TỪ PÁC BÓ - CỘI NGUỒN CÁCH MẠNG VỚI CÔNG TRÌNH LƯU NIỆM ĐỀN THỜ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Thứ hai - 20/07/2020 09:23

Khu di tích Pác Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nằm sát biên giới Việt – Trung, cách thành phố Cao Bằng hơn 50km. Đây cũng chính là đầu nguồn của cách mạng Việt Nam, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở và làm việc khi mới trở về Tổ quốc. Khu di tích Pác Bó có ý nghĩa lịch sở vô cùng quan trong đối với sự nghiệp hoạt động cách mạng của  Bác Hồ, với Đảng và nhà nước bởi nơi đây gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của cách mạng Việt Nam vào những năm 1941 - 1945.

Sau 30 năm xa Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước, khi chuẩn bị trở về nước, Người đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta, Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó là cơ sở liên lạc với quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được, có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát lệnh đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công và lúc khó khăn có thể giữ.” Chính vì thế, Người đã quyết định chọn Pác Bó - Cao Bằng là nơi trở về nước đầu tiên để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam từ ngày 28 tháng 1 năm 1941 đến tháng 5 năm 1945.

Khu di tích Pác Bó có hơn 50 điểm di tích khác nhau, trong đó có nhiều điểm di tích quan trọng gắn bó với Bác trong thời gian hoạt động cách mạng tại đây như: suối Lê Nin, núi Các Mác, hang Cốc Bó, nền nhà ông Lý Quốc Súng, bàn ghế đá Bác ngồi làm việc,… đặc biệt tại lán Khuổi Nặm Người đã chủ trì Hội nghị Trung Ương Đảng lần thứ 8 từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, Hội nghị có ý nghĩa quan trọng quyết định đến vận mệnh của đất nước. Người về nước hoạt động cách mạng một thời gian ngắn đã xây dựng được một vùng căn cứ địa rộng lớn và thúc đẩy phong trào cách mạng trong cả nước phát triển. Sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh vào ngày 19/5/1941 và tờ báo Việt Nam độc lập ra đời ngày 1/8/1941 cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh, Báo độc lập đã tập hợp in tài liệu tuyên truyền cách mạng cho quần chúng, Người còn biên soạn thêm các tài liệu khác như: cách đánh du kích, kính cáo đồng bào, nhi đồng cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, thanh niên cứu quốc,… Đến cuối năm 1944, Bác ra chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Thực hiện chỉ thị của Người, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tổ chức thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vào ngày 22/12/1944.

Thực hiện đúng theo nhận định của Người về căn cứ địa Cao Bằng, từ Cao Bằng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị tổ chức các đội công tác xung phong hoạt động theo các hướng “Nam tiến”, “Tây tiến”, “Đông tiến”. Dùng phương pháp vũ trang tuyên truyền, phát triển Mặt trận Việt minh từ Cao Bằng xuống các tỉnh miền xuôi, tạo thành một hành lang chính trị được mở rộng và xây dựng căn cứ địa vững chắc ở miền Bắc.

Từ năm 1941 đến năm 1945, Pác Bó (Cao Bằng) là nơi đóng cơ quan “đại bản doanh” của cách mạng Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo. Đây là đầu mối thông tin liên lạc giữa phong trào cách mạng trong nước và ngoài nước, giữa miền núi và miền xuôi. Đến tháng 5/1945, Bác rời Pác Bó đi về Tân Trào (Tuyên Quang) sau 18 ngày đêm ròng rã vượt hơn 400km đường rừng Bác đến được Tân Trào và triệu tập Quốc Dân Đại hội đã quyết định toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng tháng 8 thành công, ngày mùng 2/9/1945 Bác đọc bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ đó, Bác trở thành Chủ tịch nước, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác luôn nhớ về Pác Bó, mảnh đất đã chở che cho Bác những ngày đầu khi mới trở về Tổ quốc hoạt động và Bác cũng coi nơi đây là nhà, là quê hương thứ hai của mình. Đến ngày 20/2/1961 Bác về thăm lại Pác Bó, Nghệ An tự hào sinh ra Bác, Pác Bó dù không sinh ra Bác nhưng lại tự hào là nơi được Bác chọn để xây dựng căn cứ địa cách mạng, ngọn lửa cách mạng đã được Người nhen nhóm lên ở đây. Trong cuộc đời hoạt động của Bác có bốn sáng lập lớn cho cách mạng Việt Nam:

+ Một là, sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam.

+ Hai là, sáng lập Mặt trận Việt minh.

+ Ba là, sáng lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

+ Bốn là, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cao Bằng tự hào là nơi chứng kiến và diễn ra hai sáng lập lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đó là: sáng lập Mặt trận Việt minh và sáng lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Khu di tích Pác Bó có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng đối với Đảng và Nhà nước ta bởi nơi đây là nơi gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời sự nghiệp hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh và của cách mạng ta trong những năm 1941- 1945.

Với những giá trị đặc biệt ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, khoa học, khu di tích lịch sử Pác Bó đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo nhiều hạng mục quan trọng để mở cửa đón khách khách tới tham quan, học tập nghiên cứu về Bác. sau khi Bác mất năm 1969, để tỏ lòng thành kính đối với công lao vĩ đại của Bác và để bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của Khu di tích Pác Bó. Dù trong hoàn cảnh đất nước ta còn khó khăn, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thế nhưng Đảng và Nhà Nước ta đã quan tâm và đầu tư tôn tạo khu di tích Pác Bó để phục vụ tốt cho nhu cầu du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập tại Khu di tích Pác Bó. Tháng 2 năm 1971, nhà Bảo tàng Pác Bó được khánh thành và mở cửa cho du khách tới tham quan.

Đến năm 1979 do chiến tranh biên giới nổ ra, một số điểm di tích bị ảnh hưởng chiến tranh. Đến năm 1989, Khu di tích Pác Bó mới có điều kiện mở cửa lại. Để thiết thực chào mừng kỷ niệm ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 100 (19/5/1890 – 19/5/1990) tỉnh Cao Bằng đã khôi phục, tôn tạo lại Khu di tích Pác Bó. Từ năm 1990 đến 1995 nhiều hạng mục trong khu di tích đã được trùng tu, tôn tạo lại ngày một tốt hơn để phục vụ, đón tiếp khách đến tham quan ngày càng đông. Khu di tích được xếp hạng là di tích quốc gia tại Quyết Định số 97/QĐ - VH ngày 21/2/1975 của Bộ Văn Hóa Thông Tin (nay là Bộ Văn Hóa Thể Thao Và Du Lịch). Đến năm 2007 đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Pác Bó được chính phủ phê duyệt tại Quyết Định số 1146/QĐ - TTg ngày 29/8/2007 từ đó đến nay khu di tích không ngừng được bảo tồn, tôn tạo và đầu tư nâng cấp. 

 Ngoài ra, khu di tích Pác Bó còn có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng tốt nhất cho các thế hệ con cháu mai sau về tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ Tịch Hồ Chí Minh và cũng là sự khẳng định của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta mãi mãi đi theo con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn. Khu di tích Pác Bó chính là một phần của di sản văn hóa Hồ Chí Minh, giá trị của di sản văn hóa đặc biệt này đã, đang và mãi mãi trở thành tình cảm, trí tuệ, nguồn lực vật chất và tinh thần để động viên, cổ vũ cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lao động sáng tạo xây dựng đất nước giàu mạnh. Đảng Bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đang tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử đặc biệt của khu di tích Pác Bó.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước nhân dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/2009) khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo hang Cốc Bó. Đặc biệt vào ngày 19/5/2011 khánh thành công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó. Đây không chỉ là Đền thờ Bác mà còn là nơi thể hiện công lao to lớn của Người; thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng của dân tộc ta với Người và cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước đối với mọi thế hệ con cháu Việt Nam.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pác Bó là một trong những công trình quan trọng trong dự án bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử Pác Bó đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định sô 1146/QĐ-TTg ngày 29/8/2007. Đền được khởi công xây dựng ngày 19/5/2010, khánh thành ngày 19/5/2011. Toàn bộ công trình gồm Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khuôn viên cây xanh được xây dựng quy hoạch với tổng diện tích trên 5000 m2. Toạ lạc trên  ngọn núi “ linh thiêng” theo tiếng địa phương có tên gọi là Tếnh Chấy thuộc khu vực trung tâm Khu di tích Pác Bó.

Đền thờ là hình ảnh cách điệu ngôi nhà sàn duyên dáng của người dân tộc Cao Bằng; giản dị, trang nghiêm, có tính biểu tượng cao và gây ấn tượng sâu sắc. Đền quay hướng Nam, phía Bắc tựa lưng vào núi tạo thế vững trãi cho công trình. Dưới chân núi là dòng suối Lê Nin trong xanh bắt nguồn từ đầu nguồn Cốc Bó ôm lấy núi Tếnh Chấy, nhìn xa chúng ta có thể thấy Đền thờ như hình đầu rồng vươn cao, “đây là thế rồng cuốn, hổ ngồi”, là thế các nhà tiên tri về phong thủy ví như thế của bậc đế vương, linh thiêng và trường tồn mãi mãi.

Từ sân trung tâm lên tới Đền qua 169 bậc, 100 bậc đầu tiên là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1990); 69 bậc tiếp theo là năm 1969, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta đã đi xa, năm ghi dấu tình cảm tiếc thương của dân tộc ta với Bác.

Toàn bộ khuôn viên, cây xanh được thiết kế, bố trí trồng các loại cây gắn với kỷ niệm sâu sắc về cuộc đời, quê hương của Bác, về thành quả cách mạng to lớn của Trung ương Đảng, của Bác Hồ đã cống hiến cho dân tộc ta.

Kết cấu, ý tưởng thiết kế của công trình và những hình khối như: đồ thờ, gạch, đá, khoảng cách kết cấu, bậc thang, … đều gắn với con số 9. Số 9 theo quan niệm của người Phương Đông là trường tồn, vĩnh cửu. Bác mong muốn dân tộc Việt Nam mãi trường tồn và phát triển sánh vai với cường quốc năm châu

Phía trên của Đền là biểu tượng lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh - Ngọn đuốc soi đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam. Tại vị trí trang trọng nổi bật là bức hoành phi và đôi câu đối do Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu phụng thảo. Bức hoành phi “Hồng nhật cao minh” ví chủ tịch Hồ Chí Minh như ánh mặt trời đỏ chiếu sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam.

Đôi câu đối:

“Lãnh tụ trở về, nhật nguyệt bừng lên trời Pác Bó

Anh hùng tụ lại, tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng.”

Hàm ý:

- Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc xây dựng căn cứ địa (về Pác Bó) từ đó núi rừng Pác Bó bừng lên rực sáng như ánh mặt trăng, mặt trời.

- Những nhà cách mạng xuất sắc tụ lại như những vị anh hùng làm tinh hoa đất trời Cao Bằng rực sáng.

 Bức hoành phi và đôi câu đối được viết bằng chữ Việt chân phương toát lên đức tính giản dị, khiêm nhường của Bác.

 Bốn bức tường là bốn bức phù điêu lớn thể hiện các sự kiện lịch sử trọng đại và các địa danh gắn liền với cuộc đời hoạt động vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tượng Bác được đúc bằng hợp kim đồng có kích thước cao 1,8m, nặng 1,26 tấn được an toạ tại linh thờ trung tâm của Đền; Tượng Bác tựa lưng vào núi rừng Pác Bó, nơi có dòng suối Lê Nin trong xanh, hiền hòa, ngọn núi Các Mác hùng vĩ. Sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại, Người quyết định chọn Pác Bó, Cao Bằng trở về nước xây dựng căn cứ địa. Với tầm nhìn xuất chúng Người nhận định “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta…” Núi rừng Pác Bó, nhân dân Pác Bó bao bọc, chở che Người. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (10 – 19/5/1941) tại lán Khuổi Nặm mang đến những quyết định quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Căn cứ địa Pác Bó – Cao Bằng là tiền đề mở ra khu giải phóng rộng lớn gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Từ ngôi làng biên cương nhỏ bé này, ngọn lửa cách mạng âm ỉ cháy được thổi bùng lên từ hơi thở Già Thu và ngọn lửa đó cháy suốt từ Bắc chí Nam.

Bức phù điêu hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được thành lập ngày 22/12/1944. Đội ra đời tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Đội có 34 chiến sĩ trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Đội trưởng là đồng chí Hoàng Sâm. Đây chính là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bức phù điêu hình ảnh cây đa Tân Trào, lán Nà Lưa thuộc huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Đây là nơi Người quyết định rời từ Pác Bó, Cao Bằng tới Tân Trào. Ngày 4/5/1945, Người và đoàn cán bộ xuất phát từ Pác Bó vượt qua hơn 400km đường rừng, vừa đi bộ, vừa đi ngựa suốt 18 ngày đêm để đến căn cứ Tân Trào; lán Nà Lưa nơi làm việc của Bác, mái đình Tân Trào nơi triệu tập Quốc dân Đại hội quyết định Tổng khởi nghĩa tháng Tám, cây Đa Tân Trào nơi làm lễ xuất quân của đội Việt Nam giải phóng quân tiến về thủ đô.

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là kết quả viên mãn của cách mạng Việt Nam, khẳng định với thế giới mọi dân tộc sinh ra đều có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật nước ta đã trở thành một nước tự do, độc lập. Dân tộc ta quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. Cách mạng tháng Tám thành công cả đất nước rợp cờ và hoa.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều giá trị tâm linh, giá trị về giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của trung ương Đảng và Bác Hồ kính yêu; là nơi dâng hương về nguồn, báo công của các tổ chức đoàn thể, cá nhân trong và ngoài nước.

Ngày nay, Pác Bó đã trở thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa vô giá của dân tộc Viêt Nam. Pác Bó còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, xứng đáng là một địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cho các thế hệ con cháu người Việt Nam khi đến tham quan, học tập, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tác giả bài viết: Đào Văn Mùi – Giám đốc Khu di tích Pác Bó

Nguồn tin: Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây