KỶ NIỆM MỘT LẦN ĐƯỢC GẶP GỠ VỢ CHỒNG NGHỆ SĨ ƯU TÚ TIẾN HỢI TẠI KHU DI TÍCH LỊCH SỬ PÁC BÓ – CAO BẰNG

Chủ nhật - 13/02/2022 09:20

Năm ngoái vào ngày mùng 4 và mùng 5 tháng 5 năm 2021, giữa tiết trời mùa hè với những cơn mưa rả rích, trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc Pác Bó – Cao Bằng (địa danh đã đi vào lịch sử với vinh dự được thay mặt cho nhân dân cả nước đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc những ngày đầu xuân Tân Tỵ, 1941), theo sự phân công của Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng, tôi được trực tiếp phối hợp làm việc cùng đoàn làm phim Truyền hình Quân đội sản xuất phim tài liệu lịch sử về Bác Hồ “Từ Bến Nhà Rồng đến Ba Đình lịch sử” có cảnh quay hình ảnh Bác Hồ tại các điểm di tích Mốc 108 – nơi Bác đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất Tổ quốc thân yêu sau 30 năm xa cách, hang Cốc Bó – nơi Bác ở trong những ngày đầu về nước khoảng hơn một tháng, còn lưu lại bút tích của Người trên vách hang để đánh dấu ngày chuyển đến ở trong hang Cốc Bó Nhất cửu tứ nhất niên nhị nguyệt bát nhật (tức ngày Mùng 08 tháng 02 năm 1941) và di tích Bộ bàn ghế đá Đầu nguồn suối Lê Nin – nơi hằng ngày Bác thường ra bờ suối Lê Nin ngồi làm việc trong thời kỳ ở Hang Cốc Bó,…. Hôm đó, thông tin từ đoàn làm phim, tôi được biết chiều ngày 04/5/2021, Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi và vợ sẽ đến khu di tích, nghệ sỹ sẽ đóng vai Bác Hồ cho cảnh quay vào ngày hôm sau; tôi được đoàn làm phim giao nhiệm vụ tìm một bộ trang phục dân tộc Nùng cho nghệ sỹ đóng vai Bác Hồ và một số đạo cụ là hiện vật của di tích để phục vụ cảnh quay (túi nải, va li mây, súng kíp, giấy bút hiện vật, …); mãi khi chiều tối muộn không còn rõ mặt người thì ô tô đưa đón vợ chồng nghệ sỹ mới tới khu di tích. Các anh chị em Đoàn làm phim, đồng chí Giám đốc Ban quản lý và một số cán bộ Ban quản lý đã có mặt đón vợ chồng nghệ sỹ, sau đó đoàn cùng dùng bữa tối giản dị ấm cúng tại nhà hàng ngay trong Khu di tích.

          Ấn tượng khi gặp Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi và vợ là cô Đạm Thủy rất đặc biệt với tôi, cả hai vợ chồng nghệ sỹ rất giản dị, trò chuyện vui vẻ, cởi mở cùng đoàn làm phim và anh chị em Ban quản lý di tích. Lúc đó bản thân tôi cũng không biết rằng vào ngày hôm sau vợ nghệ sỹ Tiến Hợi là cô Đạm Thủy sẽ là người hóa trang cho nghệ sỹ mà rất giống với hình ảnh Bác Hồ tôi thường được thấy trên ảnh, trong những thước phim tư liệu về Bác. Từ rất sớm ngày làm việc hôm sau (05/5/2021), vợ chồng nghệ sỹ đến khu nhà làm việc của di tích, cô Đạm Thủy đã chu đáo chuẩn bị sẵn nước uống cho cả hai người, rồi tỉ mẩn hóa trang cho nghệ sỹ Tiến Hợi, chừng 10 giờ sáng việc hóa trang cơ bản đã xong, nghệ sỹ Tiến Hợi thay trang phục - trang phục Nam của người dân tộc Nùng ở địa phương mà năm xưa khi về nước Bác Hồ mặc để giống với người dân, đoàn làm phim di chuyển đến các điểm di tích để ghi hình;  với nhiều cảnh quay khó, lại phải di chuyển đến nhiều điểm di tích khá xa nhau, đường di chuyển khó khăn leo núi lên di tích Mốc 108 gần một cây số, lên hang Cốc Bó, qua đầu nguồn suối Lê Nin sang di tích bộ bàn ghế đá, trong thời tiết đôi khi có mưa, nên sang gần hết buổi chiều đoàn làm phim mới quay xong các phân đoạn cảnh về Bác Hồ. Trước khi vợ chồng nghệ sỹ Tiến Hợi rời Pác Bó để trở về Hà Nội, tôi đã đưa cô chú đến cửa hàng lưu niệm trong khu di tích có giới thiệu và bán các trang phục dân tộc địa phương theo ngỏ ý của vợ chồng nghệ sỹ muốn tìm một vài bộ trang phục dân tộc Nùng để có thêm những phục trang phục vụ cho những vai diễn về Bác Hồ khi đến với công chúng màn ảnh nhỏ được gần gũi, sinh động, sao cho giống nhất với hình ảnh lúc Người hoạt động cách mạng tại tỉnh Cao Bằng và các tỉnh miền núi Đông Bắc giai đoạn 1941 - 1945.

Phim đóng máy, khi nhận được tin từ đoàn làm phim, phim tài liệu Trên quê hương “cội nguồn cách mạng” được phát sóng trên kênh Quốc phòng Việt Nam vào 20 giờ 45 phút, ngày 19 tháng 8 năm 2021, tôi và anh chị em Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng háo hức đón xem; những hình ảnh về Bác Hồ trong bộ phim, đặc biệt là hình ảnh Bác Hồ do nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi vào vai và quay phim ghi hình tại Pác Bó hiện lên qua những thước phim sống động, in sâu trong tâm trí tôi rất gần gũi không khác với hình ảnh thực của Bác qua ảnh chụp tư liệu, phim ảnh tư liệu còn ghi lại, qua những câu chuyện tôi được nghe kể lại từ ông bà của mình và một số lão thành cách mạng đã từng được gặp gỡ Bác Hồ. Dù mới chỉ được gặp gỡ tiếp xúc với vợ chồng nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi trong thời gian ngắn, qua những thước phim tài liệu về Bác Hồ do nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi đóng, tôi càng thêm cảm phục tài năng, trân trọng tâm huyết của vợ chồng nghệ sỹ.

Được tin nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi đã ra đi về cõi vĩnh hằng ngày 10 tháng 02 năm 2022, với lòng đau xót tự tâm của cá nhân cũng như tập thể cán bộ nhân viên Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng, vô cùng thương tiếc vĩnh biệt Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi, thành kính chia buồn cùng nghệ sỹ Đạm Thủy và toàn thể gia quyến./.

 

z3178082045946 3a18eed3e8eda83a0a2e165f8f4e9cd2

Cảnh quay Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước qua Mốc 108 do Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi đóng vai (ảnh Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng)

 

z3178098957874 f5c8bcf05cc6dda73e157a9c2ba57c1a
 

Cảnh quay Bác Hồ làm việc bên bờ suối Lê Nin do Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi đóng vai (ảnh Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng)


z3178082710509 ad6db561fafb51b2724d56dc00dd70ab

Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi áo xanh thứ 3 từ trái sang, nghệ sỹ hóa trang Đạm Thủy thứ 6 từ trái sang (ảnh Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng)

 



 

Tác giả bài viết: Nông Biên - BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây