Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo thí điểm Việt Minh

Thứ sáu - 22/01/2021 00:02
 Trong quá trình tìm đường cứu nước, vừa học tập, nghiên cứu, khảo nghiệm ở các châu lục trên thế giới, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu những luận điểm về chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong đó có luận điểm: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
Bác Hồ làm việc tại Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng). Tranh: Trịnh Phòng
Bác Hồ làm việc tại Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng). Tranh: Trịnh Phòng
Trên cơ sở thấm nhuần lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Nghị quyết của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII (tháng 7/1935) về việc thành lập mặt trận thống nhất chống phát xít, căn cứ điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: Sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta phải do nhân dân ta quyết định, phải đoàn kết tất cả những lực lượng yêu nước, cách mạng trong Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi, trên cơ sở công - nông liên minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đó là một trong những nguyên nhân để đảm bảo chắc chắn cho cách mạng giải phóng dân tộc.
Trong thư gửi Quốc tế Cộng sản (tháng 7/1940), Người viết: “Nếu thành lập những căn cứ chống Pháp - Nhật”, “Thành lập và mở rộng được mặt trận thống nhất của các dân tộc bị áp bức thì tương lai tươi sáng sẽ không còn xa” với đất nước.
Như vậy, từ lúc đang hoạt động ở nước ngoài, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, Người đã chỉ rõ việc thành lập mặt trận thống nhất rộng rãi. Đây là yếu tố thắng lợi của cuộc cách mạng nước ta. Từ tháng 8 - 10/1940, những ngày ở Quế Lâm (Trung Quốc), Người nghiên cứu tình hình và đưa ra chủ trương: “Trước tình hình mới, vấn đề đoàn kết toàn dân, giải phóng dân tộc ngày càng quan trọng. Ta phải nghĩ đến việc lập một hình thức mặt trận thật rộng rãi, có tên gọi thích hợp. Việt Nam giải phóng đồng minh? Việt Nam phản đế đồng minh? Hay là Việt Nam độc lập đồng minh, có thể gọi tắt là Việt Minh cho nhân dân dễ nhớ”.
Để chuẩn bị cho việc thành lập Mặt trận Việt Minh, để tạo nguồn cán bộ cho phong trào cách mạng, cuối năm 1940, tại làng Nặm Quang và Ngàm Tảy, huyện Tịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) gần biên giới Việt - Trung, Người mở lớp huấn luyện cán bộ cho hơn 40 cán bộ người Cao Bằng. Tài liệu của lớp huấn luyện do Người biên soạn, sau này được in thành sách "Con đường giải phóng". Nội dung học tập gồm có đường lối, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, phương thức hoạt động, phương pháp công tác của cán bộ Mặt trận Việt Minh, chương trình, Điều lệ Việt Minh, cách thức tổ chức các hội cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh...
Ngay sau khi về nước, tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ngày đêm miệt mài làm việc. Người không chỉ chăm lo phong trào cách mạng cả nước mà còn trực tiếp chỉ đạo, giúp đỡ phong trào cách mạng của tỉnh về nhiều mặt. Một trong những việc quan trọng đầu tiên là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp bắt tay thực hiện chương trình thí điểm Việt Minh, tổ chức các hội cứu quốc tại 3 châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ tại Pác Bó cho phong trào Việt Minh. Người trực tiếp làm giảng viên, huấn luyện cán bộ về cách thức tổ chức các hội cứu quốc, giảng giải về chủ trương, mục đích, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh cho các đồng chí Cao Bằng.
Điều lệ nêu rõ: “Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa đế quốc hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập”. Các cán bộ Cao Bằng đã nhập tâm nhanh chóng những lời Người dạy rồi trở lại cơ sở, lặn lội với phong trào. Số lượng cán bộ tham gia huấn luyện ngày càng đông, “Trường học cách mạng” độc đáo giữa rừng góp phần quan trọng cung cấp kịp thời cán bộ cho phong trào Việt Minh.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phong trào Việt Minh đã thâm nhập vào các thôn, xóm, bản, làng, bám rễ và lớn mạnh không ngừng trong nhân dân các dân tộc, trước hết là ở 3 châu thí điểm. Sau khi được tuyên truyền, giác ngộ, các tổ chức cứu quốc quần chúng lần lượt ra đời và hoạt động, lúc đầu còn bó hẹp, một tổ chức chỉ có 5 - 7 người nhưng sau đó phong trào thu hút đông đảo nhân dân, mỗi cuộc họp có tới ba, bốn chục người tham dự, có khi cả một bản, một thôn.

Cách thức tổ chức từ cơ sở trở lên. Cứ 3 - 5 người thì lập thành một tổ cứu quốc, cứ 2 - 3 tổ cứu quốc thì lập thành một ban chấp hành của từng giới (như thanh niên, phụ nữ, nông dân, phụ lão…) ở xã nào có 2, 3 ban chấp hành thì cử ra Ban Việt Minh xã. Những hội viên cứu quốc sau khi thấm nhuần chương trình, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh lại được phân công đi tuyên truyền, vận động phát triển các hội viên mới theo phương pháp xâu chuỗi. Phong trào Việt Minh phát triển rầm rộ, nhanh về số lượng, đảm  bảo về chất lượng. Cách thức tổ chức, vận động quần chúng gây dựng cơ sở đúng nguyên tắc.

Chương trình, Điều lệ của Mặt trận Việt Minh nhanh chóng đi sâu vào các tầng lớp nhân dân, đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Chỉ từ tháng 2 - 4/1941, phong trào Việt Minh đã lan rộng khắp 3 châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, thu hút 2.000 hội viên trong các tổ chức cứu quốc, bao gồm đủ các thành phần dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông... đủ các lứa tuổi, đủ các giới: thanh niên, phụ nữ, phụ lão, nhi đồng tham gia.
Chủ trương xây dựng, phát triển các tổ chức cứu quốc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi sâu vào quần chúng các dân tộc, thật sự trở thành phong trào quần chúng sâu rộng và mạnh mẽ. Phong trào Việt Minh tại 3 châu thí điểm lan rộng và ngày càng lớn mạnh. Người chỉ đạo đồng chí Vũ Anh, Hoàng Văn Thụ và Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức hội nghị đánh giá công tác thí điểm Việt Minh. Tháng 4/1941, hội nghị được tổ chức tại Goọc Mu,  xã Trường Hà (Hà Quảng) rút kinh nghiệm và chuẩn bị phát động phong trào Việt Minh rộng rãi trong phạm vi cả nước.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến thăm lúc hội nghị sắp kết thúc và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. Hội nghị nhận định: Công tác thí điểm Việt Minh ở 3 châu đạt kết quả cao; chương trình, Điều lệ Việt Minh rất rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, rất thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, vì vậy có sức lôi cuốn các tầng lớp quần chúng tham gia đông đảo. Việc chuyển quần chúng cách mạng từ hình thức cũ sang đoàn thể cứu quốc rất thuận lợi. Hội nghị khẳng định trong hoàn cảnh lịch sử mới, các tổ chức cứu quốc này rất cần thiết, cần được mở rộng.

Công tác thí điểm Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng là cơ sở thực tiễn vững chắc khẳng định chủ trương của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập Mặt trận Việt Minh là đúng đắn và kịp thời, có tác dụng động viên, cổ vũ phong trào, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển. Đó cũng là cơ sở vững chắc để Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh tại Hội nghị Trung ương Tám, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam.
  
Bài 6: Triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám.
Ngọc Viện

Tác giả bài viết: Đinh Ngọc Viện

Nguồn tin: baocaobang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây