KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG CAO BẰNG (03/10/1950 - 03/10/2024)

Thứ tư - 02/10/2024 09:51
Tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới, Cao Bằng được chọn là chiến trường chính. Đến ngày 03/10/1950, thị xã Cao Bằng và tỉnh Cao Bằng được hoàn toàn giải phóng.

Sau chiến thắng Chiến dịch Việt Bắc 1947, cuối năm 1949 đầu năm 1950 lực lượng kháng chiến của ta lớn mạnh, uy tín nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tăng cao. Tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh họp tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên quyết định mở Chiến dịch Biên giới lấy mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong II. Mục đích của chiến dịch là: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng phần biên giới phía Đông Bắc, khai thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc; tạo điều kiện thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn. Cao Bằng được chọn là chiến trường chính của chiến dịch, đồng thời là hậu phương tại chỗ phục vụ chiến dịch. Xuất phát từ tính chất tối quan trọng của Chiến dịch Biên giới, đầu tháng 9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường ra mặt trận để trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và động viên các lực lượng tham gia Chiến dịch.
 

z5888043566848 8634f13c46f943f90f844b37ed8aabdc
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường ra mặt trận Biên giới

06h giờ sáng ngày 16/9/1950, quân ta nổ súng tấn công cứ điểm Đông Khê, mở màn chiến dịch. Sau 54 giờ chiến đấu anh dũng, quyết liệt, đến ngày 18/9/1950, quân ta đã hoàn toàn làm chủ mặt trận Đông Khê. Thắng lợi tiếp nối thắng lợi, đến ngày 03/10/1950, thị xã Cao Bằng và tỉnh Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng. Chiến dịch Biên giới toàn thắng, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn); khai thông 750km đường biên giới Việt - Trung; giải phóng 40 vạn dân và khoảng 4.000 km2, tạo ra chuyển biến, bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950 có ý nghĩa hết sức trọng đại đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Kể từ khi quân Pháp đánh chiếm Cao Bằng tháng 10/1886, đến ngày 03/10/1950, tỉnh Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng, kết thúc một giai đoạn kháng chiến gian khổ và kiên cường của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng.
 

z5888037802682 a22e016f8b39c2a614e7da45a2aabe25
Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng, ngày 03/10/1950

74 năm qua, phát huy tinh thần Chiến thắng Biên giới 1950, trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Đến nay 100% tổ, xóm đều có Chi bộ, hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể không ngừng được nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao. Hiện nay, toàn tỉnh đang đồng lòng, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Trong 8 tháng đầu năm 2024, với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, tỉnh ta đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu và tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình trọng tâm, nội dung đột phá của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, các công trình, dự án trọng điểm được triển khai đồng bộ trong đó chú trọng dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước; công tác thu ngân sách nhà nước có nhiều khởi sắc; các nhiệm vụ văn hóa - xã hội, chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; tập trung triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; ổn định và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện có hiệu quả.

Những thành quả đã đạt được trong thời gian qua chính là động lực để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc để xây dựng quê hương cách mạng ngày càng giàu đẹp hơn./.
 

109700 thanh pho cao bang vung buoc tren duong phat trien anh the vinh 21092328
Toàn cảnh Thành phố Cao Bằng

Tác giả bài viết: Phòng BTDT&TTTL

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây