KỶ NIỆM SINH NHẬT LẦN ĐẦU TIÊN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Thứ tư - 17/05/2023 15:34

Ngày 19/5 hàng năm là dịp để toàn thể nhân dân Việt Nam kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ tài ba, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới và hơn hết, Người chính là vị cha già kính yêu của dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 133 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), chúng tôi xin chia sẻ câu chuyện về sinh nhật lần đầu tiên của Người theo lời kể của Cụ Vũ Đình Huỳnh, nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trong hồi ký “Tháng Tám cờ bay” đăng trên báo Văn nghệ tháng 10/1993.

Kỷ niệm sinh nhật lần đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 18 tháng 5, Bác bước vào phòng tôi, bảo:

- Này, chú thông báo cho các vị trong Chính phủ biết ngày mai sinh nhật tôi. Đừng quên gọi các cháu thiếu nhi đến chơi với tôi nhé!

Tôi sửng sốt nhìn Bác. Con người rất mực khiêm tốn, thế mà đùng chỉ thị cho tôi tổ chức sinh nhật cho chính mình? Tôi toan hỏi Bác, nhưng Bác đã quay ra. Dừng lại ở cửa, Bác dặn thêm:

- Báo cho các anh ở Trung ương và các đoàn thể biết luôn mai kỷ niệm sinh nhật tôi.

Tôi gọi dây nói đi các nơi bàn về việc tổ chức sinh nhật Bác. Những nơi cần báo mà không có dây nói thì phải cử người đi đến tận nơi. Mọi người cằn nhằn với tôi về chuyện nước đến chân mới nhảy. Anh Trường Chinh cho rằng tôi đã được biết sinh nhật Bác mà không nói trước. Tuy nhiên, rồi người nọ báo thêm cho người kia, cho nên cả những người tôi quên rồi cũng được biết vào chiều ngày 18.

Hôm sau, cả Hà Nội sáng lên màu cờ, biểu ngữ nói lên ý chí giành độc lập và chúc mừng Bác. Nhìn ra ngoài đường, tôi thấy anh em thợ điện tíu tít bắc thang chăng đèn kết hoa. Lễ mừng sinh nhật Bác được tổ chức vào tối hôm đó, tại Bắc Bộ phủ. Không khí ngày hội chảy tràn trên phố phường, tới tận hang cùng ngõ hẻm. Từng đoàn người biểu tình tuần hành trên các đường trung tâm hô vang khẩu hiệu chúc thọ Bác và các khẩu hiệu cách mạng khác. Các cháu thiếu nhi ăn mặc quần áo đẹp, gõ trống ếch ca hát quanh Bắc Bộ phủ.

Cũng ngày hôm đó, vào buổi tối, tôi có nhiệm vụ phải tổ chức đón tiếp Cao uỷ Georges Thierry d'Argenlieu và ông Jean Sainteny, cũng tại Bắc Bộ phủ. Georges Thierry d'Argenlieu từ Hải Phòng lên, Jean Sainteny ở sẵn Hà Nội, hai người sẽ tới chào xã giao Hồ Chủ tịch. Thì ra Bác đã tính toán trước tất cả. Nếu họ tới mà không có sự đón tiếp nồng nhiệt thì không ra sao, sẽ có hại cho mối quan hệ vốn dĩ đã căng thẳng, nhưng nếu phải đón tiếp họ tưng bừng thì mình lép vế quá. Thế là ngày sinh nhật Bác được thông báo.

Georges Thierry d'Argenlieu và Jean Sainteny tới Bắc Bộ phủ với gương mặt rạng rỡ. Chắc hẳn ông đô đốc nghĩ rằng không khí hội hè ở Hà Nội mà ông thấy là dành cho ông. Ở Bắc Bộ phủ, họ gặp nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Việt Nam hơn là trong một cuộc đón tiếp bình thường, có cả các cháu thiếu nhi vẫy cờ và hoa. Cuộc thăm viếng xã giao vô hình chung biến thành cuộc đến chúc mừng nhân ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Điều mà tôi tin là đối với Bác, ngày sinh của mình cũng phải là một ngày phục vụ được lợi ích của cách mạng”.

Song song đó, vào lễ kỷ niệm sinh nhật đầu tiên tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô tự vệ, hướng đạo và hơn năm mươi đại biểu Nam bộ đến chúc mừng ngày sinh của Bác. Bác tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy”.
 

nhung mau truyen ve sinh nhat bac ho thumbnail 885962

Bác Hồ với thiếu nhi


Cũng chính ngày này, lực lượng thanh niên Thủ đô đã tuần hành thị uy chúc thọ Bác Hồ. Việc đó làm cho các đại biểu Đồng minh thấy rõ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong lời phát biểu của Bác đã đáp lại lòng kính mến của đồng bào: “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào đó biết đến ngày sinh của tôi mà đem ra làm rộn đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc…”.

Đồng thời, trong ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số đoàn thể đến chúc mừng sinh nhật Người.

Khi nghe giới thiệu có Ủy ban Đời sống mới đến chúc thọ, Bác liền hỏi các đại biểu của Ủy ban:

- Đời sống mới là ai? - Chú cho tôi biết cuộc vận động đời sống mới đến đâu rồi?

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thay mặt Đoàn thưa với Bác:

- Chúng tôi đã bắt đầu bằng sự chia ra các ban nghiên cứu, tổ chức… Nhưng công việc chính là định rõ cái hướng cho đời sống mới. Mấy khẩu hiệu “cần, kiệm, liêm, chính” chúng tôi xét ra vừa không đủ, vừa cổ…

- Cổ! Lạ quá, thế cơm các cụ ăn ngày xưa, bây giờ ăn cũng cổ à? - Bác tranh luận.

Không khí buổi chúc mừng sinh nhật Bác trở nên náo nhiệt, vui vẻ.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng liền thưa:

- Ủy ban vận động đời sống mới đã định rõ ba nguyên tắc cho đời sống mới là: Dân tộc, dân chủ, khoa học.

Bác liền nói:

- Hay lắm, nhưng mình phải xem đồng bào bây giờ cần gì? Dân quê đã mấy người hiểu được thế nào là dân chủ, khoa học? Tôi hỏi chú, chú đi vận động đời sống mới thì chú làm gì trước?

Mọi người nhìn nhau, bối rối trước câu hỏi của Bác. Bác liền lấy tay vỗ vào bụng và nói:

- Trước hết là cái này. Dân chúng cần cái này trước hết, phải ăn đã, chú không ăn gì thì chú đi tuyên truyền được không? Mà muốn ăn thì phải làm gì? Phải làm việc phải siêng năng, thế là “cần” đấy.

Bác cũng nhắc nhở: Muốn cho cuộc vận động được thực hiện được đến nơi đến chốn và có kết quả thì khẩu hiệu phải thiết thực, người đi vận động quần chúng phải làm gương.

 

Qua câu chuyện, chúng ta thấy rằng trong suốt cuộc đời mình dù trên cương vị là Chủ tịch nước, nhận trọng trách do nhân dân tín nhiệm nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sống thật giản dị, khiêm tốn và tình cảm. Người không coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người chiến sĩ cách mạng, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân. Nhân cách, đạo đức, sự cao thượng ấy của Người mãi mãi trở thành tấm gương sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và noi theo./.

 

Tác giả bài viết: Phòng BTDT&TTTL (TH)

Nguồn tin: BQL các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây