image banner
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng khoảng 40km. Các điểm di tích và cụm di tích nằm trên địa bàn 4 xã, thị trấn. Di tích Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 có giá trị đặc biệt quan trọng gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; gắn liền với sự trưởng thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg công nhân Di tích Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 là di tích Quốc gia đặc biệt.

1.Di tích cụm cứ điểm Đông Khê.

Cụm di tích cứ điểm Đông Khê phân bố trên địa bàn thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An bao gồm 9 điểm di tích: Di tích Đồn Đông Khê, di tích Đồn Pò Đình, di tích Đồn Pò Hẩu, di tích Nhà Phủ Thiện, di tích Đồn Nhà Thương, di tích Đồn Yên Ngựa, di tích Đồn Cạm Phầy, di tích Đồn Phia Khóa,  di tích sân bay Nà Cúm.

1.1. Di tích Đồn Đông Khê

Di tích Đồn Đông Khê nằm ngay trung tâm Thị trấn Đông Khê, cách thành phố Cao Bằng khoảng 40km, nằm ở cửa ngõ Đông Nam của tỉnh theo tuyến đường Quốc lộ 4A từ Thủ đô Hà Nội. Đồn có địa thế rất thuận lợi về giao thông và quân sự bởi từ đây có thể quan sát được các khu vực ngoại vi; đặc biệt, Đồn án ngữ ngay tuyến đường quốc lộ 4A về 3 hướng: Xuống Lạng Sơn, lên thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng), và sang huyện Phục Hòa. Thực dân Pháp đã cho xây dựng rất kiên cố, có hầm hào công sự, lô cốt; xung quanh Đồn được rào bằng dây thép gai; các cứ điểm được xây dựng trên các mỏm núi, đồi tạo thành một hệ thống liên hoàn chi viện, hỗ trợ nhau.

Di tích Đồn Đông Khê được phục dựng vào đầu những năm 2000 với các hạng mục được tôn tạo như Nhà trưng bày – nơi lưu giữ những tài liệu, hình ảnh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chiến dịch Biên giới năm 1950, nhà trại lính Pháp, lô cốt tháp canh, lô cốt phòng thủ số 1, lô cốt phòng thủ số 2, hầm ngầm phía Đông Bắc, hệ thống hàng rào dây thép gai,….

 

anh tin bai

Khách tham quan Nhà Trưng bày Cứ điểm Đông Khê

Hiện nay Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt đã tôn tạo, mở lối tham quan các di tích gốc còn sót lại như: Ụ súng, hầm ngầm phía Nam của Đồn, hầm ngầm phía Đông Nam, hầm ngầm phía Đông Bắc của Đồn.

anh tin bai

Lô cốt tháp canh của thực dân Pháp tại Đồn Đông Khê

Ngay bên cạnh di tích là Khu nghĩa trang huyện Thạch An với diện tích rộng hơn 2.000m2, nơi đây quy tập 321 mộ liệt sỹ hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có hơn 200 mộ liệt sỹ hy sinh trong Chiến dịch Biên giới 1950. Phía sau có Nhà bia tưởng niệm ghi tên các anh hùng liệt sỹ của huyện Thạch An.

1.2. Di tích Đồn Pò Đình

Đồn Pò Đình được xây dựng trên một quả đồi nằm ngay trên trục đường quốc lộ 4A (Thuộc khu 1, Thị trấn Đông Khê), cách Đồn Đông Khê 460m về phía Nam. là một trong những điểm ngoại vi quan trọng để bảo vệ vững chắc Đồn Đông Khê, Ngày 16/09/1950 Trung đoàn 209 tấn công từ Hướng Tây Nam chiếm được đồn lúc 21h và tiếp tục tấn công đồn Pò Hẩu. Hiện nay dấu tích đã không còn, vị trí địa điểm di tích nay là cơ quan Ban Chỉ huy quân sự huyện Thạch An cũ do vậy không tiến hành khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích. Trong quá trình tôn tạo Ban quản lý di tích chưa đặt được bia biển.

1.3. Di tích Nhà Phủ Thiện

Di tích Nhà Phủ Thiện cách Đồn Đông Khê khoảng 300m về phía Tây Nam. Trong trận đánh ngày thứ 2, Ngày 17/9/1950 quân ta tiếp tục tấn công đến 4h sáng, phía tây nam trung đoàn 209 chiếm Nhà Phủ Thiện. Di tích nhà Phủ Thiện nằm trên khu đất bằng phẳng (thuộc khu 4, thị trấn Đông Khê, vị trí di tích nằm ngay trước cửa bệnh viện đa khoa cũ huyện Thạch An ngày nay). Trong quá trình tôn tạo, bảo vệ di tích thì Ban quản lý di tích chưa đặt được bia biển.

1.4. Di tích Đồn Pò Hẩu

Di tích Đồn Pò Hẩu nằm cách Đồn Đông Khê khoảng 800m về phía Nam, di tích nằm trên dãy núi Pò Hẩu thuộc Khu Pò Hẩu, thị trấn Đông Khê, núi có độ cao khoảng 500m so với mực nước biển. Trên núi cây cối um tùm, rậm rạp. Phía trước Đồn là cánh đồng bằng phẳng. Từ vị trí này quan sát được một vùng rộng lớn nên thực dân Pháp đã chọn địa điểm này để đóng quân. Đây là đồn ngoại vi thứ 2 mà trung đoàn 209 đánh chiếm được trong ngày 16/9/1950 sau khi ta đánh chiếm được đồn Pò Đình lúc 21h. Hệ thống công sự trên núi hiện nay đã không còn, cảnh quan di tích vẫn còn nguyên vẹn chưa bị xâm hại. 

1.5. Di tích Đồn Nhà Thương

Di tích Đồn Nhà Thương nằm trên quả đồi (thuộc tổ dân phố 3, thị trấn Đông Khê) có độ cao khoảng 440m so với mực nước biển, cách Đồn Đông Khê khoảng 300m về phía Tây Bắc. Từ trên đỉnh di tích ta có thể quan sát được một vùng rộng lớn đặc biệt thấy rất rõ khu vực sân bay Nà Cúm. Trên đồi là nơi thực dân Pháp đóng đồn trú quân. Phía dưới chân đồi là nhà thương của thực dân Pháp, xung quanh cây cối rậm rạm. Đây là một trong những đồn bốt kiên cố của Thực dân Pháp trong Cụm cứ điểm Đông Khê, đã bị quân ta đánh chiếm được trong đêm ngày 17/9/1950. Hiện nay tại địa điểm di tích Đồn nhà thương chỉ còn sót lại đá xây Đồn. Địa điểm di tích là nơi đặt Đài truyền hình huyện Thạch, Ban quản lý di tích chưa đặt được bia biển.

1.6. Di tích sân bay Nà Cúm

Di tích sân bay Nà Cúm là cánh đồng rộng lớn, bằng phẳng, phía sau cánh đồng là các dãy núi thấp. Khu vực sân bay hiện nay thuộc xóm Nà Báng và xóm Nà Luồng, thị trấn Đông Khê, cách Đồn Đông Khê khoảng 900m về phía Tây Bắc. Do nơi đây là cánh đồng rộng nên được thực dân Pháp chọn làm Sân bay. Tháng 5/1950 ta mở chiến dịch Phan Đình Phùng đánh cứ điểm Đông Khê (trận đánh Đông Khê lần thứ nhất) địch tái chiếm và củng cố lại hệ thống cứ điểm kiên cố, vững chắc hơn và ở phía Tây Bắc địch đã san ủi cánh đồng Nà Cúm rộng lớn để làm sân bay dã chiến phục vụ chiến đấu. Hiện nay không còn dấu tích, nhân dân địa phương đang canh tác, sản xuất nông nghiệp. Khu vực của di tích này rất rộng nên chưa thể khoanh vùng khu vực bảo vệ và chưa đặt được bia biển.

1.7. Di tích Đồn Yên Ngựa

Đồn Yên Ngựa cách di tích Đồn Đông Khê đi về phía Bắc khoảng 01km. Đồn Yên Ngựa nằm trên dãy núi Phja Cá thuộc xóm Trang Khuyên, thị trấn Đông Khê có hai ngọn núi liên tiếp giống hình Yên Ngựa nên địa phương gọi là núi Yên Ngựa. Đây là ngọn núi đá vôi có độ cao khoảng 578m so với mực nước biển. Phía trước ngọn núi là xóm Trang Khuyên, từ vị trí này có thể quan sát được một vùng rộng lớn nên thực dân Pháp đã chọn địa điểm này để đóng quân. Sáng ngày 16/9/1950 quân ta tiến hành bao vây, đánh địch tại Đồn Yên Ngựa, 9 giờ sáng cùng ngày chiếm được Đồn. Hệ thống công sự trên núi hiện nay đã không còn, cảnh quan di tích vẫn còn nguyên vẹn chưa bị xâm hại. Trong quá trình tôn tạo Ban quản lý di tích chưa đặt được bia biển.

1.8.  Di tích Đồn Cạm Phầy

Di tích Đồn Cạm Phầy nằm trên đồi Cạm Phầy (thuộc khu I, thị trấn Đông Khê). Cách Đồn Đông Khê khoảng 275m về phía Đông Bắc, trên đồi cây cối rậm rạp, um tùm. Di tích nằm ngay sát chân Đồn Đông Khê, có độ cao 494m so với mực nước biển. Là nơi quân ta bố trí trận địa bao vây quân Pháp ngày 16/9/1950 đến 4h sáng ngày 18/9 quân ta chiếm được Đồn. Hiện nay Đồn đã không còn dấu tích và trong quá trình tôn tạo Ban quản lý di tích chưa đặt được bia biển.

1.9. Di tích Đồn Phia Khóa

Từ di tích Đồn Đông Khê theo đường 208 đi Phục Hòa khoảng 150m rẽ phải đường vào chợ mới khoảng 60m, sau đó rẽ trái theo chân dãy núi Phia Khóa đi khoảng 300m thì đến di tích Đồn Phja Khóa. Di tích đồn cách Đồn Đông Khê đi về phía Đông khoảng gần 400m (Thuộc xóm Đoỏng Lẹng, thị trấn Đông Khê). Đồn Phia Khóa là ngọn núi đá lớn với nhiều cây cối um tùm, có độ cao khoảng 500m so với mực nước biển. Đồn án ngữ trên trục đường đi Phục Hòa - đường 4 và Thị trấn Đông Khê. Đây là nơi đề kháng tiền tiêu án ngữ phía đông bảo vệ cụm đồn bốt chính Đông Khê. Sáng ngày 16/9/1950 quân ta tiến hành bao vây, đánh địch tại Đồn Phja Khóa đến 10h30 phút chiếm được Đồn. Hiện nay hệ thống công sự trên núi không còn, cảnh quan di tích vẫn còn nguyên vẹn chưa bị xâm hại. Trong quá trình tôn tạo Ban quản lý, di tích chưa đặt được bia biển.

2. Cụm di tích Khau Luông, Xã Đức Xuân, huyện Thạch An.

Di tích Khau Luông nằm trong dãy núi Khau Luông, thuộc xóm Pác Khoang, xã Đức Xuân, huyện Thạch An. Từ Thị trấn Đông Khê  theo đường quốc lộ 4A về phía Nam đi khoảng 3km thì đến di tích Khau Luông nơi diễn ra trận đánh từ ngày 02 đến ngày 03/10/1950, đây là một trong những trận đánh vận động điển hình quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử kháng chiến chống Pháp.

Khau Luông (có nghĩa là núi lớn) là một quả núi lớn cao với 4 ngọn đồi nhọn nằm ngay bên đường số 4A, có độ cao hơn 600m so với mực nước biển. Đỉnh Khau Luông là đỉnh cao có tầm bao quát rộng từ đây có thể quan sát được xe từ trên Cao Bằng xuống và xe từ Lạng Sơn lên. Từ trên đỉnh cao theo hướng bản đồ có thể quan sát rất rõ hướng Bắc là thị trấn Đông Khê; hướng Đông là cánh rừng thị trấn Đông Khê; hướng Tây là mỏm Phia Hẩu, dưới chân Phia Hẩu là đường quốc lộ số 4 bên kia đường số 4 là cánh đồng Pác Khoang có dòng suối chảy qua; hướng Nam là cánh đồng Nà Pá và Tục Ngã. Khau Luông có địa hình núi phức tạp, chỗ cây cối rạm rạp. Chiếm được Khau Luông tức là khống chế được cả một vùng khá rộng lớn bên đường số 4A. Hiện nay, trên đỉnh núi Khau Luông vẫn còn nhiều dấu tích hệ thống hào công sự với kích thước sâu 80cm – 1m; rộng 60cm-80cm.

3. Di tích Cốc Xá – điểm cao 477.

Cụm di tích địa điểm Cốc Xả - điểm cao 477 nơi diễn ra trận then chốt thứ 2 diễn ra cuối đợt 2 chiến dịch Biên giới 1950 (từ 04- 08/10/1950). Trận đánh giành thắng lợi ta tiêu diệt 2 trung đoàn tinh nhuệ bậc nhất ở chiến trường Bắc Bộ đó là trung đoàn Lơ Page ở Cốc Xả và Trung đoàn Charton ở điểm cao 477.

Cụm di tích này gồm:

Di tích Cốc Xá thuộc xóm Nà Pi. Là dãy núi cao lởm chởm đá tai mèo dưới có khe sâu thẳm cách đường số 4 khoảng 4km về phía Tây; cách thị trấn Đông Khê khoảng 6km về phía Tây Nam. Đây là khu vực địa hình rừng núi hiểm trở, có thung lũng, lòng chảo với núi đá vôi dốc đứng bao quanh có độ cao trung bình từ 400 – 800m; có những hẻm núi, mỏm đá có thể bố trí một khu phòng thủ với hỏa lực nhiều tầng, nơi đây còn có một số hang để làm nơi trú ẩn. Từ dãy núi đá đi xuống thung lũng Cốc Xả chỉ có một con đường duy nhất nằm giữa hẻm núi.  Phía Nam khu núi đá Cốc Xả dài gần 2km, gồm 07 mỏm núi đá tai mèo cây cối rậm rạp, có nhiều hang hốc; phía Đông Bắc Cốc Xả địa hình thoải, nối liền với các điểm cao trên 700m tiện cho ta triển khai lực lượng; phía Nam và Đông Nam Cốc Xả độ dốc lớn chỉ có một con đường độc đạo chạy men theo sườn núi; phía Tây Bắc Cốc Xá là dãy núi Quang Liệt, 477 gồm các điểm cao nối tiếp nhau hình thành nhiều yên ngựa dốc thoải chạy dài theo hướng Bắc Nam.

 Ngày 3/10 Lơ-pa-giơ đứng chân ở đây nhưng khi chuyển vào khu vực núi đá, y đã quên để lại lực lượng bảo vệ ở vị trí này do vậy ta đã nhanh chóng chiếm khu vực này bít kín con đường chạy xuống thung lũng.

Di tích điểm cao 477 (thuộc xón Nà Vài), nằm ở phía Tây Bắc Cốc Xả, trong dãy núi Quang Liệt (nay là núi Trọng Con) di tích còn có tên gọi khác là núi Qui Chạn hay núi Quý Chân, dân địa phương gọi là Cạm Kiệu. Nơi đây gọi là điểm cao 477 là vì điểm cao này có 5 ngọn nối tiếp nhau trong đó có 3 ngọn cùng cao hơn mặt biển 477m. Điểm cao 477 gồm 17 mỏm từ Nặm Nàng xuống đến Bản Ca, cách Đông Khê về phía Đông Bắc khoảng 8km, cách đường số 4 về phía Đông khoảng 6km, cách Thất Khê 20km về phía Tây Bắc. Phía Nam có nhiều điểm cao, độ cao trung bình từ 200m; Phía Tây là suối Khuổi Cao chảy qua Bản Ca; Phía Đông là dãy đồi cỏ tranh có độ cao trung bình 400m, nối liền với dãy núi đá Cốc Xả rất thuận lợi cho việc triển khai lực luợng. Hiện nay trên đỉnh điểm cao 477 hiện nay vẫn còn nhiều dấu tích hệ thống hào công sự.

4. Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950 thuộc địa phận xóm Bản Mới và xóm Bản Pò, xã Đức Long, huyện Thạch An (Cao Bằng). Được khánh thành năm 2004 với các hạng mục được xây dựng như: Khu nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích nhà Sở chỉ huy chiến dịch, di tích Đài quan sát của Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Ngoài ra, các di tích được đặt bia ghi dấu sự kiện lịch sử như: Di tích Hang Tác chiến, di tích Hang Thông tin, di tích Hang Quân báo, di tích Đồn Nà Lạn, di tích Hang Không Hẩu.

4.1.  Khu Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

 Khu nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên trục đường từ trung tâm huyện Thạch An đi cửa khẩu Đức Long. Nhà tưởng niệm được thiết kế theo dáng dấp kiến trúc nhà sàn hiện đại nằm trong khuôn viên rộng 5158,7m2 là nơi để tổ chức nghi lễ dâng hương, dâng hoa và trưng bày một số hình ảnh, tài liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiến dịch Biên giới năm 1950.

anh tin bai

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950

4.2. Di tích Đồn Nà Lạn

Di tích Đồn Nà Lạn thuộc xóm Bản Mới, xã Đức Long, huyện Thạch An. Từ trung tâm Khu nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi khoảng 200m theo đường đi cửa khẩu Đức Long là tới di tích.

Đồn Nà Lạn có diện tích khoảng 2.711,6m2 nằm sát trục đường đi lại vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Từ đây ra biên giới chỉ cách khoảng hơn 01km qua cột mốc số 21 (nay là cột mốc số 958) là xóm Bó Cục, trấn Hạ Đống, huyện Long Châu – Trung Quốc. Phía trước và sau của Đồn là dãy núi đá vôi bao bọc tạo nên một con đường độc đạo đi qua trước cửa Đồn. Đây là một vị trí chiến lược quan trọng, nhằm khoá chặt mối quan hệ Việt – Trung để dễ bề kiểm soát cai trị nhân dân ta và dẹp bọn thổ phỉ ở biên giới. Đây là một nhà đồn kiên cố được Thực dân Pháp xây dựng bằng bê tông cốt thép dày đặc. Trong và sau thời gian diễn ra chiến dịch Biên giới 1950, đồn Nà Lạn đã được lực lượng cách mạng Việt Nam sử dụng làm nơi giam giữ tù binh bị bắt trong chiến dịch. Sau trận đánh cứ điểm Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới đây gặp nói chuyện với tù binh Pháp bị bắt trong trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê.

Hiện nay di tích đồn Nà Lạn không còn, chỉ còn sót lại tảng đá khối bê tông tường trên nền nhà cũ dài 690cm, cao 135cm, tường dày 50cm và tại địa điểm đồn Nà Lạn đặt bia biển ghi dấu di tích.

 

4.3. Di tích Hang Không Hẩu

     Di tích Hang Không Hẩu thuộc xóm Bản Mới, xã Đức Long, huyện Thạch An. Từ trung tâm Khu Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi theo đường đi cửa khẩu Đức Long khoảng 800m rẽ trái theo đường ô tô đi xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa khoảng 300m rẽ phải đến chân núi Không Hẩu là tới di tích Hang Không Hẩu. Đây là nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Biên giới thắng lợi. Đồng thời, Hang Không Hẩu là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng chiến dịch và các đồng chí lãnh đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch, đã tiếp nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm giành thắng lợi chiến dịch.

         Hang Không Hẩu là một mái đá nhô ra không rộng chỉ đủ vài người kê làm chỗ ở và đặt cái bàn sạp tre mà còn phải làm mái che ra thêm bằng mái gianh. Từ ngoài vào nhìn không thấy rõ hang vì xung quanh toàn cỏ cây tự nhiên um tùm. Phía trước hang nhìn xuống khoảng 30m lán lớp học bình dân học vụ của nhân dân địa phương được dựng trên đám đất bằng phẳng. Trong thời gian diễn ra chiến dịch Biên giới 1950 cả hang Không Hẩu và Lán bình dân học vụ đã trở thành nơi sinh hoạt ở của bộ đội phục vụ Bác, bảo vệ Bác. Lán nhỏ và rất đơn sơ chỉ được dựng bằng cách chôn cột xuống đất, hai mái lập gianh. Xung quanh lán được rào cây, quây bằng gắp gianh, lá cây cáp tao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại lán ngày từ ngày 15/9/1950.

          4.4. Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới năm 1950

Từ trung tâm cụm di tích đi ngược lại theo đường cửa khẩu Đức Long khoảng 200m, rẽ phải vào theo đường nông thôn mới 700m, rẽ trái vào xóm Cốc Đứa là tới di tích nhà Sở Chỉ huy Chiến dịch. Ngày 13/9/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch chuyển cơ quan Sở Chỉ huy từ xã Quốc Phong, huyện Quảng Hòa đến xã Đức Long, huyện Thạch An để trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới 1950. Sở Chỉ huy được đặt tại nhà ông Vi Văn Cắm (xóm Cốc Đứa),  đây là trung tâm chỉ huy trực tiếp ngoài mặt trận của chiến dịch (Sở Chỉ huy tiền phương). Tập trung cơ quan đầu não của Bộ Chỉ huy Chiến dịch bàn bạc, quyết định trận đánh mở màn Chiến dịch Biên giới (16/9/1950)tập trung mọi thông tin liên lạc của các trận đánh. Sáng 16/9/1950 tại Sở Chỉ huy tiền phương, đồng chí Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đã gửi điện đến toàn bộ mặt trận trước giờ nổ súng.

Chính tại đây, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định đưa Bác lên đài quan sát trên đỉnh núi Báo Đông (16/9/1950) để theo dõi, chỉ huy chiến dịch theo yêu cầu của Người. Sau chiến dịch Biên giới ngôi nhà đã không còn. Năm 2004, di tích được tôn tạo, xây dựng trên nền đất của gia đình ông Vi Văn Cắm. Ngôi nhà được xây dựng với kiểu kiến trúc nhà sàn; lợp ngói ba gian với diện tích 357m2. Nhà chia làm 2 phần, dưới sàn được đổ cột bê tông sơn giả gỗ với 16 cột; sàn và vách, lan can làm gỗ Lim và ván Nong lụa.

anh tin bai

Di tích Nhà Sở chỉ huy Chiến dịch Biên giới năm 1950

Di tích Hang Tác Chiến

 Từ nhà Sở Chỉ huy chiến dịch rẽ trái ra phía sau khoảng 10m là đến di tích Hang Tác Chiến. Đây là nơi thường trực làm việc của Ban Tác Chiến. Hang có một mái đá, lòng hang rộng 5,2m, sâu 10m. Không gian trước cửa hang khá rộng rãi, từ trong hang nhìn ra thấy rõ quang cảnh xóm Cốc Đứa (Bản Pò) và nhà Sở Chỉ huy chiến dịch.

 

anh tin bai

Di tích Hang tác chiến

Di tích Hang Quân Báo

Từ Hang Tác Chiến rẽ tay trái đi khoảng 50m đến di tích Hang Quân báo. Đây là nơi ở và làm việc của Ban Quân Báo trong Chiến dịch Biên giới do đồng chí Cao Pha làm Trưởng Ban. Hang nhỏ, chỉ có một đoạn mặt phẳng sâu vào chân núi đá, được che chắn bởi một mái đá khá lớn, xung quanh cây cối rậm rạp, đảm bảo bí mật. Năm 2004 trong quá trình tôn tạo lại di tích, đồng chí Cao Pha đã quay trở lại đây để xác định vị trí của hang.

Di Tích Hang Thông Tin

Từ di tích Hang Tác Chiến rẽ phải đi khoảng 100m đến di tích Hang Thông Tin. Hang cao 2m, rộng 15m2, nằm sâu dưới lòng đất, phía trên là khối đá lớn đã phủ kín rêu xanh. Để đi xuống đến hang phải qua một cửa hang nhỏ. Nơi đây là tổng đài thông tin, đảm bảo được yếu tố bảo mật và an toàn tuyệt đối thông tin trong chiến dịch. Vị trí của các hang được bố trí rất gần nhau, thuận tiện cho việc kịp thời thống nhất chỉ đạo.

4.5. Di tích Đài quan sát của Bộ chỉ huy chiến dịch

          Từ di tích Sở Chỉ huy chiến dịch đi khoảng hơn 01km lên đến di tích Đài quan sát của Bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới năm 1950 – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát và chỉ đạo trận đánh Cứ điểm Đông Khê ngày 16/9/1950. Di tích thuộc xóm Bản Pò, xã Đức Long, huyện Thạch An.

Đài quan sát của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới năm 1950 được đặt tại đỉnh núi Báo Đông. Từ đỉnh núi, theo đường chim bay chỉ cách Biên giới với Trung Quốc khoảng 02 km, cách thị trấn Đông Khê khoảng 10km. Sáng ngày 16/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Đài quan sát theo dõi và chỉ đạo trận đánh Cứ điểm Đông Khê – trận đánh mở màn cho chiến dịch Biên giới năm 1950. Đài quan sát chiến dịch hướng về phía Tây, dưới là vực sâu phóng tầm mắt ra xa là thị trấn Đông Khê - Đồn Đông Khê nơi diễn ra trận đánh mở màn chiến dịch. Phía sau vị trí của Đài quan sát là hướng Đông phía dưới là thung lũng xóm Bản Pò (nơi đặt Sở Chỉ huy chiến dịch), xa hơn nữa là biên giới Việt-Trung. Hướng Bắc là hướng địa phận huyện Phục Hòa. Hướng Nam là hướng thuộc địa phận huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.  

Từ đỉnh núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi tình hình chung của trận đánh qua ống nhòm, quan sát những vị trí máy bay địch lao xuống bắn phá rồi đối chiếu với bản đồ. Trong khoảnh khắc Người đang chăm chú theo dõi trận đánh bằng ống nhòm, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Năng An đã ghi lại bức ảnh lịch sử “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát  và chỉ đạo trận đánh Cứ điểm Đông Khê ”. Năm 2004, di tích Đài quan sát của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới năm 1950 được đầu tư xây dựng, Cụm tượng trên đỉnh núi mô phỏng theo bức ảnh của nhiếp ảnh gia Vũ Năng An, làm bằng vật liệu compozit giả đồng, cao 2,18m, nặng 418 kg, cột bê tông cốt thép, toàn bộ bức tượng đặt trên bệ đá ốp gạch lát hoa.

anh tin baiCụm tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát, chỉ đạo Chiến dịch Biên giới năm 1950 trên đỉnh núi Báo Đông

 

Chu Mã Thị Nguyện (TH)

 

Tin tức mới nhất
Video clips
image advertisement
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1