NGUYỄN ÁI QUỐC VỚI VIỆC LỰA CHỌN PÁC BÓ - CAO BẰNG, ĐỂ XÂY DỰNG CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN CỦA CẢ NƯỚC

Thứ hai - 20/07/2020 09:43

Tại sao Nguyễn Ái Quốc lại chọn Pác Bó - Cao Bằng làm nơi ở và hoạt động để chỉ đạo cách mạng cả nước?

Việc Nguyễn Ái Quốc chọn Pác Bó - Cao Bằng để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng hoàn toàn không phải tình cờ, ngẫu nhiên mà là một sự tính toán kỹ lưỡng liên quan tới việc phát triển phong trào cách mạng của cả nước;

Cao Bằng là một tỉnh miền núi giáp với biên giới Trung Quốc, gần với các cơ sở cách mạng của Người Việt Nam ở Trung Quốc, là một tỉnh sớm có phong trào cách mạng đã có bước phát triển đáng kể, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống lại ách áp bức bóc lột của thực dân Pháp đã tương đối phát triển và thu được nhiều kết quả. Ngay từ khi chuẩn bị về nước hoạt động, Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: "Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra nhiều triển vọng lớn lao cho cách mạng nước ta, Cao Bằng có phong trào cách mạng tốt từ trước lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc với Quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được, có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ".

Mùa xuân này, Đảng ta vừa tròn 88 tuổi, thì Đảng bộ Cao Bằng cũng rất vinh dự tự hào được 88 tuổi. Như chúng ta đã biết, sau cuộc cách mạng "Xô Viết nghệ tĩnh" mặc dù giữa năm 1931 trở đi phong trào có nơi tạm lắng xuống, nhưng phong trào cách mạng ở Cao Bằng vẫn được giữ vững và phát triển không ngừng, song song với việc phát triển Đảng ra các huyện Hòa An, Hà Quảng, Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Quảng Uyên, Thạch An, Nguyên Bình.... Các tổ chức quần chúng thanh niên cộng sản đoàn, nông hội đỏ, công hội đỏ... cũng được xây dựng; các hình thức đấu tranh cách mạng công khai và bí mật, hợp pháp và nửa hợp pháp rất phù hợp với trình độ quần chúng lúc bấy giờ đã được đông đảo quần chúng hăng hái tham gia. Trong phong trào cách mạng ấy, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã xuất hiện Người con ưu tú của mình, đồng chí Hoàng Đình Giong người đảng viên thuộc các dân tộc thiểu số đầu tiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ nhất tại phố Quan Công, Ma Cao, Trung Quốc tháng 3/1935; cũng năm ấy đồng chí Hoàng Văn Nọn (Tố Hưu) được chọn là đại biểu cho các dân tộc thiểu số Đông Dương chống áp bức cùng với đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai đi dự Hội nghị Quốc tế cộng sản lần thứ VII tại Mat- scơ-va vào tháng 7 năm 1935. Tại Mat- scơ-va đồng chí Tố Hưu đã được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giáo dục và bồi dưỡng, hơn nữa mối quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc và Hoàng Văn Nọn một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Cao Bằng trong thời gian diễn ra Hội nghị VII quốc tế cộng sản, cũng đóng một vai trò nhất định trong việc Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng là nơi đầu tiên Người về nước. Từ năm 1936 -1939 phong trào cách mạng ở Cao Bằng được phát triển khá mạnh; Hội tương tế truyền bá quốc ngữ, việc phổ biến sách báo tiến bộ, hội đá bóng, phong trào chuẩn bị Đông Dương Đại hội... được hoạt động công khai và khá rầm rộ. Đặc biệt cuộc mít tinh đón Stanh -ga -đa (tháng 2/1937) đã lôi kéo 2000 người tham gia đòi bớt phu, giảm thuế và một số quyền tự do dân chủ, cuộc biểu tình của 200 đồng bào Mèo, Dao tháng 5/1938 kéo về thị xã đòi giảm phu, giảm thuế .. đã làm cho thực dân Pháp khiếp sợ, chúng ra sức khủng bố, bắt bớ các chiến sĩ cách mạng đi tù đầy ở các nhà tù Sơn La, Bắc Mê, Côn Lôn, Ma đagascar (Châu Phi).  Vào cuối năm 1939 đầu năm 1940 thực dân Pháp và tay sai ra sức khủng bố phong trào cách mạng, phá các cơ sở cách mạng ở Hòa An, Hà Quảng, Thạch An và các châu khác trong tỉnh, trước tình thế đó một số cán bộ đảng viên Châu Hòa An, Hà Quảng bị lộ và được sự đồng ý của cấp ủy đã vượt biên ra nước ngoài hơn 40 người, số đồng chí thoát ly ra nước ngoài không phải chỉ tránh sự truy nã của địch mà còn có nhiệm vụ tìm cách bắt liên lạc với tổ chức đảng cấp trên ở nước ngoài để nắm tình hình và chủ trương của Đảng trong tình hình mới.

Cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Ái Quốc và hơn 40 thanh niên Cao Bằng đang hoạt động tại Tịnh Tây - Trung Quốc đánh dấu sự khởi đầu cho sự hình thành căn cứ địa cách mạng Việt Nam trên đất Cao Bằng. Người chỉ thị: "phải làm thế nào đưa tất cả số anh em sang đây về nước được cả, không bỏ sót một ai nhưng muốn về được phải có cán bộ lãnh đạo tốt việc ra về". Trước khi về nước, Nguyễn Ái Quốc dừng chân tại hai làng Nặm Quang và Ngàm Tảy (Tịnh Tây-Trung Quốc) để mở lớp huấn luyện, đào tạo cấp tốc cho số cán bộ Đảng viên Cao Bằng, lớp huấn luyện chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng được sự giảng dạy trực tiếp của các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp nên hơn 40 cán bộ Cao Bằng đã nhanh chóng nắm được phương pháp tổ chức, lãnh đạo các đoàn thể quần chúng, cách thức tuyên truyền, vận động, huấn luyện và đấu tranh, lớp học bế mạc ngày 26/1/1941.

Sáng ngày 28/1/1941 (mừng 2 tết Tân Tỵ) Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đào Thế An, Hoàng Văn Lộc, Đặng Văn Cáp đi từ thôn Nặm Quang đến xóm Pỏ Ván (Trung Quốc) vượt qua cột mốc biên giới 108 về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sau 30 năm kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về tổ quốc, bắt tay vào công cuộc chuẩn bị giành lại độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân.

Pác Bó là một khu vực nằm sát biên giới Trung Quốc, ở đây núi rừng trùng điệp, hiểm trở nhưng lại tiện đường liên lạc ra nước ngoài, tỏa đi căn cứ địa Việt Bắc nối liền với các vùng khác trong nước. Trước kia nhân dân ở đây ngoài việc bị bọn thực dân phong kiến áp bức bóc lột nặng nề còn bị tệ nạn thổ phỉ cướp bóc liên miên, đời sống vô cùng khổ cực. Do đó từ ngày có cách mạng, có Đảng họ rất hăng hái tham gia, đầy nhiệt tình ủng hộ, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng và tài sản để bảo vệ Đảng, nuôi dưỡng cán bộ; vì vậy trong thời kỳ bí mật Pác Bó đã trở thành một trong những cơ sở vững chắc của phong trào cách mạng tỉnh Cao Bằng. Chính vì những lẽ đó cách đây 77 năm ngày 28/1/1941, một ngày đầu xuân lịch sử đáng ghi nhớ, Pác Bó mảnh đất thân yêu của Tổ quốc có vinh dự lớn là nơi đầu tiên thay mặt nhân dân cả nước được đón tiếp lãnh tụ  Nguyễn Ái Quốc về nước. Ngay từ khi từ nước ngoài về Pác Bó Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay ngay vào việc xây dựng Cao Bằng thành căn cứ đại cách mạng cả nước. Nguyễn Ái Quốc cùng với Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo và triển khai rất nhiều công việc quan trọng, nhưng trong khuôn khổ của bài tham luận, chúng tôi chỉ đề cập đến một số sự kiện diễn ra tại khu vực Pác Bó, huyện Hà Quảng như:

          - Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII.

          - Nguyễn Ái Quốc với việc xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ.

          - Nguyễn Ái Quốc với việc xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ.

1. Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, quyết định thành lập mặt trận Việt Minh.

Hội nghị Trung ương lần thứ VIII được triệu tập và làm việc từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 tại Lán Khuổi Nặm - Pác Bó. Hội nghị diễn ra trước sự biến chuyển nhanh chóng của tình hình thế giới và của phong trào cách mạng trong nước, trước nhu cầu cấp bách của phong trào cách mạng cần phải có sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, uyển chuyển chiến lược, sách lược cách mạng. Dự Hội nghị có đông đảo các đồng chí lãnh đạo của Đảng; Trường Trinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí kiên, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Vũ Anh, Hồ Xuân Lưu, Chu Văn Tấn, Bùi San...dưới sự chủ tọa của vị lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị đã xác định cuộc cách mạng trước mắt là cách mạng giải phóng dân tộc, các lực lượng cách mạng cần tập trung mũi nhọn vào bọn phát xít xâm lược Nhật-Pháp bởi vì: "Trong lúc này nếu không dòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được". Hội nghị lần này chẳng những đã phát triển và hoàn thiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI và lần thứ VII về vấn đề cách mạng giải phóng dân tộc mà còn khẳng định những chủ trương Nguyễn Ái Quốc đã làm và đang chuẩn bị làm là đúng đắn và sáng suốt như: Chủ trương thành lập mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh; xây dựng căn cứ địa cách mạng; xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang; đẩy mạnh mọi mặt công tác chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị quyết định thành lập mặt trận thống nhất rộng rãi, lấy tên là Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) bao gồm các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc như: Hội công nhân cứu quốc, hội nông dân cứu quốc, hội thanh niên cứu cứu quốc, hội phụ nữ cứu quốc, hội phụ lão cứu quốc, học sinh cứu quốc đoàn, nhi đồng cứu quốc... Mặt trận Việt Minh có nhiệm vụ đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước trong xã hội Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, nam nữ, địa vị xã hội ở cả nông thôn và thành thị trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, tích cực chuẩn bị lực lượng mọi mặt đón thời cơ khởi nghĩa.

Sau Hội nghị Trung ương đảng lần thứ VIII, Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Vũ Anh được Trung ương Đảng phân công phụ trách bộ phận hải ngoại và tỉnh Cao Bằng, bên cạnh Nguyễn Ái Quốc còn có một số cán bộ các cấp của Đảng như đồng chí Tống (Phạm Văn Đồng), đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp), đồng chí Mùi (Hoàng Văn Hoan), đồng chí Sửu (Lê Thiết Hùng), đồng chí Hoàng (Cao Hồng Lĩnh).... cũng được góp phần cùng với Đảng bộ địa phương xây dựng Cao Bằng thành trung tâm căn cứ địa Việt Bắc (1941-1945).

Vậy có thể nói rằng, xuất phát từ quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Trung ương Đảng ta và đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng một cách sáng tạo và thí điểm kết quả trong việc tổ chức mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng để phổ biến kinh nghiệm cho cả nước. Hội Việt Minh đã tập hợp được tất cả các lực lượng cách mạng của quần chúng kể cả dân tộc thiểu số ở vùng xa xôi hẻo lánh đều một lòng quyết tâm thực hiện khẩu hiệu của Đảng "Toàn dân đoàn kết, đánh Nhật đánh Tây, Việt Nam độc lập, dân tộc bình đẳng". Thực tiễn ấy cũng chứng minh rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác trong cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng tháng tám 1945 thành công, nhân dân các dân tộc Pác Bó nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung đã phát huy được đầy đủ khả năng cách mạng to lớn của mình.

Có thể nói rằng từ việc thí điểm tổ chức Việt Minh thành công ở Cao Bằng trước Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5/1941) phong trào Việt Minh ở Cao Bằng đã phát triển mạnh mẽ và trưởng thành một cách nhanh chóng ở hầu hết các xã ở 3 châu Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình; ngày 22 đến 23 tháng 11 năm 1942 tỉnh Ủy Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu Việt Minh toàn tỉnh lần thứ nhất tại thành Nhà Mạc (Lam Sơn-Hòa An) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, để quán triệt sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII về phát triển phong trào Việt Minh, xây dựng và mở rộng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng. Nhìn chung, trong thời kỳ này ở Cao Bằng phong trào Việt Minh phát triển một cách đồng loạt và vững chắc trong phạm vi toàn tỉnh, từ vùng thấp tới vùng cao, từ Cao Bằng phong trào Việt Minh bắt đầu tỏa rộng bám rễ sang các vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang.

 2. Nguyễn Ái Quốc với việc xây dựng Đảng và đào tạo cán bộ

Công tác xây dựng Đảng và đào tạo cán bộ được Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm từ những ngày đầu hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng cuối cùng của đời mình Bác rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ, sự quan tâm ấy được thể hiện rất rõ trong lời nói, việc làm, bài viết cũng như trong các chủ trương đường lối chính sách của đảng, của Bác. Người dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện của cán bộ là công việc gốc của Đảng ta"

Trong thời gian sống ở Pác Bó, một vấn đề lớn mà Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến việc xây dựng đảng và đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ địa phương, vừa từ nước ngoài về nước, ngoài việc tiếp tục chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, Nguyễn Ái Quốc rất chú ý tìm hiểu thêm tình hình Đảng bộ địa phương. Qua kiểm tra Nguyễn Ái Quốc đã cho chỉ thị củng cố và quyết định thành lập lại Ban chấp hành Tỉnh ủy lâm thời để lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh Cao Bằng; từ đó dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Vũ Anh đảng bộ Cao Bằng ngày càng được củng cố vững vàng từng bước tiến lên mạnh mẽ. Vào giữ năm 1941, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy công tác tuyên truyền, phát triển Đảng của cấp ủy huyện Hà Quảng còn lúng túng, chưa thật đảm bảo thủ tục, nguyên tắc. Nguyễn Ái Quốc đã nhận trước chi bộ làm công tác tuyên truyền phát triển đồng chí Dương Đại Lâm vào Đảng. Nguyễn Ái Quốc đã báo cáo kế hoạch công tác phát triển Đảng trước chi bộ, để chi bộ tham gia ý kiến rồi mới tiến hành. Về đến Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc đã có chủ trương:

          - Liên tục mở các lớp huấn luyện để đào tạo và bồi dưỡng cán bộ

          - Nhắc các địa phương thường xuyên mở lớp huấn luyện

          - Rèn luyện những cán bộ xung quanh Bác.

Các lớp huấn luyện tại Pác Bó, có lớp Bác trực tiếp lên lớp, có lớp Bác đến thăm, động viên và nói chuyện, nội dung chương trình thì tùy từng đối tượng, thời gian mà sắp xếp cho thích hợp. Bác rất quan tâm đến phụ nữ như đồng chí Nông Thị Trưng- trong những ngày hoạt động ở Pác Bó được Bác chăm sóc và yêu quý như con, như cháu, bác đã giáo dục và dạy bảo cho đồng chí, sau này đồng chí Trưng đã trở thành cán bộ cốt cán của tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt Bác rất quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ bằng những công tác thiết thực hàng ngày vì vậy tại đất Pác Bó lịch sử này các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan, Lê Thiết Hùng, Cao Hồng Lĩnh...và các đồng chí tỉnh ủy Cao Bằng thường xuyên đến báo cáo công tác và xin ý kiến Bác, mỗi lần nghe xong báo cáo Bác đều hỏi đi hỏi lại nhiều lần để nắm vững tình hình, biểu dương mặt tốt, uốn nắn những lệch lạc, giải đáp những thắc mắc. Bác luôn giáo dục cán bộ: Phải dựa vào "nhân sơn nhân lải" nghĩa là làm cán bộ bí mật không phải chủ yếu dựa vào núi rừng mà phải bám đất, bám dân, gây được nhiều cơ sở cách mạng trong quần chúng tạo thành rừng người, bể người là chỗ dựa vững chắc nhất. Có thể nói rằng bất cứ ở đâu trước tiên là Bác chú ý ngay tới việc xây dựng Đảng và đạo tạo bồi dưỡng cán bộ. Đầu năm 1942 Bác xuống huyện Hòa An kiểm tra công tác, ngoài việc nghe báo cáo, bồi dưỡng thiết thực cho cán bộ hàng ngày Bác còn tranh thủ mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ để đào tạo cán bộ nòng cốt lãnh đạo cao trào Việt Minh ở Cao - Bắc -Lạng những năm 1941-1945.

Ngoài việc bồi dưỡng tình hình nhiệm vụ cách mạng, Bác rất quan tâm rèn luyện cho cán bộ có một đức độ và tác phong công tác tốt, Bác đã rèn luyện và giáo dục cho cán bộ 5 điều nên làm và 5 điều cần tránh của người cán bộ cách mạng.

          + 5 điều nên làm:

          1. Giúp việc thực tế hàng ngày cho dân như xay thóc, giã gạo, lấy củi, gánh nước, chăm sóc trẻ em ...;

          2. Tìm hiểu phong tục tập quán, chấp hành nghiêm túc những kiêng kỵ của địa phương và gia đình mình ở;

          3. Học tiếng địa phương, dạy dân ca hát, dạy chữ cho dân, gây thiện cảm với dân;

          4. Tùy từng điều kiện, từng nơi, từng lúc mà từng bước tuyên truyền cách mạng cho quần chúng;

          5. Làm cho dân thấy mình là người đứng dắn, trọng kỷ luật mà tin ta giúp ta.

          + 5 điều cần tránh:

          1. Không làm gì để thiệt hại đến ruộng rẫy, làm bẩn hoặc hư hỏng đồ đạc của dân;

          2. Không nên năm nỉ mua hoặc mượn những đồ đạc mà nhân dân không muấn bán hoặc không muốn cho mượn;

          3. Không được sai lời hứa;

          4. Không được xúc phạm đến phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân;

          5. Không lộ bí mật.

          3. Nguyễn Ái Quốc với việc xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ

Xuất phát từ lý luận chủ nghĩa Mác- Lê Nin và thực tiễn đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, Nguyễn Ái Quốc và Đảng ta đã xác định: "phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng". Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tháng 5/1941, do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, đã lập ra "Việt Nam nhân dân cách mạng quân". Thực hiện chủ trương ấy, đi đôi với tuyên truyền, vận động phát triển lực lượng chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, Đảng ta và Nguyễn Ái Quốc đã rất coi trọng từng bước xây dựng lực lượng vũ trang. Đối với các lực lượng vũ trang được Nguyễn Ái Quốc đặc biệt quan tâm, cho tổ chức và hoạt động nâng dần từng bước từ thấp đến cao. Ngay khi mới đến Pác Bó Nguyễn Ái Quốc đã cho chủ trương:

          - Cán bộ được trang bị vũ khí và được mua sắm vũ khí;

          - Chọn một số cán bộ Cao Bằng tiếp tục ra nước ngoài học quân sự;

          - Hội Việt Minh phát triển đến đâu thì tổ chức tự vệ và tự vệ chiến đấu đến đấy.

Tháng 10/1941 theo Chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc, đội du kích tập trung đầu tiên được thành lập tại Pác Bó, còn gọi là đội du kích Pác Bó có 5 nhiệm vụ chính:

          - Bảo vệ cơ quan và cán bộ;

          - Vũ trang tuyên truyền cách mạng trong quần chúng;

          - Phụ trách công tác đặc biệt;

          - Làm nòng cốt cho việc xây dựng các lực lượng vũ trang sau này;

          - Giao thông liên lạc đặc biệt.

Ngoài ra Bác còn đưa ra những nguyên tắc cơ bản của người du kích, gồm những điểm chính cơ bản sau: "Người tham gia du kích phải có lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, chiến đấu dũng cảm và quan hệ tốt với quần chúng. Hoạt động du kích phải đảm bảo thật bí mật, bất ngờ, nhanh mạnh, tránh mạnh đánh yếu, các hình thức tác chiến phải linh hoạt, phải tận dụng mọi thứ vũ khí có thể giết được giặc. Người du kích phải dựa vào dân, vì dân và cùng nhân dân đánh địch". Tại Pác Bó đã mở hai lớp quân chính của tỉnh, lớp đầu tiên được Bác đến động viên và chỉ đạo, đồng thời ở các xã cũng được liên tục mở các lớp huấn luyện quân sự cho tự vệ và tự vệ chiến đấu. Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng bộ Cao Bằng đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang. Từ tháng 6/1941 đến 10/1944 Cao Bằng đã chọn cử 68 cán bộ và hội viên cứu quốc tích cực ở Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình theo học các lớp quân sự ở Liễu Châu (Trung Quốc). Có thể khẳng định rằng tại mảnh đất Pác Bó lịch sử này, đội du kích đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập từ cuối năm 1941 do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, giáo dục và rèn luyện đã trở thành nòng cốt để xây dựng các lực lượng vũ trang ra khắp các xã, tổng, huyện trong toàn tỉnh. Đồng thời cũng là tiền thân của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Nhờ sự lãnh đạo tài tình của Đảng, trực tiếp là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh việc chuẩn bị lực lượng vũ trang được chu đáo, xây dựng căn cứ địa cách mạng đón lấy thời cơ, nên sau ngày đảo chính Nhật - Pháp chỉ có 10 ngày Đảng bộ Cao Bằng căn bản đã đánh bại chính quyền Nhật - Pháp ở địa phương, thành lập chính quyền cách mạng ở ba huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình và ba tháng sau căn bản lập xong chính quyền cách mạng toàn tỉnh.

4. Kết luận

Pác Bó xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm nơi ở và hoạt động để chỉ đạo cách mạng của cả nước, đồng thời là nơi Người trực tiếp chỉ đạo xây dựng tỉnh Cao Bằng thành trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc 1941-1945. Nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII tháng 5/1941 do đích thân Nguyễn Ái Quốc chủ trì, đã ra được Nghị quyết vô cùng quan trọng quyết định thành lập mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để phổ biến kinh nghiệm cho cả nước, động viên được toàn Đảng chấp hành nghiêm chỉnh, toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng nên đã đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi vĩ đại trong cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, biến nước Việt Nam từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến thành một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Pác Bó nơi Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập, giáo dục và rèn luyện đội du kích đầu tiên của Cao Bằng được thành lập tháng 10/1941. Đội du kích này đã trở thành nòng cốt để xây dựng các lực lượng vũ trang ở khắp các xã, tổng, huyện, toàn tỉnh là tiền thân của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

Pác Bó nơi Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo và rèn luyện được một đội ngũ cán bộ lớn mạnh đóng góp vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Pác Bó là nơi thể hiện đầy đủ nhất về tư tưởng, đạo đức, tác phong, sự nghiệp vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật ở trong nước giai đoạn 1941-1945

Khu di tích Pác Bó có một giá trị lịch sử đặc biệt trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của nước ta, nó chẳng những cho ta học tập được đạo đức, tác phong cách mạng của Người mà còn cho ta thấy rõ sự lãnh đạo thiên tài của Trung Ương Đảng mà trực tiếp là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cuộc đấu tranh giành chính quyền cách mạng tháng 8/1945 thành công.

Khu di tích đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng là khu di tích quốc gia đặc biệt, qua vài lần xây dựng, bảo tồn, tôn tạo, triển khai thực hiện dự án (từ tháng 2/1970 đến nay) cơ sở hạ tầng, các điểm di tích, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày và các công trình, hạng mục phụ trợ khác... bước đầu đã đáp ứng được du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu học tập tại khu di tích.

Thông qua khu di tích lịch sử đặc biệt này, chúng ta cần đạt một số mục tiêu cơ bản sau:

Là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ đảng viên và nhân dân ta, làm cho mỗi người hiểu sâu sắc rằng: Không có đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo thì cách mạng không thể thành công được, do đó tăng thêm lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của đảng. Đồng thời cho chúng ta nhận thức một cách thấm thía cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là cuộc cách mạng gặp muôn vàn khó khăn gian khổ, thậm chí phải hi sinh cả xương máu nhưng nhất định giành thắng lợi.

Làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta thấy rõ, sở dĩ cách mạng tháng tám năm 1945 thành công được nhanh chóng là vì: Ngoài sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ còn phải được toàn dân đoàn kết một lòng trong mặt trận Việt Minh, nhanh chóng đào tạo được một đội ngũ cán bộ, lớn mạnh, tích cực xây dựng được các lực lượng quân sự chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, xây dựng được căn cứ địa vững chắc và còn phải biết đón lấy thời cơ.

Thấy rõ chính sách dân tộc của đảng là đúng đắn và sáng suốt nó thể hiện lòng tin của đảng, của Bác đối với khả năng, sức mạnh của nhân dân các dân tộc, nên đã kịp thời động viên và phát huy được đầy đủ khả năng cách mạng to lớn của họ trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc

Làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được những khó khăn, gian khổ về vật chất và tinh thần của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong thời kỳ hoạt động bí mật tại Pác Bó, để học tập và phát huy truyền thống tốt đẹp đó để xây dựng đất nước và trong công cuộc đổi mới do đảng ta khởi xướng và lãnh đạo hiện nay.

Đến với khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, mỗi chúng ta đều cảm thấy mình lớn lên và rất lấy làm vinh dự, tự hào được sống trong thời đại Hồ Chí Minh. ngày nay núi Các Mác vẫn  hùng vỹ, suối Lê nin vẫn trong xanh, đường lối chủ trương của Người vẫn còn đó, tiếng nói, lời dạy của Người vẫn còn đây, cơ sở vật chất, đời sống của người dân Pác Bó đã được nâng cao, đổi mới rất nhiều so với trước đây. Thăm khu di tích mỗi người đều cảm thấy Bác vẫn sống mãi trong lòng nhân dân các dân tộc Việt Nam, hàng ngày vẫn đang theo dõi động viên nhắc nhở chúng ta hoàn thành sự nghiệp vĩ đại mà Đảng và Bác đã vạch ra./.

* Tài liệu tham khảo:

          - Lịch sử tỉnh Cao Bằng (xuất bản 2009)

          - Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng tập 1(1930-1945) xuất bản 1995

          - Hồi ký (Lê Quảng Ba - xuất bản 1971

          - Đội VNTTGPQ (xuất bản 2004)

Tác giả bài viết: Đàm Quang Gióng - Nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng

Nguồn tin: Tham luận tại Hội thảo Khoa học kỷ niệm 77 năm Bác Hồ về nước: 28/01/1941 - 28/01/2018

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây