NGUYỄN ÁI QUỐC VỚI CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ Ở CĂN CỨ ĐỊA CAO BẰNG

Thứ hai - 20/07/2020 09:53

Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, trước sự biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới và trong nước, nhận thấy có cơ hội giải phóng dân tộc đang đến, nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc, phát xít và tay sai. Nguyễn Ái Quốc quyết định về nước, gấp rút chuẩn bị lực lượng mọi mặt đón thời cơ khởi nghĩa. Thấm nhuần tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa kinh nghiệm đấu tranh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, kinh nghiệm của các nước, căn cứ vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: con đường đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước không có con đường nào khác là khởi nghĩa có vũ trang, và một trong những bước đi đầu tiên của con đường ấy là xây dựng căn cứ địa cách mạng (1).

Tháng 10/1940, sau khi lựa chọn, xem xét, tính toán kỹ lưỡng các điều kiện tự nhiên và xã hội, đồng chí Nguyễn Ái Quốc quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng khu căn cứ cách mạng đầu tiên, từ đó mà chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước (2).

Nhận thức rõ vai trò của cán bộ trong công cuộc vận động giải phóng dân tộc nói chung và công cuộc xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng nói riêng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú trọng công tác cán bộ (cả cán bộ chính trị, cán bộ quân sự). Cuối năm 1940, trên đường về nước Người chỉ thị cho tất cả cán bộ của ta đang hoạt động ở nước ngoài phải nhanh chóng về nước gấp rút xây dựng phong trào, đón thời cơ khởi nghĩa. Người được biết có có hơn 40 cán bộ Cao Bằng đang hoạt động tại Trịnh Tây (Trung Quốc). Nhận thấy đây là điều kiện thuận lợi cho việc vận động xây căn cứ địa cách mạng và phong trào quần chúng trong nước, Nguyễn Ái Quốc cử các đồng chí Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng đến liên hệ với số thanh niên này và “tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó đưa anh em về nước mở rộng phong trào Cao Bằng và tổ chức đường liên lạc về nước” (3). Người chỉ thị “phải làm thế nào đưa tất cả số anh em sang đây về nước được cả, không để sót một ai. Nhưng muốn về được phải có cán bộ lãnh đạo tốt việc ra về” (4). Đầu tháng giêng năm 1941, Nguyễn Ái Quốc cùng các cán bộ Trung ương Đảng và nhóm thanh niên Cao Bằng rời Trịnh Tây về Cao Bằng hoạt động. Cao Bằng thực sự trở thành căn cứ địa đầu tiên của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực tế lịch sử của phong trào cách mạng nhiều tỉnh vùng trung du và thượng du miền Bắc nước ta trong những năm tiếp theo đã chứng thực tính toán thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Trước khi vượt biên giới về nước, Nguyễn Ái Quốc dừng chân tại hai làng Nặm Quang và Ngàm Tảy (Trịnh Tây, Trung Quốc) để mở lớp huấn luyện, đào tạo cấp tốc cho số cán bộ, đảng viên Cao Bằng. Lớp huấn luyện diễn ra trong thời gian ngắn khoảng 1 tuần và trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng được sự giảng dạy trực tiếp của các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng… nên hơn 40 cán bộ Cao Bằng đã nhanh chóng nắm được phương pháp tổ chức, lãnh đạo các đoàn thể quần chúng, cách thức tuyền truyền, vận động, huấn luyện và đấu tranh, lớp học bế mạc ngày 26/01/1941. Để thực hiện lớp huấn luyện, đào tạo này, Người biên soạn tài liệu huấn luyện, sau được in thành sách "Con đường giải phóng". Nội dung gồm: Đường lối, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới; chủ trương, nhiệm vụ, hình thức tổ chức, phương thức hoạt động, phương pháp công tác của cán bộ Mặt trận Việt Minh, đây là lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên cho phong trào Việt Minh ở Cao Bằng. Sau khi được huấn luyện 40 cán bộ với nhiệt huyết cách mạng sôi sục lại được trang bị những kiến thức tiến hành cách mạng đã được đưa trở lại quê hương gây dựng những đoàn thể cứu quốc đầu tiên của cả nước. Cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Ái Quốc với hơn 40 thanh niên cán bộ, đảng viên Cao Bằng đang hoạt động tại Trịnh Tây (Trung Quốc) đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc “hội ngộ” lịch sử giữa lãnh tụ của cách mạng Việt Nam với một phong trào cách mạng sâu rộng đang gặp nhiều khó khăn đòi hỏi có sự dẫn dắt để vững bước đi lên.

Sau ngày 28/01/1941 (mùng 2 tết Tân Tỵ) Nguyễn Ái Quốc cùng Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba… rời đất Trung Quốc qua cột mốc biên giới số 108 về Pác Bó, Cao Bằng bắt tay vào công cuộc giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Với sự có mặt và hoạt động của Nguyến Ái Quốc cùng những người đồng chí hướng, miền rừng núi Pác Bó, Cao Bằng hẻo lánh đã trở thành cái nôi đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi về đến đất Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng), công việc đầu tiên và hết sức quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển về sau của cách mạng là xây dựng căn cứ địa, trong đó lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, vì đây là lực lượng lãnh đạo cách mạng, là lực lượng của khối đại đoàn kết toàn dân, là nhân tố chủ yếu đảm bảo cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc giành thắng lợi. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chăm lo, huấn luyện một đội ngũ cán bộ vững mạnh, lấy đó làm hạt nhân để gây dựng phong trào. Người còn chỉ thị cho các đồng chí Trung ương cùng hoạt động với Người phải hết sức quan tâm đến công tác này.

Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã nêu rõ: “việc đào tạo cán bộ nay đã thành công tác gấp rút, không thể bỏ qua một giờ phút.Tất cả các cấp bộ chỉ huy của Đảng phải đặc biệt chú ý công tác này. Những cấp bộ ấy phải mau mau tìm ta những đảng viên trung thành… có năng lực sáng tạo lập ra các lớp huấn luyện. Sự huấn luyện bằng miệng cũng chưa đủ, lại phải dìu dắt các đồng chí ấy trong công tác hàng ngày giữa quảng đại quần chúng… phải làm cho các đồng chí ấy tiến cả về mặt lý thuyết lẫn thực hành công tác… dù phải đình đốn rất nhiều ngành khác, về việc đào tạo các cán bộ cũng không thể sao nhãng được… làm sao cho đủ năng lực lãnh đạo cuộc cách mạng Đông Dương đi đến toàn thắng” (5). Người khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc… huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng (6). Sau này trong quá trình chỉ đạo công cuộc xây dựng căn cứ địa, Người lại nhấn mạnh “phong trào có lúc lên, lúc xuống, nếu có được đội ngũ cán bộ, cán bộ trong Đảng và cán bộ ngoài Đảng, có được một đội ngũ cán bộ cốt cán thì lúc phong trào lên sẽ tốt, lúc khó khăn phòng trào xuống cũng vững vàng thôi. Vì vậy phải hết sức chú trọng cán bộ”. (7)

Tại Pác Bó, mặc dù bận nhiều công viêc chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc vẫn dành nhiều thời gian, công sức quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho tỉnh Cao Bằng. Mỗi lần nghe các đồng chí đi làm nhiệm vụ về báo cáo, Người thường hỏi “đã được bao nhiêu cán bộ, bao nhiêu phần tử trung kiên, đã chọn được bao nhiêu người tốt để tổ chức vào Đảng”.(8) Trong công tác cán bộ, Người rất chú trọng đến lực lượng thanh niên, Người nói “phải hết sức chú trọng công tác bộ, nhất là thanh niên, cả trai lẫn gái”. (9) Cao Bằng là một tỉnh mà đa số dân cư là đồng bào dân tộc ít người, do đó việc đào tạo cán bộ người dân tộc là việc làm quan trọng, vừa thuận lợi cho việc phát triển phong trào, vừa tạo được sự bình đẳng, tình đoàn kết vững chắc giữa các dân tộc, trước hết là giữa các cán bộ trong Đảng, trong đoàn thể. Nắm được vấn đề quan trọng này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chỉ thị “phải biết quý trọng dân, quý trọng cán bộ dân tộc ít người”. (10)

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng cách mạng của V.I.Lênin “không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”, (11) đồng chí Nguyễn Ái Quốc quan tâm hàng đầu tới việc đào tạo một đội ngũ cán bộ nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng chính sách của Mặt trận Việt Minh, trang bị cho họ cả về lý luận và phương pháp công tác, đó là những “cẩm nang thần kỳ” giúp cho họ có năng lực hoạt động. Người cũng đặc biệt quan tâm bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ. Người nói “muốn làm công tác tốt … thì mỗi cán bộ phải xây dựng tu dưỡng cho mình đạo đức cách mạng” (12) “phải làm cho dân tin, dân yêu, dân phục” (13). Theo Người, cán bộ tốt là người phải gương mẫu chịu hy sinh gian khổ, đi đầu trong mọi khó khăn, không tự kiêu, tự mãn, phải là một người hết lòng vì dân, vì nước, biết kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, dân tộc với lợi ích của gia đình…

Với nhãn quan chính trị, với tầm nhìn xa trông rộng và kinh nghiệm thực tiễn hoạt động, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thấy trước những khó khăn của công cuộc xây dựng lực lượng cách mạng trong cả nước cũng như ở Cao Bằng. Do đó công tác đào tạo cán bộ, Người rất chú trọng việc tạo dựng một đội ngũ trung kiên để “phòng khi nước xuống”. Người nói, “phong trào cách mạng như nước thủy triều … trung kiên như hàng cọc, cọc có vững chắc thì mới giữ được phù sa”(14). Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ trung kiên, Người chỉ thị cho Đảng bộ Cao Bằng “có một trăm người thì phải cố gắng chọn lấy ba trung kiên không thì một cũng được nhưng phải chọn người thật tin cậy, thật trung thành” (15). Nhưng chọn trung kiên phải theo từng thời kỳ, mỗi lần bị khủng bố là mỗi lần sàng lọc trung kiên và điều quan trọng là phải rèn luyện trung kiên… trong thực tế đấu tranh” (16).

Trong khi rất coi trọng công tác cán bộ về mặt tư tưởng, lý luận, đồng chí Nguyễn Ái Quốc còn trực tiếp bắt tay vào công việc đào tạo đội ngũ cán bộ kiên trung làm nòng cốt cho phong trào. Ngoài 40 cán bộ được huấn luyện tại Nặm Quang, Ngàm Tảy trước khi vượt biên giới, khi ở Pác Bó (Hà Quảng) cũng như lúc ở Hòa An hoặc Nguyên Bình, Người còn mở nhiều lớp đào tạo cán bộ các cấp, những lớp huấn luyện chính trị, quân sự ngắn ngày cho cán bộ các địa phương. Đặc biệt trong tháng 5 và tháng 6 năm 1942 tại hai địa điểm là hang Pó Tháy (còn gọi là hang Lênin) ở Lũng Hoài thuộc xã Phúc Tăng khu Lam Sơn (nay là xã Hồng Việt, huyện Hòa An) và hang Kéo Quảng (còn gọi là hang Các Mác) thuộc tổng Ngần xã Gia Bằng (nay là xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã mở hai lớp huấn luyện cho 20 đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh và các châu tỉnh Cao Bằng, thời gian mở lớp khoảng một tuần. Các lớp học thường mở vào ban đêm, không đèn, không sách vở, giấy tờ, giảng viên và học viên ngồi quây quần bên bếp lửa với những phương pháp truyền thụ vừa cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ vừa toàn diện, đầy đủ và sâu sắc, các cán bộ Cao Bằng đã nhập tâm nhanh chóng những lời Người dạy rồi quay về lăn lộn với phong trào. Số lượng cán bộ tham gia huấn luyện ngày càng đông “trường học cách mạng” độc đáo giữa rừng đã góp phần quan trọng, cung cấp kịp thời cán bộ cho phong trào.

Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám, theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhiều cán bộ ưu tú của Đảng như đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng, Cao Hồng Lĩnh… tiếp tục đến Cao Bằng hoạt động. Các đồng chí đã tích cực tham gia vào công tác đào tạo cán bộ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã mở 3 lớp huấn luyện cán bộ ở Nguyên Bình. Tại Hòa An mở 6 lớp đào tạo cán bộ Việt Minh cho phòng trào Hoà An và các địa phương khác trong tỉnh cũng được liên tiếp tổ chức. Sau đó cũng thực hiện chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã chọn 10 thanh niên Cao Bằng đi học lớp “Đệ tứ chiến khu vô tuyến điện, điệp báo ban” tại Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Thời gian học một năm, mãn khóa về nước tham gia cao trào tổng khởi nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, vơi sự giúp đỡ của các cán bộ Trung ương, sự hoạt động tích cực của Đảng bộ Cao Bằng, công tác cán bộ đạt nhiều kết quả. Chỉ tính từ tháng 6 năm 1941 đến tháng 4 năm 1942 ở Cao Bằng đã có 300 cán bộ được bồi dưỡng, huấn luyện. Từ những hạt giống này, các cơ sở cách mạng, các tổ chức cứu quốc nhanh chóng phát triển khắp địa phương trong tỉnh.

Để chuẩn bị cho lực lượng vũ trang, đội tự vệ, đội du kích và quân đội cách mạng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị cho tỉnh ủy Cao Bằng chọn các hội viên cứu quốc tích cực khỏe mạnh, có năng lực đi học dài hạn ở Trung Quốc. Tỉnh ủy Cao Bằng đã chọn 42 người ở huyện Hòa An, 22 người ở Hà Quảng và 2 người ở Nguyên Bình. Gần 70 cán bộ này được học quân sự từ tháng 4 năm 1941 đến tháng 10 năm 1944 tại các trường quan sự ở Tĩnh Tây, Điền Đông (Quảng Tây) với nhiều môn học quân sự khác nhau (bộ binh, trinh sát, bộc phá…). Đây là những hạt nhân quan trọng trong lực lượng vũ trang ở Cao Bằng cũng như của căn cứ địa cách mạng Cao – Bắc – Lạng hay của khu giải phóng sau này. Một số học viên cán bộ này, tháng 12 năm 1944 được chỉ định vào Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 10 năm 1941, đội du kích tập trung đầu tiên được thành lập tại Pác Bó.

Mặc dù bận nhiều việc nhưng đồng chí Nguyễn Ái Quốc vẫn dành thời gian trực tiếp đến giảng bài, ở nhiều lớp huấn luyện quân sự, Người giới thiệu kinh nghiệm đánh du kích của Liên Xô, Trung Quốc và vận dụng kinh nghiệm đó vào hoàn cảnh nước ta, nhờ đó mà phong trào học tập quân sự được đẩy mạnh khắp tỉnh Cao Bằng, các lớp quân sự ngắn hạn, trung hạn được mở liên tiếp. Trước sự phát triển đó, Tỉnh ủy Cao Bằng đã tổ chức một cuộc biểu dương lực lượng (8/1943) diễn tập quân sự tại Sĩ Điếng (Nà Sác, Hà Quảng) rồi Hòa An, cuối năm 1943 với 1.000 chiến sỹ tự vệ tham gia.

Tháng 6 năm 1943. Các lớp “quân chính” bắt đầu được triển khai hoạt động: khóa I mở tại Pác Bó với 40 học viên, khóa II ở U Mả (Hòa An) có 100 học viên, khóa III tại Nguyên Bình có 30 học viên, khóa IV tại Hà Quảng dành riêng cho cán bộ Cao – Bắc – Lạng, chương trình chủ yếu theo sách huấn luyện du kích của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Tất cả những học viên này sau khi mãn khóa lại tiếp tục mở lớp cho các cơ sở. Tỉnh ủy Cao Bằng cũng tổ chức một số lớp huấn luyện về Chương trình Việt Minh, các hội cứu quốc đặc biệt trong vùng dân tộc Mông. Nhiều tài liệu được dịch ra tiếng dân tộc theo lối “tam tự kinh, ngũ tự kinh”, ca dao để đồng bào dễ học, dễ thuộc. “Việt Minh ngũ tự kinh” của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được dịch ra tiếng Tày, Dao. Cuối tháng 9 năm 1944, từ Trung Quốc về tới Pác Bó, để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam). Người đã nêu rõ những nguyên tắc việc thành lập Đội. Người đã biên soạn tài liệu quân sự, chính trị nhằm giáo dục, huấn luyện cho Đội và chủ trương mà Người đề ra để xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang của Việt Nam. Thực hiện chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức và lãnh đạo được thành lập. Trong số 34 chiến sỹ của đội có 25 người con của Cao Bằng và chính trị viên của Đội là đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch). Lực lượng vũ trang Cao Bằng thực sự đã có đóng góp quan trọng vào việc thành lập đội tiền thân của quân đội Việt Nam.

Các lớp học, các khóa học được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện ở Ngàm Tảy, Nặm Quang (Trịnh Tây, Trung Quốc), ở Pác Bó (Hà Quảng), ở Lam Sơn (Hòa An)… Người đã thể hiện phương pháp truyền thụ đặc sắc dù lớp học dài ngày hay ngắn ngày, nhiều hay ít học viên, Người luôn chuẩn bị kỹ nội dung huấn luyện, nắm chắc tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của phong trào cách mạng, hiểu rõ trình độ học viên, nội dung bài giảng thiết thực, bổ ích, phù hợp, đạt hiệu quả huấn luyện cao “học viên nghe đến đâu, hiểu đến đấy, giản dị mà sâu sắc, dễ nhớ, lại sáng tỏ như có đèn rọi vào trong tim óc” (17). Những vấn đề trìu tượng, phức tạp, Người diễn giải với hình thức giản dị, dễ hiểu, bằng những hình ảnh quen thuộc như cách nói của nhân dân lao động, phù hợp với các đối tượng học viên có trình độ nhận thức khác nhau. Người chú ý lý luận liên hệ với thực tiễn, học kết hợp chặt chẽ với vận dụng, học đến đâu vận dụng đến đấy. Sau mỗi bài giảng, mỗi khóa học, Người thường hỏi học viên: học xong về địa phương làm gì? Bước I thế nào? Bước II thế nào?... Trong nội dung huấn luyện, Người thực hiện từng bước, từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ những mục tiêu đấu tranh trước mắt đến mục đích cao cả, lâu dài. Vì vậy trong lớp có học viên mới biết chữ, có học viên đã là giáo viên nhưng nghe Người giảng, học viên có văn hóa thấp cũng hiểu được vì giản dị, rõ ràng, học viên có văn hóa cao cũng thấy bổ ích vì cô đọng, sâu sắc. Người không chỉ chú trọng giáo dục, đào tạo cán bộ ở trên lớp mà còn được tiến hành một cách thương yêu trong công tác, trong sinh hoạt hàng ngày, sự gương mẫu trong hành động. Qua đó mà người cán bộ được bồi dưỡng về ý thức làm việc có kế hoạch, về tinh thần phấn đấu không mệt mỏi vì lý tưởng, về tinh thần cảnh giác cách mạng, về công tác quần chúng, về tình thương yêu đối với cán bộ và nhân dân. Đối với học viên, Người yêu cầu phải giữ vững những vấn đề thuộc về nguyên tắc, kiên trì thực hiện bằng được những mục tiêu đề ra. Theo phong tục tập quán và tính cách con người vùng đồng bào thiểu số, Người đề nghị học viên sau khi bế mạc lớp học về địa phương công tác phải chích máu ăn thề chiến đấu, hy sinh cho quê hương, đất nước, thủy chung, son sắc với đồng chí, đồng bào.

Những người cán bộ được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện hoặc được sống gần Người một thời gian đều thấy mình trưởng thành rất nhiều về sự hiểu biết, về trình độ, về khả năng công tác và về đạo đức cách mạng. Những cán bộ được Người đào tạo, bồi dưỡng trở về địa phương, lăn lộn trong quần chúng, đưa quần chúng vào các tổ chức cách mạng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, đường lối, chính sách của Đảng, của Mặt trận Việt Minh đã nhanh chóng được tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân các dân tộc từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng thấp đến vùng cao.

Thời kỳ lịch sử đặc biệt 1941 - 1945 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hoạt động tại Cao Bằng chắc còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ, nhưng rõ ràng, sự thành công của công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một thắng lợi quan trọng của sự chỉ đạo thực tiễn tài tình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với những chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn, sáng tạo. Các cán bộ, đảng viên và quần chúng được tôi luyện về cả lý luận và thực tiễn là cơ sở quan trọng để thu hút quần chúng, thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên những bước vững chắc, thành công của công cuộc xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng, thắng lợi vẻ vang của cách mạng Tháng Tám ở địa phương đã khẳng định vai trò to lớn của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong việc chỉ đạo mọi mặt công cuộc xây dựng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng nói chung và trong việc chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ Cao Bằng nói riêng.

Đội ngũ cán bộ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo và huấn luyện tại Cao Bằng trong những năm 1941 - 1945 đã sớm trưởng thành, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, có nhiều công hiến xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến và xây dựng đất nước sau này./.

Chú thích:

(1). Đỗ Quang Hưng “Mùa xuân năm 1940 trở về Tổ quốc - một quyết định sáng suốt của Bác Hồ”, báo Quân đội nhân dân, số Xuân Giáp Tuất 1994.

(2) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 2 tr104.

(3) Võ Nguyên Giáp, Từ nhân dân mà ra, Nxb Quân đội nhân dân, H, 1969, tr33.

(4) Võ Nguyên Giáp, Từ nhân dân mà ra, Sách đã dẫn, tr32,33.

(5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, Tập 7, tr133, 136,137

(7)  Võ Nguyên Giáp, Lời Bác dặn từ trước Tổng khởi nghĩa, tạp chí Lịch sử Đảng, số 6-1990, tr2.

(8) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, 1977, tr87.

(9) Võ Nguyên Giáp, Lời Bác dặn từ trước Tổng khởi nghĩa, Sách đã dẫn, tr2

(10) Đầu nguồn, Hồi ký về Bác Hồ, 1975, tr308.

(11) V.I.Lênin, Tuyển tập, quyển I, phần I, Nxb Sự thật, H, tr20.

(12) (13) (10) Đầu nguồn, 1975, tr379, 385.

(14) Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, 1977, tr87.

(15) (16) Đầu nguồn, Hồi ký về Bác Hồ, 1975, tr184, 185.

(17) Vũ Anh, Từ Côn Minh về Pác Bó, Nxb Văn học, H, 1975, tr148.

Tác giả bài viết: ThS. Nông Thị Ngọc Hà - Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, Cao Bằng

Nguồn tin: Tham luận tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 77 năm Bác Hồ về nước: 28/01/1941 - 28/01/2018

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn cần trở thành thành viên của nhóm để có thể bình luận bài viết này. Nhấn vào đây để đăng ký làm thành viên nhóm!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây