Cuối năm 1940, phong trào cách mạng thế giới và trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, Trung ương Đảng có cử các đồng chí Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Thụ và Đặng Văn Cáp lên Cao Bằng để xem xét tình hình, đồng thời sang nước ngoài báo cáo với Bác và chuẩn bị công tác đón Bác trở về Tổ quốc. Trước khi về nước, với tầm nhìn chiến lược của nhà cách mạng thiên tài, Người đã đưa ra nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc với quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ.” Từ nhận định quan trọng này, vào ngày 28/01/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với các cán bộ cách mạng bao gồm các đồng chí: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc và Đào Thế An đã cùng nhau trèo đèo, lội suối vượt qua cột mốc biên giới Việt – Trung số 108 để trở về Tổ quốc.
Sau khi về nước, đồng chí Lê Quảng Ba đã dẫn Bác đến ở tại nhà của ông Lý Quốc Súng, một ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm trên lưng chừng núi. Ngày trở về đúng vào mùng 02 Tết năm Tân Tỵ, Bác đã cùng các đồng chí cán bộ và gia đình ông Lý Quốc Súng đón một cái Tết trong không khí ấm áp của ngày xuân. Bên mâm cỗ Tết có đầy đủ các món ăn theo phong tục dân tộc ở vùng này: như bánh tét, bánh chít, thịt lợn, thịt gà..., Bác vô cùng xúc động. Nhưng trong niềm xúc động đó có cả niềm vui của người con sau bao năm xa cách mới trở về Tổ Quốc. Mảnh đất Cao Bằng vinh dự thay mặt nhân dân cả nước đón Bác trở về bằng tình cảm yêu thương của đồng bào Pác Bó. Người dân nơi đây tự hào được ôm ấp, chở che nhà cách mạng lớn. Tên gọi “Ông Ké”, “Già Thu” đã đi sâu vào tâm khảm của những con người Pác Bó. Dấu chân Người như vẫn in hằn trên đất với lá rừng, hình bóng Người như vẫn thấp thoáng khắp mọi ngả của miền sơn cước này, ở hang Cốc Bó, Bàn đá, suối Lê Nin, lán Khuổi Nặm…
Đã 82 năm, kể từ thời khắc lịch sử chứng kiến sự trở về của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc năm 1941. Đến nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó vẫn luôn tự hào là cội nguồn cách mạng, nơi thắp sáng và gìn giữ ngọn lửa về truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam. Ngày 28/01/2023, nhân dịp Kỷ niệm 82 năm Ngày Bác Hồ về nước (28/01/1941 – 28/01/2023), tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng đã long trọng tổ chức lễ dâng hương, thành kính ghi nhớ sự kiện trọng đại trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.
Tác giả bài viết: Nông Liễu
Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn