1. Đôi nét về di tích rừng Trần Hưng Đạo
Di tích rừng Trần Hưng Đạo tọa lạc trên địa bàn hai xã Tam Kim và xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Năm 1993, di tích lịch sử được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 68/VH-QĐ ngày 29/01/1993. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013.
Ngày 28/01/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ngày 19/5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám tại Pác Bó (Cao Bằng) đã nhận định: "Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm của toàn đảng toàn dân ta trong giai đoạn hiện nay" đề ra chủ trương thành lập đội vũ trang toàn quốc bằng nhiều hình thức trong đó có việc "Mở rộng và củng cố các tổ chức cứu quốc sẵn có làm cho các đoàn thể có một tinh thần hy sinh tranh đấu sẵn sàng gây cuộc khởi nghĩa". Sau Hội nghị, phong trào cách mạng của quần chúng phát triển khắp các châu trong tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là 3 châu Hà Quảng, Nguyên Bình và Hoà An đã trở thành 3 châu Việt Minh hoàn toàn, các tổ chức tự vệ ra đời ngày một nhiều làm nhiệm vụ hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng. Mặt khác, chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang vùng căn cứ địa để vừa giữ vững địa bàn, vừa tạo nguồn cán bộ cung cấp cho tỉnh. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chọn hơn 70 cán bộ gửi sang Trung Quốc học quân sự, đây là những hạt giống cán bộ quân sự đầu tiên của căn cứ địa Cao Bằng, sau này là Cao - Bắc - Lạng và khu giải phóng Việt Bắc.
Dưới sự chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 11 năm 1941 tại Pác Bó (Cao Bằng), Đội du kích Pác Bó ra đời gồm 12 đồng chí, Người trực tiếp giáo dục chính trị và huấn luyện quân sự cho Đội. Từ những cán bộ cốt cán của Đội du kích Pác Bó, nhiều đội vũ trang ở các châu lần lượt được thành lập. Bên cạnh việc phát triển lực lượng vũ trang khu vực Cao - Bắc - Lạng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn chỉ thị mở phong trào Nam tiến để phát triển các con đường quần chúng nối liền liên lạc tới các địa phương về với miền xuôi.
Từ cuối năm 1943 đến 1944, thực dân Pháp liên tục mở các đợt khủng bố khốc liệt ở hầu hết các tỉnh Việt Bắc, trước khí thế sục sôi của cách mạng, các lực lượng vũ trang nhanh chóng trưởng thành, liên tỉnh ủy Cao- Bắc- Lạng đã quyết định phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Đúng thời điểm đó, tháng 10/1944 Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước kịp thời hoãn cuộc khởi nghĩa và chỉ thị "Bây giờ nên tập hợp những cán bộ chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang để hoạt động...".
Thực hiện chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba cùng liên tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng khẩn trương chuẩn bị việc chọn người, tập trung vũ khí và đặt tên đội là “Đội Việt Nam giải phóng quân”. Sau đó Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề nghị thêm hai chữ “tuyên truyền” thành “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” vì lúc này nhiệm vụ chính trị trọng hơn quân sự. và Người yêu cầu: "Phải thành lập nhanh, khi thành lập phải có những lời thề danh dự... trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng, điều đó ảnh hưởng tốt đến công tác tuyên truyền và tác động trong quần chúng".
Với vị trí, địa điểm “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, sau khi nhận định phong trào cách mạng ở Kim Mã – Tam Lọng là cơ sở chính trị tốt, nhân dân một lòng theo Đảng, theo cách mạng, khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc tổng Hoa Thám (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình) vùng đất địa lợi – nhân hòa được chọn làm nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Trước ngày thành lập, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc:
“Tên đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là chính trị trọng hơn quân sự… Sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những đội du kích Cao - Bắc- Lạng số cán để bộ và đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực…
Đội có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang ở các địa phương
Về chiến thuật vận dụng lối đánh du kích, bí mật nhanh chóng, tích cực nay đông mai tây, lai vô ảnh khứ vô tung.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ nam chí bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Đúng 17h ngày 22/12/1944 lễ thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trọng thể tại khu rừng Trần Hưng Đạo, lần đầu tiên tụ họp hàng ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ đỏ sao vàng trước sự chứng kiến của đại diện Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Nùng, Dao của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn đến tham dự. Đứng trước hàng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên giải phóng quân và nêu rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc.
“Các đồng chí!
Ngày hôm nay, 22 tháng 12 năm 1944, theo mệnh lệnh của Đoàn thể, chúng ta tập trung ở nơi rừng xanh núi đỏ này, giữa tổng Trần Hưng Đạo và tổng Hoàng Hoa Thám trong liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng, để khai hội thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân…”.
Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại: “Lễ thành lập đội được cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời dưới sự che trở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc… Tôi được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với tổ quốc… Nhiệm vụ của đoàn thể ủy thác cho chúng tôi là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến… Rồi đến lễ tuyên thệ. Đứng dưới lá cờ, lòng tràn đầy tin tưởng, chúng tôi đồng thanh đọc 10 lời thề danh dự… Sau từng lời thề, những tiếng hô “xin thề” lại đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động cả khu rừng.”
Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về cảm xúc của buổi lễ "Bao nhiêu chiến công oanh liệt của cha ông đời trước, của các chiến sĩ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc bỗng hiện ra trong ký ức. Nợ nước thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên, chúng tôi quên đi chúng tôi là 34 con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù, tin tưởng náo nức cảm động."
Trong buổi lễ thành lập, đội có 34 chiến sĩ là những người dân yêu nước, không sợ gian khổ hy sinh, vì nghĩa lớn, tình nguyện tham gia đội quân cách mạng, chiến đấu cho độc lập tự do của tổ quốc, là những người con ưu tú của căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng đến từ những miền quê khác nhau, nhiều người sau này đã trở thành những tướng lính trong quân đội, những cán bộ cao cấp của Đảng. Trong 34 chiến sĩ có 25 người là con em các dân tộc Cao Bằng. Đây là một vinh dự và niềm tự hào của vùng đất quê hương cách mạng.
Tham gia Ban chỉ huy đội có đồng chí Dương Mạc Thạch (bí danh Xích Thắng) là Chính trị viên, người con của quê hương cách mạng Nguyên Bình. Có đồng chí Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường) quê ở Hà Quảng đã hy sinh anh dũng trong trận đánh đồn Đồng Mu năm 1945, trở thành liệt sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời là bước phát triển quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân ta trong quá trình hình thành và phát triển. Cũng từ đây, đất nước ta có một đội quân chủ lực thống nhất, có cương lĩnh chính trị, quân sự rõ ràng, chiến đấu dũng cảm, liên hệ mật thiết với nhân dân, Đội vừa mới ra đời đã ra quân đánh thắng giòn giã trận đánh đồn Phai Khắt (25/12/1944) và trận đánh đồn Nà Ngần (26/12/1944), mở đầu cho những trang sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra quân là chiến thắng.
2. Bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích
Bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích có vai trò chính trị đặc biệt quan trọng nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội về những giá trị truyền thống và góp phần phát triển du lịch gắn với di tích. Từ nhiều năm nay, di tích rừng Trần Hưng Đạo được tỉnh Cao Bằng phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu I và Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư, tôn tạo, chống xuống cấp nhiều hạng mục quan trọng đã góp phần đáng kể trong việc phát huy giá trị di tích.
Năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/1994), di tích đã được đầu tư, tôn tạo nhiều hạng mục công trình nhằm phát huy giá trị của di tích, đồng thời đáp ứng nhu cầu của khách tham quan đến tìm hiểu, nghiên cứu về truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, của Quân đội ta, các công trình được đầu tư tôn tạo nhà bia lưu niệm ghi dấu sự kiện thành lập Đội, lán nghỉ và bếp ăn của Đội, bia ghi dấu di tích đỉnh Slam Cao, di tích Đồn Phai Khắt, bia ghi dấu di tích tại đồn Nà Ngần.
Năm 2004, di tích tiếp tục được đầu tư, nâng cấp các hạng mục bức phù điêu ghi lại thời khắc lịch sử Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Năm 2014, xây dựng nhà làm việc và nhà trưng bày sổ sung di tích và nhà dâng hương. Năm 2019, đầu tư, tôn tạo, chống xuống cấp và phục dựng lại không gian sinh hoạt của lính dõng tại đồn Phai Khắt; tôn tạo lại bếp ăn và lán nghỉ 34 chiến sĩ; bổ sung hiện vật trưng bày trong lán nghỉ, phục dựng lại không gian bếp ăn; tôn tạo Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; xây mới đài quan sát trên đỉnh Slam Cao, mở mới lối xống từ đỉnh Slam Cao; dựng phần mềm tương tác Bảo tàng 3D; chỉnh trang khuôn viên hoa, trang trí các mô hình tiểu cảnh tại di tích, phục dựng một số di tích đã xuống cấp; tăng cường các hoạt động chuyên môn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật của các gia đình 34 chiến sỹ Đội VNTTGPQ và gia đình có công với cách mạng được 34 hiện vật gốc, 15 hiện vật đồng thời, phục chế 15 hiện vật trưng bày. Qua đó nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cách mạng, lịch sử cội nguồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quảng bá du lịch địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những di tích trọng yếu đã được quan tâm đầu tư và đang phát huy giá trị vẫn còn rất nhiều điểm di tích liên quan đến sự hình thành và phát triển của Đội VNTTGPQ nằm rải rác trên địa bàn 02 xã Tam Kim và Ho
a Thám rất cần được quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo để có thể khai thác phát huy cũng như làm nổi bật lên giá trị và tầm quan trọng của các di tích như di tích Vạ Phá - nơi huấn luyện quân sự của Tổng bộ Việt Minh (02/1944), di tích hang Thẳm Gầu - nơi tích trữ và cất giấu lương thực của Đội, di tích hang Thẳm Khẩu - nơi tập kết của Đội VNTTGPQ chuẩn bị đánh đồn Phai Khắt, di tích Nà Dủ - địa điểm cất giấu tài liệu bí mật của Đội VNTTGPQ ...
Theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 và các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã và đang từng bước đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, phát huy giá trị di tích đến với người dân ngày càng sâu rộng, giáo dục tinh thần yêu nước, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát huy giá trị di tích cũng đặt ra những vấn đề cấp thiết chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của di tích. Thực tế cho thấy, còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như một thực trạng chung đối với bảo tồn phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh, phát triển quảng bá di tích chưa được quan tâm, cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; các sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu hấp dẫn, chưa khai thác được các thế mạnh về sản vật địa phương, người dân địa phương còn thiếu kiến thức và kỹ năng làm du lịch, công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối cho các hoạt động du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch còn thiếu và yếu, các thông tin, hướng dẫn cụ thể về tour, tuyến du lịch kết nối giữa các di tích vẫn còn đang trong quá trình định hướng, kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước dành cho bảo vệ và phát huy giá trị di tích còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế.
Để tháo gỡ được những hạn chế, tỉnh Cao Bằng xác định một trong những đột phá quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội là phát triển du lịch, trong đó trọng tâm là du lịch “về nguồn”. Chú trọng quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến trên địa bàn tỉnh, trong đó có di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo để phát triển nơi đây không chỉ là điểm đến hấp dẫn về du lịch lịch sử - văn hóa đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế mà còn là địa chỉ giáo dục về lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Cần có lộ trình bảo tồn một cách khoa học, bền vững giá trị di tích gắn kết với phát triển du lịch; tiếp tục quan tâm nâng cấp các cơ sở hạ tầng, giao thông, có chính sách thông thoáng nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, tôn tạo di tích; đầu tư cho cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, tham quan, trải nghiệm để thu hút, giữ chân du khách, dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn bền vững, phát huy giá trị của di tích./.
Tác giả bài viết: Đào Văn Mùi - Giám đốc BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng
Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn