày 10 - 19/5/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 họp tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó, Hà Quảng). Hội nghị cũng đề ra chủ trương: "Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay". Hội nghị đề ra điều lệ của "Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc" quy định về tên gọi, tổ chức, biên chế và mục đích hoạt động của đơn vị.

Thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, cùng với việc phát triển và củng cố phong trào quần chúng, Đảng bộ tỉnh chú ý tới việc xây dựng lực lượng vũ trang. Từ đầu năm 1941, phong trào cách mạng ở Cao Bằng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo, với phương châm đẩy mạnh và củng cố phong trào quần chúng vững mạnh rồi từng bước tiến tới tổ chức lực lượng vũ trang. Đầu năm 1942, trên cơ sở các đội tự vệ thường đã lập ra các đội tự vệ chiến đấu, gồm những người có năng lực tác chiến, trung thành với cách mạng… Để có một đội ngũ cán bộ quân sự, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Tỉnh ủy chọn cử cán bộ và các hội viên cứu quốc tích cực đi học quân sự dài hạn ở nước ngoài, từ tháng 6/1941 - 10/1944 gồm 68 người.

Tháng 10/1941, tại Pác Bó, theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Tỉnh ủy thành lập đội du kích tập trung đầu tiên (còn gọi là Đội du kích Pác Bó) gồm có các đồng chí: Lê Quảng Ba (Đội trưởng), Trần Sơn Hùng (Đội phó), Lê Thiết Hùng (Chính trị viên); các đồng chí: Thế An, Bằng Giang, Hải Tâm, Hiếu, Đức Thanh, Nông Thị Trưng… là đội viên. Lễ thành lập Đội du kích Pác Bó được tổ chức đơn giản nhưng trang nghiêm tại bãi ruộng to có tên Pài Co Nhản ở Pác Bó. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến dự Lễ thành lập Đội và căn dặn: "Toàn đội phải đoàn kết, chấp hành kỷ luật tốt, khiêm tốn học hỏi, giúp nhau thực sự về chính trị, quân sự cũng như trong sinh hoạt, đối với dân phải như cá với nước". Đội du kích có Chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo, đồng chí Lê Thiết Hùng làm Bí thư Chi bộ. Đội được trang bị 2 súng thập, 2 súng lục, 1 súng bát, 2 súng trường với nhiệm vụ bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc đặc biệt, võ trang tuyên truyền trong quần chúng, giúp việc huấn luyện tự vệ chiến đấu, làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang sau này.

Từ cuối năm 1942, theo đà phát triển của phong trào Việt Minh, việc luyện tập quân sự trở nên sôi nổi trong phạm vi toàn tỉnh. Ở đâu cũng có đội tự vệ thường và tự vệ chiến đấu. Để có cán bộ huấn luyện quân sự mà phong trào đang đòi hỏi, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho đội du kích tập trung đầu tiên phân tán về các địa phương làm nhiệm vụ.

Để công tác huấn luyện quân sự được thống nhất, theo chỉ thị của Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh, tháng 6/1943, đồng chí Hoàng Đức Thạc, Bí thư Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị cán bộ huấn luyện quân sự toàn tỉnh. Hội nghị thảo luận và đi tới quyết định: Thống nhất cách tập tự vệ thường và tự vệ chiến đấu; chú trọng mặt tác chiến, chương trình huấn luyện... Từ sau hội nghị này, các lớp huấn luyện cán bộ quân sự (còn gọi là các lớp "quân chính" tỉnh) được triển khai. Những học viên ra trường trở thành cán bộ quân sự được phân công về các địa phương mở các lớp huấn luyện cho các cán bộ cơ sở ở châu, xã.

Từ cuối năm 1943 trở đi, cùng sự phát triển mạnh mẽ của phong trào Việt Minh, tại tỉnh Cao Bằng đã hình thành xu hướng kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng quân sự trong đấu tranh cách mạng. Riêng về lực lượng vũ trang tập trung ở các châu năm 1944 cơ bản được thành lập. Trong khi việc xây dựng lực lượng vũ trang và phong trào Việt Minh đang phát triển mạnh, phong trào cách mạng Cao Bằng lại đón nhận thêm một số cán bộ quân sự, cán bộ chính trị trở về và đặc biệt là số cán bộ vừa thoát ra khỏi các nhà tù của đế quốc, những cán bộ này đều đã trưởng thành, được tôi luyện trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng, vững vàng về mọi mặt, trở thành các chiến sĩ ưu tú như: Hoàng Đình Giong, Lê Giản, Dương Công Hoạt, Hoàng Hữu Nam, Đoàn Nguyên Nhật (Hồng Kỳ)… Các đồng chí này góp phần vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng Cao Bằng.

Những hoạt động chính trị, quân sự của Đội du kích Pác Bó để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Sự ra đời và hoạt động của Đội du kích Pác Bó chính là những kinh nghiệm và bài học quý báu cho việc hình thành và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Cao Bằng sau này.

Nguồn tin: Báo Cao Bằng điện tử: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây