Ngày 22/12/1944, Đội VNTTGPQ (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay) được thành lập. Theo chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội", và “Trận đầu ra quân phải thắng”, Đội đã ra quân và giành thắng lợi trong trận đánh đồn Phai Khắt (25/12/1944), ngay sau đó, Đội đã có trận đánh thắng thứ hai ở đồn Nà Ngần (ngày 26/12/1944).
Đồn Nà Ngần nguyên là nhà của ông Nông Văn Pảo (tức Phó Lý Pảo) thuộc xã Cẩm Lý, nay là xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đồn nằm trên ngọn đồi cao, địa thế hiểm trở, từ ngoài vào phải qua mấy thung lũng. Toàn bộ ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn (giống nhà sàn hiện nay), nhà gồm 3 gian, 2 trái lợp ngói máng.
Trong những năm 1940 - 1941, phong trào cách mạng ở Hoa Thám nói riêng và cả tỉnh Cao Bằng nói chung đều phát triển rầm rộ, nhiều cơ sở Đảng đã được thành lập. Để đàn áp phong trào cách mạng nước ta, thực dân Pháp đã nhanh chóng khẩn trương, tăng cường xây dựng nhiều đồn bốt, kiểm tra chặt chẽ nghiêm ngặt để bắt các cán bộ cách mạng, đàn áp quần chúng. Địch đã chọn ngôi nhà của Phó Lý Pảo là một vị trí chiến lược quan trọng để đóng quân. Tại đây, quân địch có thể án ngữ cả vùng Nà Ngần và liên lạc với các châu lị Nguyên Bình dễ dàng, đây cũng là nơi có con đường từ tổng Kim Mã đi Bắc Kạn. Vị trí này có thể cản đường phong trào cách mạng đi xuống phía Nam.
Sau khi được Phó Lý Pảo cho nhà để làm đồn, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện dồn dân, làm hàng rào bao quanh làng, truy lùng ráo riết các chiến sĩ cách mạng đem về tra tấn dã man, bắt đi phu làm đường, bắt nhân dân trong vùng dẫn đường cho bọn chúng, tập trung thóc của nhân dân vào kho của bọn chúng để cắt liên lạc giữa cách mạng và nhân dân cho nên nhân dân đã phải sơ tán đi nơi khác để sống.
Bia Di tích đồn Nà Ngần
Thời điểm quân ta đánh đồn Nà Ngần, quân số trong đồn khi đó là 22 lính khố đỏ do hai tên sĩ quan người Pháp chỉ huy, nhưng ngày hôm đó hai tên chỉ huy này lên tỉnh và giao quyền lại cho tên đội Đường ở lại để cai quản quân lính. Lực lượng đánh đồn Nà Ngần là toàn bộ các chiến sĩ đã tham gia đánh đồn Phai Khắt, được tăng cường thêm một ít súng đạn. Vì địa thế đồn Nà Ngần hiểm trở, nên ta không dùng cách đánh cường tập mà dùng mưu kế. Để dễ dàng lọt được vào đồn địch, Ban chỉ huy đội thống nhất kế hoạch cải trang giả làm một toán lính dõng, lính khố đỏ đang dẫn giải ba “Cộng sản Mán” bị bắt đến giao nộp cho quan đồn.
Đúng 07 giờ sáng ngày 26/12/1944, đồng chí Thu Sơn đóng giả làm đội sếp, cùng tổ xung phong dẫn theo “ba cộng sản” bị trói tiến vào đồn. Quân địch thấy vậy, đã cho tên cai và 6 tên lính ra xếp hàng đứng chào. Sau khi cả đội tiến vào trong đồn, theo kế hoạch đã vạch, bốn chiến sĩ tiến tới gian giữa án ngữ giá để súng. Đồng chí Thu Sơn và Bế Văn Sắt nói chuyện với tên Đường để đánh lạc hướng. Tiểu đội 2 chặn các cửa đồn rồi chia thành từng tổ bao vây bắt tù binh. Tiểu đội 3 vừa bắn chỉ thiên vừa gọi địch đầu hàng. Bọn địch trong đồn phần lớn giơ tay đầu hàng, đứa quỳ, đứa đứng. Giữa đồn đồng chí Hoàng Văn Thái phất cao lá cờ đỏ sao vàng. Toàn quân địch còn lại buộc phải đầu hàng.
Trận đánh kết thúc trong vòng 15 phút, ta tiêu diệt 05 tên, bắt sống 17 tên, thu được 27 súng, cùng khá nhiều đạn và một thanh kiếm. Toàn đội nhanh chóng thu dọn súng đạn, phát truyền đơn biểu ngữ tuyên truyền cách mạng cho nhân dân trong vùng.
Trận đánh đồn Nà Ngần là trận đánh thứ hai giành thắng lợi của Đội VNTTGPQ, tuy quy mô chưa lớn nhưng lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng. Thể hiện tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”, trí thông minh, sáng tạo của các chiến sĩ trong Đội.
Ngày nay, di tích đồn Nà Ngần đã trở thành nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong những năm qua, di tích đồn Nà Ngần luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và Bộ Quốc Phòng.
Di tích Đồn Nà Ngần
Ngày 25/01/1994, Di tích đồn Nà Ngần đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 152 VH-QĐ. Năm 1995, Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Cao Bằng đã đầu tư, xây dựng Nhà bia di tích Đồn Nà Ngần và hàng rào bảo vệ xung quanh.
Ngày 9/12/2013, Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích được trú trọng. Năm 2019, Ban Quản lý các di tích Quốc đặc biệt tỉnh Cao Bằng được thành lập đã trực tiếp quản lý bảo vệ và tăng cường triển khai công tác phát huy giá trị di tích. Ban Quản lý đã cử nhân viên thường trực tại di tích đồn Nà Ngần vừa làm công tác bảo vệ, vệ sinh môi trường, đồng thời phát huy giá trị lịch sử di tích.
Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2022), được sự đầu tư của Bộ Quốc Phòng, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu I tiến hành phục dựng lại di tích Đồn Nà Ngần. Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng đã xây dựng đề cương trưng bày tại di tích đồn Nà Ngần. Tiến hành phục dựng lại không gian sinh hoạt của gia đình Phó Lý Pảo và quan quân Pháp trong đồn. Đồng thời, trưng bày các hiện vật, hình ảnh về trận đánh thứ hai của đội VNTTGPQ như khẩu súng kíp đã được sử dụng trong trận đánh đồn Nà Ngần, Áo của đồng chí Đặng Tuẩn Quý mặc để cải trang khi đánh đồn Nà Ngần,…
Không gian trưng bày Di tích đồn Nà Ngần
Hiện nay, Di tích đồn Nà Ngần đã trở thành “địa chỉ đỏ” để các tổ chức, cá nhân đến tham quan, học tập, tìm hiểu về truyền thống cách mạng đấu tranh hào hùng của Quân đội ta. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Việc bảo tồn, tôn tạo di tích đồn Nà Ngần sẽ góp phần phát huy tốt hơn giá trị di tích./
Tác giả bài viết: Đoàn Hồng Hạnh
Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn