Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4

Thứ hai - 18/04/2022 11:55
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg lấy ngày 19/4 hằng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Trong cộng đồng 54 dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng thể hiện ở phong tục tập quán, trang phục, tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, kiến trúc, lễ hội. Tất cả tạo nên một nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Văn hóa truyền thống chính là cội nguồn sức mạnh của cả dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả mọi người nhằm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Những năm qua, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã trở thành hoạt động thường niên để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, qua đó góp phần giới thiệu, bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.
 

z3348577350150 9b7bc587a7192122deae343d02ceb847
 

Các câu lạc bộ Hát Then – Đàn Tính được thành lập tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Tại tỉnh Cao Bằng, trong mỗi dịp hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhiều hoạt động được tổ chức tạo không khí phấn khởi, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị và địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động thiết thực như: giao lưu văn hóa, văn nghệ; thi hát dân ca và trình diễn trang phục dân tộc; tổ chức lễ hội truyền thống; thành lập các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính… Các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc tỉnh Cao Bằng còn được tôn vinh và giới thiệu rộng rãi thông qua các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Cùng với đó, Cao Bằng còn sở hữu nhiều di sản văn hóa có giá trị bao gồm: 2 bảo vật quốc gia (đôi chuông chùa Viên Minh và đền Quan Triều, xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng; Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ trên vách núi Phja Tém, xã Bình Long, huyện Hòa An);  214 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó 98 di tích được xếp hạng các cấp; 04 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghi lễ Then Tày tỉnh Cao Bằng; Lễ hội tranh đầu pháo; Lễ hội Nàng Hai, xã Tiên Thành; Nghề rèn truyền thống xã Phúc Sen (Quảng Hòa).

Văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc đã làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nói riêng là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam (19/4) chính là dịp để các tầng lớp nhân dân ôn lại truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.

Tác giả bài viết: Lương Hằng (Tổng hợp)

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây