image banner
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) là điểm đầu Km0 đường Hồ Chí Minh nằm sát biên giới Việt Nam - Trung Quốc, cách thành phố Cao Bằng khoảng 50 km theo tỉnh lộ 203. Pác Bó theo tiếng địa phương nghĩa là miệng nguồn hay đầu nguồn. Pác Bó cũng là "đầu nguồn" của cách mạng Việt Nam, nơi đây đã gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam giai đoạn 1941-1945. Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, ngày 10/5/2012, Khu di tích lịch sử Pác Bó được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Các điểm di tích Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, diện tích rộng trên 295ha, có 46 điểm di tích lớn nhỏ tạo nên một tố hợp các điểm di tích. Các điểm di tích được phân bố thành từng cụm di tích, bao gồm:

1. Cụm di tích khu vực đầu nguồn

- Hang Cốc Bó (tiếng địa phương có nghĩa là "đầu nguồn") rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ một người đi vừa. Đây là nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 08/02/1941 đến trung tuần tháng 3/1941.. Trong hang hiện còn lưu giữ dòng chữ Hán do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khắc lên vách đá để ghi nhớ ngày Người chuyển vào hang ở, đó là "Nhất cửu tứ nhất niên nhị nguyệt bát nhật" (tức ngày 8/2/1941); một chiếc giường đơn sơ được ghép từ mấy tấm phản – nơi Bác và các đồng chí cán bộ nghỉ ngơi; một bếp lửa nhỏ Bác dùng để sưởi ấm trong nhưng đêm đông giá lạnh.

anh tin bai

Di tích Hang Cốc Bó

- Nhà ông Lý Quốc Súng: Là ngôi nhà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ở khi mới trở về Tổ quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28/01 đến ngày 07/02/1941). Ngôi nhà được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn ở địa phương. Năm 2019, Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng đã tiến hành phục dựng lại ngôi nhà theo đúng kiểu dáng ngôi nhà của gia đình ông Lý Quốc Súng năm xưa.

anh tin bai

Di tích Nhà ông Lý Quốc Súng

 - Vườn trúc: Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng lưu niệm ngày 20/2/1961trong chuyến thăm Pác Bó, Cao Bằng sau 20 năm xa cách. Vườn trúc hiện nay vẫn được bảo tồn và chăm sóc thường xuyên.

anh tin bai

Di tích Vườn trúc

- Bếp nấu cơm: Bếp phục vụ Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người sống và hoạt động tại Pác Bó.

anh tin bai

Di tích Bếp nấu cơm

- Cây ổi: Thời gian Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở đây thường lấy lá và búp ổi đun lấy nước uống thay chè. Sau này, cây ổi đã chết, gốc cây được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Pác Bó. Khu di tích Pác Bó đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu phục hồi cây ổi đầu nguồn phục vụ khách tham quan.

- Khu vực đầu nguồn: Nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thường đi qua để sang làm việc tại bàn đá. Năm 1961, khi Người trở lại thăm Pác Bó, Người cùng các đồng chí cán bộ đi cùng đã ngồi nghỉ tại khu vực đầu nguồn kể chuyện về quãng thời gian Người sống và hoạt động cách mạng ở Pác Bó.

anh tin bai

Khu vực đầu nguồn Suối Lê nin

 - Bàn ghế đá: Nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc làm việc, dịch các tài liệu quan trọng thời kỳ Người ở trong hang Cốc Bó.

anh tin bai

Di tích Bàn ghế đá

- Hang Lũng Lạn: Nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở và làm việc trong khoảng cuối tháng 3/1941.

- Hang Ngườm Vài: Nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp hướng dẫn và kết nạp Đảng cho đồng chí Nông Thị Trưng năm 1941.

- Cột mốc 108 (nay là cột mốc số 675): Nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam ngày 28/01/1941. Đây là một trong 314 cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Quốc xưa, được làm bằng đá tảng nguyên khối, hình bầu dục, cao khoảng 70x50 cm, bên trên khắc nội dung bằng tiềng Trung và tiếng Pháp. 

anh tin bai

Cột mốc 108

2. Cụm di tích Khuổi Nặm

- Lán Khuổi Nặm: Nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuyển từ hang Lũng Lạn đến ở vào cuối tháng 3/1941 và là nơi Người ở lâu nhất trong thời gian Người sống và làm việc tại Pác Bó. Nơi đây đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5/1941). Lán được dựng theo kiểu nhà sàn dân tộc, với 2 gian nhỏ, có diện tích khoảng 12m.

anh tin bai

Di tích Lán Khuổi Nặm

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các đồng chí cán bộ đã làm thêm cho Người hai lán nữa (lán Khuối Nặm II và III).

- Hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu: Địa điểm được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sử dụng làm hòm thư bí mật và cất giấu tài liệu, giai đoạn 1941 - 1945.

3. Cụm di tích Bó Bẩm

- Suối Lê Nin, núi Các Mác: Những ngày đầu mới về nước, khi quyết định chọn hang Pác Bó làm nơi ở và làm việc, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt tên cho dòng suối trước cửa hang là suối Lênin, ngọn núi bên dòng suối là núi Các Mác. Những cái tên Bác đặt thể hiện tư tưởng, đường lối cách mạng của Người: lấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam. Tại khu vực này, tháng 9/1969, nhân dân Cao Bằng đã tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

anh tin bai

Suối Lê Nin, Núi Các Mác

 - Nhà ông Dương Văn Đình: Là nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thường xuyên nói chuyện về cuộc sống của nhân dân, nỗi khổ của người dân mất nước, tuyên truyền về cách mạng. Trong chuyến thăm Pác Bó, Cao Bằng năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự bữa cơm thân tình và chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình ông Dương Văn Đình.

4. Các điểm lưu niệm tại khu trung tâm

- Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh: Được xây dựng theo mô hình nhà sàn dân tộc. Tượng Bác trong Đền thờ được đúc bằng đồng; bốn bức tường là bốn bức phù điêu bằng đá thể hiện từng thời kỳ tiêu biểu gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức hoành phi và câu đối do Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu phụng thảo. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi tưởng nhớ, khắc ghi công lao to lớn của Người đối với dân tộc; đồng thời cũng là nơi để nhân dân thể hiện lòng tôn kính đối với vị Lãnh tụ muôn vàn kính yêu, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước đối với mọi thế hệ người Việt Nam.

anh tin bai

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh

- Nhà trưng bày: Nơi trưng bày, giữ gìn và phát huy những hiện vật, tài liệu, di tích liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng; giới thiệu rõ vai trò, vị trí của căn cứ địa Cao Bằng thời kỳ tiền khởi nghĩa; nêu bật những tình cảm sâu đậm của nhân dân các dân tộc Cao Bằng đối với Bác Hồ.

 - Khu ruộng Nà Chang: Có diện tích khoảng 5.000m', là nơi mít tinh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với nhân dân Pác Bó ngày 20/2/1961.

anh tin bai

Nhà Trưng bày Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó

- Nền nhà ông La Thanh: Là cơ sở cách mạng quan trọng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây là nơi đón tiếp các đại biểu toàn quốc về dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hiện nay, di tích chỉ còn lại nền nhà cũ, diện tích rộng 131m', đã được cắm bia giới thiệu di tích.

- Khu ruộng Goọc Mu: Tại đây, ăm 1940, nhân dân thôn Pác Bó đã cắt máu ăn thề, nguyện suốt đời đi theo cách mạng.

5. Cụm di tích Kim Đồng

Kim Đồng (1929-1943) tên thật là Nông Văn Dền, dân tộc Nùng, sinh năm 1929 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Nà Mạ (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Anh là đội trưởng của Đội Nhi đồng cứu quốc, tiền thân của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Ngày 15/2/1943, Kim Đồng đã hy sinh anh dũng khi đánh lạc hướng quân Pháp để bảo vệ an toàn cho cán bộ ta. Với những cống hiến trong quá trình hoạt động cách mạng, ngày 23/7/1997, Kim Đồng đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các điểm di tích Kim Đồng bao gồm:

- Khu mộ Kim Đồng: Nằm dưới chân núi Tèo Lài, thuộc làng Nà Mạ. Bên trái mộ Kim Đồng là mộ của mẹ Kim Đồng, chính giữa là tượng đài Kim Đồng và bức tường nghệ thuật, thể hiện ý nghĩa 14 mùa xuân của Kim Đồng.

anh tin bai

Khu mộ Anh Kim Đồng

- Hang Nộc Én: Nằm ở dãy núi Phja Đài, Phia U phía sau làng Nà Mạ. Tại địa điểm này, vào tháng 8/1942, Kim Đồng đã được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thông tin liên lạc, bảo vệ cách mạng.

- Pò Đoi - Thoong Mạ: Nơi thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc (ngày 15/5/1941), do Kim Đồng (Nông Văn Dền) là đội trưởng. Hiện nay, di tích đã được xây dựng nhà bia lưu niệm, ghi dấu sự kiện thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc và ghi danh những thành viên trong đội.

- Một số điểm di tích khác gắn với thời gian Kim Đồng hoạt động cách mạng như: Đầu cầu Nà Mòn, nơi Kim Đồng bị lính Pháp kiếm tra, xét hỏi khi làm nhiệm vụ; Hòn Thin Nghiễng, nơi Kim Đồng thường ngồi quan sát, canh gác, bảo vệ cách mạng; Đầu Phai Mục (Thua Phai Mục), nơi Kim Đồng bị thực dân Pháp bắn hy sinh rạng sáng ngày 15/2/1943...

Ngoài các cụm di tích trên, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó còn có các điểm di tích: Đỉnh dốc Kéo Già (đối diện trụ sở Ủy ban nhân dân xã Trường Hà), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng nghỉ chân vào ngày 20/2/1961 khi Người trở lại thăm Pác Bó; Ngã tư Đôn Chương, nơi Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (với bí danh "Già Thu") nhiều lần hóá trang thành thầy mo để đi lại hoạt động cách mạng từ Pác Bó xuống các châu Hòa An và Nguyên Bình. Hiện nay, di tích không còn nguyên trạng, chỉ còn bia ghi dấu.

Lương Hằng (TH)

 

Tin tức mới nhất
Video clips
image advertisement
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1