Ngày 01 tháng 4 năm 1930 - Ngày thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng

Thứ hai - 01/04/2024 05:13
Ngày 01/4/1930, tại khe suối Nặm Lìn, thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung, châu Hòa An (nay là huyện Hòa An), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập. Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng ở Cao Bằng bước sang một thời kỳ đấu tranh cách mạng mới - thời kỳ phát triển mạnh mẽ, vững chắc.


 

z5305436407766 4a3676ae049e7072b55560a590d9a057

Tranh: Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng


Cao Bằng là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Tổ quốc; phía Bắc hoàn toàn giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và có hơn 333km đường biên giới giáp với Trung Quốc. Năm 1858, Thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Đến năm 1886, Thực dân Pháp chính thức đánh chiếm Cao Bằng. Dưới sự thống trị của Thực dân Pháp cùng với chế độ phong kiến; trong toàn tỉnh đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức, đô hộ đó và cũng đã có sự chuyển hóa từ “tự phát” lên “tự giác”. Nhất là trong những năm 1927 – 1928. Giữa lúc đó, dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được truyền bá vào trong nước. Ở Cao Bằng đã xuất hiện các tổ chức yêu nước như: Hội đánh Tây, Hội thanh niên phản đế..., thu hút nhiều thanh niên yêu nước tiến bộ tham gia, trong đó nổi bật và có ảnh hưởng hơn cả là đồng chí Hoàng Đình Giong, một thanh niên dân tộc Tày ở huyện Hòa An (nay là phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng). Đầu năm 1927, xuất hiện nhiều cơ sở của Hội đánh Tây ở nhiều khu vực thuộc châu Hòa An. Sau đó những tổ chức này phát triển lên châu Hà Quảng, lan sang Quảng Uyên và các châu khác trong tỉnh. Do yêu cầu đòi hỏi của phong trào cách mạng, cuối năm 1927, đồng chí Hoàng Đình Giong bí mật sang Long Châu (Trung Quốc) hoạt động; ngày 19/6/1928, đồng chí Hoàng Đình Giong được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại cơ sở Long Châu. Cuối năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên kết nạp thêm đồng chí Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như). Tháng 12/1929, các đồng chí: Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc). Đầu năm 1930, Chi bộ Long Châu cử đồng chí Hoàng Văn Nọn về Cao Bằng hoạt động để chuẩn bị tiến tới thành lập tổ chức Đảng ở Cao Bằng.

Sau một thời gian tiếp tục tuyên truyền, rèn luyện, qua kiểm tra phong trào và thử thách cán bộ, ngày 01/4/1930, tại khe suối Nặm Lìn, thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung, châu Hòa An, đồng chí Hoàng Văn Nọn thay mặt Chi bộ Long Châu kết nạp 2 đồng chí: Lê Đoàn Chu, Nông Văn Đô vào Đảng, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Chi bộ đã đề ra hai nhiệm vụ hàng đầu là: “Tích cực phát triển cơ sở Đảng, đặc biệt là ở Mỏ thiếc Tĩnh Túc và thị xã Cao Bằng; đẩy mạnh phong trào chống thuế, chống phụ thu lạm bổ, chống bắt phu ngày mùa, đi phu phải được cấp tiền, gạo...” Ngay từ khi mới ra đời, Chi bộ thực hiện chức năng nhiệm vụ như Tỉnh ủy lâm thời, lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, tạo nên sự thống nhất về tư tưởng chính trị và hành động của phong trào cách mạng của một tỉnh với toàn quốc.

Từ chi bộ Đảng đầu tiên, những năm 1930 - 1935, các cơ sở Đảng tiếp tục được củng cố và phát triển, nhiều chi bộ Đảng ở các huyện lần lượt được thành lập như: Chi bộ Mỏ Thiếc Tĩnh Túc (Nguyên Bình) được thành lập tai đền Ông Búa vào tháng 10/1930 do đồng chí Bùi Văn Giao làm Bí thư chi bộ; Tháng 6/1931, chi bộ Đảng huyện Hà Quảng được thành lập tại Phia Nọi, xã Sóc Hà do đồng chí Hoàng Tô làm Bí thư chi bộ.
 

z5305438129476 64653088fabca6d3c4eab485dcced040

Đền Ông Búa: Nơi thành lập Chi bộ Mỏ thiếc Tĩnh Túc

 

z5305433582825 261ebed938e9db659cd2d292b7f5cd91

Hang Phja Nọi: Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hà Quảng

Từ một chi bộ đầu tiên được thành lập ngày 01/4/1930, đến năm 1935 đã có 10 chi bộ hoạt động ở 5 huyện (Hòa An, Hà Quảng, Quảng Uyên, Thạch An, Nguyên Bình) và Mỏ Thiếc Tĩnh Túc với số lượng trên 70 đảng viên. Sự phát triển đó đã tạo điều kiện, cơ sở vững chắc cho sự phát triển thành Đảng bộ Cao Bằng.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Tháng 6/1940, Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức; tháng 9/1940, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Trước yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định về nước lãnh đạo cách mạng. Cao Bằng là một địa bàn có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ và vững chắc cho việc xây dựng căn cứ địa được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đánh giá rất cao. Người nhận định: "Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta, Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Với sự nhận định đánh giá và lựa chọn đúng đắn đó, ngày 28/01/1941 (mùng Hai Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua Cột mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng). Từ đây, Pác Bó - Hà Quảng trở thành đại bản doanh của căn cứ Việt Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam.

Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (tháng 5/1941) hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh); các tổ chức quần chúng đều lấy tên là Hội cứu quốc (Thanh niên, Hội nhi đồng, Hội công nhân, Hội phụ nữ, Hội nông dân...); quyết định khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác... Sự chuyển hướng đó đã tạo ra bước nhảy vọt của phong trào cách mạng và có tính quyết định thắng lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng tập trung sức lực đấu tranh chống âm mưu xâm lược, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, vừa chăm lo xây dựng chính quyền, đời sống nhân dân, vừa chống thù trong giặc ngoài, kiên quyết, khôn khéo bảo vệ thành quả cách mạng, cùng quân dân Việt Bắc đánh thắng cuộc tấn công mùa đông của thực dân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc (năm 1947); huy động sức người, sức của cho Chiến dịch Biên giới 1950 toàn thắng, giải phóng Cao Bằng (ngày 3/10/1950) làm thay đổi cục diện chiến trường của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau khi Cao Bằng hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh tiếp tục "ra sức xây dựng hậu phương về mọi mặt kịp thời phục vụ các chiến trường góp phần đưa cuộc kháng chiến đến toàn thắng”. Từ năm 1955 - 1975, Đảng bộ Cao Bằng đã lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược đó là: Xây dựng CNXH và cùng nhân dân cả nước chi viện cho miền Nam đấu tranh chống Mỹ và tay sai nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Đã hơn 94 năm kể từ ngày Chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập, toàn tỉnh Cao Bằng cũng như nhân dân cả nước đang phấn đấu, thi đua xây dựng Chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ đất nước đổi mới. Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đang vững bước đi lên theo ánh sáng ngọn lửa cách mạng và đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Từ một chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập năm 1930, đến nay  Đảng bộ tỉnh Cao Bằng 15 đảng bộ trực thuộc; trong đó có 14 đảng bộ cấp trên cơ sở và 01 đảng bộ cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở; 566 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 260 đảng bộ cơ sở và 306 chi bộ cơ sở; 09 đảng bộ bộ phận; 2.607 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở; hơn 61.000 đảng viên. Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn nỗ lực, tin tưởng và tự hào về Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên mỗi cá nhân người dân trong tỉnh nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh để tiếp tục cùng nhân nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tác giả bài viết: Hùng Cường

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây