CỘT MỐC BIÊN GIỚI MANG DẤU ẤN LỊCH SỬ

Thứ năm - 27/01/2022 03:16

Hơn 80 năm về trước, vào ngày 28/1/1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc tại cột Mốc 108 kết thúc cuộc hành trình 30 năm bôn ba nước ngoài để tìm con đường cứu nước, cứu dân. Kể từ đó, cột mốc biên giới mang số hiệu 108 đã mang trong mình một câu chuyện lịch sử và trở thành một điểm di tích quan trọng trong hệ thống các di tích tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng).

Kể từ ngày rời Tổ quốc (5/6/1911) từ Bến cảng Nhà Rồng để đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở về qua cột mốc biên giới Việt -Trung mang số hiệu 108 (28/1/1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phải trải qua một hành trình dài đầy gian nan, thử thách. Trong 30 năm đó, với khát khao là “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”, Người đã nhiều lần tìm đường trở về Tổ quốc, song không thể thực hiện được. Phải đến năm 1940, khi tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, chiến tranh thế giới lần thứ hai diễn ra ngày càng ác liệt, phát xít Đức tấn công nước Pháp và Chính phủ Pháp chấp nhận đầu hàng không điều kiện cũng như phong trào giải phóng dân tộc trong nước ngày càng phát triển thì việc tìm đường trở về Tổ quốc của Người mới có thể trở thành hiện thực.

Từ đầu những năm 1940, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn hoạt động tại Tĩnh Tây, Trung Quốc, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp lên Cao Bằng kiểm tra tình hình cách mạng tại Cao Bằng, ra nước ngoài báo cáo và đón Bác về nước. Sau khi nghe đồng chí Hoàng Văn Thụ báo cáo tình hình cách mạng trong nước và đặc biệt là phong trào cách mạng tại Cao Bằng Người đã đưa ra nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới lấy đó làm cơ sở liên lạc với Quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới tiếp xúc với toàn Quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”. Từ nhận định này Người đã quyết định chọn Pác Bó, Cao Bằng để trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Vào một buổi sáng đầu xuân đẹp trời năm 1941, Bác cùng năm đồng chí cán bộ cách mạng: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đào Thế An, Hoàng Văn Lộc và Đặng Văn Cáp lên đường trở về Tổ quốc. Đồng chí Lê Quảng Ba dẫn Bác và mọi người theo những vết đường mòn, uốn lượn giữa các dãy núi nối tiếp nhau trùng điệp. Trong bộ quần áo chàm của đồng bào Nùng, Bác cầm một cây gậy nhỏ đi mau lẹ cùng các đồng chí trèo đèo, lội suối hướng về Pác Bó.

 

Tranh Bác Hồ về nước

Tranh vẽ: Bác Hồ trở về Tổ quốc

Hành trang của Người mang theo khi trở về Tổ quốc sau bao nhiêu năm xa cách chỉ vẻn vẹn một chiếc vali mây trong đó có đựng một chiếc máy chữ, một số tài liệu, một vài bộ quần áo và đặc biệt có lá cờ đỏ sao vàng năm cánh sau này đã được sử dụng trong Hội nghị TW Đảng lần thứ VIII. Cả đoàn vượt qua nhiều đoạn dốc, đi qua nhiều sườn núi dài lởm chởm đá tai mèo, hoa rừng bên đường nở rộ rung rinh trong nắng xuân như vẫy chào người đi xa lâu ngày trở lại. Trời về trưa, Bác và các đồng chí đến khu vực biên giới, nơi có cột Mốc mang số hiệu 108. Cột mốc như một tấm bia lớn, mặt trước tương đối bằng phẳng hướng về phía đất Việt Nam ở giữa có ghi dòng chữ Pháp được dịch là

                              Biên giới

                             Trung Hoa

                             An Nam

                             Số 108.

Dọc hai bên mặt cột mốc có ghi hai dòng chữ Trung Quốc: “Đức Nghiệp Kha Tây Tự Nhất Bách Linh Bát (Sự nghiệp, công sức mở mang bờ cõi biên giới phía Tây số 108)”“Trung Quốc Quảng Tây Giới (Biên giới Quảng Tây Trung Quốc)”.
 

Trong hồi kí của mình, đồng chí Lê Quảng Ba kể lại: “Qua biên giới, tôi là người đi trước, đằng sau tôi là đồng chí Phùng Chí Kiên. Tới chỗ cột mốc, đồng chí đọc to những chữ trên cột mốc. Khi tôi quay ra thấy Bác đứng ở phía ngoài chấm chấm cái khăn mặt lên mắt”.  Sau 30 năm đi khắp chân trời góc bể để tìm con đường cứu nước, đặt bước chân đầu tiên trở về tổ quốc, hướng tầm mắt về tổ quốc thân yêu, Người lặng đi trước cảnh quê hương đất nước mà lòng quặn đau vì nhân dân ta vẫn phải sống trong cảnh lầm than, nô lệ. Cảnh tượng xúc động đến nghẹn ngào:

                           “Bác đã về đây Tổ quốc ơi!
                           
 Nhớ thương hòn đất ấm hơi người
                           
Ba mươi năm ấy chân không nghỉ
                           
Mà đến bây giờ mới tới nơi”

                                                                       Tố Hữu

Giây phút thiêng liêng ấy được đánh dấu vào ngày 28/01/1941 (tức Mùng 2 Tết Tân Tỵ). Cột Mốc 108 chính là nơi đầu tiên đón Bác trở về sau bao năm xa cách.

Trải qua bao nhiêu năm tháng, cột Mốc 108 ngày nào giờ vẫn đang đứng đó như một chứng nhân lịch sử của cách mạng và trở thành một điểm di tích quan trọng trong hệ thống các di tích tại Pác Bó. Hằng ngày, các cán bộ tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó vẫn đang làm tốt công tác giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử của địa điểm này. Năm 2001, chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã hoạch định phân giới cắm mốc lại và cắm cột mốc mới mang số hiệu 675 cách cột Mốc 108 khoảng 5m. Cột Mốc 675 hiện nay mang giá trị về mặt pháp lý, còn cột Mốc 108 mang ý nghĩa lịch sử.
 

z3143026089792 62c4087c2b43875f6f48f6ec4abe649b

Cột Mốc 108
 

Với ý nghĩa quan trọng tại khu vực biên giới, cột Mốc 108 là điểm đến yêu thích của khách tham quan trong hành trình “về nguồn” Pác Bó. Để bảo vệ di tích đặc biệt này, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó đã kết hợp với lực lượng Biên phòng và nhân dân địa phương thường xuyên kiểm tra thực trạng và phát quang con đường dẫn lên cột Mốc 108. Nhằm giữ cho cột Mốc không bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh, các cán bộ làm công tác chuyên môn luôn thực hiện tốt công việc bảo tồn và tu bổ di tích theo kế hoạch định kỳ. Với mong muốn phát huy hơn nữa những giá trị lịch sử to lớn của các điểm di tích này cũng như tất cả các di tích trong quần thể, Khu di tích Pác Bó thường xuyên mở cửa để đón các đoàn khách du lịch tới tham quan, học tập.

Về Pác Bó ngày đầu năm để được nghe câu chuyện Bác Hồ về nước từ giọng kể truyền cảm của hướng dẫn viên và một lần lên thăm cột Mốc 108 lịch sử, nơi hơn 80 năm trước Người đã đặt bước chân trở về quê hương sẽ là trải nghiệm đầy cảm xúc đối với mỗi người dân Việt Nam. Người về khi tiết trời đang chớm vào xuân, và mùa xuân Tân Tỵ năm đó chính là khởi đầu cho những mùa xuân tiếp theo của đất nước./.

 

Tác giả bài viết: Đào Văn Mùi - Giám đốc BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây