Cao Bằng nhớ về tháng Tám mùa thu lịch sử 1945

Thứ sáu - 18/08/2023 09:10
Hàng năm, đến độ thu sang, khi lá cờ đỏ sao vàng bay rợp các con phố nối dài đến những ngôi làng nhỏ của khắp mọi miền đất nước, với sự hân hoan chào đón mùa thu cách mạng, mừng Tết Ðộc lập 2/9 lại rộn ràng trong lòng mỗi người dân Cao Bằng.
Cao Bằng – vùng đất biên cương địa đầu Tổ quốc, vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước vào ngày 28/01/1941; kể từ mùa Xuân đó, Người đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng và ngọn lửa đó đã bùng cháy, lan tỏa đi khắp cả nước, soi đường chỉ lối cho toàn dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức bóc lột; Đây cũng là nơi gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn 1941 – 1945.
Ngày 04/5/1945, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chuyển cơ quan đầu não kháng chiến của Đảng từ Pác Bó (Cao Bằng) sang Tân Trào (Tuyên Quang) để chuẩn bị cho Tổng Khởi Nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Từ tháng 3/1945, Tỉnh ủy Cao Bằng lâm thời đã phát động và tiến hành khởi nghĩa từng phần ở các châu trong tỉnh để thành lập chính quyền cách mạng để lãnh đạo Nhân dân. Giữa lúc Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đang gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho tổng khởi nghĩa, ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, hạ lệnh cho Giải phóng quân, các lực lượng vũ trang tự vệ, chính quyền các cấp và toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa. Chấp hành lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc, Tỉnh ủy và UBND lâm thời tỉnh Cao Bằng khẩn trương thành lập Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Trưởng ban, đồng thời vận động Nhân dân đứng lên đấu tranh để giải phóng quê hương.
22
Đồng chí Hoàng Đình Giong - Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh Cao Bằng

Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Tại Cao Bằng, quân Nhật hoang mang, bị chia rẽ ra từng mảng, Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh đã ra lệnh cho Giải phóng quân, lực lượng vũ trang ở các châu như: Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình…, các đội du kích, đội tự vệ cùng toàn thể Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nổi dậy đánh chiếm các đồn bốt của Nhật ở các châu lỵ và thị xã, tiêu diệt các đội bảo an do Nhật đứng đầu, bọn tay sai phản động cho quân Nhật, vây đánh các ngả đường tiếp tế, rút lui của địch, cướp súng địch để trang bị cho ta.
Tại trung tâm Thị xã, tàn quân Nhật các nơi từ các châu chạy về co cụm, hàng vạn quân Trung Hoa dân quốc với danh nghĩa “Đồng minh vào tước vũ khí quân đội Nhật” đang tràn qua biên giới với âm mưu tiêu diệt cộng sản, dựng lên chính quyền tay sai thân Tưởng. Trước tình thế cấp bách, ngày 20/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh ra mệnh lệnh: “Phải chiếm được thị xã trước khi quân Đồng minh kéo vào giải giáp vũ khí quân đội Nhật, chính quyền cách mạng của tỉnh phải sớm giành chủ quyền ở thị xã để giao thiệp với quân Đồng minh với tư cách là chủ”.
Cùng với không khí tổng khởi nghĩa sục sôi của cả nước. Rạng sáng 21/8/1945, được sự hỗ trợ của Nhân dân, một bộ phận quân giải phóng của tỉnh do đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ huy vượt sông Hiến tiến vào thị xã. Trước sức mạnh như vũ bão của quân cách mạng, 12 giờ trưa 21/8/1945, quân Nhật và bọn tay sai chấp nhận đầu hàng vô điều kiện, đồng ý giao nộp cho ta toàn bộ số vũ khí của Pháp mà chúng chiếm được. Ngay đêm hôm đó, quân Nhật bí mật rút lui theo Quốc lộ 3 về Bắc Kạn.
Đến sáng 22/8/1945, Nhân dân thị xã Cao Bằng nhiệt liệt chào đón chính quyền cách mạng và UBND lâm thời của tỉnh, thị xã ra mắt toàn dân, sau đó họp mít tinh tại chùa Phố Cũ tuyên bố xóa bỏ chính quyền của Nhật và bọn tay sai, và cử một đoàn đại biểu thay mặt UBND lâm thời tỉnh giao thiệp với quân đội Tưởng theo quy chế Đồng minh để bảo vệ chính quyền cách mạng và nền độc lập tự do mà Nhân dân ta vừa giành được.
z4613528414666 0ffe2406913e0763715fb4a9c30ddb40
Chùa Phố Cũ - Nơi UBND lâm thời tỉnh Cao Bằng tổ chức mít tinh ra mắt nhân nhân dân.

Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc cùng với sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Cao Bằng được coi là cội nguồn cách mạng của Việt Nam.
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nhân dân các dân tộc Cao Bằng tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, cùng với nhân dân cả nước vững bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xứng đáng với lời dặn dò của Bác với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng: “Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc”. Những tình cảm đặc biệt, lời chỉ bảo căn dặn sâu sắc của Người là bài học, là động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn tự hào, thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, có ý chí quyết tâm, phấn đấu xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh.

Tác giả bài viết: Hùng Cường

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây