CÔ HỌC TRÒ CỦA BÁC HỒ TẠI PÁC BÓ

Thứ sáu - 26/05/2023 05:37

Ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm con đường cứu nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua Cột mốc 108 thuộc xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại Pác Bó, Người đã trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng chính trị, quân sự cho một số cán bộ cách mạng. Trong số các cán bộ làm việc gần Bác có đồng chí Nông Thị Trưng là một người phụ nữ dân tộc Tày sớm tham gia hoạt động cách mạng. Sau khi bị thực dân Pháp phát hiện, đồng chí rút lui về hoạt động bí mật và may mắn được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhận làm cháu gái, trở thành cô học trò nhỏ được Người trực tiếp dạy bảo, bồi dưỡng về mọi mặt như: văn hóa, chính trị, đạo đức của người cộng sản. Nhờ sự dìu dắt của Người mà sau này đồng chí Nông Thị Trưng đã trở thành một nhà cách mạng, một Đảng viên gương mẫu và giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng trước khi nghỉ hưu.

Đồng chí Nông Thị Trưng có tên thật là Nông Thị Bày. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chế độ phong kiến đang rơi vào khủng hoảng, ách thống trị hà khắc của thực dân Pháp xâm lược, cùng với đó hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông anh em lại ít ruộng nên Bày rất chăm chỉ giúp mẹ việc gia đình, nương rẫy, dệt thổ cẩm để bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Sau khi được giác ngộ cách mạng, đồng chí Bày được giao nhiệm vụ làm liên lạc, mang thư từ, tài liệu về địa phương. Trong thời gian hoạt động, Nông Thị Bày gặp gỡ và xây dựng gia đình với đồng chí Hoàng Văn Thạch cùng tham gia cách mạng. Sau này khi chồng bị bắt, đồng chí vẫn tiếp tục hoạt động nhưng cũng không may bị bắt giữ. Tuy nhiên, sau đó đã chạy thoát và được các cán bộ cách mạng đưa đến Pác Bó. Tại đây, đồng chí được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người đặt tên là Nông Thị Trưng. Tên Trưng do Bác đặt với mong muốn cô gái người dân tộc này sẽ noi theo gương bà Trưng Trắc, Trưng Nhị.
 

bà Nông Thị Trưng min

Đồng chí Nông Thị Trưng

Trong thời gian sống ở Pác Bó, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được người dân gọi tên thân mật là Ông Ké, Già Thu. Lấy bí danh là Thu Sơn nên Bác cho cô cháu gái Trưng gọi mình là chú Thu. Hằng ngày, Trưng cùng một số đồng chí vào lán Khuổi Nặm một giờ để chú Thu trực tiếp chỉ dạy. Trong hồi ký của mình đồng chí Nông Thị Trưng kể lại: “Buổi đầu tiên đến học tôi rất lo lắng sợ đầu óc mình còn tối tăm không tiếp thu được, thì thật là uổng tấm lòng cao đẹp của chú. Nhưng khi bắt đầu vào học tập, từng lời dạy của chú thật là ân cần và sáng sủa”. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dạy mọi người về cách viết, giảng về Mác, Ăng Ghen, Lê Nin, về nhiệm vụ của đoàn thể Việt Minh và Đảng cộng sản Đông Dương, vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân thế giới, đặc biệt Người dạy rất kỹ về vấn đề giải phóng phụ nữ.

Tháng 11/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị thành lập Đội du kích Pác Bó, trong đó chỉ duy nhất đồng chí Nông Thị Trưng là nữ. Đội gồm 12 đồng chí, do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng. Dù đội chỉ tồn tại hai năm nhưng đây là tiền đề để thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân sau này. Sau thời gian được rèn luyện và hoạt động năng nổ, ngày 06/12/1941, đồng chí Nông Thị Trưng được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí kết nạp Đảng tại hang Ngườm Vài - Pác Bó. Trong hồi ký của mình đồng chí Trưng kể lại lời nhận xét của chú Thu: “Qua một thời gian được rèn luyện thử thách, đồng chí Trưng tỏ ra có tinh thần kiên quyết cách mạng, xứng đáng được kết nạp Đảng”. Sau khi được kết nạp Đảng, theo sự phân công của đoàn thể, đồng chí đi gây dựng cơ sở ở các vùng.

Đến mùa Đông năm 1944, sau một thời gian sang Trung Quốc trở về, khi gặp lại, Chú Thu đã tặng cháu gái Trưng quyển vở dịch “Binh pháp tôn tử” ở bìa có ghi bốn câu thơ:

          “Vở này ta tặng cháu yêu ta

          Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là

          Mong cháu ra công mà học tập

          Mai sau cháu giúp nước non nhà”.

Tháng 5/1945, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Pác Bó đi Tân Trào - Tuyên Quang triệu tập Quốc dân đại hội, phát lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Cách mạng tháng Tám nhanh chóng giành được thắng lợi. Khi được cầm trên tay bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, đồng chí Trưng vui sướng thốt lên “Trời ơi! Chú Thu đây này! Ai dè Nguyễn Ái Quốc là Hồ Chủ tịch, mà Hồ Chủ tịch lại là chú Thu kính yêu của chúng tôi…”

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Nông Thị Trưng được phân công làm Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Hà Quảng. Năm 1949, đồng chí giữ chức Ủy viên thường vụ của Tỉnh ủy phụ nữ Cao Bằng. Đến năm 1963, đồng chí được bầu làm Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng.

Tháng 9/1969, khi đất nước đang tưng bừng kỷ niệm 24 năm ngày Quốc khánh 2/9, Đài tiếng nói Việt Nam phát đi tin dữ: Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già của dân tộc Việt Nam, “Ông Ké” của núi rừng Pác Bó mãi mãi ra đi. Nhân dân Pác Bó, nhân dân Cao Bằng đau đớn, tiếc thương cùng hướng về Quảng trường Ba Đình nơi Người đang yên giấc ngàn thu. Trong niềm đau thương vô hạn của cả nước, Đoàn đại biểu Cao Bằng về thủ đô dự tang lễ và được túc trực bên linh cữu Bác Hồ. Riêng đồng chí Nông Thị Trưng vinh dự được túc trực bên linh cữu của Bác hai lần. Đối với đồng chí, đó là niềm vinh dự vô cùng lớn lao của một người học trò, một người cháu gái đối với người thầy, người thân của mình và hơn hết đó là niềm vinh dự của một người dân yêu nước đối với Hồ Chủ tịch kính yêu của dân tộc Việt Nam.    
 

z3963491746849 a173478d485fe4e3330f4ff31ffd7468

                 Ảnh đồng chí Nông Thị Trưng túc trực bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh   
     
         

Trong cuốn hồi ký Những ngày sống gần Bác, đồng chí Nông Thị Trưng bày tỏ: “Từ khi tham gia hoạt động cách mạng đến khi về hưu, có thể nói tôi đã hoàn toàn thanh thản và hạnh phúc khi nghĩ lại cuộc đời làm cách mạng, tôi đã được chú Thu - Hồ Chủ tịch giáo dục và bồi dưỡng về mọi mặt, những chỉ dẫn quý báu đó đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, kể cả lúc vấp ngã để trở thành người cán bộ cách mạng có ích cho Đảng cho dân”. Trong quá trình công tác của mình, đồng chí Nông Thị Trưng đã không phụ lòng tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, tổ chức giao phó. Với cương vị là Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng, từ năm 1963, đồng chí đã góp phần đưa “ngành tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng từ chỗ yếu đã tiến dần lên những bước vững chắc”. Năm 1970, Tòa án tỉnh Cao Bằng đã được công nhận là đơn vị tiên tiến; Ngành Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng được Tòa án tối cao và Ủy ban hành chính khu tự trị Việt Bắc công nhận là một trong năm đơn vị tiên tiến có thành tích xuất sắc được tặng cờ thi đua của Tòa án tối cao và Khu tự trị Việt Bắc cùng nhiều bằng khen. Sau thời gian dài cống hiến cho ngành Tòa án, năm 1980, đồng chí Nông Thị Trưng về nghỉ hưu tại phố Cũ, phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Đến năm 2003, đồng chí qua đời do tuổi già, hưởng thọ 83 tuổi. Với những đóng góp của mình, đồng chí Nông Thị Trưng đã trở thành niềm tự hào cho phụ nữ các dân tộc tỉnh Cao Bằng, là tấm gương sáng giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng vượt qua gian khổ để làm theo lời dạy của Đảng, của Bác Hồ kính yêu./.

 

 

Tác giả bài viết: Mai Hiên

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây