Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó từ năm 1959 vậy mà đây mới là lần thứ hai ông về với vùng đất lịch sử này. Hơn 50 năm trước, khi viết nên những ca từ Ơi bản Pác Bó quê ta, mấy mùa qua nghe tiếng Người, sắn vươn đồi xưa, lúa ngập vàng đôi bờ... là những tiên cảm đầy khát vọng về niềm tin của ông với lãnh tụ và vùng đất cách mạng. Và hơn 40 năm sau khi viết bài hát ấy, năm 2001, ông mới lần đầu về Pác Pó, năm 2010 ông trở lại Pác Bó lần thứ hai ở tuổi ngoài thất thập...
Cảm xúc
Hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ đã sống trong những ngày đầu trở về sau tròn 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, vẫn soi bóng bên suối Lênin. Những vị khách cao niên như vợ chồng ông Nguyễn An Định và bà Nguyễn Thị Tự, như nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ lần tay trên từng vệt nhẵn mòn của chiếc “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”, ai cũng rưng rưng khóe mắt.
Trước hang đá vẫn còn dấu tích nền nhà xưa của ông Lý Quốc Súng, người nuôi giấu Bác trong những ngày đầu trở về. Bao năm bôn ba, chỗ dựa đầu tiên của người cách mạng khi trở về vẫn là lòng dân, che chở cho Bác cũng là hang đá giản dị nơi gia đình ông Lý Quốc Súng thường dùng cất ngô cất lúa.
Và có lẽ ấn tượng nhất với các thành viên đoàn hành trình là tấm biển dựng ngay trước cửa bảo tàng của khu di tích Pác Bó với dòng chữ: “Điểm đầu của đường Hồ Chí Minh tại Pác Pó - km 0 Cao Bằng”. Khởi đi từ một hang đá, nung nấu cho tương lai một đại lộ rộng dài, đó còn là ngụ ngôn của một hành trình theo chân Bác.
“Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người”
Cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung, ngày Bác trở về khi bước qua nơi này Bác hôn nắm đất Tổ quốc. Sáng nay, tất cả các thành viên trẻ của chuyến hành trình đã vượt núi để lên đây. Cột mốc bằng đá năm xưa vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt bên một cột mốc bằng đá hoa cương vừa được dựng mới. Không chỉ là cột mốc chứng nhân lịch sử, đồng vọng qua thời gian, nắm đất Tổ quốc năm xưa Bác nâng trên tay còn là lời nhắc nhủ với hôm nay và mai sau về chủ quyền đất nước.
Chặng đường leo núi khiến nhiều người thấm mệt nhưng chuyến về Pác Bó vẫn không thể bỏ sót căn lán nhỏ, nơi ghi dấu mốc lịch sử quan trọng: lán Khuổi Nậm. Chiếc lán nhỏ tựa lưng vào chân đồi, rợp dưới bóng những cây rừng cổ thụ. Tháng 5-1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã đánh dấu một bước chuyển của cách mạng Việt Nam. Hôm nay, các bạn trẻ về đây cũng quây quần trên những hòn đá bên suối Khuổi Nậm.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Xuân Toàn hơn 50 năm tâm huyết với những công trình về quá trình hoạt động của Bác Hồ ở Cao Bằng đã công bố nhiều tư liệu đặc biệt về hội nghị Khuổi Nậm năm xưa. Đấy là khi “Trong lúc này quyền lợi của giai cấp phải đặt dưới quyền lợi dân tộc. Không đòi hỏi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của giai cấp đến ngàn vạn năm nữa cũng không đòi lại được...”.
Sự chuyển hướng chiến lược này đã kịp đưa dân tộc đến Cách mạng Tháng Tám thành công, chỉ bốn năm sau con đường nhỏ từ Khuổi Nậm đã mở về tới quảng trường Ba Đình, Hà Nội, chấm dứt ách nô lệ trăm năm.
Từ hang đá Pác Bó năm xưa đến điểm đầu đại lộ Hồ Chí Minh nối dài về thị trấn Năm Căn tận cùng cực Nam Tổ quốc hôm nay. Từ chiếc lán Khuổi Nậm đơn sơ tre nứa bên bờ suối hẻo lánh để ra đời những quyết sách chiến lược cho vận mệnh quốc gia gần 70 năm trước đến những phố phường thênh thang, những kỳ đại hội trong những hội trường trang trọng uy nghiêm bây giờ.
Hay từ khẩu súng kíp của những người đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trưng bày ở di tích đồn Phai Khắt, ở rừng Trần Hưng Đạo đến tàu ngầm, tên lửa trong tay người lính Việt giữ yên trời biển thiêng liêng... Tất cả điều đó đều là ước nguyện của Người như lời hứa trong lễ dâng hương của đoàn trước đền thờ Bác Hồ tại khu di tích Pác Bó.
Tác giả bài viết: LÊ ĐỨC DỤC - PHẠM VŨ
Nguồn tin: tuoitre.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn