Di tích đồn Phai Khắt - Trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

Chủ nhật - 08/09/2024 11:22
Di tích Đồn Phai Khắt là nơi diễn ra trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân Đội Nhân dân Việt Nam, mở đầu truyền thống đánh “trăm trận trăm thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
z5808690642729 552b2b7ac16410d2dd8450523b039901

Di tích Đồn Phai Khắt
 
Di tích đồn Phai Khắt nằm tại làng Phai Khắt thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, nguyên là nhà của ông Nông Văn Lạc được xây dựng từ năm 1940. Ngôi nhà được xây bằng gạch vững chắc, có diện tích 210m2. Làng Phai Khắt có phong trào cách mạng từ sớm, nhân dân đều tham gia các hội cứu quốc. Tại đây có ba đường đi theo các hướng, về phía Nam đi Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn), về phía Đông Bắc đi Nà Ngần xã Cẩm Lý (nay là xã Hoa Thám) và một con đường độc đạo ra châu Nguyên Bình. Đầu năm 1944, để ngăn cản phong trào cách mạng do Việt Minh lãnh đạo, địch đã chiếm nhà ông Nông Văn Lạc làm đồn đóng quân. Xung quanh đồn, địch làm hàng rào bằng cây vầu cao hai mét, chỉ để hai cửa ra vào, một cửa ở sau nhà, một cửa vào thẳng đồn có đặt vọng gác. Vòng ngoài chúng bắt dân thay phiên nhau canh gác còn vòng trong do lính của đồn trực tiếp canh gác. Quân số trong đồn lúc đó có 21 tên lính dõng và một tên đồn trưởng người Pháp.
thanh lap 1

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
 

Ngày 22/12/1944 Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại Khu rừng Trần Hưng Đạo xã Tam Kim, châu Nguyên Bình tỉnh Cao Bằng dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, thực hiện theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sỹ và gây truyền thống hoạt động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội” và đặc biệt “Trận đầu ra quân phải đánh thắng”. Sau khi cân nhắc các yếu tố để đảm bảo chắc chắn giành thắng lợi, không bị tổn thất và thu được vũ khí đạn dược, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đưa ra kế hoạch đánh đồn Phai Khắt. Theo kế hoạch được đưa ra, các đội viên trong Đội cải trang thành một toán lính dõng của châu đi tuần về ghé qua đồn Phai Khắt. Sau khi lọt vào đồn sẽ chiếm kho súng buộc địch đầu hàng. Để thuận tiện cho việc tiến vào đồn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã làm giấy tuần giả và con dấu giả cho Đội.

Trước trận đánh, Ban chỉ huy Đội đã cử bé Hồng (tức Nông Văn Xương), lúc đó 12 tuổi là người trong làng đi trinh sát nắm bắt tình hình trong đồn. Theo lời kể của bé Hồng: “Ban chỉ huy Đội đã cử tôi đến trước cửa đồn để đánh cù (con quay) mục đích để thám thính, trong lúc đánhthì cai Tây lấy gậy ba toong móc quả cù lăn vào trong đồn”. Nhân cơ hội vào đồn nhặt cù quay, bé Hồng đã quan sát được các vị trí kho đạn, nơi để súng, lương thực, nơi ăn ngủ, canh gác, giờ giấc sinh hoạt và bố trí của địch trong đồn để báo lại với Ban chỉ huy Đội.

Chiều ngày 24/12/1944, toàn Đội được lệnh xuất phát lên đường đi đánh đồn. Đội được cải trang thành một đội lính dõng di chuyển theo sườn đồi hộ tập trung tại hang Thẳm khẩu sau làng Phai Khắt, cách đồn khoảng 500m. Đây là địa điểm rất kín đáo bí mật, thuận lợi cho việc quan sát và nhận thông tin liên lạc về mọi hoạt động của địch và tay sai trong làng.

Sáng ngày 25/12/1944, một số đội viên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đóng giả thường dân, đứng trông chừng ở các ngả đường. Trung đội vũ trang của xã Thể Dục (Nguyên Bình) được phân công phục kích con đường từ châu lỵ Nguyên Bình vào Phai Khắt, trung đội của xã Hoa Thám đảm nhận nhiệm vụ canh gác các ngả đường từ Nà Ngần, phụ nữ địa phương làm nhiệm vụ tiếp tế và cứu thương, lực lượng tự vệ bố trí thành một mạng lưới xung quanh vị trí trú quân của Đội để đề phòng những trường hợp bất trắc xảy ra, nếu địch đưa quân lên núi sẽ báo cho đội để biết rút lui.

Đến 17h ngày 25/12/1944, từ nơi đóng quân, Đội bắt đầu xuất phát tiến đánh đồn Phai Khắt. Đồng chí Thu Sơn (Nguyễn Văn Càng - tiểu đội trưởng) mặc đồ kaki đóng giả đội xếp cầm khẩu tiểu liên Mỹ đi đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp mặc bộ kaki đóng giả cai đội.

Cả đội chia làm hai cánh quân tiến vào bản, đến bốt gác, đồng chí Thu Sơn chìa tờ giấy có đóng giấu đỏ cho tên lính gác, rồi tiến thẳng vào đồn. Trong khi đó, tiểu đội 1 đi theo sau tiếp cận khu để súng, tiểu đội 2 tiến vào trong đồn triển khai bao vây, tuyên bố là quân cách mạng đến chiếm đồn, ai chống cự sẽ bị trừng trị. Bị bất ngờ không kịp trở tay, toàn bộ địch buộc phải giơ tay đầu hàng đầu hàng. Trong lúc đó, người của tổ canh gác cách đồn 3km báo tin, tên đồn trưởng Si Mô Nô lên châu Nguyên Bình dự lễ Nô en đang đi ngựa trở về. Theo kế hoạch, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy Đội quyết định bắt sống, nhưng khi tên đồn trưởng vừa vào tới sân, đồng chí Luận (Tức Võ Văn Dảnh) đã nổ súng bắn tên đồn trưởng, đồng chí Lương Văn Ích bắn chết con ngựa. Trận đánh diễn ra trong vòng 30 phút dành được thắng lợi nhanh chóng, quân ta đã tiêu diệt tên đồn trưởng, bắt sống 17 tên lính, ta thu được 17 khẩu súng, một ít đạn. Sau khi đánh xong đồn Phai Khắt toàn Đội thu dọn chiến trường, Ban chỉ huy Đội giao cho đồng chí Nông Văn Lạc cùng cán bộ cơ sở và nhân dân Phai Khắt chuẩn bị đối phó với địch theo kế hoạch đã định. Sau đó toàn Đội lại cấp tốc hành quân đi đánh đồn Nà Ngần.
 

z5808716235137 2e9a54a28f0721ee97d181774a5bf447


Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cải trang thành lính dõng đánh Đồn Phai Khắt
 

Chiến thằng đồn Phai Khắt đã mở màn cho truyền thống đánh “Trăm trận trăm thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Thắng lợi đầu tiên đã cổ vũ tinh thần chiến đấu mưu trí kiên cường của Đội, ghi dấu ấn quan trọng  cho cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Năm 1994, đồn Phai Khắt đã được sử dụng để làm nhà trưng bày chiến thắng đồn Phai Khắt. Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đồn Phai Khắt được tu sửa lại, nâng cấp lại phần sân. Năm 2014, một số hiện vật trưng bày tại Đồn Phai Khắt được đưa lên trưng bày tại nhà trưng bày bổ sung của Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo. Đến năm 2019, đồn Phai Khắt được bổ sung trưng bày một số hiện vật, phục dựng lại không gian sinh hoạt của tên đồn trưởng và lính dõng. Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích đồn Phai Khắt đang được cán bộ chuyên môn thuộc Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng thực hiện để đảm bảo phục vụ du khách đến tham quan trải nghiệm và học tập./.

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VÀ HIỆN VẬT TRƯNG BÀY TẠI DI TÍCH ĐỒN PHAI KHẮT

 
z5808712658888 b6968783f2b17683588b1575f4888297
 
z5808690633947 735d2b4c8ba4f89978b9b09337ce7f5e
 
z5808693592895 55c0ef4071d1f265a861a3211e7d167b
 
z5808690633737 00a2e1faa0b6fc8a8d1e33d939537ec6
 

Tác giả bài viết: Ngọc Nam

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây