KỶ NIỆM 77 NĂM SỰ KIỆN THÀNH LẬP ĐỘI QUÂN ANH HÙNG “TỪ NHÂN DÂN MÀ RA, VÌ NHÂN DÂN MÀ CHIẾN ĐẤU”

Thứ ba - 21/12/2021 14:54

Nơi núi thẳm non ngàn, đúng 17h ngày 22/12/1944 lễ thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trọng thể tại chính địa điểm này - khu rừng Trần Hưng Đạo, giữa tổng Trần Hưng Đạo và tổng Hoàng Hoa Thám, Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Giữa mùa đông, khí trời nơi non cao lạnh buốt. Trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây thẳng tắp. Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), lần đầu tiên tụ họp hàng ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ đỏ sao vàng trước sự chứng kiến của đại diện Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Nùng, Dao của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn đến tham dự.

Đứng trước hàng quân đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội VNTTGPQ và nêu rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc:

“ Các đồng chí!

     Ngày hôm nay, 22 tháng 12 năm 1944, theo mệnh lệnh của Đoàn thể, chúng ta tập trung ở nơi rừng xanh núi đỏ này, giữa tổng Trần Hưng Đạo và tổng Hoàng Hoa Thám trong liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng, để khai hội thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân….”

z2700343905112 910c65a2b934e8d6d7d65341adc73cb9
 

Bức phù điêu Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình,
tỉnh Cao Bằng

 

Trở lại quãng thời gian trước khi thành lập Đội, ngày 3/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, từ đây cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn có Đảng lãnh đạo. Một trong những vấn đề được Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quan tâm chú trọng đó là việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Vì vậy, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành như Đội tự vệ đỏ trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931). Những năm 1940 - 1941, các đội du kích Bắc Sơn (Lạng Sơn), du kích Nam Kỳ được thành lập. Đây là những hạt giống quân sự của Đảng đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc đấu tranh cách mạng địa phương. Hội nghị Trung ương lần thứ VI (11/1939) và lần thứ VII (11/1941) đã thống nhất nhận định: Thời cơ và điều kiện cách mạng trong nước đã chín muồi. Trước tình hình thế giới và trong nước diễn biến nhanh chóng có lợi cho cách mạng Việt Nam, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương sớm trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Việc chọn vùng đất xây dựng căn cứ địa cách mạng được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cân nhắc kỹ càng, từ những thông tin, báo cáo của đồng chí Lê Hồng Phong - Ủy viên Quốc tế Cộng sản về Cao Bằng củng cố cơ sở Đảng trong nước năm 1931 – 1932 và của đồng chí Hoàng Văn Nọn – Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận thấy Cao Bằng chính là mảnh đất hội tụ hai yếu tố “Địa lợi, nhân hòa” cho một căn cứ cách mạng vững chắc, nơi “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào cách mạng tốt từ trước lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc với quốc tế rất thuận lợi, nhưng Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được, có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Từ nhận định quan trọng này, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc, Người chọn Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) làm nơi ở và hoạt động cách mạng, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Tại Pác Bó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại diện quốc tế Cộng sản, triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (từ ngày 10- 19/5/1941). Hội nghị Trung ương lần thứ VIII đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chiến lược cách mạng đã đề ra từ Hội nghị Trung ương VI và VII, đưa vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu… Một trong những chủ trương mang tính chiến lược được Hội nghị đặt ra trong giai đoạn mới của Cách mạng Việt Nam là nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Hội nghị nhận định: “Cách mạng Việt Nam đã bước sang thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh bằng bạo lực để giành chính quyền cách mạng và đề ra chủ trương “Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay”.

Để thực hiện đường lối chiến lược Nghị quyết Trung ương VIII, trên mảnh đất biên cương Pác Bó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự; sáng lập ra báo Việt nam Độc Lập, … đưa ra những quyết sách sáng suốt về xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước khi thời cơ đến.

Từ trung tâm căn cứ địa, nơi đặt đại bản doanh lãnh đạo của Trung ương, sau Hội nghị, phong trào cách mạng của quần chúng phát triển khắp các châu trong tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là 3 châu Hà Quảng, Nguyên Bình và Hoà An đã trở thành 3 châu Việt Minh hoàn toàn. Các tổ chức tự vệ ra đời ngày một nhiều làm nhiệm vụ hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng. Mặt khác, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rất chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang vùng căn cứ địa để vừa giữ vững địa bàn, vừa tạo nguồn cán bộ cung cấp cho tỉnh. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn hơn 70 cán bộ gửi sang Trung Quốc học quân sự. Đây là những hạt giống cán bộ quân sự đầu tiên của căn cứ địa Cao Bằng, sau này là Cao - Bắc - Lạng và khu giải phóng Việt Bắc.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tháng 11/1941, tại Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng đội du kích Pác Bó ra đời. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp giáo dục chính trị và viết tài liệu huấn luyện quân sự cho đội. Từ những cán bộ cốt cán của đội du kích Pác Bó và các đồng chí đã được huấn luyện quân sự, nhiều đội vũ trang ở các châu lần lượt được thành lập. Đội du kích Pác Bó chỉ tồn tại độ hai năm, song đây là một thực tiễn sinh động để Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức xây dựng đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Bên cạnh việc phát triển lực lượng vũ trang khu vực Cao - Bắc - Lạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn chỉ thị mở phong trào Nam tiến để phát triển các con đường quần chúng nối liền liên lạc tới các địa phương và về với Trung ương ở miền xuôi.

Vào cuối năm 1943 đến giữa năm 1944, thực dân Pháp liên tục mở các đợt khủng bố khốc liệt ở hầu hết các tỉnh Việt Bắc, làm tăng thêm lòng căm thù giặc của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cứu quốc phát triển mạnh mẽ. Tháng 7/1944, trước khí thế sôi sục cách mạng của quần chúng, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng triệu tập cuộc Hội nghị cán bộ để thảo luận vấn đề khởi nghĩa. Hội nghị đã nhận định: Căn cứ vào tình hình thế giới, tình hình trong nước và tình hình phong trào Cao - Bắc - Lạng, các điều kiện đã chín muồi để phát động chiến tranh du kích trong liên tỉnh. Ngày 13-8-1944, Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đã khẩn trương triệu tập hội nghị tại Lũng Sa (Hòa An, Cao Bằng) để nhận định tình hình và quyết định chủ trương mới. Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”. Tháng 8-1944, Trung ương Đảng ra lời kêu gọi “Sắm vũ khí, đuổi thù chung”.

Đúng thời điểm đó, vào cuối tháng 10/1944, Lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Trung Quốc trở về xã đỏ Nà Sác, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Một buổi sáng của tháng 10/1944, các đồng chí: Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp tới gặp Người để báo cáo tình hình phong trào cách mạng ở các tỉnh Cao - Bắc - Lạng, những khó khăn lớn trong việc liên lạc với Trung ương ở miền xuôi, về nghị quyết vũ trang khởi nghĩa của Liên Tỉnh ủy. Sau khi nghe các đồng chí báo cáo và xét thấy điều kiện chưa đủ chín muồi, Người đã chỉ thị hoãn chủ trương phát động khởi nghĩa. Người phân tích rõ: “Chủ trương phát động chiến tranh du kích ở Cao - Bắc - Lạng mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể trong cả nước, mới chỉ nhìn thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục. Người chỉ rõ: Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải là hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay, chính trị vẫn còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên”.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đề ra phương châm kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và quân sự để đẩy mạnh phong trào, tạo điều kiện tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. “Hình thức đấu tranh thích hợp mới có thể đẩy phong trào tiến lên”- Đó là hình thức vũ trang tuyên truyền, lực lượng vũ trang vừa là đội chiến đấu, vừa là đội quân tuyên truyền, công tác và sản xuất. Người đề ra cách giải quyết :“Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây được ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến nhằm gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập đội quân giải phóng”.

Rồi Bác hỏi:

- Việc này giao cho chú Văn phụ trách, chú Văn có làm được không?

- Dạ, có thể được".

Với câu trả lời ngắn gọn đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp chính thức nhận trách nhiệm nặng nề nhưng đầy vinh quang trên vai để làm nên sự nghiệp chiến đấu và cống hiến vẻ vang. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, không ít người nước ngoài (nhất là các ký giả và sử gia Pháp và Mỹ) thường nói đến chuyện lãnh tụ Hồ Chí Minh giao việc thống lĩnh ba quân cho một thấy giáo sử học chưa từng qua một trường lớp quân sự nào bởi ông học trong thực tế là chính.

Vào những năm cuối của thế kỷ XX và XXI, chuyện lãnh sứ mệnh cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn được nói đến trong các cuốn sách phương Tây, trong đó có cuốn Chiến thắng bằng mọi giá. Dù là một trong những người đặt vấn đề muộn nhất, C.B.Cơri cũng thống nhất với tất cả các tác giả nước ngoài trước đó, trên một vấn đề cơ bản nhất, đó là: Việc “chọn mặt gửi vàng” của lãnh tụ Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất 

sắc sứ mệnh lịch sử cầm quân do lãnh tụ Hồ Chí Minh giao phó trong suốt hơn một phần ba thế kỷ.

Sau khi “giao cho chú Văn phụ trách” việc lập Đội quân giải phóng, lãnh tụ Hồ Chí Minh trao đổi với đồng chí Võ Nguyên Giáp, phác thảo ra những nét cơ bản về đội quân giải phóng, từ tổ chức đến phương châm hành động và các vấn đề lương thực, đạn dược, quan hệ giữa bộ đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương, đặc biệt là phải tổ chức chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo đội. Về phần người phụ trách - tư cách người cầm quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Người cán bộ cách mạng phải biết hy sinh vì sự nghiệp, phải “dĩ công vi thượng’’. Những lời căn dặn của Người được đồng chí Võ Nguyên Giáp trân trọng, gìn giữ bằng cả một cuộc đời cống hiến, hy sinh.

Ngay hôm sau, thực hiện theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Lê Quảng Ba và Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng khẩn trương chọn người và tập trung vũ khí, xây dựng  kế hoạch tổ chức thành lập đội cụ thể. Đúng 17h00, ngày 22/12/1944 lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được diễn ra tại khu rừng giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Tham dự buổi lễ thành lập có đại diện Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng và các tổ chức Hội Cứu quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cùng bà con trong vùng. Đứng trước hàng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc diễn từ tuyên bố thành lập đội và nêu rõ nhiệm vụ của đội đối với tổ quốc, sau đó toàn đội làm lễ tuyên thệ 10 lời thề danh dự. Sau này, 10 lời thề đã trở thành kim chỉ nam của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Sự thành lập Đội VNTTGPQ là một bước phát triển quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân ta, từ đây đất nước ta đã có một đội quân chủ lực thống nhất, có cương lĩnh chính trị, quân sự rõ ràng, liên hệ mật thiết với nhân dân. Đội quân non trẻ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy lại sớm phải đối mặt với quân viễn chinh nhà nghề dày dặn kinh nghiệm chiến đấu của Pháp trên toàn chiến trường Đông Dương. Tuy vậy, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội đã liên tiếp ra quân đánh thắng giòn giã hai trận mở đầu ở Đồn Phai Khắt và Đồn Nà Ngần, từ đó viết tiếp những trang sử hào hùng của quân đội ta.

Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại: “Lễ thành lập đội được cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời dưới sự che trở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc…Tôi được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với tổ quốc… Nhiệm vụ của đoàn thể ủy thác cho chúng tôi là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến… Rồi đến lễ tuyên thệ. Đứng dưới lá cờ, lòng tràn đầy tin tưởng, chúng tôi đồng thanh đọc 10 lời thề danh dự. Sau từng lời thề, những tiếng hô “xin thề”lại đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động cả khu rừng.”

Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về cảm xúc của buổi lễ hôm đó như sau:"Bao nhiêu chiến công oanh liệt của cha ông đời trước, của các chiến sĩ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc bỗng hiện ra trong ký ức. Nợ nước thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên, chúng tôi quên đi chúng tôi là 34 con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù, tin tưởng náo nức cảm động." 

Trong buổi lễ thành lập, đội có 34 chiến sĩ, họ là những người dân yêu nước, không sợ gian khổ hy sinh, vì nghĩa lớn, tình nguyện tham gia đội quân cách mạng, chiến đấu cho độc lập tự do của tổ quốc, là những người con ưu tú của căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng đến từ những miền quê khác nhau, nhiều người sau này đã trở thành những tướng lính trong quân đội, những cán bộ cao cấp của Đảng. Trong 34 chiến sĩ có 25 người là con em các dân tộc Cao Bằng. Đây là một vinh dự và niềm tự hào của vùng đất quê hương cách mạng.

Như vậy, Đội VNTTGPQ ra đời và hoạt động chỉ trong một thời gian ngắn nhưng Đội đã đảm đương và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những thắng lợi cả về chính trị và quân sự của Đội đã góp phần tích cực vào việc củng cố và phát triển khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng, cổ vũ nhân dân thêm tin tưởng con đường khởi nghĩa vũ trang, con đường cách mạng của Đảng. Đội VNTTGPQ ra đời (22/12/1944) là bước phát triển quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân ta trong quá trình hình thành và phát triển. Cũng từ đây đất nước ta có một đội quân chủ lực thống nhất, có cương lĩnh chính trị, quân sự rõ ràng, chiến đấu dũng cảm, liên hệ mật thiết với nhân dân, đã ra quân là chiến thắng. Đội vừa mới ra đời, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp Đội VNTTGPQ đã ra quân đánh thắng giòn rã trận Phai Khắt (25/12/1944) và trận Nà Ngần (26/12/1944), mở đầu cho những trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra quân là chiến thắng.

Từ sau chiến thắng Phai Khắt và Nà Ngần, Đội VNTTGPQ lớn dần theo năm tháng. Từ một Trung đội gồm 34 chiến sĩ, Đội đã lớn mạnh thành Đại đội. Trên đường Nam tiến, Đội gặp Việt Nam cứu Quốc quân và hợp nhất thành “Việt Nam giải phóng quân” vào ngày 15/5/1945 tại xã Định Biên Thượng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Sau 10 năm thành lập, Việt Nam giải phóng quân đã cùng toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp xâm lược. Sau 31 năm kể từ ngày khai sinh tại khu rừng Trần Hưng Đạo, quân đội ta đã cùng nhân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cùng ôn lại truyền thống hào hùng của lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, trong những ngày này toàn đảng, toàn quân và toàn dân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021), 32 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2021), tự hào hơn trên chính quê hương cách mạng Cao Bằng, cái nôi ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay; mỗi người dân, cán bộ chiến sĩ lại trào dâng lên niềm tự hào, tôn kính tưởng nhớ về vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Hồ Chí Minh, vị tướng tài ba Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một đội quân anh hùng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Tiếp bước truyền thống cha anh, thực hiện những lời căn dặn và di huấn thiêng liêng của Người trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, quân và dân ta đoàn kết, nỗ lực phấn đấu giành được nhiều thắng lợi to lớn góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong muốn. Các thế hệ người dân Việt Nam nói chung, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói riêng nguyện mãi mãi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đặc biệt trong đợt bùng phát dịch Covid - 19 lần thứ tư, tình hình đất nước đứng trước dầu sôi lửa bỏng đang hàng ngày phải đối mặt với những thách thức khó lường do đại dịch Covid- 19 mang lại, thì lực lượng quân đội luôn đóng vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt, xung kích trên tuyến đầu, góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của người dân, tiếp tục lan tỏa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới được Đảng, Nhà nước khen ngợi, nhân dân yêu mến. Đâu đó, những hình ảnh khiến mỗi chúng ta dâng trào cảm xúc trân trọng và ấm áp, cảm phục trước lòng dũng cảm, sự nhiệt huyết của “Bộ đội Cụ Hồ” xông pha vào “điểm nóng” của dịch bệnh, hết lòng vì nhân dân quên mình khi bắt gặp hình ảnh những người lính xuất hiện tại tâm dịch các tỉnh, thành phố của miền Nam. Trong một bài phát biểu ngay tại tâm dịch miền Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói “Tôi có lòng tin, tất cả những khó khăn nào mà nếu toàn dân đồng lòng, cả hệ thống vào cuộc và khi có Bộ đội Cụ Hồ thì nhất định chúng ta sẽ thắng lợi”./.

Cán bộ chiến sĩ biên phòng lấy thông tin công dân Việt Nam về nước qua biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Mông Bốn)

* Tài liệu tham khảo:

  1. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân- Nxb Quân đội nhân dân.
  2. Hồi ký từ Nhân dân mà ra - Nxb Quân đội nhân dân.
  3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chân dung một huyền thoại - Nxb Đồng Nai.
  4. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao Bằng - Nxb Chính trị quốc gia.
  5. Tài liệu thuyết minh Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo - BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng.

 

Tác giả bài viết: Hoàng Thị Hè

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây