BỨC ĐIỆN GÓP PHẦN LÀM NÊN THẮNG LỢI CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH 30/4/1975

Thứ ba - 25/04/2023 09:10
Cách đây 48 năm, trong thời gian gấp rút chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi tới toàn thể cán bộ đảng viên, chiến sĩ toàn mặt trận bức điện khẩn với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Vào cuối năm 1974 - đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam có sự thay đổi có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh "cả năm 1975 là thời cơ" và chỉ rõ "nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975". Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam mở màn từ ngày 4/3/1975 bằng chiến dịch Tây Nguyên mà trận đột phá chiến lược là việc đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Qua 20 ngày đêm chiến đấu, đến ngày 24/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi hoàn toàn. Trong lúc đó, tại miền Trung đã phát triển thành chiến dịch có quy mô rộng tiến công Huế - Đà Nẵng. Chiến dịch tiến công Trị Thiên - Huế từ ngày 05 - 26/3/1975, giải phóng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế; Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng từ ngày 26 - 29/3/1975.

Sau trận đánh bất ngờ tại Buôn Ma Thuột dẫn đến cả Tây Nguyên thất thủ, tiếp đến là mất đi “chiến địa cuối cùng” tại Đà Nẵng, địch lâm vào khủng hoảng và bế tắc về chiến lược. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị quyết định chớp thời cơ, đẩy nhanh tốc độ nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam trước thời hạn dự định. Sáng 31/3, Bộ Chính trị họp mở rộng, quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 mang tên Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn - Gia Định, sau đó được đổi tên thành “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Sáng ngày 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ký bức điện khẩn mang mật danh 157-HĐKTK gửi tới toàn thể cán bộ đảng viên, chiến sĩ đang gấp rút chuẩn bị cho chiến dịch với nội dung:

Mệnh lệnh
1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền nam. Quyết chiến và toàn thắng.
2. Truyền đạt tức khắc tới đảng viên, chiến sĩ
Ký tên: Văn

 

 

k1

 

Bức điện mật của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử,                 ngày 7/4/1975

Bức điện được ký tên Văn viết từ Tổng hành dinh chỉ huy chiến dịch trong khu vực thành cổ Hà Nội, lập tức được Ban cơ yếu mã hóa và truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như một lời “hịch tướng sĩ”. Bức điện chính là một mệnh lệnh truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Tất cả đều thấm nhuần ngay lúc này phải nắm chắc thời cơ. Nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh, quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam nêu cao quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, gấp rút đẩy mạnh tốc độ hành quân; tạo thế, tạo lực, tạo đà cho trận quyết chiến cuối cùng tại Sài Gòn để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau bức điện lịch sử, các chiến sĩ giải phóng quân như được tiếp thêm sức mạnh hồ hởi lên đường tiến về miền Nam ruột thịt. Bức điện là mệnh lệnh đúng thời điểm để các cánh quân của ta trên các chiến trường thực hiện kế hoạch chớp thời cơ, nhanh chóng tổ chức các hướng, hình thành thế bao vây và tiến vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Ngay trong đêm 7/4, các cánh quân đã tăng tốc độ hành quân cả đêm và ngày đến vị trí tập kết chiến dịch đúng quy định. Ngày 9/4, Quân đoàn 4 bắt đầu tiến công địch trong thị xã Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai); địch phản kích quyết liệt, buộc các đơn vị của ta phải thay đổi chiến thuật, rút khỏi Xuân Lộc, đánh vòng ngoài, diệt địch ở Túc Trưng, Kiệm Tân, theo đường 20 phát triển đánh địch ở ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 về Sài Gòn. Ngày 14/4, cánh quân hướng Đông tiến công vào tuyến phòng thủ Phan Rang, đến ngày 16 chiếm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn, diệt và bắt toàn bộ quân địch ở đây, giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Ngày 19/4, Quân đoàn 2 giải phóng Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận, thần tốc tiến vào Long Khánh, phối hợp với Quân đoàn 4 giải phóng Xuân Lộc. Trên các hướng Bắc, Tây Bắc, Đông và Tây Nam, quân ta dồn dập tiến công tiêu diệt các sư đoàn chủ lực địch phòng thủ vòng ngoài, áp sát lực lượng vào vùng ven đô. Ngày 22/4 Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn - Gia Định trong ngày 30/4/1975.

5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát đô thành, Biệt khu thủ đô. Từ bốn hướng Đông, Bắc và Tây Bắc, Tây Nam, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy, đến 11 giờ 30 phút ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng lên Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

 

3004dung2

Xe tăng của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4


48 năm đã trôi qua kể từ đại thắng Mùa xuân 1975 với chiến thắng quyết định của Chiến dịch Hồ Chí Minh, đất nước Việt Nam được hoàn toàn giải phóng và đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới. Bài học kinh nghiệm và ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975 vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là câu mở đầu cho bài ca toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chỉ với 40 từ, vô cùng ngắn gọn, xúc tích nhưng bức mật lệnh đã xác định rõ mục tiêu phải đạt được, đồng thời chỉ rõ phương châm hành động để đạt được mục tiêu đó là: Đã thần tốc rồi, cần thần tốc hơn nữa, đã táo bạo rồi cần táo bạn hơn. Tất cả thể hiện rõ nghệ thuật quân sự và tài cầm quân của vị đại tướng huyền thoại của quân đội ta. Trong thời khắc lịch sử đó, bức điện của Đại tướng vừa là mệnh lệnh của Tổng tư lệnh nhưng đồng thời đây cũng là lời hịch để cổ vũ tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường. Từ đây, ta có thể thấy mệnh lệnh được đưa ra đúng thời điểm sẽ trở thành động lực nâng sức mạnh của sự đoàn kết dân tộc lên một tầm cao mới để tạo ra những bước ngoặt có ý nghĩa quyết định cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

 

Tác giả bài viết: Lương Hằng

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây