CAO BẰNG NHỚ MÃI “ANH VĂN”- ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Thứ hai - 24/08/2020 05:40

 

Đi suốt chiều dài trang sử, trong những ngày kỷ niệm mùa thu Tháng Tám cách mạng hào hùng của dân tộc. Mỗi người dân Việt Nam lại bùi ngùi tưởng nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người vĩ đại, một vị tướng huyền thoại trong lòng dân tộc và bạn bè Quốc tế trong dịp kỷ niệm 109 năm Ngày sinh của Người.

Cả cuộc đời của Đại tướng là một tấm gương phản chiếu của gần trọn thế kỷ XX - thế kỷ dữ dội nhất và cũng bi hùng nhất của dân tộc Việt Nam. Không chỉ lừng danh là một vị tướng thiên tài của thời đại, ông còn được biết đến là một vị tướng tài đức, văn võ song toàn, một nhà chính trị vì dân. Lòng đức độ, sự tài năng của ông đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn bè Quốc tế và cả sự khâm phục của những người hôm qua còn là đối thủ của ông. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi còn đang tại thế. Một huyền thoại sống.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911, mất ngày 4/10/2013, có tên khai sinh Võ Giáp, Bí danh: Văn. Quê ở làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở vị trí hàng đầu dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Mảnh đất Cao Bằng tự hào vinh dự là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với tên tuổi của Đại tướng. Đầu năm 1941, Đại tướng về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ về châu Hòa An, Nguyên Bình để tuyên truyền, vận động và mở các lớp huấn luyện cán bộ. Năm 1942, Võ Nguyên Giáp phụ trách Ban xung phong Nam tiến, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng về Thái Nguyên.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944 đã đi vào lịch sử của toàn Đảng toàn quân toàn dân ta với sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ). Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đúng 17h ngày 22/12/1944 lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được cử hành trọng thể tại khu rừng Trần Hưng Ðạo nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, với 34 chiến sĩ. Giữa mùa đông, khí trời nơi non cao lạnh buốt. Trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây thẳng tắp. Đội VNTTGPQ, lần đầu tiên tụ họp hàng ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ đỏ sao vàng trước sự chứng kiến của đại diện Liên tỉnh ủy Cao – Bắc-Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Nùng, Dao của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn đến tham dự.

Đứng trước hàng quân đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội VNTTGPQ và nêu rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc.

“ Các đồng chí !

Ngày hôm nay, 22 tháng 12 năm 1944, theo mệnh lệnh của Đoàn thể, chúng ta tập trung ở nơi rừng xanh núi đỏ này, giữa tổng Trần Hưng Đạo và tổng Hoàng Hoa Thám trong liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng, để khai hội thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân….

 Đại diện Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đọc thư chúc mừng, tin tưởng đội sẽ hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà đoàn thể giao phó. Đại diện các tổ chức nông dân, phụ nữ, thanh niên, các đội vũ trang địa phương đều đến chúc mừng đội Quân giải phóng bằng những lời lẽ cảm động, đầy tin tưởng và thương yêu.

Sau đó các đại biểu phát biểu ý kiến, toàn Đội làm lễ tuyên thệ 10 lời thề danh dự của Đội VNTTGPQ. Sau những lời thề những tiếng hô vang "xin thề" đồng thanh cất lên vang động cả đại ngàn. Từ đó 10 lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp biên soạn đã trở thành kim chỉ nam cho mọi chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Mười lời thề thể hiện lòng trung thành vô hạn với tổ quốc với Đảng, tinh thần hy sinh chiến đấu, ý chí kiên quyết tiêu diệt quân thù cướp nước, hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân. Nó cũng thể hiện tinh thần đoàn kết và ý thức kỷ luật cao của đội quân cách mạng. 10 lời thề danh dự cách đây hơn nửa thế kỷ âm vang trong khu rừng trần Hưng Đạo là tác phẩm quân sự đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là quân lệnh đầu tiên của vị tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại: “ Lễ thành lập đội được cử hành trong một khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời dưới sự che trở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc… Tôi được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với tổ quốc… Nhiệm vụ của đoàn thể ủy thác cho chúng tôi là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến… Rồi đến lễ tuyên thệ. Đứng dưới lá cờ, lòng tràn đầy tin tưởng, chúng tôi đồng thanh đọc 10 lời thề danh dự. Sau từng lời thề, những tiếng hô “xin thề”lại đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động cả khu rừng.”

Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về cảm xúc của buổi lễ hôm đó như sau:" Bao nhiêu chiến công oanh liệt của cha ông đời trước, của các chiến sĩ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc bỗng hiện ra trong ký ức. Nợ nước thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên, chúng tôi quên đi chúng tôi là 34 con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù, tin tưởng náo nức cảm động."  

Trong buổi lễ thành lập, đội có 34 chiến sĩ  họ là những người dân yêu nước, không sợ gian khổ hy sinh, vì nghĩa lớn, tình nguyện tham gia đội quân cách mạng, chiến đấu cho độc lập tự do của tổ quốc, là những người con ưu tú của căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng đến từ những miền quê khác nhau, nhiều người sau này đã trở thành những tướng lính trong quân đội, những cán bộ cao cấp của Đảng. Trong 34 chiến sĩ có 25 người là con em các dân tộc Cao Bằng. Đây là một vinh dự và niềm tự hào của vùng đất quê hương cách mạng. Ngay sau ngày thành lập, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã ra quân và giành thắng lợi trong trận đánh Đồn Phai Khắt (Ngày 25/12/1944) và Đồn Nà Ngần (26/12/1944), mở đầu cho truyền thống “trăm trận trăm thắng” của quân đội ta.               

Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, Cao Bằng được chọn làm chiến trường chính, Ngày 27-7-1950, Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy mặt trận và Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Chiến dịch biên giới 1950 thắng lợi, Cao Bằng hoàn toàn giải phóng. Đây là chiến dịch ghi đậm dấu ấn của thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp.

Trong những năm tháng hoạt động tại Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn bó với đồng bào nơi đây, hiểu biết được tiếng nói và tâm tư nguyện vọng, phong tục tập quán của bà con đồng bào. Võ Nguyên Giáp đã dịch và chuyển thành văn vần những tài liệu phổ thông của Mặt trận Việt Minh, dịch Việt Minh ngũ tự kinh ra tiếng Tày - Nùng và tiếng dân tộc Dao, Mông, góp phần vào công tác giáo dục chính trị cho đồng bào các dân tộc. Đại tướng đã từng nói “ Cao Bằng là quê hương thứ hai của tôi”. Bởi vậy, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là người con thân thương, anh hùng thân quý của vùng đất cách mạng này.

Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, với khu rừng Trần Hưng Đạo, với phong trào Nam tiến và với người dân cách mạng Cao Bằng. Trong những ngày thu tháng Tám, nhân k niệm 109 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Cao Bằng nói riêng lại bồi hồi nhớ về “Anh Văn -  người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng, hằng ngày mở cửa đón tiếp khách tham quan, tổ chức phục vụ nghi lễ dâng hương, dâng hoa, báo công lên Đại tướng để tỏ lòng thành kính và nguyện noi theo tấm gương sáng của vị đại tướng huyền thoại dân tộc. Nhiều đoàn khách tham quan, nhân dân địa phương đã đến với Khu rừng Trần Hưng Đạo lịch sử để tri ân và tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Đại tướng./.

Nông Thị Biên - Đoàn Thị Hồng Hạnh

Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây