image banner
HOÀNG VĂN NHỦNG – LIỆT SĨ ĐẦU TIÊN CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 hằng năm là ngày kỷ niệm quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đây là dịp các thế hệ con cháu ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân những cống hiến, hy sinh của ông, cha vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Mảnh đất Cao Bằng nơi cội nguồn cách mạng đã sinh ra nhiều anh hùng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, họ là niềm tự hào của quê hương cách mạng và của dân tộc Việt Nam, trong đó có liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng. Liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng đã anh dũng hy sinh trong trận đánh đồn Đồng Mu – trận đánh thứ 3 của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, là Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

           Đồng chí Hoàng Văn Nhủng là người dân tộc Tày, sinh ngày 04/11/1909 tại xã Sóc Hà, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Năm 1936, khi phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ phát triển, lan rộng đến tận vùng núi châu Hà Quảng thì Hoàng Văn Nhủng cũng bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Suốt từ đó cho đến năm 1940, với bí danh Xuân Trường, từ một liên lạc viên, anh trở thành một cán bộ dày dặn kinh nghiệm trong phong trào thanh niên phản đế của châu Hà Quảng.

          Tháng 10/1944 tại Lũng Cát, Nà Sác (châu Hà Quảng), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Chấp hành chỉ thị của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đồng chí Xuân Trường là một trong 34 chiến sĩ vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

anh tin bai

Buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (ảnh: tư liệu)

Sau hai trận đánh đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần (Nguyên Bình) giành thắng lợi giòn giã, Tiểu đội trưởng Xuân Trường cùng Đội hành quân về Lũng Dẻ củng cố lực lượng rồi tiến đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc). Đồn Đồng Mu thuộc xóm Nà Đoỏng, xã Đồng Mu (tỉnh Cao Bằng). Cuối năm 1940 đầu năm 1941, trước sự phát triển của phong trào cách mạng ở Cao Bằng nói chung và ở huyện Bảo Lạc nói riêng, thực dân Pháp đã cho xây dựng đồn để tăng cường tuần tiễu, khống chế phong trào cách mạng ở địa phương. Đồn Đồng Mu có một vị trí chiến lược quan trọng, tại đây có thể kiểm soát con đường từ Đồng Mu sang Sóc Hà (huyện Hà Quảng) và đường từ Đồng Mu xuống Pác Lung, đi sang Ba Bể, xuống Bắc Kạn.

          Theo kế hoạch, Đội bí mật đột nhập chiếm nhà chỉ huy, sau đó các hướng đánh vào cùng phối hợp với nội ứng tiêu diệt địch. Đêm 04/02/1945, bộ đội ta xuất kích. Tiểu đội trưởng Xuân Trường chỉ huy một tổ đội xung phong đột nhập qua cửa sổ. Anh dùng tiểu liên tiêu diệt ngay tên đốc gác và một số tên khác đang nằm trên giường. Đạn trong băng hết, không kịp thay, anh rút thanh kiếm và khẩu súng ngắn xông vào nhà chỉ huy. Một số tên địch nữa bị tiêu diệt, quân địch cố thủ ở một lô cốt giữa đồn, chống cự rất quyết liệt. Xuân Trường lắp đạn vào súng. Dưới ánh lửa, khi Xuân Trường đang lắp đạn thì bị một viên đạn địch xuyên qua ngực, anh ngã gục xuống. Lúc này, các tổ đội bên ngoài cũng đã vào tới nơi. Xuân Trường gượng dậy gọi đồng chí Thế Hậu: “Mình bị đạn rồi, cậu lấy ngay khẩu súng của mình đánh đi!”. Nghe tiếng gọi, Thế Hậu chạy tới xốc Xuân Trường lên, nhưng anh gạt ra và giục: “Đánh đi, không lôi thôi gì với mình cả. Xung phong lên!”. Đồng chí Xuân Trường trút hơi thở cuối cùng giữa lúc tiếng súng còn vang dội.

          Trận đánh diễn ra từ 11 giờ đêm 04/02 tới 3 giờ sáng ngày 05/02. Trận đánh này ta tiêu diệt 20 tên, thu 5 súng trường Mútcơtông và một số đạn, bắt 3 tù binh. Phía ta, Tiểu đội trưởng Xuân Trường anh dũng hy sinh. Ngay sau trận đánh, do yêu cầu phải rút nhanh và bí mật nên hầu hết bộ đội tham gia trận đánh phải rút đi ngay. Ban Chỉ huy Đội cử một số đồng chí ở lại cùng với cơ sở và Nhân dân địa phương làm lễ an táng cho đồng chí Xuân Trường. Trước lúc hành quân, toàn Đội cúi đầu mặc niệm vĩnh biệt người đồng chí, đồng đội trung kiên bất khuất. Để ghi nhớ hình ảnh người đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã hy sinh, Nhân dân xã Đồng Mu quyết định đổi tên xã thành xã Xuân Trường.

          Tiểu đội trưởng Xuân Trường hy sinh vào ngày 04/02/1945 khi mới 35 tuổi. Ghi nhận sự cống hiến của đồng chí, ngày 19/8/1961, đồng chí Xuân Trường được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công, được công nhận là liệt sĩ. Xuân Trường chính là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

anh tin bai

Đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường, tỉnh Cao Bằng (ảnh: Mai Hiên)

          Năm 1995, đồn Đồng Mu được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trong những năm qua, di tích đồn Đồng Mu luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Năm 2014, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014), Bộ Tư lệnh Quân khu I đã đầu tư, tôn tạo, xây dựng khu mộ liệt sĩ Xuân Trường để tỏ lòng tưởng nhớ biết ơn tới người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày nay, đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường đã trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước tới các thế hệ con cháu người Việt Nam. Hướng tới Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), mỗi chúng ta lại nhớ tới người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Đây là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tri ân tưởng nhớ tới các bậc tiền bối cách mạng đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Nxb, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

2. Lịch sử Đảng bộ huyện Hà Quảng, Nxb, Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.

 

Mai Hiên

 

Tin tức mới nhất
Video clips
image advertisement
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1