Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã phải trải qua các cuộc đấu tranh trường kỳ, vô cùng gian khổ và ác liệt vì độc lập tự do, thống nhất non sông. Đất nước ta, nhân dân ta, đã phải trải qua biết bao gian khổ, đau thương mất mát, hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường, hàng ngàn, hàng vạn các đồng chí thương binh, bệnh binh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Các thế hệ cha ông, các anh, các chị đã ngã xuống trên đất mẹ, để lại biết bao tiếc thương cho những người thân, đồng đội, đồng chí và mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất dù chỉ một lần sau cuối. Có những đồng chí, đồng đội chưa kịp nhớ tên nhau, nhưng đã mãi mãi gửi lại tuổi xuân vào đất mẹ. Sự hy sinh mất mát này là vô cùng to lớn, là không gì bù đắp được. Nhưng chính sự hy sinh xương máu của các anh đã mang đến mùa xuân bất diệt cho Tổ quốc, đã ươm những mầm xanh, những chồi non lộc biếc của hòa bình và khát vọng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Người đã khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã làm cho nước Việt của chúng ta được nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Khu Nghĩa trang Liệt sĩ Đông Khê rộng hơn 2.000 m2, quy tập 320 mộ Liệt sĩ và nhà bia ghi tên liệt sĩ huyện Thạch An ghi danh 483 Liệt sĩ hi sinh anh dũng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Biên giới năm 1979. Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta. Trong những ngày tháng 7 - tháng tri ân, tưởng nhớ sự hi sinh máu xương của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, tri ân các gia đình chính sách, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đông Khê một số các cơ quan, đoàn thể trong địa bàn tỉnh và huyện Thạch An đã có những hoạt động dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, báo công, thắp nến tri ân lên anh linh các Anh hùng Liệt sĩ; tham quan, tìm hiểu di tích, tham gia lao động, vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên Nghĩa trang và khuôn viên di tích Cứ điểm Đông Khê - nơi diễn ra trận đánh mở màn cho Chiến dịch Biên giới 1950; tổ chức thăm hỏi tặng quà tri ân gia đình chính sách tại thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An…
Thông qua các hoạt động này càng làm tăng thêm lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc sự hi sinh xương máu của các Anh hùng liệt sĩ, các thương - bệnh binh, các thế hệ mai sau nguyện kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; sống, chiến đấu, học tập, lao động xứng đáng với sự hi sinh, mất mát của các thế hệ đi trước, nguyện cống hiến sức mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa./.
Một số hình ảnh các hoạt động tri ân:
Tác giả bài viết: Vi Thị Hồng Thoa
Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn