Kỷ niệm buổi gặp gỡ Trung tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.

Thứ hai - 17/04/2023 15:22
Vào một chiều xuân cuối tháng 3 năm 2023, tại rừng thiêng Trần Hưng Đạo, chúng tôi vinh dự được đón tiếp và gặp gỡ gia đình Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân.

Trong suy nghĩ của người dân Việt Nam, Trung tướng Phạm Tuân là biểu tượng tiêu biểu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến đấu của chúng ta chống lại giặc ngoại xâm trong thế kỷ XX.

Anh hùng Phạm Tuân sinh năm 1947, quê ở tỉnh Thái Bình. Tốt nghiệp phổ thông, ông cũng như bao thanh niên thời chiến tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ước mơ được làm phi công, ông từng đi khám tuyển nhưng không trúng. Sau đó, cơ duyên đến, ông là một trong những người được chọn sang Liên Xô học tập và trở thành một phi công thực thụ vào năm 1967. Giữa năm 1972, ông là một trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc bắn hạ “pháo đài bay” B-52 của Mỹ. Chuyến bay đầu tiên ông xuất kích đúng ngày mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ trên không (18/12/1972). Vào đêm ngày 27/12, ông đã bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn. Với chiến công này, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 3/9/1973.

Tên tuổi ông đã đi vào lịch sử khi là người châu Á đầu tiên và cũng là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Ngày 23/7/1980, phi công Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Vichtor Gorbatcô thực hiện chuyến bay vào vũ trụ. Phạm Tuân chính là người Việt Nam cũng là người châu Á đầu tiên chinh phục không gian. Trong những vật phẩm mang theo của ông khi du hành vũ trụ có lá cờ đỏ sao vàng năm cánh. Cờ Tổ quốc Việt Nam được mang lên chính là một thông điệp gửi gắm với bạn bè khắp năm châu rằng, ngọn cờ của Việt Nam đã có trong vũ trụ, tên Việt Nam được in vào bản đồ vũ trụ quốc tế.

Khi từ vũ trụ trở về, ông được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Hồ Chí Minh. Cùng năm đó, ông vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lê-nin khi mới 33 tuổi. Trước khi nghỉ hưu năm 2008, ông giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, được thăng quân hàm Trung tướng.

Gặp ông trong một không gian linh thiêng và ý nghĩa tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, chúng tôi mời ông cùng gia đình lên dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ). Ông đã rất xúc động bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các chiến sĩ của Đội.
 

z4231486813948 7e51118fa3eca77d2d5f386257a5ba7f

Trung tướng, anh hùng Phạm Tuân cùng gia đình thăm Khu di tích QGĐB rừng Trần Hưng Đạo

Sau khi dâng hương, ông cùng gia đình vào thăm nơi thành lập Đội VNTTGPQ. Trên đường đi, chúng tôi được nghe ông kể về những kỷ niệm đáng nhớ khi ông còn là một phi công chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Ông kể sau khi hạ được chiếc B-52 đầu tiên, ngay sáng hôm sau (ngày 28/12/1972), ông đã được đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen và đó chính là động lực để hôm nay ông cùng gia đình tới thăm khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo. Câu chuyện của ông còn thêm thu hút chúng tôi với kỷ niệm khi ông bay vào vũ trụ và những chia sẻ của ông về khoa học công nghệ hiện nay, ứng dụng quan trọng trong thực tế đời sống - những lĩnh vực khá xa lạ với những người làm công tác phát huy giá trị di tích như chúng tôi.  

Được gần anh hùng Phạm Tuân chỉ một thời gian ngắn ngủi nhưng trong cảm nhận của chúng tôi không ai cảm thấy đó là một nhân vật lớn lao xa cách. Ở ông luôn toát lên một phong cách bình dị và tự nhiên. Là Trung tướng, từng là lãnh đạo cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông không làm cho ai cảm thấy mình trở nên nhỏ bé hơn khi ở gần mình, ngay cả những người bình thường như chúng tôi cũng bất giác cảm thấy mình có thể tự tin, để từ đó luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt mọi công việc.

Ngoài những lời kể về kỷ niệm của một thời oanh liệt, ông còn chia sẻ với chúng tôi những lịch trình trong chuyến lên thăm Cao Bằng lần này. Ngày mai, ông có buổi giao lưu ngoại khoá với các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Cao Bằng. Hy vọng rằng qua buổi giao lưu, các em học sinh sẽ hình dung rõ nét hơn về cuộc đời và những chiến công của anh hùng Phạm Tuân, góp phần củng cố niềm tin phát huy trách nhiệm của thế hệ trẻ.

Trong buổi gặp gỡ này, chúng tôi đã có cơ hội chụp những tấm hình kỷ niệm cùng ông, thật khó để nói về cảm xúc lúc đó, rất xúc động và tự hào khi được đón tiếp một anh hùng, một nhân vật lịch sử. Có thể nói rằng, gặp Anh hùng Phạm Tuân, ai cũng cảm thấy vũ trụ gần hơn với mình. Giữ một trọng trách lớn, nhưng Trung tướng Phạm Tuân không có vẻ gì xa lạ với những điều bình dị đời thường. Những chia sẻ của ông không chỉ nằm ở nội dung chuyên môn mà còn mang đến những giá trị to lớn về mặt tư tưởng, về ý chí nghị lực để từ đó tiếp thêm động lực cho những thế hệ trẻ như chúng tôi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước khi rời khu rừng Trần Hưng Đạo, ông gửi lời chúc sức khoẻ, động viên tới anh chị em đang công tác tại Khu di tích. Với chúng tôi, đây sẽ là một kỷ niệm đẹp về người anh hùng nổi tiếng. Hy vọng rằng trong thời gian gần nhất chúng tôi sẽ lại được đón anh hùng Phạm Tuân trở lại thăm Khu di tích theo như lời ông đã hứa để được nghe nhiều hơn những câu chuyện, những kỷ niệm đáng nhớ của một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam./.

Tác giả bài viết: Trà My - Ảnh: Hoàng Hè

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây