VỀ MỘT NGƯỜI ĐỘI VIÊN ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN

Thứ ba - 21/05/2024 16:01
Gắn với mỗi giai đoạn dựng nước và giữ nước là những thế hệ tiêu biểu làm nên lịch sử dân tộc. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ vĩ đại, một nguyên nhân quan trọng là nhờ có Quân đội nhân dân hùng mạnh, với những người lính Cụ Hồ. Lực lượng đó lúc đầu được thành lập chỉ có 34 chiến sĩ, với trang bị ít ỏi. Một trong số những chiến sĩ đội quân đầu tiên ấy là ông Hà Hưng Long.

Ông Hà Hưng Long sinh ngày 15/8/1924, là con thứ 5 trong một gia đình người dân tộc Tày có 7 anh em, ở bản Gia Tự, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Năm 15 tuổi, ông đã tham gia cách mạng, khi đó Hà Hưng Long là một trong đội viên tích cực của Đội tự vệ Hòa An làm nhiệm vụ hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng; bảo vệ các cuộc họp của Trung ương, của Tỉnh ủy, Châu ủy; đưa đón, bảo vệ an toàn cho các đoàn cán bộ qua lại địa phương…Một thời gian sau đó ông được cử đi học Trường võ bị Hoàng Phố, Trung Quốc, cùng các đồng chí Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Nam Long… Chính khoảng thời gian này ông cùng các đồng chí của mình được trang bị, rèn luyện để sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ cách mạng sau này. Đến tháng 10 năm 1944, ông trở về nước và hoạt động cách mạng chủ yếu ở vùng Hòa An – Hà Quảng.

Cuối tháng 10 năm 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về nước sau hơn một năm bị bắt giam bởi bọn Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch và hoạt động cách mạng tại xã đỏ Nà Sác, huyện Hà Quảng. Thời điểm Người trở về nước cũng là lúc cuộc khởi nghĩa trong liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng sắp nổ ra. Sau khi nghe báo cáo và xét thấy tình hình điều kiện chưa đủ chín muồi, Người đã chỉ thị hoãn chủ trương phát động khởi nghĩa ở Cao – Bắc – Lạng và quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện nhiệm vụ thành lập “đội Quân giải phóng” này.

Sau đó, căn cứ vào chỉ thị của Người, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí cán bộ đã họp bàn việc chọn người, tập trung vũ khí, thống nhất kế hoạch tổ chức cụ thể.Việc lựa chọn lực lượng thành lập Đội được tiến hành rất thận trọng, các đội viên phải là những người kiên quyết, hăng hái trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, đa số họ đã trải qua chiến đấu và ít nhiều biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự, đội quân giải phóng sẽ có nhiệm vụ là dùng vũ trang để kêu gọi, động viên, hỗ trợ nhân dân đứng lên giành lấy chính quyền. Và Hà Hưng Long, một thanh niên tròn 20 tuổi, đang căng đầy nhiệt huyết, là một đội viên tự vệ tiêu biểu của châu Hòa An có đủ những phẩm chất đó được chọn vào hàng ngũ tuyên thệ thành lập Đội.

Sau một thời gian với sự chuẩn bị khẩn trương, chu đáo về mọi mặt của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, ngày 22/12/1944 lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được diễn ra tại khu rừng Trần Hưng Đạo. Đội thành lập với 34 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Hồi tưởng lại buổi lễ thành lập ngày hôm đó, ông Hà Hưng Long vẫn nhớ như in một cảm giác thiêng liêng và vô cùng xúc động: “Hôm ấy, khi đồng thanh tuyên thệ 10 lời thề danh dự dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, chúng tôi đã rất xúc động đến rơi nước mắt và rất hãnh diện nên cũng cảm thấy trách nhiệm của mình thật lớn lao. Có lẽ, cho đến chết chúng tôi vẫn không quên lời anh Văn: “nước Việt Nam ta bị mất là do ách nô lệ của Pháp, mình phải tuyên truyền dân vào Việt Minh để đánh Pháp giành lại đất nước”.”
 

Vo Nguyen Giap, Vietminh forces, 1944

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân trong buổi lễ thành lập ngày 22/12/1944


Sau buổi lễ thành lập, ông Hà Hưng Long đã tham gia cả ba trận đánh đầu tiên là Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu. Năm 1945 ông còn tham gia rất nhiều trận đánh tại Ngân Sơn, Chợ Rã, Phủ Thông, Chợ Đồn, Na Rì ( Bắc Kạn), Chiêm Hóa (Tuyên Quang).

Ngày 15/5/1945, Khi đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân làm lễ hợp nhất với Cứu quốc quân thành lực lượng quân sự thống nhất, lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân thì ông được cử làm đại đội trưởng đại đội Giải phóng quân tỉnh Bắc Kạn, rồi lên Hà Giang đánh bọn Quốc dân đảng phản động. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, năm 1947 ông được bổ nhiệm chức chính trị viên tiểu đoàn 3, trung đoàn Hà Tuyên, Liên khu 10,  ông cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh trên sông Lô, sông Gâm. Chiến trường Tuyên Quang đã trở thành quê hương thứ hai và ông đã quyết định ở rể luôn tại đây. Người bạn đời của ông cũng chính là người đồng chí, đồng đội chung một chiến hào.

Từ sau năm 1949, ông chiến đấu ở khắp các tỉnh phía Bắc, năm 1950 khi ta mở chiến dịch Biên giới năm 1950, Hà Hưng Long được cấp trên điều quay trở lại Cao Bằng làm chủ nhiệm vận tải Mặt trận, Phó chủ nhiệm Ban tiếp nhận hàng viện trợ tại Thủy Khẩu kiêm công tác giao tế Trung ương tại khu vực này. Năm 1952 ông sang Tây Bắc, năm 1953 đi thượng Lào. Đến năm 1954, ông được giao nhiệm vụ làm Binh trạm trưởng vận tải tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 8/1958, ông chia tay quân đội và được cấp trên giao nhiệm vụ mới, chuyển ngành sang làm việc ở Bộ Công nghiệp, phụ trách mỏ than Quán Triều, Thái Nguyên. Cuối năm 1958 ông chuyển về làm Giám đốc Nhà máy gạch chịu lửa Tuyên Quang, sau đó bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Công nghiệp Tuyên Quang. Năm 1977, ông về nghỉ hưu ở thôn Hưng Kiều 2, xã An Tường, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và ngày 12/3/2013 ông đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 89 tuổi.

Với công lao cống hiến của ông, Hà Hưng Long đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các huân, huy chương như:

  • Huân chương Độc lập hạng Ba;
  • Huân chương Kháng chiến hạng Nhất;
  • Huân chương Chiến công hạng Nhì;
  • Huân chương Chiến thắng hạng Nhì;
  • Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cùng nhiều Huy chương khác.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, “ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

2. Ký ức người lính tập 1, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2016.

3. Tài liệu thuyết minh Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.

 

Người sưu tầm: Hoàng Hè

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây