Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt
cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Bác không chỉ quan tâm
đến đời sống, học tập, rèn luyện của thanh niên mà còn gửi gắm vào họ niềm tin
sâu sắc. Những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và là kim chỉ nam cho thế
hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.
Bác Hồ tại Đại hội đại biểu thanh
niên toàn quốc Đoàn Thanh niên Cứu quốc 1956 tại Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại, có tầm nhìn, hơn ai hết, Bác
thấu hiểu vai trò quan trọng của
lực lượng thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc bảo vệ, xây dựng
và kiến thiết nước nhà. Trước khi trở thành một lãnh tụ, Bác Hồ cũng là thanh
niên – một thanh niên yêu nước, mang trong mình hoài bão cứu nước, cứu dân,
chính Bác cũng đã từng trải qua một thời thanh niên đầy nhiệt huyết.
Thanh niên phải có lý tưởng
cao đẹp
Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Máccôm Samông (Malcolm Salmon)
phóng viên Đông Nam Á của báo Australia Tribune và báo Guardian, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã nói: “Là chủ của tương lai, thanh niên không thể không có lý tưởng
cao đẹp”. Lý tưởng cao đẹp là yếu tố cần thiết của mỗi người thanh niên.
Lịch sử cách mạng
Việt Nam cũng đã chứng minh, trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, bảo
vệ đất nước, lớp lớp các thế hệ thanh niên Việt Nam đã luôn tin tưởng, đi theo
Đảng, cùng với nhân dân cả nước, không tiếc máu xương, nghe theo tiếng gọi
thiêng liêng của Tổ quốc, phát huy truyền thống cha ông, sẵn sàng chấp nhận mọi
hy sinh gian khổ, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi
trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn
toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Người
khẳng định chắc chắn: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy
nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Theo
Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên là người trẻ tuổi, có hoài bão, ước mơ, giàu nghị lực và rất
khát khao với lý tưởng cao đẹp, có đức xả thân vì nghĩa lớn và lòng vị tha sâu
sắc. Đó là lứa tuổi có tính nhạy cảm cao với những cái mới, cái đẹp và cái tiến
bộ. Do vậy, nếu được giáo dục tốt, phù hợp với tâm lý và tính cách, thanh niên
sẽ có lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo trong thực hiện
chức trách, nhiệm vụ.
Ngày nay đất nước thống nhất và đang
trên đà phát triển mạnh mẽ thì lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ trẻ lại càng
rộng hơn, bao la hơn vì một Việt Nam phát triển. Đại đa số thanh niên đang hăng
hái tiếp bước cha anh, thừa kế và phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước,
khẳng định lý tưởng sống của mình, ra sức phấn đấu trên mọi lĩnh vực của đời sống
xã hội, đóng góp cho sự phát triển và hội nhập của đất nước.
Bác Hồ từng nhắn nhủ: “Một năm khởi đầu từ
mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Người
khẳng định vai trò quan trọng của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Bác luôn mong muốn thế hệ trẻ nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng, rèn luyện
bản lĩnh vững vàng.
Học tập suốt đời, không ngừng rèn luyện bản thân
Ngay từ thời trẻ, Bác Hồ đã ý thức được vai
trò của thanh niên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là vô cùng to lớn.
Như tình cảm của một người cha đối với con, Bác hiểu rõ những ưu, nhược điểm của
thanh niên nước ta. Bác luôn căn dặn: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải
học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”. Bác luôn nhấn mạnh
đến việc học tập, vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự
hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho
các thế hệ thanh niên có thể vươn mình ra biển lớn, lấy sức trẻ làm giàu cho Tổ
quốc, cho quê hương.
Trong thời đại ngày nay, đoàn viên, thanh
niên phải luôn học tập để nâng cao trình độ, học tập không chỉ dừng lại ở nhà
trường mà còn phải liên tục trau dồi tri thức, cập nhật những tiến bộ khoa học
- kỹ thuật để theo kịp xu hướng phát triển của thời đại. Học, học nữa, học mãi,
đó là những điều mà Bác đã luôn thực hiện và Bác là tấm gương giáo dục, rèn luyện
cho mỗi đoàn viên, thanh niên noi theo.
Giữ gìn đạo đức, lối sống trong sáng
Không chỉ
quan tâm đến việc học tập, trau dồi kiến thức cho thế hệ trẻ mà vấn đề giáo dục,
bồi dưỡng đạo đức, lối sống của thanh niên cũng được Bác chú trọng. Bác từng
nói: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì
làm việc gì cũng khó". Trong mối quan hệ giữa đạo đức với tài năng, Chủ tịch
Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là gốc, nó quyết định sức mạnh tinh thần to lớn
của con người, sức mạnh của đoàn kết, nhờ đó mà đạo đức góp phần to lớn vào việc
quyết định sự thành bại của cách mạng nước ta. việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức
cách mạng cho tuổi trẻ là nhằm giúp họ trở thành những công dân tốt, người lao
động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ xứng đáng của đất nước và là người cách
mạng chân chính… Đó là những con người “vừa có đức, vừa có tài” hay “vừa hồng,
vừa chuyên”. Giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên nhằm hướng tới
mục tiêu đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng cống hiến hết mình để bảo vệ sự
bình yên cho Tổ quốc, cho Nhân dân, xây dựng và phát triển đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn
dặn: “Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức
cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải
phóng loài người”.
Thực
hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta coi công tác thanh
niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự
thành bại của cách mạng. Vì vậy, Đảng thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng,
đào tạo, phát triển toàn diện thế hệ trẻ cả về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối
sống, văn hóa, sức khỏe và nghề nghiệp. Đồng thời tạo mọi điều kiện để thanh
niên có việc làm, phát huy tài năng của bản thân.
Nhận
được sự quan tâm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay thế hệ trẻ Việt Nam
được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục ngày một tốt hơn; thanh niên luôn tin tưởng
vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển đất nước, sống có trách nhiệm
với Tổ quốc, gia đình và bản thân, có ước mơ, hoài bão, kiến thức, kỹ năng, sức
khỏe tốt, tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm; có
nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sống có trách nhiệm với xã hội và cống hiến cho Tổ quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn thế hệ trẻ:
“Phải không sợ khổ, không sợ khó”, thực hiện khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có;
Việc gì khó, có thanh niên”. Lời dạy ấy nhắc nhở mỗi bạn trẻ về trách nhiệm với
xã hội, với đất nước. Tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên đã và
đang được thể hiện qua các hoạt động thiện nguyện, bảo vệ môi trường, phòng chống
thiên tai, dịch bệnh… Những hành động ấy đã và đang tiếp nối truyền thống yêu
nước, cống hiến hết mình vì cộng đồng của bao thế hệ cha anh và luôn khắc ghi lời
dạy: “Nhiệm vụ của thanh niên
không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì
cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích nước lợi nhà nhiều hơn? Mình đã vì
lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”
Tuy Bác đã đi xa, nhưng những lời dạy của Bác đối
với thế hệ thanh niên nước nhà vẫn còn nguyên giá trị, mãi mãi là kim chỉ nam
cho thế hệ thanh niên Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước giàu đẹp, văn
minh.
Chi đoàn BQL các di tích Quốc gia đặc
biệt tỉnh Cao Bằng tổ chức thiện nguyện tại trường Tiểu học Nội Thôn – Điểm trường
Làng Lỷ.
Hòa cùng nhiệt huyết của thanh niên Việt
Nam – những con người đang ngày đêm không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện bản
thân, trau dồi đạo đức, lối sống trong sáng, có trách nhiệm với cộng đồng, cống
hiến cho Tổ quốc và mang trong mình lý tưởng cao đẹp, hướng tới chào mừng Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2025), đoàn viên Chi
đoàn Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng luôn đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tham
gia các phong trào thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tổ chức các buổi thiện
nguyện, bảo vệ môi trường, không ngừng học hỏi tích lũy tri thức để góp phần
xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc
năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn./.
Hoàng Thị Quỳnh (ST)