HANG THẲM KHẨU – NƠI ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN TẬP TRUNG CHUẨN BỊ ĐÁNH ĐỒN PHAI KHẮT

Chủ nhật - 06/08/2023 10:16
Di tích hang Thẳm Khẩu (xóm Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là một trong những điểm di tích quan trọng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, đây là nơi tập trung quân của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ) chiều ngày 24/12/1944 để chuẩn bị đánh đồn Phai Khắt.

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập tại Khu rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đội quân mới thành lập dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã ra quân đánh thắng hai trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống đánh trăm trận trăm thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thực hiện theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội” và đặc biệt “trận đầu ra quân phải đánh thắng”, ngay sau khi thành lập Đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy Đội đã cân nhắc và quyết định chọn đồn Phai Khắt là đánh trận đầu tiên để đảm bảo chắc thắng và thu được nhiều vũ khí, đạn dược nhất có thể.

Phai khắt là một bản nhỏ thuộc tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình (nay là Xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình). Từ Phai Khắt có 3 con đường đi các ngả, về phía Nam đi Ngân Sơn, về phía Đông Bắc đi Nà Ngần và một con đường ra châu lỵ Nguyên Bình. Đây là một bản Việt Minh hoàn toàn, nhân dân đều tham gia các hội cứu quốc. Cuối năm 1943 đầu năm 1944, để kiềm chế phong trào cách mạng do Việt Minh lãnh đạo đang ngày một dâng cao, thực dân Pháp rải quân chiếm đóng các nơi, khi kéo quân đến vùng Kim Mã, Tam Lọng đã chiếm nhà của đồng chí Nông Văn Lạc - một ngôi nhà có tường xây gạch to nhất làng Phai Khắt đóng quân. Quân số trong đồn lúc đó có 21 tên lính dõng và một tên đồn trưởng người Pháp làm chỉ huy. Đồn nằm ở vị trí giữa làng, chung quanh là những gia đình cơ sở cách mạng. Đây cũng là một trong yếu tố quan trọng để đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy Đội chọn đồn Phai Khắt làm mục tiêu cho trận ra quân đầu tiên.

Theo kế hoạch, chiều ngày 24/12/1944, hai ngày sau khi thành lập, toàn Đội được lệnh lên đường đi chiến đấu. Nắng chiều vàng rực trên các ngọn núi, một lá cờ đỏ tươi thắm dẫn đầu hàng quân. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trang bị chỉnh tề đi hàng một theo đội hình chiến đấu trên con đường quanh co khúc khuỷu ở sườn núi. Đội tạt vào một khu rừng thay đổi quần áo, cải trang thành một đội lính dõng và lặng lẽ kéo lên đóng quân tại hang Thẳm Khẩu ở sau lưng đồn địch.
 

dsc 0034

Di tích hang Thẳm Khẩu

Hang Thẳm Khẩu nằm ở lưng chừng núi cách làng Phai Khắt khoảng 500m về phía Tây Bắc. Hang sâu khoảng 3m, dài khoảng 12m, có thể trú được khoảng 40 người. Hang khô, thoáng, bên trong có nhiều mô đá nhỏ gồ ghề, địa điểm này rất bí mật, thuận lợi cho việc quan sát và nhận thông tin liên lạc về mọi hoạt động của địch và tay sai trong làng. Trong giai đoạn năm 1941-1944, hang Thẳm Khẩu được sử dụng làm trạm liên lạc đưa cơm phục vụ cho các đồng chí cán bộ hoạt động cách mạng.

Sau khi tập trung quân tại hang Thẳm Khẩu để bàn bạc, quan sát, ngày 25/12/1944, một số đội viên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đóng giả thường dân, đứng trông chừng ở các ngả đường. Trung đội vũ trang của xã Thể Dục (Nguyên Bình) được phân công phục kích con đường từ châu lỵ Nguyên Bình vào Phai Khắt. Trung đội của xã Hoa Thám đảm nhân nhiệm vụ canh gác các ngả đường từ Nà Ngần vào. Phụ nữ địa phương làm nhiệm vụ tiếp tế và cứu thương, lực lượng tự vệ bố trí thành một mạng lưới xung quanh vị trí trú quân của Đội để đề phòng những trường hợp bất trắc xảy ra, nếu địch đưa quân lên núi sẽ báo cho Đội biết để rút lui.

Sau khi trinh sát và nắm rõ tình hình của địch, đến chiều ngày 25/12/1944, toàn Đội xuất phát đánh đồn Phai Khắt. Trận đánh diễn ra trong vòng 30 phút, ta thu được 17 khẩu súng, một ít đạn, diệt tên đồn trưởng, bắt 17 tên lính. Trận đánh đồn Phai Khắt là chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, mở màn cho truyền thống “trăm trận trăm thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 

Trận đánh đồn Phai Khắt

Tranh: Đội VNTTGPQ cải trang thành lính dõng tiến đánh đồn Phia Khắt


Ngày nay, di tích hang Thẳm Khẩu là một trong những điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo – nơi ghi dấu sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân; gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong những năm tháng hoạt động cách mạng ở Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân quý mến, hết lòng giúp đỡ, bảo vệ và Đại tướng cũng giành một tình cảm đặc biệt đối với mảnh đất Cao Bằng nghĩa tình, kiên trung, bất khuất. Sau khi đất nước được độc lập và thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần về thăm lại căn cứ địa cách mạng Cao Bằng và xã Tam Kim. Năm 1989, Đại tướng đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân xã Tam Kim tại di tích đồn Phai Khắt, tại buổi nói chuyện hôm đó Đại tướng đã hỏi về nơi dừng chân của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân để quan sát trước khi đánh đồn. Đại tướng quay sang hỏi ông Nông Văn Lạc đứng bên cạnh: “Tôi nghĩ đơn vị mình ém quân ở Thẳm gì nhỉ?”, ông Nông Văn Lạc đáp: “Thẳm Khẩu, Bác ạ!”. Lúc này Đại tướng chuyển sang nói bằng tiếng Tày với bà con: “Thẳm Khẩu tỏ mí mì khẩu” (Hang Gạo nhưng không có gạo) và bất ngờ hơn nữa khi Đại tướng nhớ lại ký ức xưa và hỏi: “Lạc ơi! Khẩu lừm phua Tam Kim nhằng mì bấu?” (Lạc ơi! Gạo quên chồng Tam Kim còn có không?).

Câu chuyện về Đại tướng về hang Thẳm Khẩu, những lời căn dặn của Đại tướng trong những lần về thăm sẽ mãi là động lực để bà con nhân dân xã Tam Kim ra sức phấn đấu, thi đua, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương Tam Kim ngày càng giàu mạnh.

Hiện nay, di tích hang Thẳm Khẩu được Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng trực tiếp quản lý, bảo vệ và tăng cường triển khai công tác phát huy giá trị di tích, là điểm đến tham quan, nghiên cứu học tập của du khách./.

                  

Tác giả bài viết: Hoàng Hè

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây