Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích thuộc BQL các di tích QGĐB tỉnh Cao Bằng

Thứ hai - 02/03/2020 09:35
DSC 0054
DSC 0054

Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - không gian bảo tàng sống động, nơi gắn liền với những địa danh lịch sử, lưu giữ những tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam; gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Là nơi chứng kiến lễ tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (Tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) và diễn biến những trận đánh đầu tiên của Đội.
Với những ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong những năm qua, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Bộ Quốc phòng về cả vật chất lẫn tinh thần trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, công tác phát huy giá trị các di tích tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Trước thực trạng này, ngay từ khi thành lập, BQL các di tích Quốc gia đặc biệt đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện 
 công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo và bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định.
Trên cơ sở những thành công ban đầu, BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tiếp tục triển khai công tác
 công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích thuộc Ban quản lý. Từ ngày 19/02/2020 đến ngày 26/02/2020, Tổ bảo tồn di tích và thông tin tư liệu dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đào Văn Mùi - Giám đốc Ban đã tiến hành khảo sát một số điểm di tích tại huyện Nguyên Bình và huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nhằm đưa ra những phương án phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích. Cùng tham gia khảo sát còn có đại diện Cục chính trị Quân khu I, Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát các di tích: Đồn Nà Ngần, di tích Vá Phá, hang Thẳm Khẩu, Đồn Đồng Mu...

1. Đồn Nà Ngần

Nà Ngần
Bia di tích Đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình)

Sau trận thắng lợi ở đồn Phai Khắt, đội VNTTGPQ được bổ sung thêm súng đạn. Quãng đường từ đồn Phai Khắt đến đồn Nà Ngần khoảng 15km. Đồn Nà Ngần thuộc xã Cẩm Lý, nay là xã Hoa Thám, Nguyên Bình, nằm trên ngọn đồi cao, địa thế hiểm trở, từ ngoài vào phải qua mấy thung lũng. Đồn Nà Ngần vốn là nhà của tên phó lý Pảo, một ngôi nhà sàn ba gian kiên cố nhất trong bản có hàng rào bao quanh. Thời điểm quân ta đánh đồn Nà Ngần, quân số khi đó là 22 lính khố đỏ do hai tên sĩ quan người Pháp chỉ huy, nhưng ngày hôm đó hai tên này lên tỉnh và giao lại cho tên đội Đường nổi tiếng phản động ở lại để cai quản quân lính. Lực lượng đánh đồn Nà Ngần là toàn bộ các chiến sĩ đã tham gia đánh đồn Phai Khắt.
Đúng 07 giờ sáng ngày 26/12/1944, quân ta cải trang thành lính dõng bắt được “cộng sản Mán” tiến thẳng vào đồn có tên lính gác, sau khi nghe ta nói bắt được quân cách mạng, còn mang theo cả gạo, rượu đến thì tên lính mừng quá, hắn bồng súng chào với vẻ mặt hớn hở. Quân ta vào đến trong đồn thấy một số tên lính đã ngủ dậy, đang ngồi co ro sưởi lửa, một số tên vẫn còn đang nằm trong chăn, bọn địch vẫn không biết gì cho tới khi đồng chí Thu Sơn giáp mặt với tên đội Đường thì thấy lên lính đứng sau hắn lấm lét như muốn nói với tên đội Đường một điều gì đó. Thì ra tên này là bạn học cùng trường tiểu học cùng đồng chí Thu Sơn, hai người đều nhận ra nhau. Trước tình thế đó đồng chí Thu Sơn lập tức chĩa khẩu tiểu liên vào bọn địch và hô to: “Chúng tôi là quân cách mạng đến lấy súng Tây, tất cả giơ tay lên, không sẽ bị bắn”. Bất ngờ, tên đội Đường gạt khẩu súng của đồng chí Thu Sơn, xông vào định quật ngã đồng chí. Thấy vậy đồng chí Nông Văn Bê nhào đến vật nhau với tên đội Đường, tình thế cấp bách nên đồng chí Thịnh Nguyên buộc phải nổ súng bắn chết tên đội Đường để cứu đồng đội và khi bắn chết được tên đội Đường thì đồng thời viên đạn cũng xiên qua tên Đội đường vào ngón tay của đồng chí Nông Văn Bê (vì trong lúc vật nhau, đồng chí Bê nằm đè lên tên đội Đường vòng tay xuống lưng hắn). Cùng lúc đó, bốn tên địch liều chết chống cự đều bị tiêu diệt. Bọn địch còn lại thấy vậy phần lớn đều giơ tay đầu hàng, đứa quỳ, đứa đứng.
Trận đánh kết thúc trong vòng 15 phút, ta tiêu diệt 05 tên, bắt sống 17 tên và thu được 27 súng, khá nhiều đạn và một thanh kiếm. Toàn đội nhanh chóng thu dọn súng đạn, phát truyền đơn biểu ngữ tuyên truyền cách mạng cho nhân dân trong vùng. Đối với quân địch, sau khi được quân ta kêu gọi họ “quay súng đánh Pháp, Nhật” một số đi theo cách mạng, một số tù binh xin được trở về quê thì được trả lại tư trang và được Đội VNTTGPQ cấp lộ phí đi đường cho họ. Tù binh địch rất cảm kích trước sự khoan hồng của các chiến sĩ cách mạng.
Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần là hai chiến công đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tuy quy mô chưa lớn nhưng lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng. Thể hiện tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, trí thông minh, sáng tạo của các chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

DSC 0200
Toàn cảnh di tích Đồn Nà Ngần

2. Hang Thẳm Khẩu 

DSC 0034
di tích hang Thẳm Khẩu (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình)

Từ Khu rừng Trần Hưng Đạo di chuyển qua cầu Phai Khắt rẽ trái đi theo con đường mòn khoảng 500m tiếp tục rẽ phải khoảng 20m đến di tích Hang Thẩm Khẩu. Đây là một hang đá ở lưng chừng núi nằm về phía Tây Bắc làng Phai Khắt.
Hang Thẳm Khẩu sâu khoảng 03m, dài khoảng 12m, có thể trú được khoảng 40 người, hang khô, thoáng, trong hang có nhiều mô đá nhỏ gồ ghề, địa điểm này rất bí mật, thuận lợi cho việc quan sát và nhận thông tin liên lạc về mọi hoạt động của bọn Pháp và tay sai trong làng và đồn. Bên phải hang còn có một phiến đá to, bề mặt tương đối bằng phẳng, được sử dụng làm bàn để vẽ sơ đồ chuẩn bị đánh Đồn Phai Khắt, Nà Ngần.
Trong giai đoạn năm 1941 - 1944 hang Thẳm Khẩu được sử dụng làm trạm liên lạc đưa cơm phục vụ cho các đồng chí hoạt động cách mạng, đặc biệt là nơi tập trung quân của đội VNTTGPQ vào ngày 25 tháng 12 năm 1944 để chuẩn bị đánh Đồn Phai Khắt.

DSC 0021
hiện vật phiến đá trong hang Thẳm Khẩu

3. Di tích Vạ Phá
Đi theo con đường vào khu di tích rừng Trần Hưng Đạo qua cầu Bản Um rẽ phải, đi qua Bản Um men theo chân đồi khoảng 4km đến di tích địa điểm Vạ Phá thuộc xã Tam Kim. Vạ Phá là một thung lũng rộng tương đối bằng phẳng ngay chân đồi Slam Khẩu, phía trước có thể nhìn thấy cánh đồng Bản Um và đường vào khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, phía sau là đồi Slam Khẩu xuống xã Thượng Ân (Ngân Sơn - Bắc Cạn). Là nơi kín đáo, xa dân, với vị trí “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Tại đây Tổng bộ Việt Minh Cao Bằng đã mở lớp huấn luyện đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho toàn tỉnh do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng phụ trách vào tháng 2 năm 1944. Lớp huấn luyện quân sự là bước chuẩn bị về lực lượng, góp phần tích cực vào việc thành lập Đội VNTTGPQ.
Hiện nay Vạ Phá còn dấu tích lán trại của lớp học quân sự có diện tích khoảng 150m, chiều dài khoảng 30m chiều rộng khoảng 5m. Theo các cụ cao tuổi ở địa phương kể lại: Trước đây Vạ Phá là nơi rừng già, cây cối rậm rạp, um tùm. Ngày nay do trải qua quá trình lịch sử lâu dài, những khu rừng nguyên sinh trước đây không còn nữa, thay vào đó chủ yếu là rừng tái sinh.

DSC 0061
di tích Vạ Phá (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình)

4. Đồn Đồng Mu

DSC 0399
toàn cảnh di tích Đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc)

Đồn Đồng Mu thuộc xóm Nà Đoỏng, xã Đồng Mu (Nay là xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc). Cuối năm 1940 - đầu năm 1941, trước sự phát triển của phong trào cách mạng ở Cao Bằng nói chung và ở Bảo Lạc nói riêng, thực dân Pháp đã cho xây dựng đồn để tăng cường tuần tiễu, không chế phong trào cách mạng ở địa phương. Đồng Mu có một vị trí chiến lược quan trọng, đồn nằm biệt lập trên một ngọn đồi cao giữa một cánh đồng của hai xóm Nà Đỏong và Bản Thán, gần biên giới Việt – Trung. Tại đây, có thể kiểm soát con đường từ Đồng Mu sang Sóc Hà (huyện Hà Quảng) và đường từ Đồng Mu xuống Pác Lung, đi sang Ba Bể, xuống Bắc Kạn.
Thực dân Pháp đã cho xây dựng đồn rất kiên cố, đồn có nhiều lô cốt, tường dày có lỗ châu mai, giao thông hào và dây thép gai bao bọc xung quanh. Trong đồn có khoảng 40 lính khố đỏ, do tên sỹ quan Pháp chỉ huy, ngoài ra còn có một số lính dõng ở trong bản do một tên Tổng đoàn chỉ huy.
Sau hai trận đánh thắng lợi ở Phai Khắt (25/12/1944) và Nà Ngần (26/12/1944), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã hành quân về Lũng Dẻ (Nguyên Bình). Đầu năm 1945, đội đã phát triển thành một đại đội, nhiệm vụ lúc này của đội là tiếp tục vũ trang tuyên truyền gây cơ sở, tổ chức lực lượng, xây dựng căn cứ cách mạng. Đội chia làm hai bộ phận, đại bộ phận tiến về phía châu Bảo Lạc, chuẩn bị đánh đồn Đồng Mu. Mục đích của việc đánh đồn này là nhằm đánh lạc hướng quân địch, vừa để “thanh Đông kích Tây”, làm cho địch phán đoán rằng ta hoạt động cả ở khu vực Nam Nguyên Bình, cả ở khu vực biên giới Việt – Trung.
Sau khi trinh sát, nắm tình hình, ban chỉ huy đội nhận thấy không thể sử dụng cách cải trang đột nhập đồn như hai trận Phai Khắt, Nà Ngần mà phải lợi dụng đêm tối bí mật đột nhập, tiêu diệt địch. Đêm mùng 4/2/1945, theo kế hoạch, Đội tiến hành đột nhập chiếm nhà chỉ huy, sau đó các hướng đánh vào, cùng phối hợp với nội ứng tiêu diệt địch. Tổ của các đồng chí Nam Long, Quang Trung, Xuân Trường đang đột nhập thì bị địch phát hiện, chúng lập tức tức ném lựu đạn và bắn ra tới tấp. Đồng chí Đàm Quang Trung hội ý với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lộ rồi, đề nghị anh và anh Hoàng Sâm ở lại vị trí chỉ huy, chúng tôi vào đồn sẽ cử người bắt liên lạc sau”. Được đồng ý, đồng chí Đàm Quang Trung dẫn một tổ xông vào trong đồn, nổ súng, đánh giáp lá cà. Tiểu đội trưởng Xuân Trường chỉ huy một tổ xung phong đột nhập vào đồn qua lối cửa sổ, trong lúc chiến đấu đồng chí đã bị một viên đạn xuyên qua ngực và anh dũng hi sinh. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt từ 11 giờ đêm ngày 4/2 đến khoảng 3 giờ ngày 05/02/1945. Nhận thấy tình thế có thể bất lợi nếu kéo dài trận đánh, Ban chỉ huy đội hạ lệnh rút trước khi trời sáng. Trước khi rút, ta đã tiêu diệt 20 tên địch, thu 5 khẩu súng và nhiều đạn dược, bắt sống 3 tù binh. Riêng đồng chí Đàm Quang Trung một mình dùng súng và dao tiêu diệt 5 tên. Đồng chí tiểu đội trưởng Hoàng Văn Nhủng (Xuân Trường) đã anh dũng hi sinh khi tuổi còn rất trẻ. Đồng chí đã được công nhận là liệt sĩ đầu tiên của QĐNDVN. Sau này, để ghi nhớ công ơn của đồng chí, nhân dân xã Đồng Mu đã quyết định đổi tên xã thành xã Xuân Trường. Năm 1995, đồn Đồng Mu được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

DSC 0405
trung tâm di tích Đồn Đồng Mu

Sau khi tiến hành khảo sát, Cục chính trị Quân khu I và BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng đã nhận định hiện trạng di tích và có những ý kiến trao đổi, thảo luận và đề ra các phương phục dựng, tôn tạo, tu bổ một số di tích lịch sử trọng yếu gắn liền với đội quân anh hùng của dân tộc như: bức phù điêu lễ tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, khu nhà nghỉ và lán trại 34 chiến sĩ, Đồn Phai Khắt, Đồn Nà Ngần...

Một số hình ảnh của Đoàn khảo sát làm việc tại các di tích

DSC 0011
Đoàn khảo sát di chuyển đến di tích hang Thẳm Khẩu
DSC 0001
Đồng chí Đào Văn Mùi - Giám đốc BQL làm việc cùng Cục chính trị Quân khu I tại di tích Đồn Nà Ngần
1
Đồng chí Đào Văn Mùi - Giám đốc BQL làm việc cùng Cục chính trị Quân khu I tại di tích Đồn Nà Ngần
DSC 0255
Đồng chí Đào Văn Mùi - Giám đốc BQL và đại diện một số Sở, ngành tỉnh Cao Bằng làm việc cùng Cục chính trị Quân khu I tại di tích Vá phá
DSC 0469
Đồng chí Đào Văn Mùi - Giám đốc BQL làm việc cùng Cục chính trị Quân khu I tại trụ sở xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc vê công tác phục dựng, tôn tạo di tích Đồn Đồng Mu

Tác giả bài viết: Phòng Bảo tồn di tích và Thông tin tư liệu - BQL

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây