Nhằm bảo tồn và phát
huy giá trị các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, vừa
qua, đoàn khảo sát Quân khu I phối hợp với Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc
biệt tỉnh Cao Bằng và Ủy ban nhân dân xã Trường Hà tiến hành khảo sát chuẩn bị
đầu tư tôn tạo di tích Lũng Cát thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao
Bằng.
Đoàn khảo sát tại di
tích Lũng Cát.
Đầu tư tôn tạo di tích, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng là
tiền đề quan trọng gắn bảo tồn với phát huy di sản, giáo dục hiệu quả truyền
thống lịch sử, đưa di sản đến gần hơn với du khách.
Di tích Lũng Cát có giá trị lịch sử
quan trọng, là nơi ở và làm việc của Lãnh tụ Hồ Chí Minh năm 1944. Sau khi trở về nước vào ngày 28/01/1941 để trực tiếp
lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và
chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám tại lán Khuổi Nặm - Pác Bó, quyết
định thành lập Mặt trận Việt Minh. Người chủ trương phát triển chiến tranh du
kích và xây dựng lực lượng vũ trang tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Đầu
năm 1942, phong trào Việt Minh phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng,
trong khi đó Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra ngày càng ác liệt. Nhận thấy
rõ tầm quan trọng của liên minh quốc tế, Lãnh tụ Hồ Chí Minh với danh nghĩa là đại
diện Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế chống xâm
lược, sang Trung Quốc để liên lạc với các thế lực cách mạng. Tuy nhiên, khi đến
phố Túc Vinh (Quảng Tây, Trung Quốc), Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt
giữ với lý do giấy tờ tùy thân đã quá hạn. Sau hơn một năm bị giam cầm, Người
được trả tự do. Cuối tháng 9/1944, Lãnh tụ Hồ Chí Minh vượt qua biên giới trở
về nước. Người qua Pác Bó nhưng không ở lại mà chuyển sang Lũng Cát xã Nà Sác
(nay là xã Trường Hà, huyện Hà Quảng) để hoạt động. Nà Sác được mệnh danh là
“xã đỏ” sớm có phong trào cách mạng, quần chúng Nhân dân đều tham gia vào các
hội cứu quốc, đó là điều kiện thuận lợi để Lãnh tụ Hồ Chí Minh đến ở và làm
việc tại Lũng Cát.
Tại đây, sau khi nghe các đồng chí
báo cáo tình hình cuộc khởi nghĩa liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng sắp nổ ra,
Người đã kịp thời chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa vì thời cơ chưa chín muồi; đề ra
phương châm kết hợp hai hình thức đấu tranh chính trị và quân sự với cách giải quyết
sẽ lập đội quân giải phóng. Vào giữa tháng 12/1944, tại Lũng Cát, Lãnh tụ Hồ
Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Ngày
22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu
rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình).
Địa điểm di tích Lũng
Cát chuẩn bị được đầu tư tôn tạo.
Di tích Lũng Cát nằm sát biên giới
Việt – Trung thuộc địa phận xóm Mã Lịp xã Trường Hà. Năm 1944, Lãnh tụ Hồ Chí
Minh đến ở và làm việc tại Lũng Cát trong một cái lán nhỏ bên lưng chừng núi
ngay dưới gốc cây nghiến. Lán do cán bộ và Nhân dân địa phương dựng bằng gỗ,
lợp mái gianh, dùng lá cây làm vách. Bên cạnh lán có một mỏ nước trong vắt
thuận tiện cho sinh hoạt. Do tác động của môi trường cũng như thời gian quá lâu
nên lán nghỉ đã không còn. Hiện nay, chỉ còn cây nghiến, mỏ nước và địa điểm
dựng lán.
Sau khi tiến hành khảo sát địa hình,
hiện trạng và dựa vào thông tin về di tích, đoàn khảo sát đã thống nhất các
phương án tôn tạo di tích Lũng Cát: cải tạo và mở rộng bãi đỗ xe, xây dựng nhà
đón tiếp, nhà vệ sinh, làm đường kết nối từ bãi đỗ xe lên điểm di tích, dựng
bia đá cung cấp thông tin, cải tạo lối đi kết nối mỏ nước với lán nghỉ của Bác,
tôn tạo lán nghỉ, dựng bức phù điêu bên cạnh lán tái hiện lại khoảng thời gian
Lãnh tụ Hồ Chí Minh hoạt động tại Lũng Cát… Căn cứ phương án tôn tạo di tích
được thống nhất, đơn vị Tư vấn thiết kế sẽ kiểm tra, tính toán và lập hồ sơ
thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công trình cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai
tôn tạo.
Thống nhất phương án
tôn tạo di tích.
Việc khảo sát chuẩn bị đầu tư tôn tạo
di tích Lũng Cát có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá
trị các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi được tôn tạo, di tích Lũng Cát
sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn trong hành trình “Về nguồn” của du khách
khi đến với quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng./.
Lương Hằng