Pác Bó, mảnh đất vinh dự được đón Bác trở về sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân. Với tầm nhìn chiến lược của vị Lãnh tụ thiên tài, Người nhận thấy mảnh đất Pác Bó - Cao Bằng đầy đủ những điều kiện về “địa lợi, nhân hòa” để trở về tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc với quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí về nước 28/1/1941(ảnh: tư liệu)
Từ nhận định quan trọng này, ngày 28/01/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng 05 đồng chí: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đào Thế An, Hoàng Văn Lộc và Đặng Văn Cáp đã đi qua Cột mốc 108 (Pác Bó, Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) trở về tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại Pác Bó, Người đã đưa ra nhiều quyết định, chỉ đạo quan trọng cho cách mạng Việt Nam như: triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941), thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), xuất bản báo Việt Nam Độc Lập (gọi tắt là Việt Lập), thành lập Đội du kích Pác Bó, ra chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng khi thời cơ chưa tới, ra chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, chuyển cơ quan đầu não cách mạng từ Pác Bó về Tân Trào, Tuyên Quang để thuận tiện cho việc lãnh đạo phong trào chung của toàn quốc, tiến tới tổng khởi nghĩa thống nhất đất nước…
Năm 1945, nhận thấy thời cơ tổng khởi nghĩa đã tới, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định chuyển cơ quan đầu não cách mạng từ Pác Bó về Tân Trào, Tuyên Quang. Việc chuyển đại bản doanh cách mạng là công việc hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Công tác bảo vệ Lãnh tụ Hồ Chí Minh được Trung ương Đảng khẩn trương chuẩn bị và giao cho đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách. Tuyến đường từ Pác Bó về Tân Trào được nghiên cứu tỉ mỉ. Việc phối hợp lực lượng triển khai bảo vệ các trọng điểm trên đường đi hết sức chu đáo. Sau khi nghe kế hoạch bảo vệ cuộc hành quân, Bác trực tiếp chỉ đạo từng vấn đề cụ thể. Để chuẩn bị cho việc di chuyển, Người thành lập một tiểu đội đặc biệt. Tiểu đội được học tập về chính trị và huấn luyện về quân sự với những bài cơ bản như sử dụng vũ khí thông thường, tình huống gặp địch. Quãng đường từ Pác Bó đi Tân Trào chia làm hai chặng: chặng thứ nhất từ Pác Bó đến Lam Sơn, chặng thứ hai đi từ Lam Sơn đến Tân Trào.
Sáng ngày 04/5/1945, trước lúc lên đường, Bác tập hợp đoàn công tác gồm trên 30 người, Bác phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người. Về ý nghĩa chuyến đi, Bác căn dặn đây là chuyến công tác khẩn trương, gian khổ, đi đường dài, phải hết sức giữ bí mật. Nếu bất trắc gặp địch, toàn đoàn phải tuân theo sự chỉ huy thống nhất, hành động kịp thời, mau lẹ, nên tránh đụng độ để bảo toàn lực lượng và Bác phổ biến một số hiệu lệnh cho đoàn để xử lý tình huống khi cần.
Lán Khuổi Nặm – Pác Bó, nơi Bác xuất phát đi Tân Trào 4/5/1945 (ảnh: Tư liệu)
Khoảng 09 giờ sáng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đoàn xuất phát từ lán Khuổi Nặm. Bác mặc bộ quần áo Nùng, đội nón chóp, khăn che gần kín mặt, đeo chiếc túi dệt nhỏ, tay chống gậy. Nhân dân và các tổ chức đoàn thể Pác Bó được biết trước chuyến đi này của Người nên cùng nhau đứng trước hai bên đường để tiễn đoàn.
Đến Thua Phja (xóm Hòa Mục ngày nay), đoàn dừng lại nghỉ ăn trưa tại nhà đồng chí Nông Hiền Hữu (bí danh Quất) là Chủ nhiệm Việt Minh châu Hà Quảng. Để giữ bí mật, mọi người trong đoàn gọi Bác là “Già Thu”. Từ Thua Phja đoàn tiếp tục hành trình.
Ngày 05/5, Bác tới Lam Sơn, tại đây Bác đã làm việc với liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng tại nhà Đào Hải. Từ ngày 06 đến ngày 08/5 Bác và đoàn cán bộ làm việc tại Lam Sơn. Tại hang Pác Tẻng, Bác chủ trì cuộc họp với các cán bộ Trung ương và hai đồng chí lãnh đạo đại diện liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng để bàn về một số công việc chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa dành chính quyền. Sáng ngày 09/5, Bác rời Lam Sơn đi Hào Lịch (xã Hoàng Tung). Biết có đoàn cán bộ đi qua, nhân dân cử đại diện ra chúc đoàn đi đường bình an, gặp nhiều may mắn và tặng đoàn những món quà đặc sản của đông bào người Tày ở Hòa An. Bác dừng lại nói chuyện và cảm ơn bà con nhân dân đã ra tiễn đoàn.
Ngày 10/5, Bác cùng đoàn tiếp tục hành trình hướng tới Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn). Tới bản Lũng Sao của người Dao Tiền (xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn). Bác giao nhiệm vụ cho đồng chí Đặng văn Cáp trở lại Lam Sơn củng cố xưởng quân khí Lê Tổ để tiếp tục chế tạo và sửa chữa vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa.
Đoàn tiếp tục đi qua nhiều địa phương thuộc tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên rồi đến Tuyên Quang. Từ ngày 04/5/1945 Bác cùng đoàn từ lán Khuổi Nặm vượt hơn 400km đường rừng, đi qua 10 huyện của 4 tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang), trèo đèo lội suối, vừa đi bộ vừa đi ngựa, 13 điểm ngủ qua đêm trong chặng đường dài. Sau gần 20 ngày đêm hành quân, ngày 22/5/1945, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đoàn tới Tân Trào (Tuyên Quang)1. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng Bác và đoàn kiên trì đi, đảm bảo bí mật và đến Tân Trào an toàn.
Tại Tân Trào, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Quốc dân Đại hội và phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Cách mạng Tháng 8 bùng nổ và dành được thắng lợi nhanh chóng. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn thể dân tộc Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thời gian Bác ở Pác Bó từ năm 1941 - 1945 tuy không dài nhưng Người đã xây dựng nơi đây trở thành căn cứ địa vững chắc, chuẩn bị các tổ chức vũ trang sẵn sàng cho việc giành lại chính quyền và thường xuyên tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân tin vào đường lối chỉ đạo của cách mạng, hết lòng bảo vệ, giúp đỡ và đi theo cách mạng.
Ngày nay, Pác Bó đã trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước tới các thế hệ con cháu. Là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thời kì 1941 - 1945. Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng bên cạnh việc giữ gìn, phát huy giá trị di tích, luôn cố gắng cải tạo cảnh quan thiên nhiên xung quanh, trồng nhiều cây, hoa, cỏ,... tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp thu hút khách đến với Pác Bó vừa tham quan, du lịch về nguồn, vừa có nhiều cảnh đẹp cho du khách có những trải nghiệm tốt nhất tại Pác Bó.
Suối Lê Nin, núi Các Mác ( ảnh: Mai Hiên)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tác giả bài viết: Đoàn Mai Hiên
Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn