Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm tới thương binh và gia đình liệt sĩ. Theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tháng 7/1947, cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam tổ chức họp tại Đại Từ - Thái Nguyên và nhất trí chọn ngày 27/7 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Năm 1955, ngày 27/7 hàng năm được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn quan tâm tới thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đối với mảnh đất Cao Bằng, vinh dự là nơi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cũng là nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thì đạo lý ấy càng được người dân giữ gìn và coi trọng hơn cả bởi đây chính là nơi đã chứng kiến những trận đánh đầu tiên của Đội và sự hy sinh quên mình của liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng - liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường) là người con dân tộc Tày quê tại Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng. Năm 1936, khi phong trào đòi dân sinh, dân chủ phát triển, lan rộng đến vùng núi cao của châu Hà Quảng, Hoàng Văn Nhủng cũng bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Suốt từ đó đến năm 1940, với bí danh Xuân Trường, từ một liên lạc viên, ông đã trở thành một cán bộ dày dặn kinh nghiệm trong phong trào Thanh niên phản đế ở châu Hà Quảng. Năm 1940, ông được cử đi học quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc. Đầu năm 1944, ông về nước và hoạt động chủ yếu ở vùng Lục Khu - Hà Quảng.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Xuân Trường đã vinh dự trở thành một trong 34 chiến sĩ của Đội. Sau khi dành thắng lợi trong hai trận đánh đầu tiên tại Phai Khắt và Nà Ngần, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiếp tục hành quân sang đồn Đồng Mu thuộc Xuân Trường Bảo Lạc nhằm đánh lạc hướng quân địch “thanh Đông, kích Tây” làm địch phân tâm tưởng ta hoạt động cả khu vực Nam Nguyên Bình sang cả khu vực biên giới Việt - Trung.
Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (ảnh: tư liệu)
Đồn Đồng Mu là nơi có vị trí quan trọng, tại đây có thể kiểm soát con đường từ Đồng Mu đi Sóc Hà, huyện Hà Quảng và đường từ Đồng Mu xuống Pác Lung, đi sang Ba Bể, xuống Bắc Kạn. Vì đồn này địch thường xuyên phải đối phó với phỉ, nên chúng xây dựng công sự rất kiên cố. Trong đồn có khoảng 40 lính khố đỏ, do 3 tên cai Pháp chỉ huy. Ngoài ra vẫn còn một số tên lính dõng ở trong bản do một tên tổng đoàn chỉ huy.
Theo kế hoạch đã định, Đội bí mật đột nhập chiếm nhà chỉ huy, sau đó đánh lạc hướng đánh vào cùng phối hợp với nội ứng tiêu diệt địch. Đêm 4/2/1945, quân ta xuất kích. Hai tổ xung phong lặng lẽ vượt hàng rào dây thép gai đầu tiên. Tổ của các đồng chí Nam Long, Quang Trung, Xuân Trường đang đột nhập thì địch phát hiện. Địch trong đồn lập tức ném lựu đạn và bắn ra tới tấp. Tình huống nằm ngoài dự kiến, đồng chí Đàm Quang Trung hội ý với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “lộ rồi, đề nghị anh và anh Hoàng Sâm ở lại vị trí chỉ huy, chúng tôi vào đồn sẽ cử người bắt liên lạc sau”. Được sự đồng ý, đồng chí Đàm Quang Trung dẫn một tổ xông vào trong đồn đánh giáp lá cà. Tiểu đội trưởng Xuân Trường chỉ huy một tổ xung phong đột nhập qua cửa sổ. Anh dùng tiểu liên diệt ngay tên đốc gác và một số tên khác đang nằm trên giường. Đạn trong băng hết, không kịp thay, anh rút thanh kiếm và khẩu súng ngắn xông vào sở chỉ huy. Một số tên địch nữa bị tiêu diệt, quân địch cố thủ ở một lô cốt giữa đồn, chống cự rất quyết liệt. Xuân Trường dừng lại lắp đạn mới vào súng, dưới ánh lửa, khi Xuân Trường đang lắp đạn thì bị một viên đạn địch xuyên qua ngực, anh ngã gục xuống. Lúc này, các tổ bên ngoài cũng đã vào tới nơi. Xuân Trường gượng dậy gọi đồng chí Thế Hậu và nói: “mình bị đạn rồi, cậu lấy ngay khẩu súng của mình đánh đi!”. Nghe tiếng gọi, Thế Hậu chạy tới xốc Xuân Trường lên nhưng anh gạt ra và giục: “đánh đi, không lôi thôi gì với mình cả. Xung phong lên!”. Đồng chí Xuân Trường trút hơi thở cuối cùng giữa lúc tiếng súng còn vang dội. Cuộc chiến đấu diễn ra từ 11h đêm 4/2 tới 3h sáng ngày 5/2. Các chiến sĩ ta vừa chiến đấu vừa hát để động viên tạo khí thế chiến đấu và để tiện cho việc bắt liên lạc, song nó lại làm lộ vị trí chiến đấu của ta, khiến địch phát hiện vị trí tập trung đánh hỏa lực. Thấy cuộc chiến kéo dài sẽ không có lợi, Ban chỉ huy hạ lệnh rút khỏi đồn trước khi trời sáng.
Trận đánh này ta tiêu diệt 20 tên, thu 5 súng trường Mútcơtông và một số đạn, bắt 3 tù binh. Phía ta, Tiểu đội trưởng Xuân Trường chiến đấu anh dũng và hy sinh. Sau này qua khai thác tù binh, Ban chỉ huy Đội được biết, buổi chiều trước lúc chúng ta tập kích, tên đồn trưởng Pháp nhận được lá thư của phỉ đe dọa tối chúng kéo quân ra đánh đồn nên chúng đã chuẩn bị đối phó từ chiều. Đêm đó nửa số lính địch trong đồn cũng thức đề phòng, chúng không cho ai ra vào đồn, do đó cơ sở của ta ở trong đồn không báo ra ngoài cho Đội được.
Ngay sau trận đánh do yêu cầu phải rút nhanh và bí mật, nên hầu hết bộ đội ta đều rút đi ngay. Ban chỉ huy Đội cử một số đồng chí ở lại cùng cơ sở và nhân dân địa phương làm lễ an táng cho đồng chí Xuân Trường. Trước lúc hành quân, toàn đội cúi đầu mạc niệm vĩnh biệt người đồng chí, đồng đội trung kiên, bất khuất. Để tưởng nhớ tới công ơn, sự hy sinh của đồng chí Xuân Trường nhân dân xã Đồng Mu quyết định đổi tên xã thành xã Xuân Trường.
Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ tư lệnh Quân khu I đã đầu tư, tôn tạo bia ghi tên liệt sĩ, xây dựng khu mộ liệt sĩ Xuân Trường. Ngày nay, nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước tới các thế hệ con cháu.
Khu di tích lịch sử Đồn Đồng Mu xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc (ảnh: Mai Hiên)
Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), câu chuyện của liệt sĩ Xuân Trường càng làm chúng ta, những thế hệ con cháu thêm hiểu và trân trọng hơn ý nghĩa của hòa bình, quý trọng nền độc lập tự do mà ông, cha ta đã phải chịu gian khổ, hy sinh xương máu để có được. Đó cũng chính là động lực để mỗi người dân luôn cố gắng, nỗ lực góp công sức xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển. Ngày 27/7 cũng là dịp để các thế hệ con cháu thể hiện lòng biết ơn, tri ân những đóng góp to lớn của các thương binh, liệt sĩ đã cống hiến và hy sinh trọn đời vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tác giả bài viết: Đoàn Mai Hiên
Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn