BIỂU TƯỢNG CÂY ĐÀN TÍNH TẠI KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT PÁC BÓ

Thứ năm - 13/06/2024 09:35

Pác Bó – cội nguồn cách mạng Việt Nam, nơi đây gắn liền với cuộc đời cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1941 - 1945. Đến với Pác Bó, du khách không chỉ được tìm hiểu về lịch sử, về truyền thống yêu nước mà nơi đây còn là điểm đến lý tưởng và thu hút đông đảo khách tham quan đến trải nghiệm du lịch với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Với nhiều loại hình văn hóa đa dạng, phong phú nhưng có thể nói nổi bật nhất cho nền văn hóa của Cao Bằng đó là làn điệu hát Then, đàn Tính của người dân tộc Tày, Nùng nơi đây.

Tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, nhân dịp kỷ niệm 80 năm sự kiện Bác Hồ về nước (28/1/1941 – 28/1/2021), tỉnh Cao Bằng cho xây dựng biểu tượng cây đàn Tính, công trình được khởi công xây dựng từ tháng 12/2020 và được khánh thành vào ngày 28/1/2021.

 

z5506697489884 5a30aa8732bd04cbdb88442f01822fb8

                                             Hình ảnh biểu tượng cây đàn Tính tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó

Công trình được thiết kế với diện tích hơn 2000m2, chiều cao 9m, khối biểu tượng được đúc bằng hợp kim đồng, bệ công trình được làm bằng đá tự nhiên (đá xanh Thanh Hóa, đá granit), xung quanh đường dạo, lát sân cũng được sử dụng vật liệu đá tự nhiên để phù hợp với cảnh quan và các công trình liền kề hiện trạng. Với địa hình dốc từ Tây sang Đông, phía trước là nhánh dòng Khuổi Nặm đổ về suối Lê Nin, phía sau là núi đá, xung quanh là vườn hoa tạo thể thống nhất và hài hòa cho công trình. Tổng thể “cân đối” dựa lưng vào núi tạo thế ổn định, công trình – cây xanh – núi đá xếp theo tầng lớp tạo chiều sâu cho không gian, khai thác tối đa các góc nhìn đẹp, yếu tố tự nhiên, nhằm phô diễn công trình chủ đạo là “biểu tượng đàn Tính”. Với ý tưởng thiết kế ca ngợi, tôn vinh giá trị nghệ thuật của cây đàn Tính, biểu tượng văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày – Nùng Cao Bằng, công trình không những tạo sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn cảnh quan, hấp dẫn du khách tham quan, quảng bá nét đẹp Cao Bằng mà còn góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp tinh hoa của văn hóa truyền thống dân tộc.

Biểu tượng gồm hình ảnh ba cây đàn Tính có kích thước bằng nhau được bố cục sắp xếp cao – thấp theo nhịp điệu chính – phụ. Cây giữa làm trụ để 2 cây tiếp theo gắn kết bằng các dải mây cách điệu.

Ba cây đàn biểu tượng cho số lượng nhiều, chỉ tính đa dạng, đồng thời nói lên tinh thần đoàn kết, thống nhất của cộng đồng các dân tộc anh em.

Dải mây làm nhiệm vụ gắn kết và cũng là bệ đỡ tạo ra một khối thống nhất cho bố cục tổng thể chặt chẽ. Bệ là hình khối chữ nhật, khắc họa phù điêu hoa văn cách điệu, tạo dấu ấn văn hóa vùng miền rõ nét, sâu sắc. Bên dưới cùng là đế bệ được tạo hình tự nhiên mô phỏng hình ảnh ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Tày – Nùng Việt Nam.

Ngày nay, những nhạc cụ truyền thống vẫn được các đồng bào dân tộc gìn giữ, sáng tạo và sử dụng trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, sinh hoạt cộng đồng. Nhiều nhạc cụ đã trở thành vật thiêng, trở thành linh hồn trong đời sống tâm linh, tình cảm của con người nơi đây. Cây đàn Tính luôn được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà, đàn Tính có mặt trong tất cả những sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Tày, Nùng. Nó là một phương tiện giao tiếp mang đậm bản sắc, đồng thời được coi như linh hồn trong nghệ thuật dân ca, dân vũ. Trong không khí rộn ràng, ngập tràn hương sắc mỗi độ xuân về, các chàng trai, cô gái lại cất lên lời ca đằm thắm, mượt mà với điệu Then và cây đàn Tính quen thuộc. Âm thanh ấy như dòng sông, con suối chảy mãi, nối tiếp nhau, từ mùa xuân này tới mùa xuân khác, trường tồn cùng thời gian.

Có thể nói, hát Then – đàn Tính là biểu tượng thể hiện thẩm mỹ nghệ thuật dân gian Việt Nam, cụ thể là văn hóa dân tộc Tày, Nùng. Hát Then – đàn Tính kết nối mọi thành viên trong cộng đồng, khiến con người gắn bó, hòa hợp với nhau. Từ bao đời nay, cây đàn Tính không thể thiếu trong các làn điệu hát Then, trong các lễ hội, hoạt động truyền thống văn hóa, văn nghệ ở Cao Bằng. Đàn Tính góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Tày, Nùng Cao Bằng.

Vào ngày 12/12/2019 nghệ thuật hát Then được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì thế, việc phục dựng, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống này luôn được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, bảo tồn. Đặc biệt là công tác bảo tồn vốn cổ về tư liệu sách, đạo cụ, trang phục; phát huy vai trò trao truyền của nghệ nhân; đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng; duy trì hoạt động các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính ở các xã, phường, thôn bản, các trường học; tập huấn các lớp hạt nhân văn nghệ cơ sở…

 

z5506713913631 6e2f6b9445ca60dda1f5e3ec01539396

                                                         Hình ảnh du khách chụp hình bên biểu tượng cây đàn Tính

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó vinh dự là nơi được lựa chọn xây dựng công trình biểu tượng cây đàn Tính, giữa núi rừng Pác Bó trùng điệp với dòng suối Lê Nin hiền hòa ngày đêm tuôn chảy và ngọn núi Các Mác hùng vĩ, cây đàn Tính như tạo thêm điểm nhấn cho cảnh quan, hấp dẫn du khách đến chụp hình, quảng bá hình ảnh khu di tích, quảng bá nét đẹp Cao Bằng và góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp tinh hoa của văn hóa truyền thống dân tộc./.

Tác giả bài viết: Trà My

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây