Sau 30 năm bôn ba hải ngoại đi tìm đường cứu nước, ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã vượt mốc 108 trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã trọn Pác Bó làm nơi ở và hoạt động trong nhiều năm tháng của thời kỳ (1941 - 1945). Pác Bó có nhiều di tích lịch sử về Người như: Hang Cốc Bó, nhà ông Lý Quốc Súng, nơi ở và làm việc của Người trong những ngày đầu về nước; Mốc 108, núi Các Mác- suối Lê Nin, Người đã đặt tên là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa Mác- Lê Nin, luôn là kim chỉ nam soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam; Bàn đá dịch sử Đảng, lám Khuổi Nặm, nhà cụ Dương Văn Đình... Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã có nhiều chủ trương và quyết định quan trọng cho cách mạng tháng Tám năm 1945. Người chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Hội nghị có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của đất nước, xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đưa lên hàng đầu của cách mạng nước ta; quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, thu hút mọi tầng lớp tham gia vào mặt trận không phân biệt dân tộc, tôn giáo, hễ là người có lòng yêu nước đều vào mặt trận chung để chống Đế quốc xâm lược, biên soạn các tài liệu tuyên truyền cho cách mạng: Cuốn Lịch sử nước ta, Địa dư Bắc Kỳ, Việt Nam ngũ tự kinh, cách đánh du kích, cuốn Điều lệ Đảng, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc và đặc biệt là biên soạn bức thư kính cáo đồng bào ngày 06/6/1941 kêu gọi toàn dân đoàn kết đứng lên đánh kẻ thù chung Đế quốc Pháp, Nhật và bọn Việt gian giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự, sáng lập báo Viện Nam độc lập - Cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh, báo Việt Nam độc lập ra đời có tác dụng thiết thực trong việc giáo dục, động viên quần chúng tham gia cách mạng, báo Việt Nam độc lập đã trở thành ngọn đuốc soi đường dẫn dắt quần chúng tiến tới con đường đấu tranh, thành lập đội du kích thoát ly đầu tiên ở Pác Bó (11/1941) gồm 12 người là tiền thân của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Từ Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động lan rộng ra nhiều nơi ở các huyện của tỉnh Cao Bằng như: Khu Lam Sơn (Hoà An), Minh Tâm (Nguyên Bình) gọi chung là khu căn cứ địa Lam Sơn. Việc luôn thay đổi chỗ ở của Người là để tránh kẻ địch phát hiện đồng thời nhằm tuyên truyền quần chúng sâu rộng trong toàn tỉnh. Từ Pác Bó - Cao Bằng nhiều lần Người đã sang Trung Quốc bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam và Đồng Minh. Trong chuyến đi Trung Quốc tháng 8/1942, Người lấy tên mới là Hồ Chí Minh, khi đến Túc Vinh, huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây, Người đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ và áp giải đi hơn 30 nhà lao, trong thời gian bị giam cầm kẻ thù không khai thác được gì ở Người, cuối cùng chúng buộc phải thả tự do cho Người. Ra khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch, Người vẫn tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc một thời gian. Cuối tháng 9/1944, Người trở lại Pác Bó tiếp tục chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tại Nà Sác, huyện Hà Quảng, Người đã chỉ thị hoãn cuộc tổng khởi nghĩa liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng vì điều kiện chưa chín muồi và ra chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hng Đạo, huyện Nguyên Bình, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập gồm 34 chiến sĩ dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Hai ngày sau, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay) đã tiến đánh hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần (huyện Nguyên Bình) trận đầu ra quân đã chiến thắng.
Tháng 02/1945, Người lại từ Pác Bó đi Côn Minh (Trung Quốc) lần thứ hai để tham dự hội nghị đồng minh chống Phát xít. Sau khi thoả thuận được sự hợp tác hai bên giữa Mặt trận Việt Minh và Mỹ. Cuối tháng 3/1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Hồ Chí Minh từ Côn Minh (Trung Quốc) về Pác Bó gấp rút chuẩn bị đón thời cơ giành chính quyền cách mạng.
Ngày 4/5/1945 Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ rời Pác Bó về Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước; và sau hai mươi năm xa cách, ngày 20/02/1961, Người trở lại thăm Pác Bó, thăm lại nơi ở và làm việc năm xưa, thăm những cơ sở cách mạng - Nơi đã từng nuối dấu, trở che Người trong những ngày đầu cách mạng đầy gian khổ. Sự kiện này đã thể hiện sự tri ân của Bác đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng - Nơi Bác đã coi là quê hơng thứ hai của mình.
Khu di tích lịch sử Pác Bó được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ - TTg, ngày 10/5/2012; là Khu di tích gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chi Minh và của cách mạng nước ta trong những năm (1941- 1945). Ngoài ý nghĩa, giá trị về mặt lịch sử, Pác Bó còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sơn thuỷ hữu tình, đã trở thành địa danh nổi tiếng, một địa chỉ hấp dẫn với du khách trong nước và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và học tập.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn