Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Đồng chí Hoàng Đình Giong (01/6/1904 – 01/6/2024)

Thứ sáu - 31/05/2024 16:36
Cao Bằng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi trở về Tổ Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, xây dựng căn cứ địa cách mạng, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Truyền thống yêu nước, đấu tranh anh dũng của quê hương Cao Bằng đã sản sinh ra nhiều anh hùng, cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Một trong những người cộng sản kiên trung, nhà cách mạng ưu tú của quê hương Cao Bằng, đồng chí Hoàng Đình Giong - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhà tưởng niệm đồng chí Hoàng Đình Giong tại xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng
Nhà tưởng niệm đồng chí Hoàng Đình Giong tại xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng.

Đồng chí Hoàng Đình Giong sinh ngày 01/06/1904, trong một gia đình có truyền thống yêu nước, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng, sau chuyển sang làng Nà Toàn, xã Xuân Phách, châu Hòa An (nay là phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng), là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam.

Ngay từ lúc còn nhỏ, Hoàng Đình Giong là một học sinh thông minh, hăng say học tập, sớm có tư tưởng yêu nước, căm thù giặc cướp nước. Những năm 1923 – 1924, đồng chí đã bí mật tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong học sinh các trường Tiểu học ở thị xã Cao Bằng, châu Hòa An và Hà Quảng, làm cho không khí ghét Tây ngày càng lan rộng. Cuối năm 1925 đầu năm 1926, đồng chí học ở Trường Bách Nghệ Hà Nội, tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh và bị đuổi học.

Năm 1927, Hoàng Đình Giong đã bí mật sang Long Châu (Trung Quốc) tham dự lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Ngày 19/06/1928, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và đã cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tập hợp cán bộ mở lớp huấn luyện, truyền bá cách mạng tư tưởng ở Long Châu.

Tháng 12/1929, đồng chí Hoàng Đình Giong cùng với các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng và thành lập Chi bộ hải ngoại Long Châu (Trung Quốc), đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu làm Bí thư Chi bộ và đã cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ đặt cơ sở Đảng tại Long Châu. Với cương vị này, đồng chí đã chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn.

Ngay sau khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập (ngày 03/02/1930), thực hiện chủ trương của Đảng về vận động và xây dựng phong trào cách mạng ở các tỉnh miền núi, biên giới. Từ giữa năm 1930, Chi bộ cộng sản ở Long Châu hướng nhiệm vụ trọng tâm cụ thể là bắt mối, gây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng ở hai tỉnh biên giới Lạng Sơn và Cao Bằng.

Ngày 01/04/1930, Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập, mở ra bước ngoặt mới cho phong trào cách mạng ở Cao Bằng. Đồng chí xây dựng Cao Bằng thành cầu nối giữa ban chỉ huy của Đảng với phong trào cách mạng trong nước.

Tháng 7/1933, được đồng chí Lê Hồng Phong giao nhiệm vụ, với cương vị Ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Đình Giong còn bí mật về hoạt động và chỉ đạo xây dựng cơ sở Đảng tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Từ những cơ sở Đảng do đồng chí gây dựng lại, những năm 1934 -1935, cơ sở của Đảng bộ Hải Phòng, Quảng Ninh dần được khôi phục và lãnh đạo phong trào đấu tranh. Với những đóng góp cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, tại Đại hội Đảng lần thứ nhất (họp tại Ma Cao, Trung Quốc) cuối tháng 03/1935, đồng chí Hoàng Đình Giong được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1936, đồng chí được phân công trở lại Hải Phòng, Quảng Ninh để hoạt động nhằm củng cố đường dây liên lạc từ nước ngoài về nước chỉ đạo đấu tranh cách mạng.

Tại Hải Phòng, đồng chí bị thực dân Pháp theo dõi và bị bắt ngày 04/02/1936 đưa về Cao Bằng xét xử và kết án 5 năm tù và đồng chí lần lượt bị giam ở các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Bắc Mê (Hà Giang), sau đó đồng chí cùng tám đồng chí khác bị đày đi đảo Ma-đa-ga-xca (Châu Phi). Với tinh thần bất khuất của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, đồng chí vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, thường xuyên tập hợp anh em trong tù tham gia đấu tranh trong nhà tù đế quốc, đồng chí tranh thủ được danh nghĩa đồng minh chống phát xít Đức và thoát khỏi ngục tù về nước hoạt động cách mạng.

Trở lại Cao Bằng, đồng chí trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Cao Bằng. Tổ chức lãnh đạo lực lượng vũ trang phối hợp với sự nổi dậy quần chúng đánh chiếm các nơi chiếm đóng của quân Nhật, đối phó với quân Tưởng, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, giành chính quyền cách mạng ở Cao Bằng từ ngày 20 đến 22/8/1945.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Hoàng Đình Giong được Đảng và Bác Hồ giao trách nhiệm chỉ huy quân đội Nam tiến. Trong thời gian này, đồng chí đã được Đảng giao cho nhiều chức vụ quan trọng như: Chủ nhiệm Bộ chính trị, Quân giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng đầu tiên Khu IX, Khu Bộ trưởng khu VI. Năm 1947, trong khi đang làm nhiệm vụ tại Sở Chỉ huy Khu bộ Khu VI, bị địch tấn công bất ngờ, đồng chí đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Đình Giong đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng đem hết tài năng và nghị lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng giao cho. Với công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp hoạt động cách mạng Việt Nam, đồng chí Hoàng Đình Giong đã được Đảng và Nhà nước truy tặng huân chương cao quý – Huân chương Hồ Chí Minh năm 1998. Năm 2009, được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2018, đồng chí Hoàng Đình Giong vinh dự được Đảng và Nhà Nước công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Hoà cùng mạch nguồn tự hào về ký ức vinh quang, hào hùng của cách mạng Việt Nam trong những ngày tháng 5 lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng tổ chức các hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong - người chiến sỹ cộng sản kiên trung; lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; người con ưu tú của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng và người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay từ sớm Tỉnh uỷ đã chỉ đạo tu bổ, tôn tạo Khu di tích lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong với tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng và đầu năm 2024 đã ban hành Kế hoạch cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm với các hình thức phong phú, sinh động. Đến nay, đã tổ chức hoàn thành một số hoạt động kỷ niệm. tổ chức Lễ khánh thành Công trình tu bổ, tôn tạo Địa điểm lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong vào đúng ngày mùng 01/4/2024, kỷ niệm 94 năm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh; Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng và ban hành Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong trên toàn quốc; Ban hành văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị gắn bó với quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm; quan tâm, nghiên cứu bổ sung và đặt tên đường phố mang tên đồng chí Hoàng Đình Giong.

Hiện nay, toàn tỉnh đang tập trung triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong trong toàn Đảng bộ; tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong”; tổ chức chiếu phim tài liệu, phóng sự về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong; tăng cường các hoạt động tuyên truyền trên báo, đài, các kênh thông tin, các nền tảng mạng xã hội; tổ chức dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Mai Dịch, Thành phố Hà Nội và Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong tại Thành phố Cao Bằng. Qua đó, tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tác giả bài viết: Mỹ Hạnh

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây