image banner
BÁC HỒ TRỞ LẠI THĂM PÁC BÓ

Đầu năm 1961, đồng bào Pác Bó, Cao Bằng đang vui xuân thì được tin có phái đoàn Đảng, Chính phủ về thăm quê hương cách mạng. Theo hồi ký của đồng chí Việt Dân, cán bộ tổ chức Huyện ủy Hà Quảng lúc bấy giờ, trước đó, được biết là Bác Hồ sẽ lên Pác Bó bằng máy bay trực thăng, các đồng chí lãnh đạo yêu cầu dân đi đắp đất làm bến đỗ cho máy bay trực thăng nhưng không nói để làm gì. Dân chúng không chịu, kêu đất mùa này cứng, khó làm. Đồng chí Dương Đại Long, quê Pác Bó là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng lúc đó, liền nói với đồng chí Việt Dân: Nói bí mật với nhân dân không được đâu, cứ nói thật với bà con là đi đầm đất ở đám ruộng trước bản Bó Bẩm để làm bãi cho máy bay lên thẳng đưa Bác Hồ lên thăm quê hương mình. Nghe nói vậy, bà con phấn khởi, nô nức đi làm bởi ai cũng mong được đón Bác về thăm. Thế rồi điều mong ước của đồng bào Pác Bó đã trở thành hiện thực. Chiều ngày 19-2-1961, Bác cùng đồng chí Tố Hữu, Nguyễn Khai và đồng chí Lê Quảng Ba đến thị xã Cao Bằng bằng ôtô. Sáng hôm sau, 20-2-1961, tức ngày Chủ nhật, mùng 5 Tết Tân Sửu, Bác và đoàn về thăm và chúc tết đông bào Pác Bó - Hà Quảng. Dọc đường đi, qua các thôn bản, cả đoàn cùng ôn lại những kỷ niệm xưa đã ở nơi đây.

anh tin bai

Nhân dân Pác Bó đón Bác Hồ về thăm năm 1961

Bà con Pác Bó cứ nghe ngóng tiếng máy bay trực thăng, nhưng Bác Hồ lại đi ôtô từ Tỉnh ủy Cao Bằng lên Đôn Chương cách Pác Bó 10km. Hồi ấy, từ Đôn Chương vào Pác Bó là đường ngựa, lại gập ghềnh. Đồng bào ở địa phương đã chuẩn bị sẵn mấy con ngựa để Bác và đoàn đi vào Pác Bó. Nhưng Bác chưa lên ngựa ngay, mà thong dong đi bộ, ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường. Mỗi lùm cây, mỗi mỏm đá hai bên đường đã từng chứng kiến biết bao sự việc anh hùng của cách mạng, của cán bộ và nhân dân ở vùng này trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bác và đoàn khi thì đi ngựa, lúc thì đi bộ. Tất cả mọi người đều có cảm giác như sống lại những ngày của cách mạng hồi đánh Tây, đánh Nhật... Trở lại thăm Pác Bó, thăm những người thân thuộc, gắn bó với cách mạng từ trước đây 20 năm, Bác không khỏi nhớ tới bao nhiêu sự việc đã xảy ra ở khu vực này. Đồng ruộng Pác Bó vẫn ở khoảnh đất cũ, vẫn những đám ruộng nằm trong thung lũng hẹp này, nhưng nay đã thay đổi cách làm ăn sản xuất, thay đổi chủ. Chủ những mảnh ruộng ấy không còn là những nông dân cá thể ngày xưa nữa, giờ đây họ đã là những xã viên, những người nông dân làm ăn tập thể. Cả làng Pác Bó, già, trẻ, gái, trai đều ra đón Bác. Đồng bào ở Sóc Giang, Đào Ngạn, Nà Giàng, Đôn Chương đến đây cùng đồng bào Pác Bó đón Bác. Những cụ già mặc áo bông xanh, đầu tóc bạc phơ, da đỏ hồng hào, nét mặt tươi vui, dắt các cháu nhỏ quần áo hoa đủ màu sắc. Cháu nào cũng má đỏ, mắt tinh, không còn cảnh bụng ổng, đầu trốc như xưa nữa. Mấy cháu nhà đồng chí Đại Lâm (đồng chí Đại Lâm được Bác Hồ giác ngộ cách mạng trong những năm tháng Người ở đây) trước kia được Bác chăm sóc, nay đã là những chàng thanh niên tuấn tú, trong đó có Việt Dân - cán bộ tổ chức Huyện ủy Hà Quảng, Cao Bằng. Bác cùng các thành viên trong đoàn xuống làng Pác Bó. Trông thấy Bác, đồng bào reo hò, phấn khởi. Các cụ vây quanh Bác; có cụ nắm tay Bác lắc lắc. Bác và các cụ nhìn nhau nói không nên lời. Các bà, các chị ai cũng ngân ngấn nước mắt, mừng mừng, tủi tủi, nhớ lại những ngày khổ nhục trước kia và cảnh no ấm đoàn tụ ngày nay. Các cháu nhỏ, chỉ biết Bác qua ảnh, qua các bài học, hôm nay mới tận mắt trông thấy Bác. Đây "Cúng Hồ" mà ông bà, cha mẹ các cháu thường kể cho các cháu nghe là: khi cha mẹ các cháu còn nhỏ bằng các cháu, "Cúng Hồ" đã ở đây lãnh đạo đồng bào đánh Tây, đánh Nhật. Hôm nay "Cúng Hồ' đã về đây, các cháu vô cùng sung sướng, ríu rít bên Bác như đàn chim non. Cả làng Pác Bó hân hoan vây quanh Bác như đón người thân đi xa về. Nhìn Bác giản dị trong chiếc áo bông, gần gũi, thân thiết như một người cha, ai cũng cảm động rưng rưng nước mắt. Nhân dân Pác Bó tổ chức mít tinh đón Bác với đủ các màu sắc dân tộc: áo chàm của dân tộc Tày, Nùng; váy trắng, áo hoa văn sặc sỡ, vòng bạc đeo đầy cổ, đầy tay của đồng bào Mông. Khi Bác vẫy tay chào mọi người, dàn nhạc, choong nào của người Nùng rền vang, pí lè của người Dao réo rắt liên hồi, người Mông thổi kèn át cả tiếng vỗ tay âm vang cả núi rừng. Sau một lúc lâu, Bác mới nói được với đồng bào: - Bà con làm gì mà đông thế này? Đồng bào reo lên: Đón Bác ạ! Năm mới chúc Bác mạnh khỏe ạ. Sau khi chúc lại đồng bào, Bác nói vui với đồng bào: Tôi về thăm nhà mà, sao lại đón tôi? Nghe Bác nói, đồng bào cảm động, rưng rưng nước mắt. Thực vậy, Bác về thăm Pác Bó, thăm Cao Bằng là Bác về thăm nhà. Nhà Bác, quê hương Bác không chỉ là nơi chôn rau cắt rốn, mà nhà Bác, quê hương Bác là nơi căn cứ cách mạng; là mọi nơi của Tổ quốc thân yêu.

anh tin bai

Bác Hồ hỏi thăm các cụ già trong chuyến thăm Pác Bó năm 1961

Đến lễ đài đón Bác, đồng chí Tố Hữu và đồng chí Lê Quảng Ba chia kẹo cho các em nhỏ và mọi người. Bác nói chuyện với đông bào, giọng Bác rất khỏe, lời Bác vang vọng cá núi rừng, hùng hồn, trong sáng và thanh thản như dòng suối Lênin rì rào chảy. Sau khi thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ và các đồng chí cùng đi, thăm hỏi sức khỏe và chúc Tết đồng bào xong, Bác hỏi đồng bào: - Bà con ta đã vào hợp tác xã chưa? - Vào nhiều rồi, Bác ạ. Đồng bào trả lời. Bác lại hỏi: - Có đoàn kết với nhau không? Sản xuất có tốt không, còn ai đói không? Đồng bào vui cười trả lời Bác: - Thưa Bác, đoàn kết giúp nhau sản xuất tốt rồi, không có người đói nữa rồi. Bác khen: thế thì tốt, nhưng phải đoàn kết xây dựng hợp tác xã và sản xuất thật tốt hơn nữa. Trước kia đồng bào đã đoàn kết hăng hái đánh Tây, đánh Nhật, bây giờ phải đoàn kết hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho dân ta giàu, nước ta mạnh hơn nữa. Hiện nay, một nửa nước ta còn bị Mỹ và tay sai chiếm đóng, đồng bào ta trong đó còn bị đau khổ. Ta ở ngoài này phải cố gắng xây dựng miền Bắc thật tốt, làm được như thế nước ta sẽ mau thống nhất và giàu mạnh, đồng bào Nam, Bắc sẽ được sum họp một nhà. Đồng bào có quyết tâm làm được không? Đồng bào đồng thanh trả lời: Làm được, nhất định làm được! Trong buổi đón Bác hôm ấy, đồng bào thật nhiều cảm xúc, nhiều ý nghĩa. Người thì nhắc lại những cảnh nghèo đói ngày xưa để so sánh với ngày nay, người thì nhắc lại những khó khăn trong thời gian Bác còn phải hoạt động bí mật, người thì nói Bác về lần này cũng đúng vào dịp Tết như trước đây 20 năm khi Bác mới về Pác Bó lần đầu, người thì sung sướng thấy Bác khỏe mạnh hồng hào... Trước những cảm xúc đó của đồng bào, đồng chí Lê Quảng Ba đã làm mấy câu thơ theo lối của địa phương, nói lên tình cảm của đồng bào đối với Bác:

“Xuân hai mươi năm trước ngày này

Theo đường Pò Vàn, Bác tới đây

Hôm nay xuân, tháng Giêng mồng sáu

Pác Bó, lại được dịp đón người.

Ngày trước như trời mây u ám

Nay như mặt trời rạng rỡ soi

Nhân dân ta ngày càng no ấm

Bác Hồ mừng mạnh khỏe sống lâu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ảnh của Người cho nhân dân Pác Bó. Mỗi tấm ảnh đều có chữ ký của Bác rất đẹp. Ba chị dân tộc Nùng vinh dự được đại diện tặng Bác mấy đôi giày vải tự làm. Trong các chị này, hồi Bác còn hoạt động bí mật ở đây, có chị còn chưa cất tiếng khóc chào đời, có chị mới biết lẫy. Bây giờ các chị đã biết khâu giày vải cho Bác. Các chị sung sướng cầm đôi giày vải dâng lên tặng Bác. Bác đã nhận mà các chị còn tần ngần đứng lại chưa muốn bước. Về đến sân nhà đồng chí Đại Lâm, Bác đề nghị chụp ảnh chung với gia đình. Bác ngồi ở giữa bế cháu nhỏ, mọi người quây quần bên Bác. Sau đó, Bác ăn cơm trưa cùng gia đình. Bác ngả lưng một lúc rồi lên thăm hang Cốc Bó. Từ nhà đồng chí Đại Lâm, theo lối cũ, ven suối Lênin, Bác và đoàn trở lại thăm hang. Đi ngược dòng suối một lúc tới khe cạn; phía trên đó là Khuổi Nặm, nơi đã họp Hội nghị Trung ương lần thứ tám; nơi đó cũng là nơi Bác ở lâu nhất trong thời gian ở Pác Bó, nơi đây, Bác đã cùng các đồng chí trồng rau, nuôi gà, xúc tép, hái măng,... Bác bảo đồng chí Dương Đại Hoa, cán bộ tỉnh Cao Bằng dẫn đoàn vào thăm hang, còn Bác rẽ vào ven suối để trồng 3 khóm trúc. Đồng bào thưa với Bác! Trúc là cây trường thọ, mời Bác trồng trúc để biểu thị lòng tôn kính, tin tưởng của dân đối với Đảng, với Bác, với Chính phủ và kính chúc Bác sống lâu trăm tuổi để lãnh đạo toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, đi đến thắng lợi hoàn toàn. Bác ra ngồi trên tảng đá nhô lên mặt nước nơi ngày xưa Bác thường ngồi câu cá. Bác kể cho mọi người nghe những ngày Bác ở đây. Ở đây, Bác cất tiếng vui vẻ bảo đồng chí Tố Hữu:

- Nào nhà thơ, làm thơ đi chứ!

- Mời Bác làm trước ạ! Đồng chí chí Tố Hữu mỉm cười trả lời.

Bác nói:

- Vậy thì tôi làm trước.

Trầm ngâm một lát, Bác cất tiếng ấm áp ngâm:

"Hai mươi năm trước nơi này

Đảng vạch con đường đánh Nhật - Tây

Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu

Non sông gấm vóc có ngày nay".

Trên đường ra về, Bác nói với mọi người: sau này, con đường từ đây đến thị xã nên trồng cây có hoa đỏ để thành con đường đỏ. Ra đến bờ suối Lênin, Bác và các đồng chí cùng đi chụp ảnh trước cây hoa đào đang nở rộ. Nhân dân tập trung ở đầu làng tiễn đưa Bác. Bác vẫy tay lưu luyến chào mọi người, sau đó Bác và các đồng chí cùng đi cưỡi ngựa ra Nà Mạ, nơi có mộ anh hùng liệt sĩ Kim Đồng. Từ đây, máy bay lên thẳng do phi công Liên Xô lái đưa Bác về sân bay Nà Cạn, thị xã Cao Bằng./. 

(Tài liệu tham khảo: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao Bằng, NXB Chính trị Quốc gia)

Tin tức mới nhất
Video clips
image advertisement
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1