Lễ hội Về nguồn năm 2024 được tổ chức trong 02 ngày: 9/03 – 10/3/2024 (tức ngày 29 tháng Giêng và ngày 01/02 năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động hấp dẫn tại ba địa điểm là: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, sân Kéo Dà (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng) và sân vận động huyện Hà Quảng thu hút đông đảo nhân dân và thu khách thập phương về trẩy hội.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó là nơi diễn ra các hoạt động chính của Lễ hội với sự tham dự của đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban, ngành; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Hà Quảng; đại diện các đơn vị kết nghĩa, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn huyện và đông đảo nhân dân.
Mở đầu Lễ hội là nghi thức lấy nước đầu nguồn và dâng nước Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghi thức được thực hiện trang trọng theo phong tục của địa phương. Phần khai hội được tổ chức trong không khí tươi vui với chương trình nghệ thuật chào mừng đặc sắc và công bố Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống “Nghề dệt thổ cẩm của người Tày”, Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Hang Ngườm Gảng và Đền thờ Nùng Trí Cao tại xã Ngọc Đào (huyện Hà Quảng). Sau tiếng trống khai hội, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trình diễn quy trình sản xuất các làng nghề thủ công truyền thống được diễn ra sôi nổi.
Tại sân Kéo Dà (xã Trường Hà), các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hà Quảng tổ chức trưng bày gian hàng quảng bá văn hóa và ẩm thực, thi đấu và giao lưu các môn thể thao dân tộc như: lày cỏ, đi cà kheo, đi guốc ván, đánh đu,… Đặc biệt là chương trình Liên hoan các Câu lạc bộ dân ca, dân vũ tiêu biểu và Đêm hội hát then, đàn tính thu hút nhân dân đến xem và cổ vũ.
Trong khuôn khổ Lễ hội Về nguồn còn diễn ra Hội thi Bò xuân tại sân vận động huyện Hà Quảng. Hội thi được chia thành hai phần: thi Bò đẹp và chọi Bò. Đây là hoạt động diễn ra sôi nổi và thu hút rất đông khán giả đến xem và cổ vũ cho các trận thi đấu kịch tính giữa các đấu sĩ Bò.
Ngoài các hoạt động chính, Lễ hội Về nguồn còn có nhiều hoạt động diễn ra đồng thời như: Giải Việt dã toàn tỉnh lần thứ 62 với chủ đề “Về nguồn Pác Bó”, trưng bày sách, ấn phẩm du lịch, triển lãm ảnh, giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương,…
Tác giả bài viết: Phòng BTDT&TTTL
Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn