Ngày 01/4/1930, Chi bộ
Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng
Tung, châu Hòa An do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Chi bộ Đảng thực hiện
chức năng của Tỉnh ủy lâm thời, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh.
Cuối năm 1929, nhờ hoạt động tích cực và có kết quả dưới sự
chỉ đạo trực tiếp từ bộ phận ở nước ngoài của Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng
12/1929, các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết
nạp vào Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc) do
đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ Hải ngoại Long Châu có
nhiệm vụ gây dựng và phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở vùng biên
giới Cao Bằng - Lạng Sơn, hướng dẫn thanh niên yêu nước ra dự những lớp huấn
luyện cách mạng ở nước ngoài, đưa đón cán bộ đi hoạt động giữa hai vùng biên
giới. Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 03/02/1930), Chi bộ
Hải ngoại Long Châu chính thức trở thành Chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, đầu năm
1930, Chi bộ Hải ngoại Long Châu đã cử đồng chí Hoàng Văn Nọn về Cao Bằng hoạt
động để chuẩn bị tiến tới thành lập tổ chức đảng ở Cao Bằng. Sau một thời gian
tuyên truyền, rèn luyện, qua kiểm tra phong trào và thử thách cán bộ, ngày
01/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập tại
Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An gồm 3 đồng chí: Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng
Như), Lê Đoàn Chu (tức Lê Mới, Nam Cao), Nông Văn Đô (tức Bích Giang, Cát Lợi)
do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Chi bộ Đảng làm nhiệm vụ như Tỉnh ủy lâm
thời, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh. Cũng tại cuộc họp
thành lập chi bộ, các đồng chí đã đề ra hai nhiệm vụ hàng đầu: tích cực phát
triển Đảng, đặc biệt là ở khu mỏ thiếc Tĩnh Túc và ở thị xã; đẩy mạnh phong
trào chống thuế, chống phụ thu lạm bổ, chống bắt phu vào ngày mùa, đi phu phải
được cấp tiền, gạo.

Di tích Nặm Lìn - Nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng
Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cao Bằng đã
đánh dấu bước ngoặt trên con đường đấu tranh giải phóng, tạo nền móng vững chắc
cho phong trào cách mạng và sự phát triển thành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng sau này.
Từ đây, phong trào đấu tranh giải phóng, giành độc lập dân tộc của Nhân dân các
dân tộc Cao Bằng và Nhân dân cả nước được đặt dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng
Cộng sản Việt Nam, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng là một trong
những chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời sớm tại vùng biên giới phía Đông Bắc
của Tổ quốc. Cũng từ Cao Bằng, thực hiện sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, nhiều
cán bộ cách mạng của tỉnh đã được Đảng điều về hoạt động gây dựng cơ sở cách
mạng, góp phần vào việc thành lập tổ chức đảng tại nhiều tỉnh, thành phố trong
cả nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời giữa lúc thực dân Pháp và toàn
bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa bước vào cuộc tổng khủng hoảng (1929-1933), thực
dân Pháp càng ra sức áp bức, bóc lột Nhân dân dưới mọi hình thức, tăng cường
bắt lính chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thế giới mới nhằm giành giật thị
trường, vơ vét tài nguyên của các nước phụ thuộc và thuộc địa. Nền kinh tế Việt
Nam vốn đã nghèo nàn, lạc hậu, càng thêm sa sút, đẩy cuộc sống của Nhân dân lao
động đến chỗ cùng cực, công nhân thất nghiệp ngày càng đông, nông dân bị bần
cùng nghèo đói. Do đó, mâu thuẫn giữa Nhân dân với bọn đế quốc, thực dân Pháp
thêm sâu sắc. Trước tình hình đó, Đảng đã phát động một cuộc đấu tranh rộng lớn
trong quần chúng.
Ở Cao Bằng, từ năm 1930 đến năm 1935, các cơ sở đảng tiếp tục
được củng cố và phát triển, nhiều chi bộ đảng mới được thành lập như: Chi bộ xã
Phúc Tăng, nay thuộc xã Hồng Việt, huyện Hòa An (ngày 20/6/1930); Chi bộ xã
Xuân Phách, châu Hòa An, nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng (ngày
10/10/1930); Chi bộ Mỏ Thiếc Tĩnh Túc (ngày 21/10/1930); Chi bộ Đảng Cộng sản
đầu tiên của huyện Hà Quảng tại hang Phja Nọi, nay thuộc xã Trường Hà, huyện Hà
Quảng (ngày 20/6/1931); Chi bộ Gia Cung, xã Ngọc Sinh, châu Hòa An, nay là
phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng (tháng 7/1931); Chi bộ Cốc Coóc, xã Lạc
Giao, châu Quảng Uyên, nay là xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (ngày 08/3/1932);
Chi bộ Phạc Sliến, xã Tung Cao, nay là xã Vân Trình, huyện Thạch An (ngày
03/02/1933); Chi bộ liên xã Gia Bằng - Kỳ Chỉ, nay là xã Minh Tâm, huyện Nguyên
Bình (ngày 15/11/1935)... Trên cơ sở đó, thực hiện chỉ thị của Chi bộ Hải ngoại
Long Châu, Tỉnh ủy Cao Bằng đã lần lượt chọn cử nhiều thanh niên yêu nước ra
nước ngoài học tập, dự các lớp huấn luyện của Đảng tại Long Châu.
Như vậy, từ một chi bộ đầu tiên được thành lập ngày
01/4/1930, đến năm 1935, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có 10 chi bộ hoạt động ở
5 châu (Hòa An, Hà Quảng, Quảng Uyên, Thạch An, Nguyên Bình) và Mỏ Thiếc Tĩnh
Túc với số đảng viên trên 70 đồng chí. Sự phát triển đó đã tạo điều kiện, cơ sở
vững chắc cho sự phát triển thành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng. Chính vì vậy, tháng
7/1933, Ban Lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương công nhận Ban Chấp hành Đảng
bộ tỉnh Cao Bằng trực thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương; các ban Châu
ủy lần lượt được thành lập ở Hòa An (năm 1933), Hà Quảng (năm 1935).
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, thực
hiện sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Đình Giong, Tỉnh ủy Cao Bằng đã xuất bản tờ
báo Cờ Đỏ (Cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh, tiền thân của báo Cao Bằng
ngày nay) tại hang Tốc Rù (nay thuộc xã Hồng Việt, huyện Hòa An) và in các loại
truyền đơn, khẩu hiệu... bí mật lưu truyền cả trong và ngoài tỉnh. Cuối năm
1931, đầu năm 1932, những tổ chức Cộng sản đoàn đầu tiên ở các châu Hòa An, Hà
Quảng ra đời. Cũng trong năm 1931, “Công hội đỏ” - một tổ chức rộng rãi của
giai cấp công nhân được thành lập tại khu Mỏ Thiếc Tĩnh Túc. Năm 1933, ở châu
Hòa An xuất hiện tổ chức “Nông hội đỏ” với mục đích vận động và tổ chức các
tầng lớp Nhân dân đấu tranh chống bắt phu, đòi giảm thuế; sau đó phát triển
sang các châu Hà Quảng, Nguyên Bình.
Ngay từ khi thành lập, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhanh chóng nhận
thức rõ vai trò đấu tranh vũ trang và đã đề ra các biện pháp nhằm xây dựng lực
lượng. Vì vậy, năm 1931, Đảng bộ đã cử 04 đồng chí đi học quân sự ở nước ngoài
và năm 1932, thành lập tổ chế tạo mìn, lựu đạn ở vùng núi Lam Sơn (thuộc châu
Hòa An) nhưng hoạt động còn hạn chế, vì thiếu nguyên vật liệu.
Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, phong trào cách mạng
từng bước tiến lên. Trong những năm 1932-1934, tại thị xã Cao Bằng, Nước Hai
(châu lỵ Hòa An) và Mỏ Thiếc Tĩnh Túc, các hoạt động rải truyền đơn, treo cờ đỏ
đã được tổ chức nhiều lần. Đầu năm 1933, dưới sự lãnh đạo của Châu ủy Hòa An, ở
các tổng Tượng Yên, Nhượng Bạn, Hà Đàm, Tĩnh Oa đã nổ ra cuộc đấu tranh của 300
dân phu đi làm con đường từ thị xã lên Nước Hai đòi không được bắt phu ngày
mùa, đi phu phải được cấp tiền, gạo.
Châu ủy Hòa An vận động quần chúng viết đơn kiện Thống sứ Bắc
Kỳ. Kết quả là Sở Thanh tra lao động Bắc Kỳ phải tuyên bố không bắt phu trong
ngày mùa, đi phu được trả tiền, gạo.
Tại Mỏ Thiếc Tĩnh Túc, ngày 01/5/1933, dưới sự lãnh đạo của
Chi bộ Đảng, cờ đỏ búa liềm được treo trên cột điện, truyền đơn được rải khắp
khu mỏ. Công nhân rất phấn khởi, tin tưởng, còn kẻ địch thì lo sợ hoảng hốt,
chúng đem lính từ thị xã đến khủng bố, truy lùng các chiến sĩ cộng sản, nhưng
đã thất bại.
Tháng 3/1934, nổ ra cuộc đấu tranh quyết liệt của hơn 100 dân
phu Hòa An đang làm con đường ở đoạn Nặm Vạng, đòi được cấp tiền công. Kết quả
là, địch phải trả công mỗi người 0,2 đồng (hai hào) một ngày.
Tháng 6/1935, hơn 200 dân phu đang làm con đường Hòa An - Hà
Quảng đã nổi lên đấu tranh chống đánh đập, đòi được cấp tiền và gạo. Địch không
giải quyết, dân phu tiếp tục đấu tranh và bỏ về không chịu đi phu.
Ở các châu miền Đông như: Quảng Uyên, Phục Hòa (nay là huyện
Quảng Hòa), Thạch An... tuy chưa có phong trào thật mạnh mẽ, nhưng đã bắt đầu
có những hoạt động; các cơ sở quần chúng đã bí mật giúp Đảng đưa đường cán bộ
ra nước ngoài và đón cán bộ về nước để chỉ đạo phong trào cách mạng. Nhờ đó,
các đồng chí lãnh đạo của Đảng vượt biên giới trở về căn cứ, về xuôi được an
toàn. Các trạm ở ba châu Quảng Uyên, Phục Hòa, Thạch An đã bảo đảm giao thông
liên lạc giữa Tỉnh uỷ Cao Bằng với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Như vậy, trong thời kỳ vận động cách mạng những năm
1930-1935, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã phát
triển khá vững vàng. Quán triệt đường lối, phương châm hoạt động cách mạng của
Đảng, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức, phát động quần chúng đấu tranh từ hình thức thấp
như làm đơn lấy chữ ký cử đại biểu lên châu, phủ, tỉnh đòi quyền lợi kinh tế
trước mắt đến xuống đường biểu tình; từng bước đề ra chủ trương, biện pháp
tuyên truyền, vận động quần chúng phù hợp với tình hình đặc điểm địa phương và
các dân tộc Cao Bằng. Đảng bộ đã thu hút được đông đảo quần chúng các dân tộc
trong tỉnh tham gia cách mạng; uy tín của Đảng ngày càng ăn sâu vào trong quần
chúng và trở thành niềm tin của các dân tộc toàn tỉnh./.
Phòng BTDT&TTTL (ST)